Giữ gìn tiếng Việt để phát triển con người toàn diện

Thứ Sáu, 19/04/2024, 10:36

Trung tuần tháng 4 này, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản đã tổ chức Lễ phát động Ngày tôn vinh tiếng Việt và cuộc thi Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2024 tại khu vực Kyushu, Okinawa và Trung Nam Nhật Bản. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Lễ phát động Ngày tôn vinh tiếng Việt mà Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức tại Tokyo, ngày 6/4.

Khu vực Kyushu, Okinawa và Trung Nam Nhật Bản là nơi có hơn 110 ngàn người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập. Việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt cho thế hệ trẻ em thứ hai, thứ ba, là người Việt hoặc gốc Việt vì thế là việc làm có ý nghĩa hết sức thiết thực và nhân văn.

Trước sự kiện diễn ra lần này tại khu vực Kyushu, Okinawa và Trung Nam Nhật Bản, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phát động cuộc thi "Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN (người Việt Nam ở nước ngoài) năm 2023", triển khai từ tháng 4 đến tháng 8/2023. Cuộc thi được các đại sứ quán của nước ta ở nước ngoài tích cực triển khai và kết quả đã chọn được 5 Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023 đến từ các quốc gia Lào, Malaysia, Australia, Đức, Bỉ. Đây là những cá nhân có năng lực sử dụng tiếng Việt và có các hoạt động tích cực nhằm gìn giữ, tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Giữ gìn tiếng Việt để phát triển con người toàn diện -0
Lễ phát động Ngày tôn vinh tiếng Việt năm 2024 tại Nhật Bản.

Những hoạt động kể trên là những đơn cử của việc triển khai "Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2022 nhằm khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ học tập và giữ gìn tiếng Việt, góp phần cụ thể hóa chủ trương "Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc" tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Đảng và Nhà nước ta luôn có quan điểm đúng đắn, nhất quán về sứ mệnh bảo tồn, duy trì và phát triển tiếng Việt. Ngay sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, khi giặc đói còn  hoành hành khắp nơi, 3 mục đích của phong trào thi đua ái quốc lúc bấy giờ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra là "Diệt giặc đói. Diệt giặc dốt. Diệt giặc ngoại xâm".

Như vậy, sau "diệt giặc đói" thì mục tiêu "diệt giặc dốt" đã được nhìn nhận quan trọng hơn cả mục tiêu "diệt giặc ngoại xâm". Từ đó, phong trào bình dân học vụ xóa nạn mù chữ với phương châm "người biết chữ dạy người chưa biết chữ" đã phát triển rộng khắp, không chỉ mang lại con chữ cho người dân thoát cảnh "mù chữ" mà còn tạo tiền đề quan trọng để từng bước xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc mà chúng ta thừa hưởng ngày nay.

Ngôn ngữ là một cấu phần của văn hóa. Điều này là rất rõ. Những giá trị, những nét đặc thù văn hóa được thể hiện thông qua ngôn ngữ và bằng ngôn ngữ. Ngôn ngữ truyền tải văn hóa cũng như các loại hình văn hóa nghệ thuật, đồng thời góp phần quan trọng phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Ngôn ngữ đã góp phần tạo nên bản sắc Việt Nam trong suốt quá trình hình thành và phát triển dân tộc. Cho nên, tiếng Việt luôn là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam, dù ở trong nước hay đang sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài.

Có một điều rất thú vị là trên thế giới hiện nay, không phải bất cứ đất nước đang phát triển nào cũng đều có thể giảng dạy ở tất các các cấp học, các bậc học bằng chính tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình. Chính vì điều đó, việc giữ gìn và làm giàu tiếng Việt là trách nhiệm không chỉ của Đảng, Nhà nước, các trường học hay viện nghiên cứu ngôn ngữ, mà là trách nhiệm của toàn dân, đặc biệt trong bối cảnh đời sống phát triển không ngừng, với sự thâm nhập mạnh mẽ của tiếng nước ngoài đang đặt ra nhiều thách thức liên quan đến tính toàn vẹn, sự trong sáng và phong phú của tiếng Việt.

Thực tiễn cho thấy, trong nhiều năm qua, vấn đề "tiếng Việt lệch chuẩn" đã được báo động trên nhiều diễn đàn. Những cái gọi là "ngôn ngữ thời @", "ngôn ngữ thế hệ 9x"... và cả việc "sính ngoại" trong sử dụng ngôn ngữ đang dần làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Cũng từ thực tiễn đó mà từ những năm 2020-2021 đã có những đề xuất về chính sách xây dựng pháp luật về tiếng Việt.

Nước ta đang trong lộ trình tích cực triển khai Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hướng đến hoàn thiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Mục tiêu chung của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế - xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng.

Để thực hiện thành công Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, xây dựng và phát triển con người Việt Nam toàn diện thì không thể xem nhẹ việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

"Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhắc lại ý này của tiền nhân trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tổ chức ngày 24/11/2021, nhằm khẳng định vai trò to lớn của văn hóa.

Lương Duy Cường
.
.