Đọc "Từ trang sách đến gương mặt văn chương" của Nguyễn Hoài Nam, NXB Hội Nhà văn, 2021

Gợi mở từ một cuốn sách phê bình văn chương

Thứ Bảy, 16/07/2022, 12:15

Nguyễn Hoài Nam xuất hiện khá dày và đều đặn trên các diễn đàn văn học. Tuy nhiên, phải tới tám năm sau "Mùi chữ" (NXB. Phụ nữ, 2013), nhà phê bình mới cho ra đời cuốn sách thứ hai: "Từ trang sách đến gương mặt văn chương".

"Từ trang sách đến gương mặt văn chương" dày 233 trang, gồm 2 phần: Phần I. Từ những trang sách (18 bài) và Phần II. Những gương mặt văn chương (13 bài). Sự phân chia này dĩ nhiên cũng chỉ là tương đối. Trên nét chính, có thể nhận ra, nếu Phần I chú tâm vào "vấn đề" (kiểu: đề tài đô thị về đâu; tản văn diện mạo thế nào; tự truyện những bất trắc của nó ra sao…) thì Phần II đặt trọng tâm vào "tác giả", chính xác hơn là việc phác dựng chân dung tác giả.

Và, dường như có phần hơi khác với kiểu "dồn đuổi" đặc trưng của Hoài Nam trên các diễn đàn văn nghệ, trong phê bình văn chương, nhà phê bình chăm chú và kiên nhẫn gọi tìm những sáng tạo của nhà văn. Trên một nền cảnh của lối viết đậm chất lý tính, vẫn nhận thấy một ấn chỉ khá đặc thù: đi tìm cái đẹp trong tự nhiên là nghệ thuật, đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật là phê bình.

Gợi mở từ một cuốn sách phê bình văn chương -0
Nhà lý luận phê bình Nguyễn Hoài Nam.

1. Cảm nhận đầu tiên về tập tiểu luận - phê bình của Nguyễn Hoài Nam là tính chuyên nghiệp (chuyên sâu, chuyên tâm, bền bỉ) của người viết và sự viết. Nguyễn Hoài Nam là người đọc nhiều, đọc kỹ và viết nhanh. Ngoại trừ niềm đam mê (hay cái "bản mệnh" nào đấy như có người từng nói), thì việc đọc và viết của anh phần lớn bắt nguồn từ công việc.

''Trạm quan sát'' của Hoài Nam bền bỉ theo dõi những hiện cảnh "phong nhiêu" của văn chương, bao gồm các tác giả, hiện tượng, các vấn đề văn học ở những không gian thời gian khác nhau, song mảng khối mà anh quan tâm nhất vẫn là các sáng tác văn chương Việt Nam đương đại. Ở khu vực này, theo đúng nghĩa, bằng cách này hay cách khác, anh nhận diện và đối thoại với cái đang diễn ra, đang sinh thành của các sinh mệnh văn chương.

Phê bình của Hoài Nam xa cách với lối thưởng ngoạn mà đặt trọng tâm vào phát hiện. Trong phát hiện, anh tập trung phân tích, với sự xen cài, đậm nhạt khác nhau nhưng nhất quán mối tương quan giữa "nghĩa", "ý nghĩa" của văn bản và thi pháp nghệ thuật của nó (cái mô hình mà anh thường gọi, theo một cách riêng, là "cái viết" và "cái được viết"). Sự bao quát sâu rộng và nhạy bén giúp nhà phê bình thường xuyên đối sánh, xới lật đối tượng từ nhiều cạnh khía khác nhau với những cắt nghĩa, lý giải xác đáng.

Chẳng hạn, anh rốt ráo đặt ra những vấn đề về "đề tài đô thị" hôm nay: có hay không, dày hay mỏng, mạnh hay yếu; văn học về đô thị đang ở đâu; và theo đó là cách trả lời vừa khiêu khích, vừa như mời gọi: "có, nhưng rất mỏng, chưa tạo thành một dòng chảy liên tục và mạnh, cũng ít xuất hiện những điểm nhấn đáng chú ý" (tr.8); một "đồ thị hình sin đi xuống" (tr.9)...

Sắc sảo và trực diện, song Hoài Nam không viết phê bình kiểu "chê bai", mà luôn thường trực một câu hỏi cần được trả lời: trong dòng chảy ấy, ở đề tài ấy, với khuynh hướng ấy, nhà văn đã đặt ra được vấn đề gì để kích thích, thúc đẩy sự tiến triển của văn chương.

Chẳng hạn, về đề tài đô thị, sau thế hệ Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, anh ghi nhận những đóng góp nổi bật của Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn… (Sống ở phố, viết về phố). Các bài viết về Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Lê Minh Hà (Cuộc sống ở bên cạnh, Hà Nội qua hai phiên bản khác) là sự lý giải và cộng cảm của anh về bức tranh đề tài đô thị trong văn học Việt hôm nay: nỗi u hoài xa xót khôn khuây trước những rạn vỡ thầm thì, cả sự tha hóa, tự hủy và nỗi mất mát của "những ngày xưa thân ái" (Đỗ Phấn, Lê Minh Hà), hay lối u-mua đen trước sự lên ngôi của những lố lăng, dị thường ô hợp phố phường (Nguyễn Việt Hà).

Anh tìm thấy trong cấu trúc tự sự "Con chim joong bay từ A đến Z" của Đỗ Tiến Thụy "lời tự thú của con chim và khẩu súng máy"; "vệt sáng" ngôn từ trong "Nhụy khúc" của Đinh Phương; những giải mã lịch sử riêng có của Huỳnh Trọng Khang trong "Mộ phần tuổi trẻ"; Hồ Anh Thái nhà văn của sự dịch chuyển; Văn Chinh "nằm ngửa đấm với" và những sáng tạo khá "mất trật tự" của ông…

bìa sách của hoài nam.jpg -0
Bìa cuốn "Từ trang sách đến gương mặt văn chương" của Nguyễn Hoài Nam.

2. Điểm nổi bật thứ hai của cuốn sách là tính nhất quán của phương pháp phê bình "nội quan". Ở đây, chúng tôi không bàn đến tính "khách quan" hay "chủ quan" vốn dĩ khá mập mờ của phê bình. Thực tiễn cho thấy, trong thế giới nghệ thuật, chẳng có "sự thật" nào nằm ngoài cái "sự thật của mỗi cá nhân". Barthes nói, "phê bình là diễn ngôn về một diễn ngôn".

Đọc Hoài Nam, dễ nhận thấy thiên hướng phê bình nghiêng về phân tích các mối quan hệ và ý nghĩa nội tại của văn bản. Nói thế không có nghĩa Hoài Nam không quan tâm đến các chi tiết "ngoại quan": xã hội, tiểu sử, thân phận nhà văn… song trên thực tế, những chi tiết này dường như chỉ mang ý nghĩa điểm xuyết. "Đôi mắt có đuôi, ánh lên gương mặt thư sinh mảnh mai một vẻ tươi tắn trẻ trung đến lạ" của Trần Hùng hầu như không can dự đến việc phân tích từ ngữ, hình ảnh, cấu trúc, nhịp điệu trong thơ ông.

Với Đỗ Phấn, Hoài Nam không tìm gợi từ sự sành điệu, lịch duyệt trong ẩm thực, phong cách sinh hoạt của nhà văn, mà là câu chuyện Hà Nội trực tiếp được đặt ra trong thế giới nghệ thuật của ông: thị dân là gì, thị dân cũ Hà Nội thì sẽ như thế nào; là nhân vật, không gian, thời gian, là những vỡ rạn li ti mà nhà văn cảm nhận và trình tấu trong một thế giới chữ bàng bạc màu buồn. Chân dung văn học mà Hoài Nam chủ ý phác dựng trong đây, do thế, là chân dung tinh thần, là gương mặt sáng tạo của nhà văn, hoàn toàn không phải con người tiểu sử với những riêng tây hay các giai thoại của anh ta.

Hoài Nam là người kết giao rộng, gần gũi với giới sáng tác, song không gắn phê bình với "chủ ý" của nhà văn và khước từ "quyền uy tác giả". Ở Hoài Nam, cái đọc (phê bình) luôn song hành, đối thoại cùng cái viết (sáng tác) trên cùng một mặt sân giá trị. Phê bình của Hoài Nam cho thấy một hiện dạng: Tôi phân tích văn bản, không phải tôi đang yêu ghét nhà văn. Nếu có một sự phân chia tương đối, giữa "phê bình khoa học" (thiên về lý tính) và "phê bình nghệ sĩ" (thiên về cảm xúc), thì Hoài Nam dường như nằm ở vế thứ nhất, mặc dầu anh có không ít trang viết tinh tế, đậm chất văn chương.

3. "Từ trang sách đến gương mặt văn chương" thể hiện phần nào cá tính phê bình của Hoài Nam, chẳng hạn, ở những nhận định dễ gây tranh cãi, ghét thương, như cách anh xác quyết "những tập thơ làm thành lịch sử" ("Mấy vần thơ" của Thế Lữ; "Tinh huyết" của Bích Khê; "Về Kinh Bắc" của Hoàng Cầm; "Ánh sáng và phù sa" của Chế Lan Viên; "Sự mất ngủ của lửa" của Nguyễn Quang Thiều).

Hoài Nam cũng khẳng định, về văn chương, những sáng tạo của Nguyễn Huy Thiệp đã dừng lại, trống hoác cách nay mấy chục năm, không phải chờ đến khi ông mất, thiên hạ mới rên rỉ khóc thương về "khoảng trống"… Tư duy phê bình cởi mở khiến Hoài Nam rất thính nhạy bắt sóng những tìm tòi thể nghiệm của nhà văn. Viết phê bình, anh không chú tâm vào việc khái quát các hiện tượng văn chương bằng những thuật ngữ, khái niệm thời danh, mà chủ yếu quan tâm nhà văn nói được điều gì ý nghĩa.

Và, mặc dầu không sử dụng các thuật ngữ thời thượng, song các bài viết của Hoài Nam cho thấy, các lý thuyết hiện đại, thời sự nhất trong phê bình (diễn ngôn, hậu hiện đại, nữ quyền, sinh thái, hậu cấu trúc…) đều được anh nghiền ngẫm, khai thác và chuyển hóa trong phân tích văn bản một cách tự nhiên. Ở đây, lý thuyết dường như chỉ là những phác đồ ngầm mách bảo cho nhận thức. Nó được cá nhân hóa và sử dụng hữu hiệu bằng kinh nghiệm đọc của một nhà phê bình chuyên nghiệp.

Từ trang sách đến gương mặt văn chương" của Hoài Nam mang phong cách hành ngôn phê bình chân xác và lịch lãm. Ở đó, từ ngữ luôn cố gắng gọi đúng tên sự thể, khác xa với lối viết phê bình "vuốt ve", làm dáng chữ nghĩa khá phổ biến trên báo chí hiện nay.

Có phần không giống với một số nhà nghiên cứu - phê bình đặt cược mình vào một hướng đi (điều này cũng có cái hay riêng), Hoài Nam lại tìm kế "sâu rễ, bền gốc". Anh quan sát rộng, đa dạng hóa hệ quy chiếu thẩm mỹ và vận dụng nhiều phương pháp khác nhau để triển hiện công việc của mình.

Đọc "Từ trang sách đến gương mặt văn chương" của Hoài Nam, những ai muốn đẩy tận cùng sự thể thường có cảm giác hơi hụt hẫng. Một phần vì anh viết ngắn bởi luôn phải tiết giảm sao cho phù hợp với khuôn khổ của báo chí. Một phần khác, là sự mong đợi sự xuất hiện nhiều hơn các bài mang tính khái quát của anh, về các dòng mạch, khuynh hướng, trào lưu, về những diễn tiến chung của ''bản đồ văn chương'' đương đại.

Dĩ nhiên, ai cũng biết, trong sáng tác hay phê bình, mỗi người sẽ có phần công việc của riêng mình. Nhìn rộng ra, với phê bình văn chương hiện thời, phần lớn người phê bình làm "tay ngang", nhiều người trong số họ, sau một thời gian chăm chú, bởi những lý do khác nhau, đã bỏ cuộc. Vậy nên, nhà phê bình sắc sảo, giỏi giang không hiếm, song một nền phê bình mạnh thì vẫn không, vẫn là "nằm ngửa đấm với".

Nhìn vào hiện cảnh ấy, càng trân trọng hơn những nỗ lực và đóng góp của Hoài Nam, ít nhất là so với thế hệ mình, về cách đặt vấn đề, phương pháp, về những phát hiện và gợi mở để cùng đối thoại với đời sống văn chương Việt Nam đương đại.

Phùng Gia Thế
.
.