Hai cuốn tiểu thuyết về chiến tranh - hai cách viết khác biệt
Là một người lính từng kinh qua chiến tranh chống Mỹ, nhà văn Lê Hoài Nam luôn có khao khát mãnh liệt là viết về những gì mình chứng kiến và trải qua. Ông cũng đã thể hiện một phần vốn sống chiến trường trong tiểu thuyết "Hạc hồng", giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5, 2016 - 2020 của Hội Nhà văn việt Nam.
Gần đây nhất, ông xuất bản hai cuốn tiểu thuyết: "Khắc tinh với thần chết", in năm 2023, giải thưởng 5 năm của Bộ Quốc phòng (2020 - 2025) và "Thanh xuân như cỏ", in năm 2024, giải thưởng cuộc vận động sáng tác và quảng bá tác phẩm VHNT hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam 1975 - 2025 do UBND thành phố Hồ Chí Minh trao tặng. Đây là minh chứng thuyết phục cho tài năng và sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật của ông.

Lệ thường, khi một tác giả viết hai tiểu thuyết cùng một đề tài trong một khoảng thời gian gần nhau như vậy, rất dễ ảnh hưởng nhau, nếu không phải là kết cấu, kiểu nhân vật thì cũng ảnh hưởng hơi hướng giọng văn. Tuy nhiên, ở Lê Hoài Nam, thì trái lại, mỗi cuốn là một phong cách viết từ nội dung đến hình thức nghệ thuật.
Ở "Khắc tinh với thần chết", nhà văn viết về bối cảnh diễn ra vào những năm 1972 - 1973 tại khu V, một trong những chiến trường khốc liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm đã tái hiện chân thực và sống động cuộc chiến cam go, quyết liệt giữa đại đội bộ binh quân Giải phóng và lực lượng hỗ trợ của quân dân địa phương, chống lại liên quân Mỹ, ngụy Sài Gòn, và cả quân Park Chung Hee. Trong điều kiện gian khổ tột cùng, thiều thốn trăm bề, những người lính vẫn kiên gan bám trụ, "bám thắt lưng địch mà đánh" chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ từng tấc đất quê hương.
Nhà văn đã mượn hình thức ghi nhật ký của nhân vật chính Phạm Hữu Thẩm - một chiến sĩ trẻ có năng khiếu văn chương và vốn hiểu biết sâu rộng - làm cho khung cảnh chiến trường hiện lên "như nó vốn có". Tác giả miêu tả cuộc đối đầu sinh tử giữa hai bên trong thế hoàn toàn đối lập: Bộ đội ta thì vũ khí thô sơ, lực lượng mỏng, thiếu thốn đủ thứ, ăn uống kham khổ, đói khát triền miên, dân bị dồn vào ấp chiến lược nên không còn chỗ dựa. Trong khi quân địch đông gấp nhiều lần quân ta, trang thiết bị, vũ khí hiện đại, đồ ăn thức uống đầy đủ.
Những trận chiến đầy cam go quyết liệt giữa hai bên, trận nào cũng đầy những thương vong. Có lúc, những xác chết chồng chất ngổn ngang, không kịp chôn, người lính còn tự đào huyệt trước cho mình. Riêng đại đội 2, khi hành quân vào đây quân số là 75, hiện chỉ còn 32 người. Nhưng cũng không thể sánh được với tiểu đoàn 11: cách đây 3 ngày họ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng… và chấp nhận hy sinh gần hết cả tiểu đoàn" (tr. 93).
Bộ đội ta đói đến mức bất cứ cái gì có thể ăn được, họ đều miễn cưỡng đưa vào miệng để qua cơn đói. Song ghê rợn nhất là cảnh những người lính phải vác súng ra khu nghĩa địa bắn cả quạ và kền kền - hai loài chim chuyên rỉa xác người thối rữa - để làm thức ăn.
"Thịt quạ hôi thật nhưng còn dễ nuốt; kền kền thì vừa tanh khẳm, vừa gây đến mức có người chỉ ngửi hơi đã nôn thốc nôn tháo. Có anh vừa bịt mũi vừa cố nhai nuốt. Mà cái món thịt kền kền và thịt quạ rất khó tiêu. Đêm ấy anh nào cũng đi phóng uế, bốc hơi như xác chết" (tr. 102).
Cơn đói, cơn khát đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với các nhân vật và cả bạn đọc. Tuy nhiên, trong cuộc chiến khốc liệt ấy, giữa môi trường, bom đạn tàn phá đến cây cỏ cũng không còn sống được ấy, vẫn có tình yêu trai gái nảy nở như những cặp: Vũ Triền Sông - Kim Huệ, Phạm Hữu Thẩm - Kơ Niel; Cò - Hai Huê… Họ yêu nhau cao thượng, lãng mạn và mãnh liệt đã làm cho cuốn tiểu thuyết có sức cuốn hút mạnh mẽ và mang nhiều giá trị nhân văn.

Còn tiểu thuyết "Thanh xuân như cỏ" lại kể về những người lính trẻ thuộc Lữ đoàn pháo cao xạ, tham gia chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội mùa đông năm 1972, khi không quân Mỹ ồ ạt ném bom nhằm "biến Hà Nội thành đống gạch vụn". Sau những thất bại nặng nề, Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris (tháng 1 năm 1973). Mùa xuân 1975 họ nhận lệnh hành quân vào Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tiểu thuyết tập trung khắc họa những biến cố xảy ra trên đường cho đến khi chiến dịch 30 tháng 4 kết thúc.
Nếu "Khắc tinh với thần chết" là bức tranh dữ dội, tàn khốc và bi thương về chiến tranh, thì "Thanh xuân như cỏ" lại mang đến một sắc thái dịu dàng, lãng mạn, giàu chất thơ và thấm đẫm tình người. Dù viết về cảnh vật, con người hay những trận đánh thì văn phong vẫn nhẹ nhàng, cảm xúc sâu lắng, khác hẳn với hiện thực khốc liệt, văn chương ngổn ngang chất liệu, mạnh mẽ như trong "Khắc tinh với thần chết".
Cuộc hành quân của đại đội pháo phòng không đi qua nhiều vùng chiến địa hoang tàn đổ nát. "Từ Quảng Bình trở vào đâu đâu cũng thấy hố bom, hố đạn pháo. Tới Dốc Miếu, Cồn Tiên, Khe Sanh… xác xe tăng, xe tải, xe kéo pháo nằm ngổn ngang, nhiều xe đã hoen gỉ, cỏ dại phủ kín. Những ngôi nhà bị thiêu cháy, còn trơ lại những cây cột, cái kèo đen thui. Làng mạc hoang vắng, phong cảnh tiêu điều, thỉnh thoảng mới nhìn thấy một bóng người dân, trông héo hắt, lam lũ bước vội…".
Đại đội pháo, quá nửa là những tân binh, tâm hồn còn phơi phới những ước mơ khát vọng, hồn nhiên, tinh nghịch, có sức sống tươi non như cỏ và cũng mãnh liệt như cỏ. Trên chặng đường hành quân đầy những gian nan thử thách, có cả những sai lầm, vấp váp, nhưng họ đã dần trưởng thành, vững chãi lên. Họ gặp gỡ với những nữ chiến sĩ của tiểu đoàn thông tin, của đại đội vận tải, biết bao nhiêu chuyện đã diễn ra: chuyện vui, chuyện buồn, chuyện nào cũng để lại kỷ niệm mà hẳn sẽ suốt đời đi theo họ.
Nguyễn Tiến Lợi và Nguyễn Thị Sự quê cùng làng, cùng nhập ngũ một ngày. Họ tỏ tình với nhau vào cái đêm chia tách mỗi người về một đơn vị. Đó là mối tình đầu còn nhiều e lệ, bỡ ngỡ nhưng trìu mến, đắm say. Đơn vị Sự hành quân trước. Khi đại đội pháo của Lợi vượt lên gặp đơn vị hậu cần của Sự thì Lợi và đồng đội đã phải dàn hàng ngang viếng mộ Sự trong đớn đau. Sự hy sinh vì vấp phải một quả mìn bên lối đi khi qua suối. Lợi nén thương đau tiếp tục hành quân cùng đồng đội.
Những người lính pháo lại gặp những chiến sĩ vận tải người dân tộc làm nhiệm vụ dọc đường mà không nhận ra họ là nam hay nữ vì sự gian khổ ở chiến trường đã làm họ biến dạng. Chiến sĩ nam thì để tóc dài như con gái. Chiến sĩ nữ thì gùi gạo nhiều, quai gùi làm cho bộ ngực họ lép như ngực con trai khiến những pháo thủ vừa từ Bắc vào không khỏi ngậm ngùi. Nhưng họ không được phép ủ mãi nỗi buồn. Để có sức mà chiến đấu, họ bày ra đủ trò, như chuyện lấy trộm áo ngực của những nữ quân nhân mang vào bản đổi lấy thức ăn. Những mẩu chuyện nhỏ nhặt ấy vừa hài hước, vừa chân thật, có khi cười ra nước mắt.
Những trận đánh ác liệt ở cửa ngõ Sài Gòn, nhất là trận đấu pháo giữa ta và địch thật là ấn tượng. Không ít những người lính trẻ đã hy sinh ngay trước lúc Sài Gòn giải phóng. Họ hy sinh cũng hồn nhiên như họ sống. Cỏ lại trở thành tấm thảm xanh biếc trang trí cho nấm mồ của họ. Họ mãi "Thanh xuân như cỏ", đúng như ý nghĩa nhan đề của tác phẩm.
Một lần tôi hỏi nhà văn Lê Hoài Nam, rằng trong cách xây dựng nhân vật, ông có dựa vào nguyên mẫu nào không mà tôi cảm nhận một số nhân vật của ông như đang sống ngoài đời thì nhà văn nói: Khá nhiều nhân vật trong những tiểu thuyết và truyện ngắn của tôi lấy nguyên mẫu từ những nhân vật có thực ngoài đời.
Chẳng hạn như tỉnh đội trưởng Nguyễn Thượng Đường trong tiểu thuyết "Hạc hồng", (ngoài đời chính là Thượng tá Nguyễn Thượng Trung, tỉnh đội trưởng tỉnh đội Nam Hà thời chiến tranh); Trung úy Phạm Hữu Thẩm trong tiểu thuyết "Khắc tinh với thần chết" (ngoài đời thực anh này là Trung úy tiểu đoàn phó Phạm Hữu Thậm); còn trong tiểu thuyết "Thanh xuân như cỏ", có ba nhân vật Lê Hoài Nam giữ nguyên xi tên thật ngoài đời như chiến sĩ Nguyễn Tiến Lợi, chiến sĩ Nguyễn Thị Sự, bác sĩ Tôn Thất Tùng…
Tất nhiên, khi đưa họ vào tác phẩm, ông phải dùng nguyên lý nghệ thuật sáng tác để làm cho họ trở thành những con người sống động, lấp lánh lên, lưu lại trong trí nhớ bạn đọc. Với quan niệm "không giẫm lên vết chân mình, cũng không giẫm lên vết chân người khác", nhà văn Lê Hoài Nam đã chọn cho mình một lối đi riêng khi viết về chiến tranh. Mỗi tác phẩm là một góc nhìn về người lính và một cách thể hiện. Cả hai đều đáng đọc và suy ngẫm, nhất là lớp trẻ hôm nay sẽ thấu hiểu hơn về một thời kỳ lịch sử kỳ vĩ của dân tộc.
Bắc Từ Liêm, tháng 6 năm 2025