Đọc “Lịch sử triết học” - Johannes Hirschberger (Đức) của NXB Tri Thức, năm 2020

Đôi điều về bộ sách được coi là “Di sản thế giới”

Thứ Năm, 21/10/2021, 16:15

Mấy tháng nay trên mạng xã hội có nhiều người nói về bộ sách mà họ cho là “Di sản thế giới”. Đó chính là bộ sách LỊCH SỦ TRIẾT HỌC thế giới của nhà triết học người Đức nổi tiếng Johannes Hirschberger vừa được dịch ra tiếng Việt của Công ty sách Thời Đại do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành năm 2020.

Suốt bốn tháng qua, tôi đã đọc bộ sách này do con gái tôi Dương Anh Xuân gửi tặng. Bộ sách do Bùi Văn Nam Sơn chủ trì, hiệu đính và một số dịch giả trẻ mà theo Bùi Văn Nam Sơn họ là những người say mê triết học mà dấn thân. Bộ sách gồm hai tập, gần 2000 trang in, đề cập đến LỊCH SỬ TRIẾT HỌC thế giới từ cổ đại, trung đại đến cận đại và hiện đại. Đúng là một bộ sách đáng đọc vì nó hữu ích nhất là với đội ngũ sinh viên, trí thức.

Như lời tựa của bộ sách: “Lịch sử triết học vừa là bộ môn khoa học lịch sử vừa là triết học; là gạch nối giữa hai lĩnh vực của những nỗ lực khác nhau. Là khoa học lịch sử, nó tìm cách giới thiệu chúng ta đến với những tư tưởng đa dạng của các triết gia trong quá khứ và hiện tại. Vì thế nó cung cấp tất cả những thông tin về các triết gia này như đời sống, tác phẩm và các hệ thống tư tưởng của họ. Khi làm như vậy, nó không chỉ miêu tả sinh động những gì đã thực sự diễn ra mà còn giúp chúng ta tiếp cận với di sản tri thức phong phú, bằng cách phát triển những khái niệm và tư tưởng đã có và đang có...”.

Tôi đọc bộ sách và thiển nghĩ đây chính là những tư tưởng trong quá trình phát triển của nhân loại từ khi con người ý thức được vai trò của mình như là một chủ thể quan trọng của thế giới này.

Đôi điều về bộ sách được coi là “Di sản thế giới” -0
“Lịch sử triết học” - Johannes Hirschberger (Đức).

Cái cuối cùng con người luôn tìm kiếm đó là chân lý. Mà “Triết học nói chung thực sự là con đường vương giả để đi đến chân lý. Nhưng nó không phải là con đường vương giả đó trong những khẳng định riêng biệt và bộ phận của nó. Nhưng sẽ là như vậy trong toàn bộ cấu trúc của các học thuyết của nó - chúng điều chỉnh, hoàn thiện và phát triển lẫn nhau” (trang 16) của bộ sách LỊCH SỬ TRIẾT HỌC.

Sức mạnh của ý chí con người thật mạnh mẽ, có thể dời non, lấp biển như ta vẫn thường nói. Nhưng, có những sức mạnh tự nhiên không thể dùng ý chí của con người để chống lại. Ví như một cơn bão mạnh đang tràn vào biển Đông; Có sức mạnh nào của con người có thể bắt nó quay sang biển Tây, trừ phi cơn bão tự nó chuyển hướng! Thế giới tự nhiên và xã hội có những quy luật riêng của nó mà con người chỉ có thể tìm ra các quy luật đó để hành xử cho thuận với quy luật chứ không thể chống lại. Thế nhưng, không phải là đã có lúc, có nơi chúng ta đã coi thường các quy luật này để dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Đó là điều mà tác giả bộ sách LỊCH SỬ TRIẾT HỌC đã viết: “Ý chí muốn đạt đến chân lý không phải là bản thân chân lý” (trang 17).

Chúng ta đang xây dựng một nhà nước như ta vẫn thường nói là “Nhà nước pháp quyền CNXH”. Bộ sách này cho chúng ta biết khá cụ thể, sâu sắc về những kiến thức của quá trình ra đời, hình thành, phát triển của khái niệm nhà nước. Lịch sử ra đời và phát triển của con người, của thế giới mấy ngàn năm đã trải qua những mô hình nhà nước từ sơ khai đến phát triển như ngày nay. Từ đây soi chiếu vào những gì chúng ta đang làm để có thể làm tốt hơn.

Khi chúng ta nói về đối tượng của chân lý; các ý niệm trong  học thuyết của các nhà triết học nổi tiếng như Plato, chúng ta mới biết có những vấn đề được đặt ra trước công nguyên đến nay vẫn chưa hết tranh cãi như linh hồn: “Khi quy hồi lại trong chính mình, linh hồn phản tư, để rồi chuyển dịch sang một thế giới khác, tức địa hạt của sự thuần khiết, sự thượng hằng, sự bất tử và bất biến vốn cùng chung một góc... và rồi linh hồn thoát khỏi sự lầm đường lạc lối và tồn tại trong sự hiệp thông với cái bất biến sẽ là bất biến... Đây là những đối tượng “đầu mối” của ta như cái đẹp tự thân, cái thiện tự thân, sự lành mạnh tự thân, sức mạnh tự thân, cũng như vậy, cái lớn và cái nhỏ tự thân...”.

Tôi tự thấy mình cũng được học và đào tạo khá bài bản; nhưng, đọc cuốn sách này mới vỡ ra nhiều điều mà lâu nay mình chưa biết, hay đã biết nhưng chưa thấu đáo. Nhiều khái niệm của nhiều lĩnh vực khác nhau: Khái niệm về chân lý; Nguồn gốc chân lý; Đối tượng của chân lý; Nguồn gốc của nhà nước; Các tầng lớp xã hội; Chế độ quân chủ toàn trị; Chế độ quân chủ lập hiến; Sự hình thành thế giới; không gian và thời gian; Logic học; Nhận thức; Bản chất và nguồn gốc của nhận thức; Tồn tại và những cái tồn tại; Khoa học và chính trị; Cái thiện và cộng đồng; Các thành tố của tư duy; Vấn đề nguyên tắc đạo đức; Đời sống tâm hồn của con người; Định mệnh và tự do; Tiêu chuẩn của chân lý; Cái ác/ Sự dữ; Thời gian và sự hằng cửu vv và vv...

LỊCH SỬ TRIẾT HỌC còn cho chúng ta biết khá cụ thể và đầy đủ cuộc đời, sự nghiệp, tác phẩm, tư tưởng của nhiều nhà triết học nổi tiếng thế giới như Aristotle; Plato; Socrates; Hegel; Kierkegaard; Nietzsche; Wagner; Kant; Schpenhauer...

Tôi đã từng đọc cuốn “Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết” của Schpenhaur do một dịch giả thời chính quyền Sài Gòn cũ, nay đọc cuốn sách này mới hiểu được vì sao người ta “mê” những tác phẩm của Schpenhaur đến vậy...

Hai năm 1979-1981 học ở trường đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, tôi đã đọc khá nhiều tác phẩm của Mác, thời đó thầy giáo dạy chúng tôi có nói rằng sinh thời Các -Mác tham gia nhóm sinh viên và giáo sư trẻ gọi là những người “Hegel trẻ”. Bây giờ đọc bộ sách này, tôi mới hay chính cụ Các- Mác đã chịu ảnh hưởng khá nhiều từ Hegel, nhất là phép biện chứng trong học thuyết của mình. “...Vì con người tập thể của Marx có sự tương đồng rõ rệt với khái niệm phổ quát của Hegel...” (trang 593 LỊCH SỬ TRIẾT HỌC tập 2).

Tôi thiển nghĩ, bộ sách LỊCH SỬ TRIẾT HỌC của nhà triết học nổi tiếng người Đức Johannes Hirschberger người được coi là “Hegel mới” vừa được dịch ra tiếng Việt thực sự có cái nhìn khách quan, biện chứng, đã tổng kết và rút ra nhiều vấn đề lớn của lịch sử triết học thế giới từ cổ đại đến trung đại và cận đại thật hữu ích cho chúng ta ngày nay, soi chiếu vào những vấn đề tư tưởng, lịch sử, soi chiếu vào công việc hằng ngày của mỗi chúng ta...

Dương Kỳ Anh
.
.