Giấc mơ trôi phía vạn đò

Thứ Sáu, 20/09/2024, 09:51

Nguyên quán của tôi là làng Phò Ninh, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nơi đó có con sông Bồ chảy qua. Nhưng tôi sinh ra và lớn lên bên cạnh dòng Ô Lâu, con sông bắt nguồn từ núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, chạy qua làng cổ Phước Tích về với Ngũ Điền, tên gọi chung của 5 xã ven biển trước khi hòa vào với Biển Đông.

Hồi ấy, học hết cấp 2, nhà ở ngoại thành nên ba mẹ cho tôi vào TP Huế ôn thi phổ thông trung học. Khỏi phải nói, ban đầu háo hức bao nhiêu thì đến lúc đi lên đến đó, cảm xúc lại trái ngược bấy nhiêu. Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa bao giờ phải xa vòng tay gia đình. Lên Huế, ở lại nhà người thân, không có bạn bè cùng trang lứa nên cái cảm giác lủi thủi một mình thật hoang mang, buồn bã đối với một đứa học trò mười mấy tuổi. Thú thật, biết bao đêm tôi đã nằm khóc vì nhớ nhà.

Để giết thời gian, chiều chiều sau mỗi giờ học, tôi lại hay lang thang đi bộ ra Cửa Nhà Đồ, leo lên phía trên vọng lâu, nơi ngày xưa binh lính thường đứng canh gác để ngắm nhìn dòng người tấp nập vào ra. Đây là nơi người bên Thành Nội đi qua bờ Nam hoặc ra Hương Sơ, ngược lên Kim Long miền gái đẹp. Vẫn nhớ như in cái khung cảnh dòng sông Hương hiền hòa trong trời chiều man mác, mỗi khi tắt nắng, mấy đứa bạn mới quen lại rủ nhau xuống Bến Me, tên thường gọi của bờ sông phía bên kia đường, để tắm cho thỏa thích.

1 (1).jpg -0
Mưu sinh trên sông nước xứ Huế. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải

Đã gần 30 năm trôi qua, vậy mà tôi vẫn không thể quên anh cu Rúp, một người bạn gặp và quen trên đoạn sông năm ấy. Anh cu Rúp làm nghề chài lưới trên một con thuyền nan nhỏ, nhìn thì trạc cùng trang lứa vì anh cũng nhỏ con như tôi. Sau nhiều lần bắt chuyện, tôi mới biết anh lớn hơn 2 tuổi. Anh có khuôn mặt hiền lành, ít nói. Thẳm sâu trong ánh mắt anh cu Rúp là một nét đượm buồn, man mác.

Đôi khi lần từng tay lưới chả được gì, anh tấp thuyền vào gần mấy bụi cây. Tôi thì cũng không muốn về nhà nên rề rà tâm sự với nhau cho đỡ buồn. Rúp kể, nhà có 4 người con, anh là con trưởng. Ai cũng tìm kế sinh nhai trên đoạn sông này. Chiếc thuyền lớn cũng là nơi tá túc của cả gia đình, mỗi đứa có một chiếc thuyền nhỏ, khi thì thả lưới, khi thì dùng điện để đi rà cá mặc dù biết điều này bị cấm. Tối tối được lên bờ học văn hóa do Trung tâm Giáo dục thường xuyên phối hợp với UBND Phường tổ chức.

Tôi hỏi, mong muốn của anh sau này là gì? Anh buồn buồn: “Cũng không biết nữa, chỉ mong là không còn nay đây mai đó miết trên dòng sông này. Mình cố gắng học để biết chữ, sau này làm thầy giáo dạy cho các em vạn đò ở xóm Đông Ba”. Rúp đáp rồi nhìn ra xa xăm. Có lẽ anh biết ước mơ đó cũng mơ hồ và mờ ảo như làn sương bên kia sông hướng lên Phường Đúc. Tôi vỗ vai anh động viên, mặc dù bản thân mình cũng chưa biết đi đâu về đâu khi “lần đầu vô Dinh”, như cái cụm từ mà người Huế vẫn hay nói về những đứa học trò nhà quê lên tỉnh.

Vậy mà, chính anh bạn mới quen có cái tên mộc mạc ấy lại là người nhen nhóm cho tôi động lực và niềm tin để cố gắng. Một đứa trẻ sống ở xóm vạn đò, cuộc sống lênh đênh theo dòng Hương lững lờ, vào mùa lũ, gió từ bốn phía thổi trắng xóa cả một khúc sông, nhìn đâu cũng một màu vàng đục của phù sa thượng nguồn trôi về phía biển... lại có ước mơ giản dị và đầy ý nghĩa, trở thành người thầy để dạy dỗ cho những đứa trẻ như mình.

Vào năm học, trước ngày khai trường, tôi mang tặng cho anh cu Rúp một bộ sách cũ và vài quyển vở. Mặc dù lớn tuổi hơn nhưng anh học sau tôi hai lớp. Thực sự đến giây phút đó, bản thân tôi vẫn không ngờ ở ngay trung tâm thành phố cổ kính trầm mặc này, Kinh đô xưa của nhà Nguyễn, vẫn còn những xóm vạn chài và nhiều cuộc đời đáng thương hơn cả người bạn của mình.

Vào năm học, tôi ít có thời gian lang thang bến Me, ở trường lại có thêm nhiều bè bạn, thế là Rúp cùng với những câu chuyện cứ xa dần, xa dần trôi vào dĩ vãng. Học xong trung học rồi đại học, tôi làm việc ở Huế gần mười năm trước khi thiên di lên với Tây Nguyên đại ngàn hùng vĩ. Lâu lâu về quê, ngồi uống nước ở bãi cỏ hai bên bờ sông Hương, những ký ức của một thời xa xăm cùng với người bạn năm xưa cứ thao thức tìm về. Đôi khi tôi cứ dõi theo một người lái đò nào đó xem có phải là Rúp hay không. Khúc sông tôi từng tắm mát năm nào giờ đã là một công viên tuyệt đẹp, có chỗ cho người dân đi bộ, tập thể dục và đạp xe mỗi sáng. Nơi tụi tôi hay cắm đầu nhảy ùm xuống nước thì nay là chiếc cầu bán nguyệt bằng gỗ, chiều chiều ngồi ngắm mặt trời trong ánh hoàng hôn kinh kỳ Đại Nội thì không bút nào tả được.

2 (1).jpg -1
Người vạn chài trên phá Tam Giang (ảnh minh họa).

Thế rồi tình cờ về họp lớp cùng niên khóa, tôi gặp lại thằng cu Lăng, đứa bạn hồi ấy thường hay đi lang thang với mình ở chỗ Bến Me. Tôi nghe nó kể rằng toàn bộ cư dân xóm vạn chài ven chợ Đông Ba, Gia Hội, Đập Đá… đã được chính quyền bố trí tái định cư, được cấp đất, làm nhà và dạy nghề để mưu sinh. Điều mà tôi mừng nhất là tất cả trẻ em vạn chài đều được đến trường, có khai sinh, có hộ khẩu như bao chúng bạn.

Tôi hỏi thêm về anh cu Rúp, nó nói ảnh học xong bổ túc văn hóa, thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm và trở thành người thầy như từng mơ ước, đi dạy hơi xa nhà ở Phú Vang, ngoại thành của Huế. Tôi nghe, hạnh phúc trào nước mắt. Giấc mơ của cậu trai nghèo tưởng chừng viển vông, rồi gắng gỏi cũng thành hiện thực. Chao ôi, một con người như Rúp, ngoài việc truyền thụ kiến thức, chắc hẳn anh sẽ gieo vào lòng các thế hệ học sinh sự chân chất, mộc mạc về nhân cách như đã từng nói chuyện với mình, rằng chỉ cần có niềm tin, nghị lực ắt hẳn chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn, giông bão cuộc đời. Tôi biết, anh cu Rúp của tôi đã phải vượt qua bao nhiều trầm luân, gian khó. Nghe thôi, mà thương chi lạ.

Chẳng hiểu sao, tôi lại tự cho mình có duyên với những dòng sông, đã từng tắm mát trên con Sông Bồ quê nội, Sông Ô Lâu cạnh nhà, học hành và công tác bên Sông Hương, ba con sông lớn chảy về Phá Tam Giang huyền thoại. Mỗi khi tắt nắng, ngồi bên quán cafe Chiều, đường Đặng Thái Thân, ngắm nhìn thành quách rêu phong Đại Nội, lại nhớ mấy câu của nhà thơ Thu Bồn:

Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu

Có lẽ càng đi xa, càng thấm thía với chiều sâu của Huế, của những con sông chở nặng phù sa, trầm tích biết bao bể dâu cùng thăng trầm lịch sử. Lâu lâu có dịp về bên cạnh cầu Trường Tiền, cuốc bộ bên này sang bên kia đếm đủ sáu vai mười hai nhịp, nhìn dòng nước chầm chậm trôi qua hướng về biển cả, giống như ta bước chân về với mẹ cha cùng quê hương ruột thịt, để rõ hơn về nhân sinh, được mất của cuộc đời.

Không biết sau một ngày tất bật với thời gian đứng trên bục giảng cùng giáo án, học trò, mỗi khi rảnh rỗi, anh Rúp có khi nào nghĩ đến một người bạn cũ như tôi không. Nhưng tôi tin rằng, chính những lời động viên của mình đã phần nào góp thêm niềm tin, nghị lực để anh ấy vươn lên. Và, hình ảnh đứa trẻ vạn chài trên dòng Hương năm nào luôn là tấm gương để bản thân tôi cố gắng, không bao giờ bỏ cuộc trước những chông gai, khó khổ.

Tạm biệt Huế với em là tiễn biệt
Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya

Xa Huế, người viết bài này chưa bao giờ nguôi nhớ thương về quê cũ, chưa tắt ước mong được ngắm những dòng sông bên bồi bên lở vào những lúc hoàng hôn, và ngọn sao khuya trong trái tim vẫn còn le lói, để mãi đừng bao giờ hóa đá phía bên kia cuộc đời này.

Ngọc Khánh
.
.