Duyên phố bến sông

Thứ Sáu, 22/03/2024, 14:59

Hàng Cót là con phố ẩn chứa nhiều điều thú vị bất ngờ. Đoạn đầu phố từ Phan Đình Phùng về ngã tư Phùng Hưng, Hàng Lược, Gầm Cầu luôn rộn ràng xe cộ. Khúc đường này còn có cầu đường sắt đi ngang qua phía trên thỉnh thoảng lại hú còi inh ỏi.

Thực ra đây là đoạn đường phố nằm trên sông Tô xưa chảy từ Hàng Lược ra Phan Đình Phùng. Phần đường Hàng Cót còn lại kéo dài tới ngã tư Hàng Mã. Cả hai đoạn phố cộng lại dài hơn 400 mét (thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm).

Ríu rít những bím tóc hoa

Xưa, có bến Nứa (nay là bến xe buýt Long Biên) chất hàng bên sông Hồng đưa qua các phố để vào chợ Đông Thành (phía Cửa Đông). Riêng các thuyền tre, nứa, giang, trúc, vầu, mây thì chở lên đầu phố Hàng Cót. Tại đây các nhà hàng chế biến vật liệu rồi đan thành từng tấm cót cuộn dài. Có nhà còn đan các tấm phên làm cửa ra vào. Nhiều thợ các nơi tới mua cót về đan bồ, sọt, hay làm lọng để bán cho khách hàng.

3-một cửa hàng bán cót nứa ngày xưa.jpg -0
Một cửa hàng bán cót nứa ngày xưa.

Ngày đó thuyền đò cập bờ vào phố đậu san sát mời chào bán mua nhộn nhịp đông vui lắm. Chả thế dân gian luôn lưu truyền: “Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày/ Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn…” (Rủ nhau đi chơi khắp Long thành). Thương hồ từ xa tới cứ lạc dòng sông Tô rồi ca lên rằng: “Thăng Long - Hà Nội đô thành/ Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ”. Tên phố Hàng Cót được định danh từ đó. Nghề làm hàng cót phát triển khá dài từ thời Lê - Trịnh cho tới khi thực dân Pháp chiếm đóng và cai trị (năm 1882). Mọi sự biến động bắt đầu từ việc người Pháp cho phá thành Hà Nội và lấp sông Tô để xây nhà dựng phố mới (năm 1889).

Dân làm hàng cót khi đó lang bạt tứ xứ vì nghèo túng không thể xây nhà theo kiểu tây như quy định. Nhiều nhà giàu hoặc người Hoa kiều mua lại đất xây cửa hàng kinh doanh khang trang trên phố. Hàng Cót bị đổi tên là Rue Takou (phố Ta ku) mở rộng đường tới 8 mét. Ngôi nhà đầu tiên sớm được xây (năm 1887) trên phố chính là một nhà hát của người Hoa (số nhà 29). Gần hai mươi năm sau nhà hát bị phá dỡ để xây trường học riêng cho nữ sinh ngày đó đặt tên là Ecole Brieux (nay là trường Thanh Quan).

Đây là một trong những ngôi trường cho nữ sinh đầu tiên ở Hà Nội. Ngôi trường nữ sinh ngày đó tạo nên hình ảnh mới lạ trên các phố phường. Đó là những nữ học sinh cấp một ngây thơ và trong sáng với bím tóc gắn hoa nhựa nhỏ xíu. Đặc biệt sau này ngôi trường gắn bó với câu chuyện của họa sĩ Trần Văn Cẩn đã vẽ bức tranh “Em Thúy” nổi tiếng khắp Đông Dương ngày đó.

Ngôi nhà số 23 Hàng Cót là nơi gia đình cô bé Nguyễn Minh Thúy sinh sống và buôn bán. Minh Thúy là học trò Trường nữ sinh Brieux (Thanh Quan). Cô gọi họa sĩ Trần Văn Cẩn là bác ruột. Họa sĩ Trần Văn Cẩn sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (năm 1937) đã tới ở nhà cô em gái tại đây. Ông vẽ bức chân dung “Em Thúy” để tặng cháu gái (năm 1943). Khi đó cô bé Minh Thúy mới 8 tuổi.

Bức chân dung vẽ “Em Thúy” có mái tóc ngắn, hai con mắt mở to với nét mặt thơ ngây đúng như bé Thúy ngoài đời. Không ngờ bức tranh sơn dầu chân dung “Em Thúy” đem lại danh giá cho họa sĩ Trần Văn Cẩn. Bức tranh này cùng với tác phẩm “Gội đầu” của ông đoạt giải nhất trong một cuộc triển lãm. Tới nay bức tranh “Em Thúy” được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia. Hiện tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Gió bay từ muôn phía

Sau thời lập Trường Brieux, trên phố Takou còn xuất hiện một số trường học khác. Đặc biệt, trường Thăng Long ban đầu cũng được mở tại số nhà 9 và 11 trên phố. Mấy năm sau trường mới chuyển về Ngõ Trạm -Phùng Hưng như hiện nay. Đáng chú ý, tại hai số nhà 46 và 48 cũng là đất xây Trường tư thục Nguyễn Văn Tòng (kéo dài chừng 20 năm). Tới năm 1953 ngôi nhà số 46 được xây rạp hát Đại Đồng. Sau ông chủ rạp làm ăn thất bát đã bán lại cho một người Ấn Độ chuyên chiếu phim tâm lý xã hội. Nhưng một thời gian rạp chiếu phim cũng sập tiệm phải bán lại cho chủ nước mắm Vạn Vân dưới Hải Phòng (năm 1954). Đây chính là hãng nước mắm nổi tiếng của gia đình nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.

Rạp Đại Đồng được coi là món quà của ông chủ Vạn Vân tặng cho con trai cưng Đoàn Chuẩn để hoạt động âm nhạc. Đoàn Chuẩn trở thành Giám đốc rạp Đại Đồng chuyên chiếu phim kiêm ca nhạc ngày đó. Đây là nơi hội tụ đầu tiên của cánh nghệ sĩ nổi tiếng Hà thành như Ngọc Bảo, Minh Đỗ, Thanh Hằng, Thanh Hiếu và Anh Tuấn... Trước khi chiếu phim, rạp thường có một chương trình ca nhạc để thu hút người xem. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chơi đàn guitar Ha Oai và còn sáng tác những bài hát tình yêu. Ông rất nổi tiếng với các nhạc phẩm như “Gửi người em gái miền Nam”, “Thu quyến rũ”, “Gửi gió cho mây ngàn bay”…

5-rạp đại đồng, 46 hàng cót nay là trung tâm văn hóa quận hoàn kiếm.jpg -1
Rạp Đại Đồng ở số 46 Hàng Cót, nay là Trung tâm Văn hóa quận Hoàn Kiếm.

Đặc biệt, rạp Đại Đồng còn là nơi nảy sinh chuyện tình của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn với ca sĩ Thanh Hằng. Kèm theo đó là những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ ra đời liên tục trong giai đoạn này. Ca sĩ Thanh Hằng có giọng hát thiên phú, trong sáng cao vút cùng với gương mặt tươi trẻ. Cô nổi trội hơn hẳn nhiều nữ ca sĩ và được khán giả rất mến mộ. Những buổi chiếu phim có sự xuất hiện của Thanh Hằng bao giờ cũng chật kín rạp.

Với vẻ đẹp đầy sức quyến rũ ở tuổi mười tám, ca sĩ Thanh Hằng làm xáo động tâm hồn đa cảm của Đoàn Chuẩn. Mặc dù nhạc sĩ đã có gia đình vợ con nhưng vẫn đem lòng mộng tưởng về cô ca sĩ xinh đẹp này. Thanh Hằng không hề hay biết, luôn hồn nhiên ca hát với tà áo xanh dịu dàng trên sân khấu. Một duyên cớ tình cờ gặp mặt riêng tại gia đình nhạc sĩ, những câu nói ngây thơ của Thanh Hằng đã gieo vào tâm hồn nhạc sĩ một cung bậc cảm xúc kỳ lạ.

Từ đó ca khúc “Tà áo xanh” ra đời. Lời ca cùng giai điệu da diết tuôn trào: “Em còn nhớ anh nói rằng/ Khi nào em đến với anh/ Xin đừng quên chiếc áo xanh/ Em ơi. Có đâu ngờ đến rằng/ Có màu nào không phai/ Như màu xanh ái ân”. Một cuộc tình tan nát với trái tim của nhạc sĩ khi ông sẽ biết rằng: “Rồi chiều nào xác pháo/ Bên thềm tản mác bay/ Em đi trong xác pháo/ Anh đi không ngước mắt/ Thôi đành em”.

Thanh Hằng được coi là “Nàng thơ” thuộc một cõi riêng thần bí của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Qua người đẹp này, nhạc sĩ còn neo cuộc tình sáng tác của mình qua những ca khúc mê ly khác như: “Lá đổ muôn chiều”, “Chiếc lá cuối cùng”, “Bài ca bị xé” và “Tâm sự”. Mấy năm sau, ca sĩ Thanh Hằng đã có lối rẽ bất ngờ khi gia nhập văn công Quân khu Việt Bắc và đổi nghệ danh là Lê Hằng (1956). Lập tức Lê Hằng nổi tiếng với bài hát “Trước ngày hội bắn” (1961) cùng những ca khúc cách mạng. Cô trở thành ngôi sao ca nhạc vào hai thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước và được phong danh hiệu NSƯT năm 1984. Ca sĩ Lê Hằng mất năm 2021.

Duyên phố

Quả thật khó mấy ai được biết nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã viết bài ca “Diệt phát xít” tại một ngôi nhà của người bạn trên phố Hàng Cót. Trong đợt đi công tác chuẩn bị cho công cuộc cách mạng Tháng Tám, nhà văn đã bí mật trọ ở nhà người quen. Đó là một đêm không ngủ với cảm xúc dạt dào sục sôi chiến đấu trong lòng người nghệ sĩ. Ông đã hoàn thành bài ca cách mạng đầu tiên trong cuộc đời của mình. Bài “Diệt phát xít” đã vang lên hào hùng trong cuộc biểu tình ngày khởi nghĩa 19/8/1945 và ngày Quốc khánh đầu tiên 2/9/1945.

Hàng Cót còn một cơ duyên tuyệt vời với người đẹp, ca sĩ Tô Lan Phương (sinh năm 1948). Thời gian học Trường Chu Văn An, ca sĩ Tô Lan Phương đã ở phố Hàng Cót. Khi đó cô là thành viên trong đội Sơn Ca của Đài Tiếng nói Việt Nam. Mười năm sau Tô Lan Phương mới rời Hàng Cót đi học Trường Âm nhạc Việt Nam và tu nghiệp ở nước ngoài (1967).

Ca sĩ Tô Lan Phương đã xung phong vào chiến trường miền Nam và trở thành diễn viên Đoàn Văn công Giải phóng miền Nam. Một đơn vị chiến đấu đã đặt tên “Đại đội Tô Lan Phương” trước khi tấn công vào trận chiến Sài Gòn khốc liệt. Tô Lan Phương nổi tiếng với các ca khúc “Xuân chiến khu”, “Bóng cây Kơ nia”. “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”… Tô Lan Phương được phong danh hiệu NSND năm 2019 và hiện ở tại TP Hồ Chí Minh. 

Vương Tâm
.
.