Già làng Krajan Plin: Tay phải viết nhạc, tay trái mở nhà hàng
Nhạc sĩ Krajan Plin, trưởng thành cùng thế hệ với các nghệ sĩ ở Tây Nguyên như NSND Y Moan, ca sĩ Siu Black, nhạc sĩ Y Phon K'sor. Hiện tại, ông đang ráo riết hoàn thiện một tác phẩm nghiên cứu về văn hóa - tập tục của người K'ho.
Phục trang, phong cách bụi bặm như một tay đua mô tô hay một ca sĩ nhạc Rock, nhưng với cộng đồng dân tộc, ông là một trí thức giàu uy tín. Từ năm 39 tuổi, ông đã trở thành một già làng nổi tiếng trên xứ Lang Biang thấm đẫm những huyền thoại.
Ghé nhà la cà
Về nhạc, ông là tác giả các ca khúc được đông đảo công chúng yêu thích như "K'bing ơi", "Giữ ấm bếp hồng", "Gọi em",... Ca khúc Giữ ấm bếp hồng, nhiều năm qua liên tục giành huy chương vàng về cho các đoàn, ca sĩ vùng Nam Tây Nguyên. Ông là người thầy đầu tiên của ca sĩ Boneur Trinh, Quán quân Tiếng hát truyền hình TP Hồ Chí Minh. Năm 2010 ông xuất bản tập thơ "Cao nguyên của tôi", NXB Hội Nhà văn ấn hành. Hiện nay, ông đang nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn quyển sách Luật tục K'ho gồm 1.000 điều, 50 chương đồ sộ, hứa hẹn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, văn minh tộc người.
Chúng tôi ghé lên Đà Lạt đang mùa hè nhưng vẫn mưa phùn, tiết trời lành lạnh. Như những du khách khác, đêm qua chúng tôi cũng lang thang, bát phố mù sương cùng ché rượu cần bập bùng ánh lửa hoặc vỉa hè chợ đêm bắp nướng, khoai lang nướng thơm lừng. Sáng, chúng tôi có cuộc hẹn lên Lang Biang, cách trung tâm Đà Lạt khoảng hơn 10km về hướng Bắc, để thăm người nghệ sĩ lão làng nổi tiếng của cộng đồng người K'ho - Lạch. Ông là già làng Krajan Plin.
Ông tiếp chúng tôi trong căn nhà tựa như một bảo tàng dân tộc học thu nhỏ, khang trang, tiện nghi. Nhiều năm trước, căn nhà từng được dùng để tổ chức không gian lễ hội cồng chiêng. Già làng Krajan Plin và vợ ông, bà Therese Cil đón khách bằng những tách trà quý, ấm nóng hòa với những câu chuyện đời thường nhẹ nhàng, rộn tiếng cười bản địa mênh mang.
Chúng tôi được giới thiệu, tham quan một vòng ngôi nhà dài cách điệu, với nhiều hình ảnh đẹp của đại gia đình hạnh phúc, trưng bày những loại nhạc cụ dân tộc, nơi treo những hình lưu niệm lưu diễn châu Âu của nhạc sĩ Krajan Plin.
Sau đó, ông lái xe ôtô đưa chúng tôi đến Bon Langbiang Village, nhà hàng - homestay dưới chân núi Lang Biang xinh đẹp. Trong cuộc trò chuyện ngắn, chúng tôi may mắn được ông "chắt" nhiều thông tin riêng tư ...
Bốn người con đỗ đạt ở Mỹ
Nhạc sĩ Krajan Plin sinh năm 1961, trong một gia đình có cha từng là Thượng nghị sĩ của chế độ Sài Gòn. Năm 1983, nhạc sĩ lập gia đình với cô Therese Cil người đồng tộc, kém vài tuổi và có 5 người con, 4 gái và 1 trai. Từ nhỏ, cậu bé Krajan Plin đã đam mê âm nhạc, nhất là âm nhạc dân tộc. Cậu bé tự học nhiều loại nhạc cụ, từ cồng chiêng, đàn goong, tù và sừng trâu,... đến guitar, organ. Sau đó, ông được cử đi học chuyên môn ở các trường nhạc lớn trong nước.
Ông từng là thành viên trong Nhóm Du ca của nhạc sĩ Trần Tiến. Nhiều ca khúc của ông được đông đảo công chúng biết đến như "K'bing ơi", "Giữ ấm bếp hồng", "Gọi em",... qua các giọng ca ngôi sao như Siu Black, Phương Thanh, Quang Dũng,... Ông đã đứng ra lập CLB cồng chiêng “Những người bạn Lang Biang”, rồi sáng lập Trung tâm Văn hóa lễ hội dân gian Lang Biang Đà Lạt hoạt động ổn định, bền bỉ đến hôm nay.
Nhạc sĩ Krajan Plin kể: "Con gái lớn học trường Đại học Nghệ thuật Quân đội, không theo nghề, bây giờ làm quản lý, điều hành Nhà hàng Bon Lang Biang Village. Con trai học Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, giờ định cư ở Mỹ, cũng không theo nghệ thuật như già".
Hỏi: “Già có buồn không?”. Nhạc sĩ trả lời: “Có tiếc nuối nho nhỏ, buồn thì không. Bởi vì, hiện nay các con đều tự lập, kinh tế vững chắc và đều làm các công việc liên quan ít nhiều đến nghệ thuật. Với lại, cha mẹ sinh con, trời sinh tánh, việc lập thân, lập nghiệp là quyền tự do lựa chọn của các con, cha mẹ không can thiệp".
Trong 5 người con thì có 4 người hiện đều định cư ở Mỹ, lần lượt tốt nghiệp các đại học danh tiếng của xứ Cờ Hoa. Chỉ có chị cả, tốt nghiệp Trường Nghệ thuật quân đội ở lại thay Già (tiếng gọi thân mật - NV) quản lý nhà hàng lúc nào khách khứa cũng đông đúc, bận rộn.
Đúng lúc, con gái út Rilynn Cil của nhạc sĩ Krajan Plin vừa tốt nghiệp đại học bên Mỹ, về thăm gia đình. Chúng tôi gặp em đang loay hoay trong gian bếp nhà hàng, phụ giúp chị cả các khâu sơ chế. "Cháu dự định ở lại ba tháng, nhưng vừa có email thông báo đã có công việc, cần thu xếp đến nhận nhiệm sở. Thế là chỉ còn ít ngày nữa, cháu phải bay về Mỹ, Già lại sắp phải xa con gái út nữa rồi", nhạc sĩ tâm sự.
Bà Therese Cil, vợ nhạc sĩ là người phụ nữ hiền lành và bình dị, lo việc nhà cho chồng con cũng là đã giúp cho chồng hoàn thành công việc. Nhạc sĩ tiết lộ: “Thời con gái, bà xã Già cũng có ca múa trong vũ đoàn cồng chiêng. Mười năm nay, bà ấy phải chống chọi với căn bệnh suy thận, phải liên tục truyền máu. Hiện nay thì đang uống thuốc rừng chữa bệnh đại tràng hành hạ. Thuốc này do chính tay Già lội suối trèo non hái về uống, còn khoảng 2 thang thuốc nữa là dứt bệnh".
Hiếm khi chúng tôi bắt gặp ánh mắt trầm tư của ông, mà thay vào đó, là nụ cười và lòng hiếu khách luôn thường trực nồng ấm.
Đưa Bon vươn ra hội nhập
Qua trao đổi, tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy Bon Lang Biang Village là một mô hình, địa điểm du lịch Văn hóa bản địa kèm ẩm thực, âm nhạc Tây Nguyên đặc sắc. Theo nhạc sĩ Krajan Plin thì: "Bon hoạt động tương đối đa dạng và phong phú. Nếu khách có nhu cầu về tour du lịch dã ngoại, biểu diễn cồng chiêng, tổ chức sự kiện, cưới hỏi, leo núi cắm trại, tham quan vườn dâu tây nhà tự trồng, Bon Lang Biang Village này đều đáp ứng được. Bao nhiêu đó thôi là làm không hết việc". Bon trong tiếng K'ho tương tự Palei trong tiếng Chăm, nghĩa là buôn làng, thôn xóm.
Cũng theo chia sẻ của nhạc sĩ Krajan Plin, Bon Lang Biang Village thành lập từ năm 2018 trên diện tích 2.000m², dưới chân núi Lang Biang hùng vĩ, quanh năm mây phủ đỉnh đồi. Từ khi khai trương, Bon nhận được phản hồi tốt từ du khách khắp trong và ngoài nước, được khách hàng đánh giá nhiều sao trên trang diễn đàn riêng của tỉnh Lâm Đồng. Trên diện tích 2.000m², Bon được quy hoạch, thiết kế các hạng mục khoa học, chi tiết như gian bếp, nhà hàng phục vụ ẩm thực, homestay, không gian tiệc cưới hỏi, không gian lửa trại, cồng chiêng,... hết sức ấm áp, rộng rãi, đặc sắc văn hóa bản địa.
Theo đánh giá từ các du khách trên các trang mạng du lịch Đà Lạt, Bon này được nhận xét có các món ăn ngon, giá cả phù hợp. Tất cả đều “đậm đà bản sắc Tây Nguyên” như món gà nướng lu, thịt trâu gác bếp, heo rừng hun khói, cà đắng da trâu, măng rừng nấu vịt, cùng với nhiều loại rượu quý như rượu cần nhà làm, rượu Ama Kong, rượu dâu,...
Khi triển khai mô hình Bon, nhạc sĩ Krajan Plin đã gặp không ít khó khăn. Ông chân tình, không giấu giếm cho biết: thời gian đầu mở Bon, vốn ít phải đi vay ngân hàng. Tự biết bản thân có thế mạnh, kinh nghiệm lâu năm về các loại hình nghệ thuật dân gian, kết hợp quyết tâm thực hiện mô hình lấy văn hóa bản địa nuôi dưỡng, duy trì và phát triển văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa. Trong đó, du lịch bản địa hiện đang bùng lên mạnh mẽ khắp nơi…
Có thể khẳng định không ngoa rằng, đến nay nhạc sĩ Krajan Plin không chỉ là một già làng uy tín trong Bon, một nghệ sĩ trưởng lão được các thế hệ nghệ sĩ hiện nay yêu quý ở Tây Nguyên đại ngàn lộng gió, ông còn là một "già làng" điển hình, tấm gương dám nghĩ, dám làm, thành công trong việc nghiên cứu đem văn hóa - ẩm thực - âm nhạc bản địa kết hợp, phát triển cùng thương mại du lịch hiện đại.
Mô hình Bon Lang Biang Village ra đời tạo nên công ăn việc làm của hơn 20 lao động địa phương, không những không gây áp lực tài chính lên đôi vai lực lưỡng của Già làng Krajan Plin ở tuổi U60, ngược lại, còn thăng hoa hơn trong việc "góp dày" di sản văn hóa bản địa ông cha để lại. Bon của già làng - nhạc sĩ đang tự tin, tự hào và khơi nguồn cảm hứng phát triển mạnh mẽ hơn cho các gia đình trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên đất nước Việt Nam.