Hào sảng "Trái tim người lính miền Tây"

Thứ Năm, 05/10/2023, 19:19

Ngang tàng, phóng khoáng nhưng nặng lòng hào hiệp, trượng nghĩa là tính cách đặc trưng của đấng nam nhi mảnh đất Chín Rồng. Ở người lính miền Tây, tính cách ấy càng nổi bật khi họ mang trái tim nhiệt huyết vào chiến trường, cầm súng bảo vệ cho đất Mẹ thiêng liêng.

Cuối tháng 9, tại TP. Hồ Chí Minh, Tổ chức “Trái tim người lính” phối hợp với Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” và Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Trái tim người lính miền Tây” và Câu lạc bộ (CLB) cùng tên. Cuốn sách do cựu binh Nguyễn Công Trung chủ biên, bao gồm 24 bài viết của những cây bút tên tuổi như nhà văn Trầm Hương, Nguyễn Hồng Lam, Hoài Hương, Trương Nam Chi, nhà báo Lê Lành…

Hào sảng
Nhóm tác giả biên soạn cuốn sách.

Các bài viết phác họa chân dung của những người lính sinh ra ở miền Tây sông nước hoặc cuộc đời họ có nhiều kỷ niệm gắn bó với dòng nước Cửu Long. Đó là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và những cận vệ thân cận; Trung tướng Nguyễn Việt Thành; Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện; Thiếu tướng Nguyễn Văn Phê; Đại tá Huỳnh Trọng Nghĩa; Đại tá Trần Văn Năm… Người còn đây, người đã khuất. Nhưng câu chuyện về một thời bom đạn hào hùng và hành trình nghĩa hiệp hôm nay của những người còn sống vẫn là bài ca quá đỗi tự hào.

Những người lính sinh ra tại miền Tây và cả những ai đã sống, chiến đấu tại vùng đất này, đều ít nhiều mang trong mình tính cách của người vùng sông nước trù phú: sống phóng khoáng, hào hiệp, rộng rãi, xởi lởi và trọng nghĩa tình, coi nhẹ tiền bạc, vật chất. Người miền Tây hiếu khách, luôn sẵn lòng chào đón bạn đến tá túc tại nhà. Họ niềm nở tiếp đón cơm rượu như người nhà ở xa mới về. Ai cũng giản dị, mộc mạc và đơn giản “đã làm thì làm chết thôi, đã chơi thì phải chơi xả láng”. Họ thường đánh giá cao những con người bản lĩnh, dũng cảm, dám di chuyển và dám thay đổi.

Người miền Tây trọng nghĩa khinh tài và ngang tàng, nồng hậu như con nước nổi. Là cận vệ của ông Sáu Dân - cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong những năm tháng chống Mỹ nhưng mấy cậu lính choai choai 17, 18 tuổi nào có kiêng dè gì thủ trưởng. Hễ thủ trưởng có gì “trật” là mấy cậu cự liền, chẳng nể nang gì. Tính ông Sáu Dân ưa nhanh nhẹn, cứ lên xe là đạp thật nhanh trong khi cậu cận vệ Lê Văn Dũng vừa đi vừa phải quan sát nên bị thụt lại phía sau.

Có lần ở Trung ương Cục, ông đi nhanh quá, đến nơi không thấy cậu cận vệ đâu nên đành đứng chờ. Ai dè chưa kịp nói gì thì cậu cận vệ vừa thở hổn hển, vừa chỉ tay quát: “Tui nói bác biết nghe! Trách nhiệm của tui là bảo vệ an toàn cho bác. Bác đi rầm rầm vậy, ai theo kịp mà bảo vệ được, hả?”. Ngang nhưng có lý, ông cười xòa: “Nhứt trí, lần sau tao rút kinh nghiệm”. Chuyện lính nạt thủ trưởng nhiều như cơm bữa. Mà tính thủ trưởng thương lính như con em trong nhà, lại dân chủ cởi mở, hễ lính nói đúng là nghe, chẳng hề phật lòng nên không ít lần ông bị cận vệ “quát ầm trời”, đúng theo kiểu “ỷ nhỏ ăn hiếp lớn”.

Nhắc đến Trung tướng Nguyễn Việt Thành (tên thân mật là Tư Bốn), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, người dân thường nhớ đến công lao của ông trong chuyên án triệt phá băng nhóm xã hội đen Năm Cam. Nhưng cuộc đời ông không chỉ có chiến công nổi tiếng đó mà còn có bao chiến công trong những năm tháng bom đạn cày xới quê hương Chợ Gạo, Tiền Giang.

Chiến đấu trong đội du kích xã Thanh Bình từ năm 14 tuổi, dần dần ông làm trưởng công an xã, rồi chiến đấu trong Tiểu đoàn 514… Hồi ấy, tài bắn lựu đạn bằng ná dây thun của ông lừng vang khắp vùng. Kiểu ná bắn chim được cải tiến để thay hòn đá bằng quả lựu đạn dội về phía địch. Lối đánh giặc dân dã mà lạ đời này khiến địch vô cùng hoang mang còn các đơn vị khác của ta thì tìm gặp chủ nhân để học hỏi kinh nghiệm. Sự kiên quyết, không lùi bước trước cái ác lẫn cám dỗ kim tiền trong cuộc chiến chống tội phạm giữa thời bình đã được ông trui rèn từ trong gian khổ chiến tranh.

Trong một trận đánh ác liệt sau chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, ông bị thương ở bụng, ruột xổ ra nhưng vẫn với lấy khăn bịt vết thương rồi cố lết ra ngoài. Trong chuyên án Năm Cam, những lời đe dọa lẫn cám dỗ vật chất không làm ông chùn tay. Sự kiên quyết của vị Trung tướng nghĩa khí, trọng danh dự đã tiêu diệt hoàn toàn băng nhóm khét tiếng làm lũng đoạn xã hội, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Hào sảng
Bìa sách "Trái tim người lính miền Tây".

Có những người lính sinh ra ở miền đất khác, nhưng một khi đã vương bước binh đao vào vùng sông nước miền Tây, tâm hồn họ quyện đặc câu hò, điệu lý miệt vườn. Đó là Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông sinh năm 1922 tại TP Hải Phòng. Giã từ thành phố hoa phượng đỏ, cuộc đời chinh nhân của ông gần như gắn cả với công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với ba lần Nam tiến vào các năm 1949, 1964, 1975. Người ta nói cuộc đời Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện là sự song hành kỳ lạ của hai yếu tố đối lập. Ông đã có một cuộc đời sôi sục, chiến đấu từ năm 17 tuổi cho đến khi nghỉ hưu, vượt qua bao tù ngục của địch và ghi dấu bao chiến công. Thế nhưng ông cũng lặng lẽ đến mức có thời người ta quên mất ông. Lặng lẽ đến độ các con ông cũng chỉ biết bố mình là cán bộ cao cấp.

Uống nước nguồn Cửu Long, cái tính tình hồn hậu, bình dị và chân chất của người miền Tây ngấm vào huyết quản của vị tướng. Cuối đời, vẫn một chiếc xe đạp cọc cạch chạy khắp phố phường thăm bạn. Vẫn nếp nhà đi thuê. Như câu thơ bạn hiền gửi tặng khi ông nằm xuống: “Non nước tang bồng âu là thế/ Hạt cát phù sa thế cũng xong”. Chảy từ mạch nguồn phương Bắc, ông có khác gì hạt phù sa lặng lẽ bồi đắp cho mảnh đất Cửu Long. Lặng lẽ bồi đắp rồi lặng lẽ xuôi đi.

Đi qua chiến tranh, những người lính trở về từ chiến trường vẫn tiếp tục hành trình trượng nghĩa, nặng tình đồng bào nước non. Trên quê hương Trà Vinh, Đại tá Huỳnh Trọng Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, đã lập bia thờ 86 liệt sĩ - những đồng đội một thời vào sinh ra tử trong kháng chiến chống Mỹ, ngay trong nhà mình. Đó là lời hứa mà ông nguyện thực hiện sau khi về hưu, để hương hồn đồng đội được đèn nhang sớm hôm, có người chiến sĩ năm nào bầu bạn.

Cũng là một người con của mảnh đất Trà Vinh, cựu chiến binh Nguyễn Công Trung từng góp mặt trong “Đội quân nhà Phật” giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Trở về trong hòa bình, ông tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, là Trưởng đoàn Thiện nguyện Hỗ trợ gia đình liệt sĩ phía Nam và trợ giúp cho nhiều đồng đội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bao mảnh đời bất hạnh, bao vụ án oan đã được ông giúp đỡ và tìm lại công lý. Chính hành trình miệt mài với công tác thiện nguyện nhân ái, ông được cử làm Chủ tịch CLB “Trái tim người lính miền Tây” và chủ biên bộ sách cùng tên.

Cựu binh Nguyễn Công Trung tâm sự: “Vùng đất miền Tây Nam bộ đã chứng kiến bao trận đánh ác liệt trong kháng chiến và công cuộc bảo vệ chủ quyền biên giới - biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi tự thấy mình có trách nhiệm phải tri ân đồng đội, đặc biệt là những người lính đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho quê hương đất nước. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức những đoàn cựu chiến binh và văn nghệ sĩ đi thăm lại chiến trường xưa tại biên giới Tây Nam, mang tinh thần “Trái tim người lính” đến với Trường Sa; phối hợp với Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Công nghệ Texas - Hoa Kỳ tiếp tục khai thác Hồ sơ Di sản chiến tranh Việt Nam…”.

Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng, Chủ tịch Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam cho biết những năm qua “Trái tim người lính” đã quy tụ hơn 200 nghìn thành viên ở khắp mọi miền Tổ quốc. Nhiều hoạt động giàu tính nhân văn như: tổ chức biên soạn và xuất bản bộ sách tư liệu “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam”, chuẩn bị thành lập “Trung tâm tư liệu Trái tim người lính”, ra mắt tủ sách… được dư luận nhiệt tình hưởng ứng và tạo sức ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội.

Trong năm 2023, Tổ chức đã phát hành ba cuốn sách. Trong đó, “Trái tim người lính miền Tây” là cuốn sách thứ ba sau hai cuốn “Trái tim người lính Thủ đô” và “Trái tim người lính Vị Xuyên”. Các hoạt động đó không chỉ kết nối cựu chiến binh từ nhiều phía để góp phần hàn gắn vết thương hậu chiến tranh và hòa hợp dân tộc mà "Trái tim người lính" còn hướng tới giới trẻ, người thân của lính và những người yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới.

Mai Quỳnh Nga
.
.