Đỏ lửa giữ nghề bán hơi

Thứ Năm, 10/02/2022, 15:28

Những năm 70 của thế kỷ trước, xã Thống Nhất (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) nổi tiếng với nghề thổi thủy tinh, sản phẩm đặc trưng nhất là ống tiêm philatop. Tuy là thổi thủy tinh thủ công nhưng có lúc sản phẩm của làng nghề đã “ăn đứt” sản phẩm thủy tinh công nghiệp.

Vang bóng một thời

Về xã Thống Nhất, tìm hiểu về nghề thổi thủy tinh, mấy người làng đều bảo chúng tôi phải tìm đến nhà ông Hồ Văn Gừng, ở thôn Giáp Long (trước đây gọi là Hợp Long). Bởi, ông Gừng là người đầu tiên và cũng là cuối cùng ở xã Thống Nhất còn  thổi thủy tinh theo phương pháp truyền thống.

Nhà ông Gừng nằm sát đê sông Hồng. Một ngôi nhà cấp bốn được xây từ lâu. Chúng tôi đến gặp đúng lúc ông Gừng đang thổi thủy tinh ở phía sau nhà. Thấy ông đang làm việc, chúng tôi ngồi luôn bên cạnh và nói chuyện. Ông nói vui, làm nghề này gần 50 năm rồi mà không xây nổi cái nhà gác đấy mấy chú ạ.

Đỏ lửa giữ nghề bán hơi -0
Đưa máy công nghiệp vào sản xuất ống tiêm philatop ở xã Thống Nhất.

Ông Gừng năm nay đã 72 tuổi, làm nghề thổi thủy tinh từ những năm 70 của thế kỷ trước. Ông kể rằng, năm 1968 – 1969, Mỹ leo thang chiến tranh ở miền Nam, nhu cầu sử dụng ống tiêm philatop trong y tế tăng mạnh. Một số xí nghiệp thổi thủy tinh đẩy mạnh sản xuất, ông Gừng và một số người khác trong xã Thống Nhất xin vào làm việc. Được một thời gian thì họ tự về nhà thổi thủy tinh theo phương pháp thủ công, dùng bễ lò rèn đạp gió, tận dụng bóng đèn huỳnh quang đã qua sử dụng làm nguyên liệu, thế là nghề thổi thủy tinh lan rộng ra khắp xã Thống Nhất.

Phải nói rằng, người dân Thống Nhất có cái tài và cái duyên với nghề thổi thủy tinh. Chẳng ai chỉ dạy, chỉ nhìn máy móc làm thôi nhưng họ có thể tự làm được ống tiêm philatop chất lượng ngang ngửa với máy móc công nghiệp thời bấy giờ. Ông Gừng tự hào kể: Xã Thống Nhất có 4 làng gồm Giáp Long, Hoàng Xá, Thượng Giáp và Bộ Đầu thì cả 4 làng đều có nghề thổi thủy tinh. Nhiều nơi họ về Thống Nhất đặt hàng với số lượng lớn và họ rất ưa thích sản phẩm thủy tinh Thống Nhất, từ ống tiêm philatop, ruột phích, ly đến bóng đèn dầu... sản phẩm tinh khiết, đều đẹp và tốc độ làm của người thợ không thua kém máy móc là bao nhiêu.

Sang những năm 80 - 90, nghề thổi thủy tinh còn được các hộ liên kết lại thành Hợp tác xã thổi thủy tinh Hợp Long, nhận đơn hàng khắp miền Bắc, thương hiệu thủy tinh Thống Nhất đôi khi còn bị nhầm sang thương hiệu xe đạp Thống Nhất, bởi quá nổi. Đặc biệt, từ năm 1993, khi điện lưới được phủ đến mọi miền quê, người thợ thổi thủy tinh có sự hỗ trợ của máy móc không còn phải đạp bễ gió nên nghề càng thêm phát triển. Thời điểm đó, có tới quá nửa số hộ thuộc xã Thống Nhất làm nghề đem lại nguồn lợi kinh tế chủ yếu cho người dân.

Nghề của sự sáng tạo

Thổi thủy tinh ban đầu là một nghề công nghiệp nhưng khi về xã Thống Nhất, do sự hạn chế của làm thủ công mà người thợ đã phải sáng tạo rất nhiều từ kỹ thuật đến mẫu mã.

Ông Hồ Văn Gừng kể lại rằng, nếu như xí nghiệp có nguồn cung nguyên liệu ổn định thì làng nghề khi đó phải tự túc. Một bộ phận người dân sẽ đi nhặt hoặc thu mua ống đèn huỳnh quang đã qua sử dụng, một số vỏ thủy tinh trong, đem về sơ chế để làm nguyên liệu.

Bà Hồ Thị Phàn, vợ ông Gừng tuy không ngồi trực tiếp thổi thủy tinh nhưng lại là người tạo ra nguồn nguyên liệu cho ông Gừng thổi. Hằng ngày, bà Phàn vẫn đi thu lượm bóng đèn huỳnh quang về nhà, sau đó dùng kìm tháo hai đầu vít và ngâm bóng đèn trong nước khoảng hai tiếng. Bà Phàn nhẹ nhàng lấy gậy quấn vải ở đầu rồi thuôn vào bóng đèn để tẩy bột huỳnh quang, mỗi ngày bà Phàn thường tẩy trắng khoảng 10 bóng đèn huỳnh quang để ông Gừng thổi.

Đỏ lửa giữ nghề bán hơi -0
Ông Hồ Văn Gừng thổi thủy tinh bằng đèn khò đốt dầu gần 50 năm nay.

Nói về chiếc bễ lò rèn, ông Gừng cười vui bảo “có khi cái bễ này hơn cả tuổi chú”. Bởi, ông Gừng đã sử dụng chiếc bễ này gần 40 năm và hiện là chiếc bễ lò rèn cuối cùng trong xã Thống Nhất. Ngày nay, do có mô tơ nên người thợ đỡ vất vả, còn trước kia bễ phải đạp bằng chân để lấy gió duy trì ngọn lửa, dừng đạp chân là lửa khò có thể tắt ngay lập tức. Theo ông Gừng, nhiệt độ trung bình của đèn khò khoảng 800 độ C, còn để nung chảy một số loại thủy tinh nhập ngoại thì phải cần nhiệt độ trên 1000 độ C.

Còn chiếc đèn khò là sự sáng tạo riêng biệt của người thợ Thống Nhất. Chiếc đèn khò của ông Gừng được ông thiết kế bên trong là 9 đầu lửa khò được cuốn bằng sợi bấc đèn và sử dụng dầu hỏa để đốt. Sau thời của đèn khò đốt dầu, cũng chính người thợ Thống Nhất đã sáng tạo ra đèn khò đốt gas, rồi đến bây giờ một số máy móc công nghiệp cũng do người thợ Thống Nhất thiết kế, đặt hàng các đơn vị sản xuất.

Nghề thổi thủy tinh được người thợ Thống Nhất gọi vui là nghề bán hơi bên ngọn lửa. Bởi, nguyên lý cơ bản của nghề này là nung chảy thủy tinh và thổi, dùng tay xoáy tạo hình theo ý muốn của người thợ. Người thợ muốn thổi được trước tiên phải biết phân biệt một số loại thủy tinh, cảm nhận được ngọn lửa khoảng bao nhiêu độ C và hình dung trong đầu được hình khối, vậy nên để có thể thành thạo nghề phải mất ít nhất khoảng 2 năm học việc.

Ông Gừng bảo rằng, tuy năm nay đã hơn bảy mươi tuổi, làm nghề gần 50 năm mà ông vẫn thổi được thủy tinh chứng tỏ rằng hai lá phổi của ông vẫn đang “chạy” rất tốt. Ông Gừng còn “khoe” mình có nhiều điểm vượt trội hơn thợ thanh niên, vì nhiều thợ chỉ ngồi được khoảng hai tiếng là phải nghỉ do nhiệt từ đèn khò tỏa ra mạnh khiến mắt bị mỏi, thậm chí là đau, da dẻ khô hanh. Còn với ông Gừng thì đến nay đôi mắt vẫn tinh anh, không cần phải đeo kính, da dẻ hồng hào và có thể ngồi tới 4 tiếng mới cần nghỉ giải lao. Ông Gừng còn tự đi xe máy giao hàng cho một số đại lý nên có thể nói vui rằng, nghề thổi thủy tinh chẳng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của ông Gừng.

Tôi được ông Gừng giới thiệu đến xưởng ông Lê Văn Tiến (thôn Hoàng Xá), một người “thợ điêu khắc” trên thủy tinh trẻ hơn ông Gừng chục tuổi. Ông Tiến làm nghề thổi thủy tinh cũng đã gần 30 năm và là người yêu, sống được bằng nghề thổi thủy tinh truyền thống tuy chẳng giàu có gì. Ông Tiến đến với nghề khi mới 16 tuổi, ban đầu do sự thích thú khi quan sát người lớn tạo hình bên đèn khò, từ đó ý tưởng tạo hình các con vật nhen nhóm trong đầu chàng trai trẻ Lê Văn Tiến. Chính tình yêu với nghề đã giúp ông giữ được nghề cho đến ngày nay, cho dù thu nhập không bằng các nghề truyền thống khác hay đi buôn bán. Tuy vậy, ông Tiến lại có một số học trò rất yêu nghề như anh Đỗ Tuấn Anh quyết tâm nối nghiệp ông Tiến.

Đau đáu giữ nghề như một nét văn hóa

Vang bóng một thời là thế, nhưng từ khoảng hai chục năm trở lại đây, nghề thổi thủy tinh ở Thống Nhất đã bị “lao đao” bởi cơn bão thị trường. Máy móc hiện đại ra đời, các sản phẩm tinh xảo được sản xuất trong phút mốt, sản phẩm làng nghề tuy vẫn đáp ứng được chất lượng nhưng tốc độ sản xuất không bằng máy móc, giá thành cao nên nhiều hộ đã bỏ nghề. Bên cạnh đó là sự cạnh tranh của đồ nhựa, đồ inox làm thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.

Từ chỗ quá nửa số hộ làm nghề, có đến hàng trăm thợ lành nghề, đến nay toàn xã Thống Nhất chỉ còn một vài xưởng thủ công nghiệp, vài hộ làm thủ công như ông Gừng, ông Tiến, ông Trãi, ông Thọ.... tay nghề cao như họ cũng chỉ kiếm được tối đa 200 nghìn đồng một ngày. Nhưng không vì thế mà họ bỏ nghề, họ vẫn còn lý do để “bám nghề”, đó chính là giữ nghề như giữ lại một nét văn hóa, giữ lại một thời hưng thịnh của thủy tinh Thống Nhất.

Những người “nghệ nhân không bằng” ở Thống Nhất cứ cần mẫn, đau đáu là thế, họ chỉ mong một ngày nghề thổi thủy tinh được khôi phục phần nào, hoặc chí ít vẫn duy trì được và không bị mai một. Biết rằng, cuộc sống đôi khi phải đối mặt với cơm áo gạo tiền nhưng họ vẫn giữ mãi niềm hy vọng “còn hơi, còn giữ nghề truyền thống” như một nét đẹp văn hóa.

Nguyễn Văn Công
.
.