“Giữ lửa” văn hóa truyền thống ở Tây Nguyên
Tây Nguyên là một trong những vùng văn hóa lớn của nước ta. Các dân tộc thiểu số ở đây có nền văn hóa phong phú và đa dạng từ trang phục, ẩm thực, âm nhạc truyền thống cho đến chữ viết.
Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được lưu giữ ở vùng cao nguyên đại ngàn này qua hàng trăm, ngàn năm cho tới ngày nay như: đàn đá, cồng chiêng, các loại hình sinh hoạt dân gian, các lễ hội truyền thống, nhà rông, nhà dài, tượng nhà mồ và kho tàng văn học dân gian... Tuy nhiên, nền văn hóa đa dạng ấy đang đứng trước nguy cơ mai một nếu không được quan tâm, gìn giữ.
Nỗi lo “đứt gãy” sự tiếp nối truyền thống
Vào năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, trở thành di sản thứ hai của Việt Nam được công nhận danh hiệu này sau Nhã nhạc cung đình Huế. Văn hóa Tây Nguyên đa dạng, phong phú về bản sắc với nhiều tầng ý nghĩa về văn hóa, lịch sử nên việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên trước nguy cơ bị mai một cần phải thực hiện ngay. Trong đó, phải nâng cao vai trò của cộng đồng trong việc gìn giữ những giá trị truyền thống của văn hóa, nhằm phát triển và lan rộng hơn nữa những bản sắc đặc trưng của vùng đất này.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mai một của một nền văn hóa đa dạng bản sắc như Tây Nguyên, một trong số đó phải nhắc đến rừng. Rừng vốn là cội nguồn của văn hóa Tây Nguyên, thế nhưng ngày nay rừng đang bị tàn phá nghiêm trọng. Cùng với sự biến đổi của khí hậu khắc nghiệt làm cho diện tích rừng không ngừng bị thu hẹp khiến người dân phải bỏ rừng để tìm nơi sống khác. Trong khi đó rừng là gốc gác tâm linh, là sợi dây gắn kết tinh thần của họ với đời sống cộng đồng. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hành văn hóa của đồng bào Tây Nguyên.
Bên cạnh đó việc thay đổi tập quán sinh sống, quy mô, kết cấu làng bản cũng là nguyên nhân báo động cho sự mai một về văn hóa ở Tây Nguyên. Giờ đây những nhà rông, nhà dài đang dần bị thay thế, lai tạp bởi nhà bê tông kiên cố, từ đó không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống cũng bị biến đổi theo. Điều kiện kinh tế của các dân tộc Tây Nguyên còn nhiều khó khăn dẫn đến việc chăm lo bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống còn chưa được chú trọng. Người trẻ đi làm công nhân ở các tỉnh xa dẫn đến tình trạng “đứt gãy” quá trình tiếp nối truyền thống văn hóa. Ở nhiều nơi xảy ra tình trạng chảy máu văn hóa khi rất nhiều bộ cồng chiêng, ché... quý hiếm bị bán cho người ở dưới xuôi để lấy tiền trang trải cuộc sống.
Theo PGS.TS Buôn Krông Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên: “Ta chỉ mới dừng lại bảo tồn “tĩnh” chứ chưa chú ý bảo tồn “văn hóa động”, chưa gắn di sản văn hóa với phát triển sinh kế, chưa phát huy tốt vai trò của chủ thể trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Vai trò truyền thông trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong cộng đồng chưa thật sự rộng rãi, bao quát, chưa sâu rộng. Ta mới chỉ chú ý đến vai trò của truyền thông qua tuyên truyền trên loa, đài, báo chí mà chưa thật sự chú ý đến văn hóa dân tộc thiểu số qua tư liệu giáo dục. Màu sắc văn hóa dân tộc thiểu số trong sách giáo khoa phổ thông rất mờ nhạt. Người làm quản lý văn hóa và triển khai các hoạt động văn hóa không chuyên nghiệp hoặc vẫn chưa thật sự hiểu về văn hóa. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tính hiệu quả của các chương trình bảo tồn và phát triển văn hóa ở Tây Nguyên”.
Một nhân tố không thể không nhắc đến trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa Tây Nguyên, đó chính là con người, đặc biệt là những người trẻ. Khi những già làng, trưởng bản, những người thuộc nghi thức lễ hội truyền thống, sử thi, âm nhạc truyền thống... đã quá già và dần khuất núi thì thế hệ trẻ là mầm non hy vọng cho sự kế thừa văn hóa. Thế nhưng, có một sự thật rằng nhiều bạn trẻ Tây Nguyên ngày nay không hiểu hết về văn hóa của chính dân tộc mình, họ không biết ngôn ngữ truyền thống, không nhớ rõ về các lễ hội... Đây là một trong những điều đáng lo ngại và cần phải có biện pháp khắc phục nếu muốn văn hóa Tây Nguyên được bảo tồn và phát triển.
Vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển văn hóa
Bảo tồn và phát triển văn hóa Tây Nguyên là một bài toán khó và cần dài hơi dưới sự chỉ đạo của các cơ quan nhà nước, sự chung tay thực hiện của tất cả mọi người, trong đó cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đóng vai trò then chốt. PGS.TS Buôn Krông Tuyết Nhung cho rằng: “Quy hoạch lại các làng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, “Mô hình làng văn hóa động” có thể sẽ phần nào bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa. Các mô hình “Làng văn hóa thuần dân tộc” (Làng văn hóa từng dân tộc) hoặc “Làng văn hóa theo nhóm dân tộc” (Làng văn hóa Tây Nguyên, Làng văn hóa Tây Bắc, Làng văn hóa Việt...) xây dựng không gian văn hóa truyền thống, từ đó tạo tiền đề cho quá trình bảo tồn, phục dựng cũng như phát triển văn hóa Tây Nguyên.
Giữ rừng, phục hồi rừng bằng cách tăng cường diện tích trồng rừng, xử lý nghiêm các hành vi phá hoại rừng và giao đất rừng cho cộng đồng tham gia quản lý, nhất là đối với rừng đầu nguồn, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp và thuận lợi cho việc thực hành văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên cũng là việc làm cấp thiết để chống lại sự mai một văn hóa. Bên cạnh đó, là việc tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, mở các khu công nghiệp để giải quyết vấn đề việc làm tại chỗ cho người lao động, đặc biệt là người trẻ để họ vừa có thể mưu sinh, vừa có điều kiện tham gia bảo tồn và giữ gìn bản sắc dân tộc. Như thế họ vẫn được sống trong không gian văn hóa của dân tộc mình”.
Cũng theo PGS.TS Buôn Krông Tuyết Nhung, cần có chiến lược và kế hoạch tổng thể, lâu dài xây dựng làng văn hóa gắn với phát triển sinh kế, gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để người dân được phát huy vai trò là chủ nhân của núi rừng, của văn hóa. Điều này không chỉ giúp bà con có thêm nguồn thu nhập mà còn là hoạt động quảng bá văn hóa, góp phần bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên đến đông đảo người dân. Chú ý phát huy vai trò của chủ thể các dân tộc Tây Nguyên trong bảo tồn, bảo tàng (cả động và tĩnh). Mô hình này các nước trong khu vực làm rất tốt, chúng ta có thể học hỏi từ họ. Cần tăng cường màu sắc văn hóa các dân tộc, xác định tỷ lệ hoặc bắt buộc bao nhiêu phần trăm kiến thức liên quan đến văn hóa các dân tộc trong sách giáo khoa phổ thông. Việc này sẽ giáo dục sâu rộng giá trị, vai trò của văn hóa cho học sinh từ trong nhà trường đến môi trường cộng đồng.
Giới trẻ và người Tây Nguyên luôn trân trọng và tự hào về văn hóa của cha ông. Điều đó thể hiện rất rõ qua việc họ nói và thực hành về văn hóa của mình. Giới trẻ luôn khao khát để khẳng định vai trò của mình trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Trước thách thức mai một về văn hóa truyền thống như hiện nay, cần tạo “sân chơi đích thực” và điều kiện thuận lợi để giới trẻ trở thành người “giữ lửa” trong các câu chuyện của văn hóa gắn với phát triển sinh kế.
Tây Nguyên ngày hôm nay như một bức tranh thổ cẩm được dệt nên từ nhiều sắc màu dân tộc. Nét độc đáo, riêng biệt của mỗi tộc người cùng hòa trộn với nhau để tạo nên một Tây Nguyên với bề dày lịch sử, văn hóa. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của Tây Nguyên không thể chỉ trong ngày một, ngày hai hay chỉ vài gạch đầu dòng ngắn ngủi là có thể thực hiện được. Sự chung tay lan truyền của cộng đồng, ý thức về việc giữ gìn một nền văn hóa truyền thống và chính sách kích cầu, khuyến khích một lần nữa là giải pháp được đưa ra với những người làm công tác văn hóa.
Tuy chặng đường còn dài nhưng với sự nỗ lực đã và đang thực hiện trong thời gian qua của cơ quan chức năng, từ chủ trương, Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các đề án bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa..., chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về tương lai tươi sáng cho một nền văn hóa Tây Nguyên phát triển rực rỡ.