Giai điệu phố thu xưa

Thứ Năm, 09/03/2023, 15:30

Phố Cao Bá Quát (Ba Đình-Hà Nội) cong queo như một cành bàng rụng lá. Con đường khúc khuỷu vì xưa những ngôi biệt thự được dựng trên bờ hào nước ven thành Hà Nội cổ kính. Đó là một phố Tây điển hình vì toàn biệt thự rộng. Phố dài hơn 500 mét nhưng mỗi bên hè đường chỉ có chừng hai mươi số nhà. Đầu phố kết thành ngã ba với đường Lê Duẩn. Cuối phố chớm vào ngã tư Nguyễn Thái Học và phố Văn Miếu.

Phố nhỏ nhà lớn

Đường phố Cao Bá Quát chỉ rộng chừng 8 mét. Giữa phố lại bị đường Hoàng Diệu xuyên qua nên phố có tới ba ngã tư suốt ngày tàu xe qua lại. Nhất là đầu ngã ba với Lê Duẩn có đường tàu hỏa sớm tối đi vào ga hú còi inh ỏi. Không gian êm đềm của những khu nhà vườn kiểu Pháp do đô thị hóa đã bị phá vỡ không còn như xưa. Mỗi khu biệt thự ở đây thường có mặt tiền chừng 10 đến 20 mét. Nay nhiều nhà bị cắt xén theo những cửa hàng dịch vụ rửa xe và cắt dán đề can thương hiệu các loại xe máy.

Một con phố thơ mộng một thời nay còn đâu khi đường phố ướt dầm dề với những vòi nước vung vẩy tung tóe. Sự đổi thay theo kinh tế thị trường đã làm cho khu phố dần mất đi dáng vẻ xưa. May mà lấp ló phía sau những cửa hàng vẫn còn đó những màu vàng ươm mùa thu trên những bức tường cũ mốc. Hiện phố chỉ còn lại một biệt thự duy nhất ở số nhà 34B là còn nguyên vẹn và bỏ hoang. Thật kỳ lạ! Những cây nhãn cổ sần sùi với thời gian ở đây vẫn ra hoa, trổ quả ngọt lịm nhưng chỉ để cho chim ăn. Phải chăng đó là "ngôi nhà ma" còn sót lại. 

8-chân dung danh nhân cao bá quát.jpg -0
Chân dung danh nhân Cao Bá Quát.

Có thời phố Tây này được người Pháp đặt tên là Tuyên Quang nhằm ghi dấu lại cuộc chiến giữa giặc Pháp và quân sĩ Cờ đen và quân Thanh vào năm 1885. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tên phố được đặt là Cao Bá Quát. Sau ngày giải phóng Thủ đô (1954), những biệt thự ở đây được phân cho các cơ quan làm việc.

Hiện vẫn tồn tại ngôi nhà của Đại sứ quán Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và đặc biệt là Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ngôi nhà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sừng sững ở cuối phố Cao Bá Quát kéo dài tới chừng 40 mét vỉa hè. Đây cũng là một điểm nhấn cho con đường hào xưa kéo dài từ con hồ Kim Ngâu, phố Hàng Đẫy chạy qua. Bên cạnh đó, nhiều biệt thự đã được trưng dụng làm trụ sở của các cơ quan văn hóa, giao thông vận tải và dịch vụ vệ sinh môi trường.

Con phố được đặt tên danh nhân Cao Bá Quát (1808-1855), tự là Chu Thần với những huyền thoại được tôn vinh bậc Thánh văn chương. Cuộc đời thi nhân Cao Bá Quát quả thật đầy bi kịch (thời kỳ nhà Nguyễn) nhưng lại gắn liền với những áng thi ca bất hủ. Ông nổi tiếng là người hay rượu và mê hoa cùng những ám ảnh nỗi niềm nhân thế.

Vẫn còn đó những câu thơ chan chứa nỗi can qua: "Đỗ Quyên kêu trong mưa bụi nhòa/ Đầu cây thầm khóc đêm hồng sa/ Sắc xuân thương lắm sao còn giữ/ Đành cười mệnh bạc gió Đông qua" (Lạc hoa - Nguyễn Lương Vỹ dịch). Canh cánh trong lòng thi nhân luôn ẩn chứa nỗi đau vì dân vì nước: "Thành xây Long Đỗ, trời cao ngất/ Sóng cuốn phù sa, nước đỏ dòng/ Lồng lộng xưa nay tình đất nước/ Sao mình làm mãi một thi ông". Và ông luôn trăn trở nỗi lo toan: "Không có sách lược gì làm cho đời được thái bình/ Thẹn mình là một nhà nho mà lại tầm thường đến thế".

Chính vì con người của ông không chịu khuất phục cường quyền nên đã nổi lên khởi nghĩa chống nhà Nguyễn (1854). Tháng Giêng năm 1855, Cao Bá Quát bị trúng đạn hy sinh trong một trận chiến tại làng Yên Sơn (Quốc Oai-Hà Nội). Cho dù dòng họ ông đã bị tru di tam tộc văn thơ ông bị đốt trụi nhưng vẫn còn tồn lại tới 1.353 bài thơ và 21 bài văn xuôi được lưu truyền gìn giữ trong các văn đàn dân gian. Ngay vua Tự Đức đã ca ngợi ông là bậc kỳ tài văn chương nước nhà với nhận định nổi tiếng: "Văn như Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát, đời Tiền Hán không có ai bằng".

Mây bay về đây cuối trời

Có những ký ức về mùa Thu không thể nào quên về phố Cao Bá Quát qua những ngôi biệt thự cổ. Đó là một căn nhà âm nhạc ở số 9, nơi ở của gia đình nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (1924-2001). Đồng thời, nơi đây cũng là một trong những trường nhạc tư đầu tiên ở Hà Nội. Đây là con phố luôn được mạ sắc vàng mỗi khi thu về hàng cây rụng lá. Một không gian luôn rộn ràng tiếng đàn tiếng hát ngân vang khắp phố.

Những buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống là con phố lại chìm đắm trong tiếng đàn Hạ uy cầm (Guitar Hawaii) của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Ông là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi được học loại đàn này từ khi còn trẻ. Trước khi về ngôi nhà số 9, Đoàn Chuẩn đã nổi tiếng với những bài hát như: "Tình nghệ sĩ", "Đường về Việt Bắc", "Gửi gió cho mây ngàn bay". Hơn nữa hồi đó ai cũng thuộc những lời ca say đắm của Đoàn Chuẩn qua những bài hát: "Lá Đổ muôn chiều", "Cánh hoa duyên kiếp" và "Thu quyến rũ". Do vậy, sau ngày giải phóng Thủ đô (1954), phố Cao Bá Quát đã được mệnh danh là phố âm nhạc mùa Thu.

1-đầu phố cao bá quát.jpg -0
Đầu phố Cao Bá Quát.

Sau này nhạc sĩ mới viết tiếp những bài khác như: "Tà áo xanh", "Vĩnh biệt", "Chiếc lá cuối cùng"… và đặc biệt là "Gửi người em gái miền Nam". Chính vì sự phổ cập rộng rãi những tình khúc của ông trong giới trẻ mà những lớp học nhạc tại nhà số 9 ngày càng đông. Sự tò mò của nhiều người càng kỳ thú hơn khi họ nghe đồn rằng mỗi bài hát của Đoàn Chuẩn là kết quả của một mối tình. Ông chỉ viết tặng vợ mỗi bài hát "Đường về Việt Bắc" (1949) vào thời kỳ tham gia kháng chiến ở Thái Nguyên. Số bài còn lại là sự say đắm hay nuối tiếc cho những bóng hồng khác.

Ngôi nhà số 9 Cao Bá Quát còn là nơi gặp gỡ nhiều nhạc sĩ và ca sĩ nổi tiếng vào năm tháng này. Đặc biệt là ca sĩ tài tử Ngọc Bảo chuyên hát bài của Đoàn Chuẩn. Hằng đêm các ca sĩ trẻ đến luyện giọng theo tiếng đàn Hawaii của ông. Giai điệu tha thiết cùng với lời ca vang lên say đắm mỗi khi xuân về: "Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng/ Rừng đào phong kín cánh mong manh hé hoa lòng/ Hà Nội vui đón Tết hoa chen người đi/ Liễu rủ hàng mi…".

Điều ai cũng khó ngờ tới chuyện tình cảm vợ chồng nhạc sĩ thật sự bền bỉ và hạnh phúc cho dù qua bao đồn thổi. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn quả là một tay chơi có hạng và nổi tiếng ở Hà Nội. Việc mỗi bài hát của ông đều là kết quả của một cuộc tình dang dở quả không sai. Có thể là một cuộc tình mộng tưởng hay có thật đã xảy ra rồi chia ly. Riêng bà Nguyễn Thị Xuyên (vợ nhạc sĩ) thì lại ngó lơ như không hay biết gì.

Thậm chí có người còn dò hỏi tâm tư hoặc thắc mắc vì sao bà không nổi ghen. Có lần bà tủm tỉm cười và bộc bạch rằng, riêng bài hát "Đường về Việt Bắc" chồng viết cho mình là nhất quả đất rồi. Bà biết rằng ông chưa bao giờ muốn xa bà kể từ ngày cưới năm 1942 (khi mới 18 tuổi). Rồi có lúc bà còn say sưa cất tiếng hát: "Qua bao núi rừng anh về đây/ Nhớ nhau từng phút, yêu từng giây/ Đường về Việt Bắc xa xôi rừng núi/ Nâng phím tơ lên mấy cung lả lơi…". Thế là mọi lời ong tiếng ve chấm dứt.

Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên

Những người yêu âm nhạc Đoàn Chuẩn đều gọi ông là nhạc sĩ của mùa Thu. Dường như chỉ có mỗi bài hát "Gửi người em gái miền Nam" là ông viết về mùa xuân và tình yêu Hà Nội. Một vẻ đẹp xuân sắc được tô điểm từ con phố Cao Bá Quát cùng những hình ảnh thân quen. Cuộc tình chia tay vào mùa thu nhưng sự mong nhớ lại bừng lên trong ánh sáng mùa xuân. Giai điệu say đắm và ấm áp qua không gian tình yêu: "Em tôi đi màu son lên đôi môi/ Khăn san bay lả lơi vai em tôi/ Trời thắm gió trăng hiền/ Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên".

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn có 6 người con, trong đó có ba người theo đuổi âm nhạc. Riêng nhạc sĩ Đoàn Đính được học tập và rèn luyện đàn Guitar Hawaii với bố từ nhỏ. Hai nghệ sĩ cha con anh đã từng hòa tấu và cùng biểu diễn trong những đêm ca nhạc ở Thủ đô. Ngón đàn của Đoàn Đính thường ngân rung trong những đêm khắc khoải nỗi nhớ và sự chia ly. Anh chơi những bản nhạc của cha với sự ngưỡng mộ và đam mê. Những mùa thu âm nhạc luôn tiếp nối trên con phố êm dịu xanh tươi với những hàng cây.

Vương Tâm
.
.