Hiền Trang: Tuổi 20 dưới những giấc mơ hoang đường

Thứ Sáu, 03/06/2022, 14:11

Nghệ sĩ là người có thể tiêu hóa hết mọi "chất độc", từ đó thai nghén nên những tác phẩm để đời. Hiền Trang là một nhà văn như thế. "Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa" là tác phẩm kết tinh từ những giấc mơ, ký ức, lạc lối ở lưng chừng tuổi trẻ.

Tuổi trẻ là một khối băng

Nhà văn Dostoevsky trong tác phẩm "Hồi ký dưới hầm" từng bảo "Con người thỉnh thoảng, bằng một tình cảm phi thường và nồng nhiệt, họ yêu sự đau khổ: đó chính là sự thật". Chúng ta những tưởng tự do nhưng hóa ra luôn là kẻ bị ràng buộc bởi quá khứ, bởi giấc mơ, bởi ma lực của những u mang, cô quạnh. Con người vốn cô đơn. Con người bị xé đôi để kiếm tìm một tình yêu đã mất. Và nghệ sĩ là người lôi ra những câm nín, những khoảng lặng, những bối rối được gói ghém rất kỹ đổ lên trang giấy. 

"Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa" là tập truyện được viết từ những khoảng lặng như thế. Ở tuổi đôi mươi, người trẻ mắc kẹt giữa ước mơ và hiện thực, đó có thể là sự nức nở của một chàng trai 18 tuổi khi giấc mơ bị phong kín; là nỗi ám ảnh về cái chết trong chuyến xe đến địa phủ; là dòng hoài niệm trong những lọ ký ức đem bán; là lời tự vấn giữa màu vàng trong tranh của Vincent Van Gogh với chính ông; là nỗi cô đơn của một vầng trăng khuyết; và là khát khao được tìm thấy dưới cánh đồng dâu tây với những tinh cầu chẳng bao giờ thành sự thật.

ảnh 1 - chân dung nhà văn hiền trang.jpg -0
Tác giả trẻ Hiền Trang.

Những gì một tác giả nên làm có vẻ thật đơn giản: viết những câu chuyện của mình theo cách của chính mình. Cách của Hiền Trang là cách của người kể chuyện ở thành thị, cùng với cái cách mà cô đã thân thuộc, là cách kể chuyện của những tác giả đi cùng cô suốt tuổi thiếu niên. Người kể chuyện phải quan sát, phải lắng nghe cuộc đời gõ vào tai mình những giai âm trầm bổng để từ đó tấu lên bản nhạc của riêng mình.

Đâu đó trong thế giới của "Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa" ta thoáng bắt gặp dáng dấp thành thị, nơi có những tòa nhà cao vút, ánh sáng lộng lẫy, người xe tấp nập, đô thị phồn hoa. Trang từng bảo người thành thị rất cô đơn, thứ cô đơn mặc định là xa xỉ, phù phiếm, viển vông ấy luồn vào vết nứt của hiện tại, gặm nhấm cuộc đời người trẻ trong chính quãng đôi mươi đầy mộng ước. Đứng giữa thành phố rộng lớn nhưng họ chẳng có ai bầu bạn, như anh cảnh sát số 233 trong "Trùng Khánh sâm lâm" gọi tất cả bạn bè ở giữa Hồng Kông nhưng chẳng có ai lắng nghe anh.

Cô đơn và nỗi buồn là hai chiếc lò rực lửa, còn tuổi trẻ là một khối băng. Nếu đến quá gần chúng thì sẽ bị hóa hơi. Thế nhưng Hiền Trang không trốn chạy, cô hiểu rằng thanh xuân rồi cũng sẽ biến tan, cô đơn và nỗi buồn chỉ là nguyên liệu chưng cất nên sự trưởng thành sau tuổi trẻ. Trang để nỗi cô đơn lặn vào từng trang giấy như lớp giai âm khởi phát từ cây hồ cầm thấm lan qua màng nhĩ. Nhưng khác với một nghệ sĩ chơi đàn, viết là cách để nhà văn khỏa lấp sự trống rỗng ấy bằng những con chữ, những khoảng trắng, những dấu câu.

Lời tự bạch của cái chết

Lời tự bạch thứ nhất chính là những giọt nước mắt. Trong truyện "Giấc mộng đêm hè", chàng thanh niên nức nở vì một Hướng Dương đã mất, giọt nước mắt là điếu văn tiễn biệt mối tình mộng tưởng anh dành cho nàng. Vì có điều gì đó mà những người khác không thể nói nên văn chương xuất hiện, "lôi ra những câm lặng và cả những thứ đã bị diễn đạt sai để nắn chỉnh lại cho đúng, hoặc chí ít là cho bớt sai đi". Lúc cơn mưa hiện thực nhào đổ, nhà văn sẽ quẳng đi chiếc ô, để mình trần trụi và ướt sũng. Để liền sau đó anh ta sẽ viết một điếu văn về sự oan trái của những giấc mơ. Khi giấc mơ không còn, niềm tin bị rút cạn, anh chết.

Lời tự bạch thứ hai của truyện chính là cái chết của những giấc mơ. Trong truyện ngắn "Cửa tiệm mua trái tim, ký ức và giấc mơ", chàng trai 18 tuổi đến khu chợ Xám, gặp cô nhân viên có đôi mắt màu nâu khói rồi phát giác ra tình cảm đang nảy mầm trong lòng mình. Nhưng thay vì để những xúc cảm bật ra khỏi môi thì cậu lại im lặng. "Nếu dưới 20, đừng bán giấc mơ. Đừng bán cái gì cả khi cậu dưới 20 tuổi". Thế mà chàng trai đã bán sạch giấc mơ, ký ức và trái tim với giá 1 triệu. Cậu đặt cược tất cả tài sản của mình vào hạnh phúc, cậu nghĩ tiền sẽ giúp mình thoát khỏi những vòng luẩn quẩn tuổi đôi mươi. Nhưng hạnh phúc là một canh bạc nghiệt ngã, cậu thành kẻ trắng tay. Giấc mơ du mục trên những cung đường Phi Châu đã mất, tình yêu không còn, chỉ còn dăm lọ ký ức rẻ rúng và cũ kỹ.

Thế giới của Hiền Trang luôn là một ly latte được chưng cất và tạo hình như thế: lớp cafe nâu sánh là bóng đêm, là tình yêu, là tiếng khóc của một thiếu niên trong đêm tối, là màu ghi trầm và xám xịt ăn mòn tâm hồn ở một tiệm mua bán giấc mơ, là một niềm tin đã bị đập tan như mảnh vụn của viên mã não, là vết máu loang ra từ đôi chân của chàng trai trườn qua những triền đồi, là tiếng thòng lọng chao nghiêng. Nhưng vị của nó là lớp sữa ngọt ngào từ một cánh đồng dâu tây đầy ắp tình yêu, là một đồng hoa hướng dương vàng rực như tranh của Van Gogh, là bài thơ của Edgar Allan Poe, là chậu hoa trà mi, mưa, mùa hạ véo von, là cuộc sống - thứ mà chàng trai gọi là "tất cả những gì" anh muốn. Trang biết có lúc đêm tối sẽ tràn vào, nhấn chìm tất thảy và khi mặt trời ló rạng mọi thứ sẽ vỡ tan, nhưng ta không thể ngưng tạo ra một điều gì đẹp đẽ như thế. Bởi niềm tin, nó sẽ khiến màn đêm trở nên rực rỡ.

Những giấc mơ có thực

Các nhân vật trong tập truyện luôn sống trong mộng, những giấc mộng lang thang không biên giới và chiều kích. Mọi thực tại đều là nguồn cơn cho những giấc mộng của họ. Nhưng, có lẽ chỉ trong những giấc mộng, họ mới được sống. Chỉ trong những giấc mộng, họ mới được bày tỏ những suy nghĩ, những cảm xúc tưởng như đã bị sự phũ phàng, sự hư huyễn, sự cô độc, sự tàn khốc của thế giới hiện thực làm cho chai lì. Nghịch lý thay, hạnh phúc của một con người lại nằm trong thế giới ảo mộng phi thực.

screen shot 2022-06-03 at 14.14.54.jpg -0
“Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa” là tập truyện ngắn được chưng cất từ tuổi trẻ.

Trong một truyện ngắn, Trang để nhân vật chính vào một ngày đẹp trời mua 2 vé xem phim hoàn hảo, chọn một số ghế hoàn hảo. Và chết. Cô có một công việc bán thời gian, một người bạn trai, một sở thích xem những bộ phim Hồng Kông thấm đẫm cô đơn và hoài niệm. Nhưng hôm ấy, cô đi một mình. Còn chàng trai sống cùng cô suốt ngày chỉ thích sưu tầm những mẩu hóa thạch trùng biển. Trang viết chẳng ai cướp đi cuộc sống của cô gái, thế nhưng chính sự ơ thờ của người cô thầm yêu, sự hời hợt từ cậu bạn cùng lớp là chiếc gậy đẩy cô vào miệng giếng sâu hoắm của cái chết, như cách những con trùng biển hàng triệu năm qua đã chết một cách lặng lẽ và đơn độc.

Trong phiến mơ khác, có một chàng trai muốn chạy trốn khỏi thế giới để đến Cánh đồng dâu tây. Ở nơi đó, không có gì là thật. Ở nơi đó, cậu nguyện đem chôn những giọt nước mắt cuối cùng. Chi tiết ấy làm tôi nhớ đến nhân vật Hà Bảo Vinh trong những thước phim thật đẹp nhưng cũng thật buồn của Vương Gia Vệ.

Nếu chàng trai của "Cánh đồng dâu tây" khóc thật to khi đang lạc lối ở tháng Tư với những ký ức vụn vỡ, những gương mặt cậu không muốn nhớ, những bản nhạc gợi khúc tư niệm âu sầu thì Lê Diệu Huy của "Xuân quang xạ tiết" nức nở bên máy ghi âm khi biết rằng tình yêu của anh sẽ mãi mãi ở lại Achentina, tuổi trẻ của anh sẽ mãi mãi gửi lại căn phòng trọ, những quán bar, những đêm tối với cái ôm, điệu khiêu vũ vụng về, những lần khóc cười gàn dở, những biệt ly. Cậu thanh niên của cánh đồng dâu tây lấp cái hố lại để chẳng ai tìm ra ký ức cậu không muốn nhớ, Diệu Huy tắt máy ghi âm và mỉm cười quay lại để chẳng ai thấy những vết xước trong tim. Và anh biết, hôm ấy là lần biệt ly cuối cùng.

Bên trong cánh hoa là một nhan sắc đã phai. Bên trong tuổi đôi mươi là những giấc mơ sũng ướt sau cơn mưa quá khứ. Còn bên trong chiếc ô thực tại, tôi biết không ai có thể nhìn thấy những giấc mộng đang vụn vỡ trên gương mặt mình. Không còn tình yêu, không còn tuổi trẻ, không còn gì để khao khát, khi mà sau những vụn vỡ ấy chỉ còn lại duy nhất một trang giấy trắng. Nơi ấy, những giấc mơ lại bắt đầu.

Phan Thiên Di
.
.