Du xuân trên rẻo cao
Mùa xuân, Tây Bắc như một nàng tiên kiều diễm, quyến rũ khi khoác lên mình sắc hoa thơm ngát của núi rừng hoang sơ. Mùa xuân cũng là mùa diễn ra nhiều sự kiện văn hóa lễ hội của các đồng bào dân tộc.
Đặc biệt, những đêm xòe trong tiếng hát: “Inh lả ơi! Sao noọng ời! Khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời, mùa xuân đến ngàn hoa hé cười...” rộn rã, dặt dìu khắp các thôn bản. Mang theo điệu hát ấy, tôi khoác balo ngược núi đồi lên Lai Châu giữa tháng Hai khi những bông táo mèo, những vườn mận nở trắng tinh khôi trải dài khắp các sườn đồi, những rừng đào phai khoe sắc hồng, những vạt cải nở vàng rực rỡ trên rẻo cao... để khám phá những nét văn hóa độc đáo và cảnh sắc hùng vĩ của núi rừng nơi dây.
Lên đỉnh Long Tỷ Phùng, chiêm bái Phật Tổ
Sau một đêm vượt đèo dốc, chúng tôi có mặt ở thành phố Lai Châu vào rạng sáng, rồi thuê xe máy lên đỉnh Long Tỷ Phùng cách trung tâm thành phố khoảng 5 cây số, đánh dấu điểm tham quan đầu tiên ở Tây Bắc. Chùa Linh Ứng tọa lạc trên đỉnh Long Tỷ Phùng thuộc bản Long Tỷ Phùng, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu ở độ cao 1.120m so với mực nước biển.
Đường lên chùa khá dốc và quanh co. Trên đường đi có nhiều cảnh quan hùng vĩ và lãng mạn mang vẻ đẹp đặc trưng của vùng cao. Đó là những dãy núi tai mèo cao trập trùng xanh ngắt với những mảng sáng đậm nhạt khi bị những áng mây trắng bồng bềnh trôi qua che khuất. Từng biển mây trắng kéo về tràn qua thung lũng và lan tới chân mình như thể chúng tôi đi lạc vào tiên cảnh. Chốc chốc có những chiếc lán nhỏ nằm trơ trọi, hoang vu bên đường cùng với một vài bông hoa cải điểm xuyết trên tường rào đá hoặc hàng rào củi đẹp mơ hồ tựa bức tranh thủy mặc.
Tại những khúc cua, những mỏm đá nhô ra khỏi đèo luôn có một cây cao khẳng khiu, trơ trọi mọc lên khiến ai đi qua cũng ngoái nhìn thương cảm bởi vẻ cô độc, hoang vắng đến chạnh lòng. Trên những tảng đá dựng đứng dọc đường lên chùa, từng đám rêu màu đỏ, cam, vàng mọc thành lớp lớp như những chiếc thảm màu phủ lên vách núi. Càng lên cao trời càng lạnh nhưng tôi vẫn cảm thấy khoan thai và dễ chịu bởi không khí trong lành.
Trên đỉnh Long Tỷ Phùng là nơi tọa lạc của tượng Phật Tổ quay mặt về hướng mặt trời mọc. Từ tượng Phật, tôi có thể nhìn bao quát toàn cảnh thành phố Lai Châu với những khu đô thị mới mọc lên như những ô bàn cờ. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, hôm nào tiết trời ở dưới thành phố âm u, sương mù thì đỉnh Long Tỷ Phùng là nơi lý tưởng để săn mây. Chùa Linh Ứng vừa được đầu tư xây mới với diện tích 5ha trên đỉnh núi cao gồm nhiều hạng mục: Cổng tam quan, nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà Tăng, giảng đường và Tam bảo… có tổng kinh phí đầu tư trên 100 tỷ đồng theo nguyên mẫu chùa Việt vùng Bắc bộ. Đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương và là điểm tham quan thú vị của khách thập phương khi đến chiêm bái và lễ Phật.
Khám phá kiến trúc độc đáo nhà trình tường
Ở vùng cao tỉnh Lai Châu, người Mông sống trên đỉnh núi, người Dao lưng chừng đồi và người Thái ở chân núi. Có lẽ vậy mà nhà trình tường của đồng bào dân tộc Mông có nhiều nét kiến trúc độc đáo so với các dân tộc khác nhằm bảo đảm sưởi ấm trong mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Để có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên sơ những ngôi nhà trình tường, từ trung tâm thành phố Lai Châu, chúng tôi vượt qua nhiều đoạn đường đất đá lởm chởm với dốc dựng đứng ở bản Pa Chi Ô, xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ nằm cheo leo trên đỉnh núi. Trước đây, bản Pa Chi Ô có nhiều người Mông sinh sống nhưng sau đó họ di dời về vùng đất mới ở dưới thấp để tránh sạt lở nên ở khu vực này hiện chỉ còn khoảng vài chục hộ.
Vẻ đẹp mộc mạc của ngôi nhà trình tường không chỉ làm bằng đất với 3 gian rộng lớn mà còn được điểm tô bởi những cây mận già, nở hoa trắng muốt trước cổng nhà, hay trước sân, sau vườn. Bên cạnh đó, người dân xếp những viên đá chồng lên nhau làm hàng rào, ngay hàng thẳng lối, tạo nên vẻ đẹp riêng có của vùng Tây Bắc. Tuy được làm từ vật liệu chính là đất sét nhưng mỗi dân tộc đều có cách làm nhà trình tường khác nhau. Loại đất được người Mông chọn làm nhà là đất sét đỏ, mịn, có độ kết dính cao, không lẫn cát, sỏi. Đất sét được đưa vào ván khuôn nẹp chắc, sau đó dùng chày gỗ giã cho đến khi nào đất kết dính đến độ tháo khuôn gỗ nẹp mà không rơi ra. Mỗi lần giã là 1 tầng khuôn và cứ thế tiếp tục lên tầng khuôn thứ 2, 3, 4… cho đến khi ngôi nhà hoàn thiện.
Mỗi ngôi nhà người Mông đều có bức tường đá bao quanh. Hàng rào đá được dựng lên từ những viên đá do người dân nhặt về xếp chồng lên nhau. Chẳng cần chất kết dính hay gọt giũa, những bức tường vẫn vững chãi, kiên cố. Tường rào đá cao gần 1m, thường để phân tách đất nhà với vùng đất nương đồi bên ngoài. Mỗi viên đá dùng để xây dựng lên bức tường có hình thù khác nhau và được xếp một cách ngẫu nhiên, không theo quy định nào tạo nên khối kiến trúc rất độc đáo và thú vị.
Dưới nắng xuân, những ngôi nhà trình tường trở nên vàng rực. Những vạt hoa cải, hoa cỏ hôi cùng hoa đào, hoa mận nở xen kẽ trong vườn, ngoài sân và trên lưng đồi, tô điểm thêm vẻ đẹp hoang sơ, bình dị, cổ kính của những ngôi nhà trình tường ẩn chứa bên trong những phong tục tập quán, những nét đẹp văn hóa xa xưa.
Thư giãn với bài thuốc lá người Dao
Sau khi khám phá những cảnh đẹp và văn hóa độc đáo ở Lai Châu, chúng tôi ghé một cơ sở tắm thuốc lá người Dao của chị Mẩy Thanh ở khu 5, thị trấn Sìn Hồ để thư giãn.
Chị Mẩy Thanh là người Dao, làm hoa tiêu dẫn khách tham quan các điểm du lịch ở Tây Bắc, đồng thời mở dịch vụ tắm lá thuốc người Dao để phục vụ khách. Một nồi lá thuốc tắm của người Dao có từ 15 - 20 loại lá rừng, có thể kể đến như: cù anh đéng, cù tẩy hây, hoàng đìu nheo, lùng ngải… Riêng nồi thuốc tắm cho sản phụ của người Dao đỏ có đến hàng chục loại lá cây. Nồi lá thuốc tắm được chị Mẩy Thanh đun bằng củi, cho mùi thơm dễ chịu. Bếp lửa đặt ngay cổng vào nhà khiến du khách mới bước vào có thể cảm nhận ngay mùi lá thuốc bay lên ngào ngạt, nhất là mùi thơm đặc trưng của hoa thảo quả.
Đặc biệt, ở Sìn Hồ khí hậu về đêm thường lạnh, có nhiều sương mù nên những bếp lửa hồng còn giúp du khách sưởi ấm trong lúc ngồi chờ nước sôi. Mỗi nồi nước lá đun sôi khoảng 20-30 phút, sau đó chắt lấy nước cốt, hòa cùng nước lạnh đủ cho một người tắm. Khách có thể ngâm mình từ 15-20 phút hoặc đến khi cảm thấy người khỏe hẳn. Mùi thơm của lá thuốc xông lên mũi, ngấm vào da thịt, giúp du khách cảm thấy thư thái và dễ chịu.
Theo chị Mẩy Thanh, tắm lá thuốc người Dao có công dụng phục hồi sức khỏe cho người mới ốm dậy, giảm đau nhức xương khớp, tê bì chân tay, sưng gối, ngón chân, ngón tay, đau lưng cấp và mãn tính; giúp lưu thông khí huyết và giải độc cơ thể. Trước công dụng tuyệt vời của bài thuốc quý, trong thời gian qua, chính quyền huyện Sìn Hồ cũng đã khuyến khích các gia đình bảo tồn cây dược liệu, tạo điều kiện cho đồng bào tiếp cận nguồn vốn vay phát triển dịch vụ tắm lá thuốc.
Việc phát triển dịch vụ tắm lá thuốc trên cao nguyên Sìn Hồ không chỉ là điểm nhấn quan trọng thu hút khách du lịch, mà còn góp phần gìn giữ nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Dao nơi đây. Với người lần đầu đặt chân lên Tây Bắc như tôi, mọi thứ nơi đây đều mang lại cho tôi những cảm xúc mới mẻ và để lại nhiều ấn tượng khó phai mờ.