Hai bài thơ về người bán rắn

Thứ Hai, 07/08/2023, 15:17

Thi ca là tấm gương phản chiếu cuộc sống đồng thời cũng thể hiện cách nhìn độc đáo vào thế giới của mỗi tác giả. Cho đến lúc này, chúng ta có thể khẳng định thi ca có thể vươn tới mọi đề tài, mọi số phận, mọi cuộc đời, chỉ cần viết sao cho hay và gửi gắm được những thông điệp tích cực thì tác phẩm ấy tự nhiên sẽ có một đời sống.

Từ trước đến nay, các bài thơ viết về những nghề nghiệp trong xã hội của người Việt đã có rất nhiều, đặc biệt là những nghề tương đối phổ thông, có thể nhìn thấy ngay những đóng góp trực tiếp và thiết thực như: nghề giáo, nghề thuốc, nghề xây dựng… Bất chợt một ngày, tôi bắt gặp hai bài thơ viết về một nghề không mấy phổ biến, khá nguy hiểm và cũng thật đặc biệt, đó là nghề bán rắn. Hai bài thơ là hai góc nhìn, hai cấu tứ và hai cách phát triển đề tài khác hẳn nhau, nhưng cùng gửi gắm những thông điệp thật sâu sắc. Đó là bài thơ “Người bán rắn bên hồ Thiền Quang” của Ý Nhi và “Người bán rắn ở Văn Miếu” của Nguyễn Thụy Kha

người đàn ông này làm nghề bán rắn.jpg -0
Người đàn ông làm nghề bán rắn.

Bài thơ của Ý Nhi viết năm 1985, sau đưa vào tập thơ “Ngày thường” (NXB Đà Nẵng, 1987), nguyên văn như sau:

Giống hệt những diễn viên tài năng
anh
cũng dăm ba chú rắn
diễn như là không diễn
trước ánh nhìn chăm chú của đám đông

Khán giả của anh thay đổi luôn
và không bao giờ vắng
họ nhìn cái ác bị trói buộc
nhìn mối hiểm họa không còn khả năng xảy ra
với niềm kiêu hãnh ngây thơ
với chút lo âu vô cớ
với nỗi vui được lãng khuây bao cực nhọc hàng ngày

Rắn hổ mang
rắn cạp nong
rắn ráo
ngọ nguậy trên nền xi măng
người bán rắn điềm nhiên
cầm giữ cái ác
cầm giữ hiểm họa

Như cầm trong tay những sợi dây thừng.

Đôi khi vì hoàn cảnh xô đẩy mà người ta phải dấn thân vào sự nguy hiểm. Người bán rắn trong bài thơ của Ý Nhi hiện lên trong tư thế chủ động khi bước vào một cuộc mưu sinh. Không chỉ bán rắn để sinh nhai mà anh còn được ví như một “diễn viên tài năng”, hàng ngày mua vui cho người đời, bán rắn mà cũng đồng thời kiêm biểu diễn. Anh luôn luôn có khán giả vây quanh, chắc chắn có những người chỉ xem đàn rắn của anh như một thú tiêu khiển rồi họ lại rời đi chứ không phải ai cũng có tiền mua rắn.

Người bán rắn hàng ngày như người đi trên một sợi dây mong manh, anh phải giữ sự an toàn cho chính bản thân mình và cho cả những người xung quanh. Câu thơ cuối cùng ẩn chứa nhiều xa xót, có không ít những âu lo dự cảm của một tấm lòng nữ sĩ luôn thao thức trước cuộc sống của con người: “Như cầm trong tay những sợi dây thừng”. Những con rắn được ví như những sợi dây thừng, thật hiền lành mà cũng ẩn chứa đầy rủi ro bởi sợi dây ấy biết đâu có lúc chẳng buộc lên chính cổ người đang điều khiển. Một nghề mưu sinh đầy mạo hiểm mà người tham gia chưa thể dừng lại, chắc cũng là bất đắc dĩ khi chưa có một sự lựa chọn khác, một phương án khác tốt hơn.

Chỉ qua hai mươi dòng thơ với khoảng chừng 100 chữ, Ý Nhi đã mang tới người đọc một niềm cảm thông và chia sẻ với cuộc sống đời thường của một người lao động vô danh giữa bao nhọc nhằn và bề bộn của cuộc đời. Là một trong những nhà thơ trưởng thành thời hậu chiến, những bài thơ của Ý Nhi đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Từ năm 1985, bà đã được nhận Giải thưởng thơ Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ “Người đàn bà ngồi đan” (NXB Tác phẩm mới). Đến năm 2015, Ý Nhi là nhà thơ Việt Nam được trao tặng Giải thưởng văn học Thụy Điển Cidaka cho những nỗ lực sáng tạo nghệ thuật của mình.

Bài thơ “Người bán rắn ở Văn Miếu” của Nguyễn Thụy Kha được viết năm 1984, lần đầu in trên Báo Lao động cùng năm đó, 4 năm sau lại in trên Báo Văn nghệ rồi mãi đến năm 1999 mới đưa vào tập thơ “Thời máu xanh” cùng hơn 50 bài thơ khác. Nguyên văn bài thơ của Nguyễn Thụy Kha như sau:

Đây là lần thứ hai sau lần làm người lính
Anh cầm trong tay một thứ dễ chết người
Ngoe nguẩy năm con rắn
Giữa vỉa hè phe phẩy như sôi

Lặng im anh thương binh ngồi
Như hồi nào phục kích
Chỉ có khác súng thì bắn giặc
Còn rắn thì để bán, thế thôi

Sau lưng anh một quá khứ cao vời
Bia tiến sĩ sừng sững trong bất tử
Trước mắt anh biến động cuộc đời
Không phải là trò chơi
Anh có thể từng xông lên tự nguyện
Nhưng làm gì để sống qua từng ngày?

Bên anh bao lính trẻ hôm nay
Lại thanh thản lên đường như anh từng thanh thản
Người ta thường vì nghĩa lớn
Hình như dễ hơn những toan lo cỏn con

Có gì giống nhau giữa khẩu súng và con rắn
Trong tay anh cầm
Nó đều giúp anh giữ mình nguyên vẹn
Giữa bao nhiêu giằng xé mất còn

Cũng là một cuộc mưu sinh, nhưng nếu như người bán rắn trong bài thơ của Ý Nhi có vẻ chủ động thì người bán rắn trong bài thơ của Nguyễn Thụy Kha ít nhiều hiện rõ sự bị động, vì cuộc đời xô đẩy mới phải chọn cách bán rắn mưu sinh. Và một điều đặc biệt quan trọng, nếu như ta không biết điều gì về nhân thân người bán rắn trong bài thơ của Ý Nhi, thì ở bài thơ của Nguyễn Thụy Kha, ta biết người bán rắn ấy đã từng là một người lính.

Sự đối chọi so sánh giữa khẩu súng và con rắn cho ta nhiều suy nghĩ và liên tưởng. Cả hai đều là những thứ nguy hiểm chết người, cực chẳng đã mà phải cầm trên tay. Súng thì mang tính hướng ngoại rõ rệt, là vũ khí tiêu diệt quân thù. Rắn thì giờ đây là một mặt hàng, cũng phải mang tính hướng ngoại để thu hút người mua, nhưng nó lại cũng dùng để nuôi sống chính người đang bán rắn.

Cái địa điểm mà người bán rắn ấy đang hành nghề cũng thật đặc biệt, thật nhạy cảm. Đó là Văn Miếu, một di tích văn hóa, trường đại học đầu tiên của đất nước, một nơi mang biểu tượng thiêng liêng về truyền thống trọng chữ nghĩa của cha ông, cũng là nơi tôn vinh biết bao bậc hiền tài, được ví như nguyên khí của quốc gia. Nhưng cả một “quá khứ cao vời” ấy giúp gì được cho nỗi nhọc nhằn hôm nay của người lính từ chiến trận trở về với thời bình. Những người lính đã hy sinh tuổi trẻ, đã từng xả thân nơi chiến trường để bảo vệ cho nền độc lập của dân tộc, lẽ ra họ phải được đãi ngộ tốt, lẽ ra họ xứng đáng được hưởng một cuộc sống yên ổn hơn nghề đi bán rắn hôm nay. Bài thơ vì thế còn là nỗi xót xa về số phận những người lính của thời hậu chiến.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng từng viết những câu thơ đau đáu khi thấy những người lính một thời phải bước ra chợ người ở khu lao động Giảng Võ, nhận làm những công việc bốc vác hàng ngày để mưu sinh: Các anh đứng đó thưa dần trong chiều muộn/ Chỉ còn lại một người tôi bỗng nhận ra anh/ Đứng kiên trì đứng cùng vết sẹo/ Anh là mảnh vỡ cuối cùng của cuộc chiến tranh (Chợ lao động ở Giảng Võ). Những câu thơ cuối cùng trong bài thơ của Nguyễn Thụy Kha cũng đầy xa xót và nhức nhối: “Có gì giống nhau giữa khẩu súng và con rắn/ Trong tay anh cầm/ Nó đều giúp anh giữ mình nguyên vẹn/ Giữa bao nhiêu giằng xé mất còn”. Người lính trong hoàn cảnh khó khăn đến mức nào, vẫn giữ nguyên vẹn một khí chất, một cốt cách cùng lòng kiêu hãnh của người từng vào sinh ra tử, của người đã từng hiên ngang trước mưa bom bão đạn quân thù, của người đã từng cống hiến tuổi thanh xuân một cách vô tư nhất cho Tổ quốc mà không hề đòi hỏi một quyền lợi gì cho bản thân mình. Chọn nghề bán rắn để mưu sinh cũng là một nỗi giằng xé lớn lao trong tâm hồn người lính, nhưng rõ ràng điều quan trọng đầu tiên bây giờ vẫn là PHẢI SỐNG và đương nhiên sống lương thiện.

Hai bài thơ là hai câu chuyện, hai số phận con người với những điểm tương đồng và khác biệt. Giống nhau ở chỗ cùng chọn việc bán rắn làm phương thức mưu sinh nhưng khác nhau ở chỗ đằng sau người bán rắn trong bài thơ của Nguyễn Thụy Kha còn là cả một quá khứ hào hùng của một người lính từng chiến đấu và cống hiến cho Tổ quốc, cho nên sự lựa chọn công việc bất đắc dĩ của hiện tại cũng không khỏi mang ít nhiều những ngậm ngùi. Không chỉ ngậm ngùi cho người bán rắn/ người lính ấy mà còn ngậm ngùi cho chính mỗi chúng ta, cho chính mỗi người đọc bài thơ này. Chúng ta có thể làm được điều gì đây để tri ân những người lính ấy?!.

Đỗ Anh Vũ
.
.