"Độ chênh"... mơ hồ!

Thứ Bảy, 25/11/2023, 15:33

Ca dao Việt Nam có bài nói hay về tình yêu: "Có yêu thì nói rằng yêu/ Không yêu thì nói một điều cho xong/ Đừng rằng dở đục dở trong/ Lờ lờ nước hến cho lòng tương tư". Cái thi vị, cái hấp dẫn, mời gọi của tình yêu chính là ở cái "lờ lờ nước hến" này, chứ "trắng phớ" ra thì còn gì là thế giới tâm trạng với bao nỗi hồi hộp, phấp phỏng, hy vọng, thất vọng…

Cái tình trạng "lờ lờ" này dân gian cũng để nói về "người khôn": "Người khôn ăn nói nửa chừng/ Để cho người dại nửa mừng nửa lo". Còn khuyên cánh mày râu: "Làm trai nước hai mà nói" tức là không rõ ràng, ỡm ờ, hai mặt… Không phải là vấn đề "bản lĩnh" hay "mất lập trường", "dao động"… mà là cách ứng xử của "phái mạnh" đi "thăm dò" "phái đẹp"… có thể vừa là để "thử thách" vừa là để "gieo" vào họ cái xao xuyến bâng khuâng. Không biết tâm lý học khái quát hiện tượng đời sống này bằng thuật ngữ gì, nhưng lý luận nghệ thuật có hẳn một khái niệm rất cơ bản là "mơ hồ" (ambiguity).

Tranh minh họa Cô Tấm!

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha có bài "Không đề" rất "mơ hồ": "Ðưa người yêu qua nhà người yêu cũ/ Trong cơn mưa ban trưa/ Thấy hồn mình tách thành hai nửa/ Nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa". Cái tứ lạ kiểu này chỉ có được từ thực tế, nhờ liên tưởng ngược thời gian rồi bấu chặt vào kỷ niệm xưa mà bật ra. Một tâm trạng cứ xốn xang lưu luyến dùng dằng cũ mới xưa nay. Ngoài trời có mưa, trong lòng cũng có mưa. Cơn mưa ở hai đầu thời gian quá khứ và hiện tại: "Nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa". Cứ mơ hồ, mơ hồ trong nỗi khắc khoải. Đấy đích thực là tình yêu đẹp. Cả hai mối tình xưa và nay đều đẹp.

Tế Hanh cũng có một bài thơ để đời nhờ cái duyên vừa "trời cho" vừa "đời cho": "Cơn bão nghiêng đêm/ Cây gãy cành bay lá/ Ta nắm tay em/ Cùng nhau qua đường cho khỏi ngã/ Cơn bão tạnh lâu rồi/ Hàng cây xanh thắm lại/ Nhưng em đã xa xôi/ Và cơn bão lòng ta thổi mãi" (Bão). Sáu câu đầu tả, đến câu "Nhưng em đã xa xôi" là sự trống vắng. Câu cuối cùng, thật hay, từ cơn bão vật lý (nhìn thấy) chuyển thành cơn bão lòng (không nhìn thấy). Cái hay là ở chỗ không nhìn thấy này. Tức cái mơ hồ, trừu tượng, rất nghệ thuật, diễn đạt một cách tinh tế tâm trạng ngơ ngẩn tiếc nuối... Với thơ thì tứ càng mới lạ càng hay. Muốn vậy phải đọc, sống nhiều, sống kỹ. Gia tài văn chương trời cho thì ít đời cho mới nhiều. Ít vốn thì dựa vào kỹ thuật loanh quanh nói đi nói lại, đến khi hết vốn nên nhạt, cùn, mòn…

Như vậy cái mơ hồ thuộc về bản chất của đời sống cũng là bản chất của nghệ thuật. Nó đi vào khoa học xã hội nhân văn với tư cách một khái niệm. Ở ta ngành ngôn ngữ nghiên cứu từ lâu nhưng bên lý luận phê bình văn học mới được đặt thành hướng nghiên cứu từ 1996 mà mở đầu là bài báo "Tính mơ hồ, đa nghĩa của văn học" của Giáo sư Trần Đình Sử. Cơ sở khoa học của cái mơ hồ có từ khoa học tự nhiên với "lý thuyết tập mờ", "điều khiển mờ", rồi "logic đa trị"... Thuyết tương đối nổi tiếng của Anhxtanh cũng "mờ" vì là "tương đối" (rộng/hẹp, gần đây thêm "tương đối yếu")… Tôn giáo càng mờ. Nhờ vậy mà các lời thuyết giáo càng dễ đi vào lòng người. Phong tục, tập quán cũng mờ. Tâm linh còn mờ hơn. Ngày nay bên cạnh cuộc sống thật, là "cuộc sống ảo", thậm chí nhiều người "sống ảo" nhiều hơn "sống thật". Thế cũng là… mờ. Nghệ thuật càng cần đến mơ hồ là điều phải khẳng định.

image002.jpg -1
Những hình ảnh ma trong văn học Nhật Bản!

Cái mơ hồ có ở ngay trong đặc trưng của nghệ thuật. Lấy chất liệu từ hiện thực cuộc sống nhà nghệ sĩ kiến tạo nên tác phẩm - một mô hình đời sống mới. Mô hình này thống nhất chứ không đồng nhất với hiện thực, do vậy phẩm chất cơ bản của nhà văn là phải giàu có óc tưởng tượng, liên tưởng. Hình tượng nghệ thuật được phản ánh từ hiện thực khách quan đi vào tác phẩm sẽ bị khúc xạ bởi lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ, do vậy tất yếu luôn mang một độ "mờ" nhất định. 

Cái "độ chênh" giữa hiện thực và tác phẩm chính là địa hạt của cái mơ hồ. Thần thoại, truyền thuyết, truyện truyền kỳ… càng mơ hồ vì "độ chênh" ấy rất lớn. Cũng nhờ thế mà theo thời gian, các lớp phù sa hàm lượng ý nghĩa thẩm mỹ của các biểu tượng (tức cổ mẫu/mẫu gốc) cứ ngày càng dày lên. Càng "cổ" càng nhiều ý nghĩa. Ví như hình tượng con rồng là một cổ mẫu "mờ", rất ước lệ. Trong thực tế không có, chỉ có trong nghệ thuật. Đó là sự cách điệu hóa từ con rắn và cá sấu mà thành. Mỗi thời đại lịch sử (triều đại) trước đây đều có biểu tượng rồng, nhưng không giống nhau. Nó trở thành một mã ký hiệu biểu hiện ý nghĩa thời đại nó ra đời.

Thế nên, không chỉ bên hội họa mà mọi nghệ thuật đều theo nguyên tắc: vẽ/viết cái cảm thấy (chứ không vẽ/viết cái nhìn thấy)! Do vậy khái niệm "lạ hóa" là thuộc tính của nghệ thuật chứ không như nhiều người coi đó là thủ pháp, thậm chí là phương pháp (?!). Bàn về tiểu thuyết lịch sử vẫn còn tranh cãi nhau sự thật bao nhiêu phần trăm, hư cấu bao nhiêu phần trăm. Vấn đề này cũ rồi, vì thời trung đại đã đặt ra. Người ta cũng đã nhận ra rằng sự định lượng thật/giả là vô nghĩa. Chiểu theo cái "mơ hồ" thì đã là văn học phải "lạ hóa" tức phải hư cấu. Còn hư cấu bao nhiêu thì tùy vào "khoảng cách sử thi" và độ tỏa sáng của nhân vật, sự kiện. Càng xa "độ chênh" càng lớn và ngược lại.

Trong văn chương, mơ hồ thể hiện rõ hơn cả ở nhân vật và ngôn ngữ. Nhân vật cổ tích luôn mơ hồ. Cô Tấm sẽ được các họa sĩ vẽ thành nhiều cô Tấm khác nhau nhưng có điểm chung (hằng số) là cô gái Việt truyền thống (bản sắc). Nhờ vậy mà thế giới cổ tích là tự do nhất, nhân vật có thể bay từ nơi này sang nơi khác, có thể chết đi sống lại, các ước mơ đều thành sự thật, công lý đều được thực thi… Cái gì ngoài đời không có sẽ có trong cổ tích. Cho nên cổ tích "một đi không trở lại".

Tiếp nhận cổ tích cũng phải đi bằng con đường mơ hồ tưởng tượng, mà nhân vật luôn là ảo nên mỗi người tiếp nhận theo cái "tôi" trải nghiệm của mình. Vì thế không nên nói đúng sai mà chỉ nên nói đã hợp lý chưa mà thôi. Sa vào tranh cãi thì lại chứng tỏ mình "mơ hồ" theo nghĩa đen! Thế mà người ta từng cắt đi cái kết truyện "Tấm Cám" vì cho rằng để thế thì "man rợ"… Làm sao "cắt" được cổ tích? Vì nó đã nguyên khối vĩnh viễn. Chỉ có thể "viết lại" cổ tích theo ý mới mà thôi. Chi tiết Tấm dội nước sôi rồi làm mắm… chính là ánh xạ từ một quan niệm công lý nguyên thủy: kẻ gây ra tội ác gì phải nhận đúng lại tội ác như thế! Rất mơ hồ cũng rất rõ ràng!

Một cách "mơ hồ hóa" thường hay được văn chương sử dụng là các giấc mơ, trong "Hồng lâu mộng" (Trung Quốc), "Truyện Kiều" (Việt Nam), "Cửu vân mộng" (Triều Tiên), "Mộng phù kiều" (Nhật Bản), "Yogavasistha" (Ấn Độ)… Mơ là ảo nhưng nhờ thế mới nói lên được cái triết lý thật. Trang Tử trong thiên "Tề vật luận" kể chuyện Trang Chu hóa bướm. Chu nằm mơ thấy mình hóa bướm, lúc tỉnh dậy ngạc nhiên không biết mình là bướm hay là Chu. Thì ra khi người ta thiếu tỉnh táo, không làm chủ, sẽ rất dễ bị vật hóa. Đúng là một triết lý sâu sắc về bài học làm người. Thứ nữa là kiến tạo nhân vật "ma". Trong "Truyện Kiều" có nhân vật "ma" Đạm Tiên: "Sương in mặt tuyết pha thân/ Sen vàng lãng đãng như gần như xa". Qua nhân vật này Nguyễn Du đã nói lên một quan niệm cũng rất "mơ hồ" là "thiên mệnh"…

Ở phương diện ngôn ngữ thì muôn vẻ. Là biểu tượng lấp lửng hai mặt: "Mười bảy hay là mười tám đây", "Cỏ gà lún phún leo quanh mép"… trong thơ Hồ Xuân Hương. Là nhại âm Nguyễn Khuyến: "Chi chi đã!" (tức Cha cha đĩ!). Là chơi chữ, như Nguyễn Công Hoan có tên truyện "mơ hồ" là "Ngựa người và người ngựa" nhưng lại nói rất sâu sắc về nỗi khổ nhục của kiếp người "làm đĩ" (ngựa người) và kiếp phu xe (người ngựa)… Là phép tỉnh lược chủ ngữ: "Anh cứ hát. Hết sức hát. Gò ngực mà hát. Há miệng to mà hát. Hát như con quốc kêu thương" ("Anh xẩm"- Nguyễn Công Hoan). Trừ câu đầu, bốn câu sau đều bị tỉnh lược chủ ngữ. Người đọc như không còn thấy anh xẩm mù đang hát, chỉ còn nghe thấy tiếng hát não nề khắc khoải. Hình ảnh người nghệ sĩ mù khốn khổ như mờ đi, biến mất, chỉ còn lại tiếng hát bi thương, ai oán cho một kiếp người!

Người xưa đã nhận thấy văn chương giống đời thì mỵ đời, không giống đời thì lừa đời. Nhà thơ Tố Hữu đã rất tinh khi nói: "Thơ phải chăng là điều ấy, mơ ở trong thực, cái vô hình trong cái hữu hình, những màu sắc trong màu trắng". Cũng là nói về cái mơ hồ mờ ảo tinh diệu của văn chương!

Nguyễn Thanh Tú
.
.