Gió thổi khúc tình yêu Blao

Thứ Hai, 04/07/2022, 14:39

Thành phố Bảo Lộc chính là miền đất Blao xưa của tộc người Mạ sống bên sông La Ngà (còn gọi là Đại Nga). Những nẻo đường bụi đỏ bazan ngày nào bén gót chân nhạc sĩ lãng tử Trịnh Công Sơn đã trở thành dĩ vãng. Nhưng những tình khúc “Chiều một mình qua phố” cùng với “Lời buồn thánh” luôn mộng mị trong tôi mỗi khi dừng chân nơi đây. Bảo Lộc luôn là nơi để ngẫm ngợi hoặc rất có thể chỉ là một chút thở dài trên con đường vạn lý.

Nẻo ký ức với những chiều chủ nhật buồn

Người đầu tiên tôi gặp ở thành phố là nhà văn Ninh Thế Hùng (Chi hội trưởng Chi hội VHNT Lâm Đồng, ở Bảo Lộc). Sự hội ngộ tình cờ cách đây không lâu khi tôi bồi hồi dạo bước trên xóm núi ở ngoại vi thành phố để tìm người đã từng dậy học cùng Trịnh Công Sơn. Theo chỉ dẫn của dân bản tôi tìm đến gặp thầy Hiệu trưởng Trường cấp hai tại vùng này. Thật không ngờ người thầy đó chính là nhà văn Ninh Thế Hùng. Niềm vui ập đến khi tôi biết anh đã từng là học trò lớp 3 của thầy giáo Trịnh Công Sơn. Những ký ức gần nửa thế kỷ dội về trên con đường đầy bụi đỏ ngày đó.

Ninh Thế Hùng luôn nhớ đến ông trưởng giáo Trịnh Công Sơn với vóc hạc xương mai và chiếc đàn ghita gỗ thường vác trên vai. Nhà văn bất ngờ hát mấy câu trong bài “Ông tiên vui” của Trịnh Công Sơn đã dạy học trò thuở nào: “Ông tiên vui nên tính ông hay đùa/ Em xin quà thì ông hứa sẽ mua/ Ông tiên vui ông thường cho em bánh/ Bánh thơm bằng sương mát với ngàn hoa”.

untitled-3.jpg -0
Ngôi nhà dài bản người Mạ ở xứ Blao.

Sau đó Ninh Thế Hùng dẫn tôi lang thang khắp phố bằng chiếc xe cúp cà tàng. Điều thú vị nhất là ngôi nhà trọ mà Trịnh Công Sơn đã cùng ở với mấy thầy giáo khác tại đường Lý Tự Trọng hồi (1963-1967). Giờ đây ngôi nhà ấy không còn nữa nhưng mảnh đất cao ráo của xóm người Mạ đã trở thành dấu tích âm nhạc một thời “Ca khúc da vàng” bên hồ công viên thành phố. Đồng thời miền đầy mây này cũng là xứ sở hùng cứ một cõi của tộc người Mạ cho đến nay.

Xứ Blao luôn là một thung lũng bí ẩn với những người Mạ trên đèo Bảo Lộc. Đây là tộc người sống tập trung ở dọc sông Đồng Nai thượng và sông La Ngà dưới chân núi Đại Bình (cao 1244m). Con trai Mạ luôn chỉ đóng khố và trần trụi với mưa rừng suối thác. Con gái mạ thường có đôi mắt to ngơ ngác trong suối nhạc cồng chiêng mỗi khi vào hội hiến trâu. Tấm áo thổ cẩm trắng là một độc bản của người Mạ trên vùng Tây Nguyên. Đó là những mảnh ánh sáng trong miền đất chìm trong mây bay. Nhà văn Ninh Thế Hùng cho biết đây là vùng đất được sinh thành giữa ba con sông và là bông hoa trên đồng cỏ bao la. Blao được hai con sông lớn Đồng Nai và La Ngà bao bọc tạo nên vùng đất rộng lớn cùng dẫy núi cao nguyên Di Linh. Đặc biệt con sông nhỏ Đạ Bin quanh co khắp thành phố tạo nên vẻ đẹp kỳ thú bên những con hồ thơ mộng và đồi chè xanh mát. Những người Mạ đã biết trồng cà phê và trồng chè từ gần 100 năm nay.

Đặc biệt từ khi nhà thám hiểm, bác sĩ Alexandre Yersin cũng đã xuất phát từ con sông La Ngà để tìm ra miền cao nguyên Di Linh. Từ đó những ý tưởng xây dựng trung tâm hành chính Blao mới được hình thành. Ông lần theo thượng nguồn La Ngà và đã gặp những người Mạ cổ sinh sống tại đây. Đó là hình ảnh được ông ghi lại với những chiếc vành tai trĩu nặng với chùm vòng bạc rủ xuống gần vai của người đàn bà. Đồng thời còn đó là những bàn răng của người đàn ông Mạ bị mài phẳng tạo dáng vững trãi khỏe mạnh. Bởi theo truyền thuyết xưa người Mạ được sinh ra từ đá và hùng vĩ như núi non và dũng cảm bên thác lũ rừng già. Họ trị vì và mưu sinh rộng khắp từ vùng cao nguyên Di Linh. Miền đất người Mạ được sinh sôi hàng trăm năm bên các dòng suối và các chi lưu sông kéo dài từ Đồng Nai Thượng, Bảo Lâm. Tánh Linh, Cát Tiên, Đạ Tẻn, Đạ Hoai… Chính vì thế thành phố Bảo Lộc một thời được coi là cơ quan hành chính của tỉnh Đồng Nai Thượng trước khi nhập vào Lâm Đồng. Con hồ (đầu thành phố) bên quốc lộ 20 đến nay vẫn còn mang tên Đồng Nai.   

Mơ thấy người yêu, thần gặp ta

Mới đây gặp lại nhà văn Ninh Thế Hùng tôi như đã nhập vào hồn cốt của người Mạ Blao xưa. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ ngọn thác Đăm Bri kể về chuyện tình bi thương và mãnh liệt của đôi trai gái người Mạ. Ngọn thác dựng đứng (cao 60m) và trải dài dòng nước mắt đợi chờ thủy chung của những bạn tình nguyện sống chết cùng nhau. Nhưng có lẽ bất ngờ nhất là khi nhà văn tặng tôi cuốn sách “Ca dao của người Mạ” (NXB Hội Nhà văn - 2021) do anh biên soạn. Đây là công trình mà nhà văn đã chuẩn bị từ hàng chục năm trước. Cuốn sách được coi là những “Túi khôn” của làng buôn. Bởi kho tàng ca dao người Mạ ẩn sâu những triết lý sống và kiến thức được đúc kết lâu đời. Ca dao Mạ được ví von với những hình ảnh cụ thể dễ nhớ như: “Xem trâu nhìn sừng/ Xem dê nhìn lông/ Xem người ở mắt”. Đặc biệt ca dao Mạ đã để lại những câu rất độc đáo về lẽ sống và quan hệ con người với thiên nhiên.

untitled-4.jpg -0
Thác Đăm Bri ở Bảo Lộc.

Tôi ngạc nhiên vì những câu chuyện kể về lễ hội và phong tục người Mạ của nhà văn Ninh Thế Hùng. Giọng anh trầm ấm và chậm rãi đọc những câu ca dao gần với phương ngữ dân gian mang nét độc đáo của người Mạ. Tôi như nuốt từng lời ca vang lên từ rừng sâu mây bay: “Mơ khóc thì sống lâu/ Chiêm bao cười, mau trở về/ Mơ thấy người yêu, thần gặp ta”. Hoặc đâu đó còn là tiếng cười hóm hỉnh bên suối nước bên rừng cà phê: “Nước không bùn, nó sẽ phủ rêu/ Chiêng không đánh, nó sẽ mốc xanh/ Của trời không chơi, nó sẽ tóp lại”. Hay nhà văn còn vừa đọc vừa mủm mỉm cười: “Uống rượu cần với thuốc hút/ Ăn chơi với ớt/ Cua gái bằng chân”. Rồi bất ngờ anh cười lớn đọc to mấy câu bằng tiếng Mạ nghe ngọt như nước suối vậy. Hỏi ra mới biết từ bé nhà văn đã được một già bản người Mạ nhận làm con nuôi. Cậu bé Hùng ngày đó đã từng thuộc những câu hát tình tứ của trai bản mỗi khi lên rừng hẹn hò bạn gái.

Nhà văn Ninh Thế Hùng kể mình được sinh ra gần bản người Mạ nên sớm được nghe những lời ru của người mẹ trên ngôi nhà sàn bên suối vắng. Đã nửa thế kỷ mà anh vẫn thuộc lòng câu tục ngữ Mạ đầu tiên học được: “Dao không giết mà ta tự giết/ Người chẳng hận mà ta tự hận/ Người không ghét mà ta tự ghét”. Từ đó anh không bao giờ quên nguyên tắc của người Mạ rằng: “Cọp trong rừng, thần cho, mới bắt người/ Của trong háng, mày cho, trai mới ngủ”.

Nhà văn Ninh Thế Hùng nói người Mạ không có chữ viết. Hiện anh đang bỏ công biên soạn cuốn từ điển phiên âm tiếng Mạ - Việt để lưu giữ lại ngôn ngữ của dân tộc ít người ở xứ Blao xa xôi. Anh cho biết cách đây gần trăm năm các linh mục người Pháp đã dùng bộ chữ La tinh để ký âm tiếng Mạ và chữ Kho. Nhưng đã quá lâu các trường trung học cơ sở người Mạ chỉ học tiếng Việt. Do vậy các bạn trẻ người Mạ hiện nay không viết chính xác được tiếng nói của dân tộc mình.

Đừng xa cách nữa nàng ơi

Ngoài ca dao tục ngữ người dân tộc Mạ còn gìn giữ một kho báu về những làn điệu dân ca Tăm Pớt (giao duyên hát đối). Họ không còn giữ tục cà răng căng tai như thuở còn là một Tiểu vương quốc Mạ trên cao nguyên Di Linh nhưng làn điệu dân ca tình yêu không bao giờ rơi vào quên lãng. Đến nay không bạn trẻ người Mạ nào quên được những lời hát trong trường ca tình yêu giữa chàng KYai và nàng Ka Kông. Đó là biểu tượng chung thủy và sống chết với tình yêu như chàng Đăm và nàng Bri (truyền thuyết về thác Đăm Bri).

Người dân tộc Mạ luôn truyền cho con cháu câu Tăm Pớt: “Đừng mang cồng chiêng chôn trong lòng đất/ Đừng giết chết tình yêu”. Đêm đêm sau lễ hội đâm trâu là những khúc ca về quê hương và tình yêu lại vang lên quanh đống lửa trại. Tiếng cồng chiêng ngân nga theo già làng kể chuyện với lời ca: “Tôi nhớ đến nàng trong giấc ngủ/ Tôi giật mình thức dậy ngỡ nàng đang thỏ thẻ bên tai/ Ô không, tôi nào thấy nàng tận mắt đâu/ Đó chỉ là giấc mơ/ Khi đôi ta mới quen nhau…/ Đừng xa cách nữa nàng ơi…”.

Vương Tâm
.
.