Gặp gỡ Thượng tá, nhà thơ Lôi Vũ

Thứ Sáu, 30/09/2022, 14:50

Nhà thơ Lôi Vũ tên thật là Đỗ Trọng Vụ, sinh năm 1960 tại xã Hải Thanh (nay thuộc thị xã Nghi Sơn), huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Ông từng là học sinh Chuyên văn, trường cấp 3 Tĩnh Gia 2. Năm 1978, ông vào học trường Hạ sĩ quan Công an, TP Hà Nội. Năm 1981, Lôi Vũ về làm Cảnh sát khu vực, Công an quận Hoàn Kiếm. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngoại ngữ (1994). Đến năm 1995, ông học Khoa Điều tra hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân. Sau đấy Lôi Vũ học tiếp Đại học Luật và hiện nay là thành viên Đoàn Luật sư Hà Hội.

untitled-2.jpg -0
Thượng tá, nhà thơ Lôi Vũ.

Nhà thơ Lôi Vũ từng tham gia học lớp Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du của Hội Nhà văn Việt Nam (khóa X); học lớp Thẩm bình văn chương ngắn ngày của Khoa Báo chí và Viết văn, Trường Đại học Văn hóa, Hà Nội. Ông tham gia viết báo, viết chuyện cảnh giác, vụ án từ năm 1984. Ông đã có thơ và truyện ngắn in trên các Báo Công an nhân dân, An ninh Thủ đô, Văn nghệ Quân đội. Ông hiện là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chuyên ngành thơ; Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.

Nhà thơ Lôi Vũ đã xuất bản các tập thơ: "Mùa đông cho em" (2017); "Bất chợt" (2018); "Về Tây tiến" (2019) "Khúc dạo một con đường" (Thơ Namkau, in chung, 2020). Được biết, ông đang gấp rút hoàn thành và cho ra mắt bạn đọc 2 tập thơ "Nẻo Quê"; "Đất biên cương" và 1 tập truyện ngắn "Tái xuất giang hồ" trong năm 2022 này. 

*

Ai đã từng đọc thơ Lôi Vũ sẽ không quá khó để nhận ra một giọng thơ luôn đau đáu những nỗi niềm với đất nước, quê hương. Theo tôi, "Về Tây Tiến" của nhà thơ Lôi Vũ là một sự cố gắng rất đáng được ghi nhận, ngõ hầu có thể đem đến cho công chúng, bạn đọc sự hài lòng ít nhiều về những đề tài, chủ đề cũ mà ông đã dày công làm mới lại theo cách riêng của mình. 

Hai mảng chủ đề xuyên suốt của "Về Tây Tiến" là thơ tình và thơ thế sự, những điều mà có thể ai cũng dễ dàng nhận ra khi tiếp cận văn bản tập sách. Tuy nhiên, với không ít người lại không mấy dễ dàng nhận ra cách làm mới những bài thơ thuộc hai mảng đề tài này của nhà thơ Lôi Vũ.

"Ngược Tây Bắc", nhà thơ hoàn toàn có thể phóng tầm mắt để ngắm nhìn đất trời xứ sở đang thay da đổi thịt từng ngày và thả trí tưởng tượng đến từng ngõ ngách của bản làng với những người con trai, con gái nơi đây hồn nhiên và xinh đẹp đến nao lòng: "Cô gái bản mắt trong veo như suối/ Giấu mặt trời trên má hây hây/ Sương chẳng chịu tan níu mùa xuân cạn/ Cỏ ngọt lùi xanh mía Mộc Châu".

Và khi trở lại Tây Bắc, nhà thơ không quên là mình đang đến với những chiến công huyền thoại của quân đội ta, chính nơi chiến trường xưa đã và đang dần trở thành một địa chỉ đỏ cho bất cứ ai muốn khám phá truyền thống lịch sử chống ngoại xâm của các thế hệ cha ông, cùng với những vẻ đẹp hoang sơ của mảnh đất được coi là phên giậu nơi cửa ngõ biên cương phía Tây Tổ quốc: "Ta về Tây Tiến còn đây/ Hào khí ngất trời Tây Bắc/ Hoa ban nở trắng rừng dụ mê lòng lữ khách/ Châu Mộc ơi tôi tìm tôi giữa mênh mông/ Cổ sử thêm một lần để nhớ/ Cao nguyên đêm về ôm những hoang sơ".

Có thể nói một tỷ lệ không nhỏ trong tập này là những bài thơ thế sự được Lôi Vũ thể hiện dưới nhiều dạng thức, giọng điệu và ngôn ngữ khác nhau, chứng tỏ nhà thơ rất quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng của đất nước và người dân về chủ quyền biển đảo, biên giới, về đối ngoại, về tốc độ đô thị hóa đang diễn ra chóng mặt, những tệ nạn xã hội hay vấn đề ô nhiễm môi trường,… qua các bài: "Các anh không về", "Bay về miền xích đạo", "Rác đêm", "Bạn tôi", "Đa thần làng Ngụ", "Bước chân người lính", "Thăm Vị Xuyên", "Tiếng khua đêm", "Ngoại giao Trung Nam Hải"…

untitled-3.jpg -0
Bìa tập thơ “Về Tây Tiến” của nhà thơ Lôi Vũ.

Phần lớn trong số gần 60 bài thơ có trong tập này đều thể hiện rất rõ nỗ lực làm mới lại những đề tài cũ bằng cách riêng của nhà thơ Lôi Vũ. Nhìn chung thơ ông viết khá đều tay, không có sự chênh lệch quá lớn giữa các tác phẩm. Thậm chí có một số bài nhà thơ dường như đã tiếp cận được lối viết khá hiện đại so với mặt bằng thơ hôm nay, đọc thú vị, đặc biệt ở mảng thơ tình: "Nắng quái về ngõ nhỏ/ dậy sắc vàng mắt thu/ tím nhạt trăng mê dụ/ vàng ru khúc thụy du" (Thu sang). Hay: "Nhạt chiều nắng loãng hoàng hôn/ Gió lay vỡ túi càn khôn giữa chừng/ Mắt trong mắt ướt rưng rưng/ Cạn ngày bỗng chạm ngập ngừng hương thu" (Hoàng hôn tím). Và: "Chim rộn ngoài hiên vắng/ Mắt ánh niềm nhớ xa/ Gió vịn cành gọi nắng/ Thả hồn ta ú òa" (Bâng khuâng).

Đây là những bài thơ ngắn gọn, chân thật, giản dị về nội dung tư tưởng, chủ đề cũng như lối diễn đạt, nhưng chúng vẫn gây nên sự bất ngờ thú vị chính ở lối bẻ ghi, hay “đổ đèo” của một câu hay có khi chỉ là một vài thực từ, thậm chí là hư từ  như "ú òa". Có những câu thơ và những chữ gọi là xuất thần của Lôi Vũ khiến ai cũng phải trầm trồ khi đọc: "Sắc vàng là sắc vàng ơi/ Sao không điểm một lả lơi nốt ruồi". Hay cụm từ phẩy nai trong cặp lục bát kết thúc bài thơ: "Phẩy nai tóc xoã vai mềm/ Trói người quân tử nát rền tương tư".

Tôi đồ rằng không ít người còn chưa bao giờ được nghe và hiểu một cách tường tận nghĩa của cụm từ "phẩy nai" trong ngôn ngữ đời sống, chứ chưa nói là trong thơ. Không biết đây có phải là những cụm từ mới được Lôi Vũ sáng tạo ra hay không, nhưng chắc chắn trước đây, tôi rất ít khi thấy ai gieo vần câu bát bằng một cụm tính từ láy đôi như: "điểm một lả lơi nốt ruồi", còn cụm từ "phẩy nai" quả thực lần đầu tôi mới gặp.

*

Dù chưa in riêng thành tập, nhưng tôi khá ấn tượng với những bài thơ Namkau của nhà thơ Lôi Vũ viết cách đây chưa lâu. Bởi đây là thể thức thơ mới do nhà thơ Trần Quang Quý sáng tạo ra từ trước khi CLB Thơ Namkau được thành lập (2019), do ông làm chủ nhiệm và nhà thơ Lôi Vũ làm Phó Chủ nhiệm thường trực, phụ trách. CLB lớn mạnh không ngừng, hiện có gần 70 hội viên, rải khắp từ Bắc chí Nam và cả ở nước ngoài nữa.

Năm 2020, CLB đã trình làng tập thơ mang tên "KHÚC DẠO MỘT CON ĐƯỜNG" (tập I) có độ dày trên dưới 220 trang in, tập hợp 402 bài thơ của 55 tác giả, trong đấy có hai tác giả hiện đang làm việc và sinh sống ở nước ngoài là Nguyễn Yến Ngọc (Canada) và Tú Oanh (CHLB Đức). Tác giả lớn tuổi nhất là nữ nhà thơ Nguyễn Việt Hằng ở quận Hà Đông, Hà Nội, năm nay bà đã 77 tuổi (sinh năm 1945). Tác giả ít tuổi nhất là nữ nhà thơ Vũ Hồng Nhung, năm nay mới 40 tuổi (sinh năm 1982) quê ở Nga Sơn, Thanh Hóa. Tập thơ được bạn đọc đón nhận và đánh giá cao. Theo tôi được biết, CLB hiện đang gấp rút hoàn thành bản thảo "KHÚC DẠO MỘT CON ĐƯỜNG" (tập II) để sớm ra mắt bạn đọc trong năm nay.

Trở lại với mảng thơ Namkau của Lôi Vũ, tôi thấy có lẽ do đặc trưng của thể thức và thể loại của dòng thơ này, mà phần lớn những bài thơ ông viết theo thể thức Namkau đều súc tích, nhưng vẫn giữ được sự mới mẻ về ý thơ cũng như ngôn ngữ biểu đạt: "Mây sà xuống vai người bươn bải/ Sương đẫm mùa ngân ngấn lệ thương trăng/… / Lọn nắng nghiêng chao rơi vào chiều vàng nhạt/ Hà Nội ngâm Tôi trong run run heo may" (Tháng Tám về). 

Cũng là viết về thời gian, nhưng ở bài thơ sau đây lại hoàn toàn khác từ thi hứng đến ý tưởng thơ cũng như sự mới mẻ trong ngôn ngữ thể hiện: "Em heo may tôi tháng bảy/ Từng giọt mắt rót vào bừng nóng/ Mở thế giới phồn sinh/…/ Tôi đa thức cái nhìn em diệu vợi/ Nhuốm heo may cả một cuộc người" (Nhuộm). Hai câu "kết" và "nghiệm" của bài Namkau này lạ và mới bởi việc đặt đúng chỗ (đắc địa) những từ ngữ mà trong đời sống thường nhật không ai nói như vậy, nhưng trong ngôn ngữ thi ca lại hoàn toàn có thể. Vì thế chúng đã tạo nên sự ám ảnh và sức lan tỏa cần thiết.

Tôi rất thích bài "Chuyển" của tác giả viết về sự biết ơn những người thầy của mình. Từ "chuyển" ở đây chí ít cũng bao hàm vài ba nghĩa như: chuyển đổi, chuyển tải, chuyển giao từ thế này sang thế hệ khác hay ít nhất cũng là từ người đi trước (thầy) cho người đến sau (trò): "Thầy tặng sách như tặng chân tu kiếp trước/ Ta mở bốn mùa tiếp bước bội thu/ Những ký tự ứa lệ bung trên dòng sông chữ/…/  Thế sự ngàn đời đảo chao vần vũ/ Hồn chữ dậy thì mầm nở nõn vườn Xuân" (Chuyển). 

Có thể nói, không một ai trong đời không có cho mình một người thầy dù trực tiếp hay gián tiếp hướng đạo, dẫn dắt mình đi trên con đường sáng tạo nghệ thuật đầy chông gai, vất vả nhưng mình yêu thích và lựa chọn. Đặc biệt, đối với những người thầy có tâm, có tầm như một vị chân tu thì những gì thầy truyền thụ, chuyển giao cho mình quý giá biết chừng nào. Và nếu ai đó trong đời gặp được những người thầy như thế thì niềm vui và hạnh phúc sẽ được nhân lên gấp bội, tạo thêm cảm hứng phấn khích mỗi khi nàng thơ có nhã ý đến thăm. Nhà thơ Lôi Vũ chính là người có được may mắn ấy. Chúc mừng ông.

Đỗ Ngọc Yên
.
.