"Đỉnh kinh" - chạm quá khứ mở tương lai
Tôi và Bùi Tuấn Minh là bạn đồng niên. Cái tuổi theo cách gọi dân gian là đầu Can đầu Chi. Tôi vẫn hay nói đùa với anh là tuổi chúng mình cái gì cũng phải biết. Nhưng càng biết càng mệt vì lại muốn biết nữa. Anh cười nửa đùa nửa thật "Biết cái chưa biết đôi khi chẳng rõ là vui hay buồn nhưng biết cái đã biết thì thường là hạnh phúc".
Chúng tôi biết nhau khi cùng tham gia một trại sáng tác văn học, thân nhau lúc nào chẳng hay. Lần nào ra Hà Nội, Minh cũng gọi tôi, Minh bảo: "Mỗi khi nói chuyện với ông, tôi lại thấy đời mình dịu đi một chút". Những người làm nghề viết như chúng tôi thường có cái tôi rất lớn đặc biệt trong tranh luận nhưng Minh thì trái lại, anh thường chỉ tủm tỉm cười trong những lần bạn hữu tụ tập nói chuyện văn chương, thế sự.
Một lần, khi men rượu đã ngấm kha khá, Minh nói muốn đi bộ qua cầu Long Biên. Anh xuất thân từ lính đặc công, thể chất hơn người thường, còn tôi điểm thể dục từ phổ thông tới đại học lúc nào cũng chỉ vừa đủ để qua, nên thật tình khi ấy có phần ái ngại. Nhưng chiều bạn, tôi gật đầu mạnh dạn cùng anh cất bước lên cầu trong bóng chiều nhập nhoạng đang đu đưa dần vào màn khuya. Và đúng là tôi đã không phải hối tiếc về chuyến bộ hành ngẫu hứng ấy.
Trung Tá Bùi Tuấn Minh, sinh năm 1984, tại Tuy Lai, Mỹ Đức, Hà Nội. Công tác tại Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, Bộ Công an. Anh hiện là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Chi hội Nhà văn Công an nhiệm kỳ 2025-2030.
Ánh hoàng hôn đổ xuống mặt sông dăm mảng vàng cam lấp lánh như một bức tranh tĩnh lặng đối lập với dòng chảy ồn ào của thành phố bên kia bờ. Minh bạn tôi, trong chiếc áo khoác màu cỏ úa, dường như đang chìm vào cõi tưởng thức xa xăm đầy hoài vọng.
Anh kể với tôi về ý tưởng cho tập truyện ngắn mà bản thân ấp ủ, một tuyển tập sẽ được xây dựng từ những giấc mơ của bản thân, hồi ức của rất nhiều người lính anh từng gặp, và cả bao vùng miền anh đã đi qua trong đời lính nghiệp văn của mình. Anh băn khoăn về triết thuyết nhân quả, về mối liên kết giữa quá khứ và tương lai. Giọng Minh trầm lắng, mang theo niềm tự hào nhưng thi thoảng có phần nặng nề bởi cung bậc cảm xúc từ những năm tháng chiến tranh anh từng được nghe các bậc tiền bối kể lại. "Mỗi câu chuyện sẽ là một lát cắt," anh nói, "Các lát cắt không hoàn chỉnh nhưng lại chứa đầy đủ sự sống, nỗi đau và cả niềm hy vọng của con người".
Những bước chân chậm rãi trên công trình cổ hơn trăm tuổi như nối liền hai bờ quá khứ và hiện tại, tôi chợt nhận ra, trong đáy mắt anh đầy ắp biết bao số phận đang thầm lặng hiện hữu, tựa mạch nước hòa thanh cùng tiếng gió đêm thầm thì dưới chân cầu.
Rồi chưa đầy một năm sau, tôi nhận được bản thảo tập truyện ngắn mang tên "Đỉnh Kinh". Tựa đề và hình ảnh minh họa bàn tay lần tràng hạt gợi lên màu sắc Phật giáo, và tôi thực sự bất ngờ khi được bước vào một thế giới nhân sinh quan đầy cuốn hút, vừa ảo vừa thực, lúc thô ráp khi vô cùng mềm mại. Dưới lớp vỏ của triết lý Phật giáo là những câu chuyện đời chân thực được xây dựng từ ký ức chiến tranh. Và điều khiến tôi ngỡ ngàng hơn cả chính bởi tài năng của anh trong việc đan cài các chi tiết truyện và đặc biệt là nghệ thuật xây dựng nhân vật có chất riêng, ấn tượng, đặc sắc, nhưng lại mang cảm giác gần gũi như chính những người chúng ta từng gặp trong đời.
Đó là người lính trở về với nỗi đau mất đi người bạn thân từ thuở nhỏ nơi chiến trường. Là cô phóng viên trẻ, qua một trải nghiệm tâm linh đầy huyền bí, chợt hiểu ra uẩn khúc trong lòng người cha rất nhiều năm về trước. Là bà lão mù chữ nhưng thuộc kinh Phật làu làu, rồi người đàn ông đối diện với đứa con lưu lạc trong sự sắp đặt bất ngờ của số phận mà lại hoàn toàn thuyết phục. Hay đổi mới trong cách giải mã hình tượng nghệ thuật, Bùi Tuấn Minh đã khắc họa câu chuyện lịch sử bằng sự tìm tòi mang cảm xúc của tác giả trong các chuyên án huyền thoại của lực lượng CAND như "Vụ án Ôn Như Hầu". Tất cả tạo nên một bức tranh ngôn từ muôn màu, vừa lấp lánh ánh sáng hy vọng, vừa phảng phất bóng dáng của những đau thương, mất mát, hy sinh.
Thế giới trong truyện ngắn của Minh tựa như những con đường mà nhân vật cần đi qua, không chỉ là hành trình vật lý mà còn là độc đạo nội tâm. Ở đó, họ dần khám phá những phần ẩn khuất của chính mình hoặc chủ thể liên đới, để từ đấy trưởng thành, thanh thản hơn hoặc ngộ ra ý nghĩa sâu xa của cuộc đời bản thân cũng như những người xung quanh. Đôi khi đích đến lại chính là điểm khởi đầu, các nhân vật chạm vào quá khứ để mở ra cách cửa của hiện tại và tương lai.
Điều đặc biệt là Minh không áp đặt chủ quan người viết, mà khéo léo để độc giả tự nối các mảnh ghép tình tiết, xây dựng bức tranh câu chuyện của riêng từng cảm nhận mỗi người. Những "khoảng trống" này tạo nên sức sống đặc biệt cho tác phẩm, để người thẩm thấu đồng hành cùng người sáng tác. Khi khép lại trang cuối cùng, tôi tin rằng nhiều bạn đọc sẽ giống như tôi buông tiếng thở dài, như trút bỏ một nỗi niềm, rồi ngay sau đó lại khẽ mỉm cười an yên nhẹ nhõm, bởi thông điệp xuyên suốt các câu chuyện rất giản dị mà sâu sắc: tính cách quyết định số phận, và nhân quả là những gì chúng ta gieo trồng qua từng ý nghĩ, lời nói, hành động. Dù vậy trên hết vẫn là một tinh thần cao cả hướng đến những giá trị nhân văn của đời sống này.
Minh bắt đầu vào nghề viết bằng những vần thơ, trước tập truyện ngắn này anh đã xuất bản 4 tập thơ. Thế nên trang văn của Minh thấm đẫm ngôn ngữ thi ca, đó là sự cô đọng trong từng câu chữ, cảm xúc và triết lý nhân sinh. Thẩm văn anh, độc giả dễ dàng cảm nhận nhịp điệu rõ ràng, dẫn dắt người đọc qua từng nấc thang lên xuống của suy tưởng. Bởi thế, "Đỉnh Kinh" không chỉ là một tập truyện ngắn, với cá nhân tôi đó là đường dẫn của tâm hồn, là cầu nối giữa những trái tim khát khao sự sống, ước mong tạo nên những điều tốt đẹp cho dù từng chịu nhiều tổn thương hay gian nan thử thách, để rồi cùng nhau đối diện với thực tại để tìm lấy sự bình yên.
Với cảm quan cá nhân, tôi luôn cho rằng Minh sống và viết như một người thợ, cần mẫn lao động miệt mài để kết dính từng mảnh cảm xúc và lý trí quyện hòa trong tác phẩm của mình. Ở anh, tôi không tìm thấy sự ngẫu hứng bộc phát, điều mà người ta thường cho là cần thiết với một nghệ sĩ. Minh làm việc có kỉ luật, kế hoạch rõ ràng ngay cả đối với văn chương. Anh vẫn nói với tôi rằng: "Chỉ cần nghiêm khắc với bản thân sớm muộn thành công cũng tới". Và tôi biết, chính sự kỷ luật nội tại ấy đã khiến năng lượng sáng tạo trong anh bùng cháy theo cách thật khác biệt. Minh sử dụng khéo léo chất liệu cuộc sống như từng viên ngọc thô, kiên nhẫn mài giũa đến tận cùng, để biến chúng thành những tác phẩm mang phong cách riêng và có giá trị.
Anh không cố dụng công tạo nên sự hoành tráng trong chủ đề tư tưởng, không phô diễn những sắc màu cầu kỳ của cách kể, nhưng những gì anh viết luôn thấm đượm sự nhiệt thành mà tôi hay gọi đùa là "sự tử tế trong lao động nghệ thuật". Minh thường chia sẻ với tôi về những ý tưởng mà anh dự định hiện thực hóa. Và điều đáng quý là anh luôn nỗ lực hết mình thực hiện cho đến khi hoàn thiện, bất kể đó là một câu chuyện nhỏ hay một tập sách mang nhiều kỳ vọng như "Đỉnh Kinh".
Nếu ví hành trình sáng tạo văn chương là một cuộc chạy bền, thì Minh không chọn đua tranh với ai. Anh chỉ lặng lẽ đo sức mình trên những con đường tự vạch ra, kiên định đến từng điểm đích và để lại dấu ấn riêng có. Thành công của anh trong văn chương vài năm qua đã khiến nhiều người bất ngờ, nhưng tôi biết đó là thành quả của sự lao động cần mẫn và nghiêm túc. Điều này ở anh mang một sức hút đặc biệt, khiến tôi không chỉ khâm phục mà còn thực lòng trân trọng.
Minh đang ở giai đoạn chín muồi của người làm công việc sáng tạo. Tập truyện ngắn "Đỉnh Kinh" tác phẩm mới nhất của anh, tựa như một nhành lộc đang bung nở trong khu vườn văn học, không chỉ bởi vẻ đẹp của câu chữ mà còn bởi chiều sâu tâm hồn được gửi gắm. Tôi tin rằng rồi đây, người bạn đặc biệt này của tôi sẽ tiếp tục thỏa sức vẫy vùng trong không gian sáng tạo của mình, lặng thầm mà tiềm tàng khát vọng mạnh mẽ, để rồi từ đó tiếp tục mang đến cho độc giả những tác phẩm không chỉ là món quà tinh thần trân quý mà còn là một sự trải nghiệm ấn tượng, đồng cảm, cuốn hút và khó quên.