“Dưới bóng sao khuê'' và những cảm nhận

Thứ Năm, 04/04/2024, 11:05

Nhà phê bình Hà Quảng khởi đầu là một nhà thơ, là nhà giáo ưu tú, về sau ông chuyển sang viết lý luận, phê bình. Đến nay ông đã xuất bản 12 cuốn sách về phê bình, nghiên cứu, có tập đã được giải thưởng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương ("Đến với thơ đương đại" - 2018). Mới đây ông vừa cho ra mắt cuốn lý luận phê bình “Dưới bóng sao khuê” (NXB Hội Nhà văn, 2024).

Nhiều học trò học ông thời cấp ba đã là nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình... trong đó có tôi. Ông là người thầy luôn truyền cảm hứng văn chương cho chúng tôi thời ngồi trên ghế nhà trường. Cho đến bây giờ tôi còn thuộc lòng nhiều câu thơ của ông, nhất là bài thơ “Trăng làng” đăng trên Báo Văn nghệ thời đó. Tôi đã chọn một số câu thơ của ông đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (NXB Giáo dục, 2013):

bìa sách mới xuất bản của tác giả hà quảng.jpg -0
Bìa sách mới xuất bản của tác giả Hà Quảng.

…Ruộng thửa bên này người gặt gấp
Lưỡi hái lùa trăng lên ống tay ...
...Chập tối trăng theo về tận ngõ
Áo đẫm mồ hôi trăng mặc đầy...

Trở lại với tác phẩm “Dưới bóng sao khuê”, cảm nhận đầu tiên của tôi là những nhận định khá chuẩn xác về văn chương hiện nay qua đời sống văn học của nhiều tác giả, tác phẩm mà ông đề cập. Cuốn sách có ba phần: Lý thuyết chung, Tác giả, Tác phẩm.

Ở phần đầu, nhà phê bình Hà Quảng đề cập đến những vấn đề mới xuất hiện như “Những ngã rẽ văn hóa đọc”, “Thơ và thủ pháp “lạ hóa”, “Về các dòng văn chương đề tài lịch sử”, “Lý luận phê bình và thị hiếu thẩm mỹ công chúng” ... những vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay.

Trong bài “Đến với thơ hay và những ngộ nhận”, tôi tâm đắc với những suy nghĩ, nhận định của tác giả “...Nhà thơ lớn nào cũng là bậc thầy về ngôn ngữ, về kỹ thuật thơ ca, nhưng cái người ta suy tôn là ở nội dung lớn lao, cao cả mà nhà thơ làm rung động tâm hồn người đọc chứ không phải ở cái phép “phù thủy” của kỹ thuật. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... sống mãi trong lòng mọi người là ở tấm lòng mênh mông của các vị. Độc giả muốn tìm ý nghĩa gì đó về thân phận con người, về thế giới đa sắc, đa hương được tác giả thể hiện làm cho tâm hồn mình giàu thêm chứ không phải chỉ ngạc nhiên trước các thủ thuật ngôn từ ...” (trang 62, 63).

Đúng vậy, không ít người làm thơ hiện nay ngộ nhận! Họ “làm xiếc” với con chữ, cố làm khác đi, trở nên rối rắm, khó hiểu với những triết lý vụn vặt cho đó là đổi mới thơ! Nếu như ông cha mình coi thơ như “ngôi đền thiêng” thì nay thơ biến thành một thứ “quảng trường”, tuy có vẻ gần với đời sống hàng ngày nhưng lại khá nhộn nhạo, tùy tiện, chẳng có một chuẩn mực thẩm mỹ rõ ràng, khả tín!

Nhà phê bình Hà Quảng đã trích một câu nói sinh động và luận bàn khá chuẩn mực: “Nói về cái mới, cái lạ của ngôn ngữ nói riêng và các hình thức nghệ thuật nói chung, chúng tôi rất tâm đắc với câu nói mà J.P Sartre trích dẫn trong tác phẩm của mình “Các từ là những khẩu súng đã nạp đạn. Ông có thể im lặng, song bởi vì ông đã quyết định bắn cho nên phải là một con người nhắm đích mà bắn chứ không phải là một đứa bé hú họa nhắm mắt mà bắn và chỉ để thích thú vì nghe tiếng nổ”.

Ông cũng cho rằng: Các phương cách làm mới thơ, các hình thức ngôn ngữ, suy cho cùng đó không nên là mục đích của thơ, đó chỉ là phương tiện, cái mục đích cuối cùng của thơ, cái mục đích hẳn là sự tác động vào tâm hồn người đọc, là lý tưởng nhân văn với cái nhìn mới có tính phát hiện, tính sáng tạo trong cuộc sống, còn tiếng nổ - các kiểu ngôn từ - có thể làm thích thú chốc lát nhưng đó không phải là mục đích của thơ ca. Cái chuẩn này nó vượt mọi định chế xã hội, thời gian và không gian. Một nhà thơ bậc thầy thuộc thế hệ các nhà thơ trau chuốt hình thức Trung Hoa cổ là Giả Đảo khi nói cái kỳ khu của thơ cũng phải cho rằng: Ba năm làm hai câu thơ, đọc lên hai hàng lệ cháy (Nhị cú tam niên đắc, nhất ngâm song lệ lưu), tức là ông vẫn đề cao cái hồn thơ trên cái huyền ảo câu chữ ... (trang 64- 66).

Trong phần Tác giả, nhà phê bình Hà Quảng viết khá chi tiết và có nhiều nhận định tinh tế về những tác giả mà ông đề cập. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một danh y, ông cũng là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại. Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” nổi tiếng của ông theo nhà phê bình Hà Quảng: “Là một viên gạch đặt nền móng cho thể loại ký sự sau này. Đặc biệt trong tập ký ở các phần, xen vào văn xuôi ông sáng tác nhiều bài thơ, cả tập có hơn trăm bài viết khi lên đường vào kinh, lúc về quê cha, khi gặp bạn bè, những người quen cũ cũng như lúc trở về xứ Nghệ. Thơ viết bằng chữ Hán với một phong cách chân thật, phóng khoáng mà sâu sắc...” (trang 99).

Phần nhiều các tác giả mà nhà phê bình Hà Quảng đề cập đến trong cuốn “Dưới bóng sao khuê” đều là những người con xứ Nghệ: Phạm Ngọc Cảnh, Thạch Quỳ, Lê Quốc Hán, Duy Thảo, Thái Kim Đỉnh, Hạnh Loan... là những nhà thơ mà tôi ít nhiều quen biết. Dạo còn làm biên tập ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội tôi thường đến chơi và nghe nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đọc thơ. Sinh thời, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh là người sống hào sảng, vui tính và say thơ. Cho đến bây giờ tôi vẫn thuộc lòng hai bài thơ nổi tiếng của ông là “Lý ngựa ô ở hai vùng đất” và “Con rể làng Bưởi”. Tôi đã đưa nhiều câu thơ của ông vào cuốn “Những câu thơ hay kim cổ” (NXB Giáo dục, 2013): "…Anh về làm rể thầy thương/ Mười năm những chín năm thường đi xa..." (Con rể làng Bưởi) ... "Đường đánh giặc mịt mù cao điểm/ Vạch lá rừng nhìn xuống quê em..." (Lý ngựa ô ở hai vùng đất).

Đọc bài “Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, một người lính, một người tình” trong cuốn “Dưới bóng sao khuê”, tác giả viết: “Thơ Phạm Ngọc Cảnh lạ mà quen, là sự gắn kết niềm cảm hứng đậm tính hiện đại với âm hưởng truyền thống: thể tài, ngôn ngữ, hình ảnh mới mẻ nhưng đều khơi gợi nhiều nét xa xưa của làng xóm, ruộng đồng. Phạm Ngọc Cảnh say mê cái mới, có ý thức tìm tòi và cách tân thơ trên nhiều phương diện nhưng luôn giữ cho thơ cái hương vị chân thật, ấm áp của những câu hò, điệu lý nơi quê kiểng...” (trang 73-74).

Bài “Nhà thơ với những nỗi niềm thế sự” viết về nhà thơ, nhà giáo ưu tú, nhà toán học Lê Quốc Hán chính là viết về một trong những học trò xuất sắc của mình nên nhà phê bình Hà Quảng có những nhận xét khá tinh tường: “Cảm xúc bao trùm thơ anh là tình quê. Sinh ra trên một vùng đất nghèo, anh yêu quê hương không phải chỉ với niềm tự hào về sự giàu đẹp như ta thường gặp, anh yêu quê hương với nỗi trìu mến xót xa mà có lần P. Neruda đã nói: Yêu đến tận cùng gốc rễ, quê hương nhỏ bé, lạnh lùng” ...

Chủ đề lớn thứ hai trong thơ anh mà tác giả nói đến là thế sự. Anh thể hiện những sắc màu thế sự thông qua đặc trưng của thơ thể hiện bằng một hiện thực tâm trạng, bằng những cảm quan vui buồn của con tim theo biến thiên đời sống. “…Anh không kể nhiều về các bức tranh cụ thể đời sống mà trực cảm về nó. Thấm nhuần các giáo lý tôn giáo bên cạnh các triết lý thực nghiệm về đời sống. Lê Quốc Hán nhìn nhận con người và thế giới trong mối tổng hòa đa dạng nhiều quy chiếu hiện tại và ước mơ, vật chất và tinh thần, tình cảm và lý trí, được và mất, nhân và quả... Nhưng luôn hướng tới cuộc sống đẹp Đời, tốt Đạo...” (trang 135).

Trong phần Tác phẩm, có bài “Nhật ký người xem đồng hồ: hiện thực và cách tân” viết về tập thơ mới xuất bản của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà phê bình Hà Quảng cho rằng: “Trong cảm nhận của chúng tôi, ông chủ trương mở rộng đề tài, biên giới hiện thực và biên độ cảm xúc của thơ. Hiện thực trong thơ có tính đặc thù. Đổi mới phương thức sáng tạo thơ. Chúng tôi thấy Nguyễn Quang Thiều có đổi mới trên các bình diện quan trọng của công việc sáng tạo nghệ thuật, từ đấy toát lên những điều chính yếu mà ít nhiều có khác trong quan niệm của một số người về thực trạng của việc viết lách hiện nay...” (trang 165). Tôi thiển nghĩ đó là một nhận định khách quan. Từ tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã tạo nên một “cú hích” cho sự đổi mới, làm mới thơ sau năm 1975. Đến nay nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẫn trung thành và kiên trì trong việc đổi mới, làm mới thơ qua những tác phẩm của mình...

Tôi cảm thấy thích thú khi nhà phê bình Hà Quảng có bài viết “Mẹ chửi kẻ trộm - Một giấc mơ đẹp”. Đây là bài thơ được giải B (cuộc thi thơ Báo Văn nghệ, 2020); bài thơ được lan truyền trên mạng xã hội với nhiều lời bình, nhiều ý kiến khác nhau. Và, lời bình chuẩn nhất đó là “Một giấc mơ đẹp” như nhà phê bình Hà Quảng đã viết.

Đọc “Dưới bóng sao Khuê” tôi mừng vì người thầy mà nhiều học trò cũ như tôi luôn kính trọng, dù tuổi đã cao sức làm việc, sáng tạo vẫn không ngừng, không nghỉ.

Sóc Sơn tháng 3/2024

Dương Kỳ Anh
.
.