Diễn ngôn sinh thái trong thơ Việt Nam đương đại

Thứ Năm, 24/10/2024, 13:54

Trong xu thế vận động và phát triển của văn học Việt Nam đương đại, diễn ngôn sinh thái ngày càng có điều kiện phát triển khi những nhận thức về môi trường sống, về cảnh quan tự nhiên, về biến đổi khí hậu, về ô nhiễm môi trường… đang đặt ra nhiều thách thức.

Trong những điều kiện đó, diễn ngôn sinh thái phát triển nhằm thể hiện những tiếng nói của nhà văn trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên cũng như những lo âu trước sự tác động quá mức của con người vào tự nhiên.

Diễn ngôn sinh thái cùng với phê bình sinh thái tập trung thể hiện và nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Trong văn xuôi đã có nhiều nhà văn thể hiện diễn ngôn này như Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư… phạm vi bài viết này tôi xin đề cập đến diễn ngôn sinh thái trong thơ đương đại với những cảm nhận và suy ngẫm từ góc nhìn cá nhân qua một số tác giả, tác phẩm cụ thể của Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều, Lê Đình Tiến...

nhà văn, nhà thơ có trách nhiệm chuyển tải thông điệp về mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên qua tác phẩm của mình..jpeg -0
Nhà văn, nhà thơ có trách nhiệm chuyển tải thông điệp về mối quan hệ hài hòa giữa con người và tự nhiên qua tác phẩm của mình.

Thông điệp nhân văn

Mai Văn Phấn là một trong những nhà thơ đương đại có nhiều diễn ngôn sinh thái qua hàng chục tập thơ và trường ca trong những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI. Thông qua các sáng tác của mình nhà thơ đã bộc lộ những cách nhìn, cách cảm về thiên nhiên, về môi trường sống của con người trong các tương quan gắn bó khăng khít. Ông nói nhiều đến đất, nước, gió, lửa, mặt trời, chim muông, hoa cỏ… tất cả tạo thành một hệ sinh quyển tự nhiên gắn bó với con người như cách tiếp cận trái đất là trung tâm.

Con người cần tôn trọng tự nhiên bởi khi tự nhiên vận hành theo quy luật của nó thì sự sống mới sinh sôi, tiếp diễn, ngược lại nếu con người tác động xấu đến tự nhiên thì tất sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Đọc thơ Mai Văn Phấn dễ dàng bắt gặp những diễn ngôn sinh thái như vậy: "Thẳng/ Tán cây quang hợp mặt trời/ Lá chồng lên nhau hoan hỉ/ Bật dậy thở chung dòng nhựa/ Máu từ đất đai chạy qua bàn chân"… (Hình đám cỏ - Nhịp VI).

Trong bài thơ "Nhật kí đô thị hóa", Mai Văn Phấn đã từ những kí ức tuổi thơ nơi làng quê với những lùm cây, ngôi nhà, mảnh sân, đồng xu gỉ, lỗ đáo, chân cò, chó đá, bến sông, củi ướt… một thời và người mẹ lam lũ để nhận ra sự thay đổi, tiếc nuối những giá trị tinh thần xưa cũ trước quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng như "Gió đang chạy trên lưng mình những bước chân đô thị". Quá trình đô thị hóa diễn ra chóng vánh khiến con người không khỏi ngơ ngác trước văn minh, chưa thể thích ứng và bắt kịp của những cư dân lúa nước mấy ngàn năm:

Mẹ ơi mẹ! Giờ con thấy bóng râm từ bùn đất
Đất ở dưới chân mà cao hơn những suy nghĩ của mình
Đêm thai nghén những thị thành trứng nước
Ai ấy còn ngơ ngác trước văn minh.

                     (Nhật kí đô thị hóa)

Trong bài thơ "Con chào mào", Mai Văn Phấn đã từ hình ảnh con chim chào mào và tiếng hót trong trẻo của nó để cảnh tỉnh con người trước những ý nghĩ sở hữu, chiếm đoạt, tác động thô bạo vào tự nhiên. "Con chào mào đốm trắng mũ đỏ/ Hót trên cây cao chót vót/ triu… uýt… huýt… tu hìu"… Bài thơ có hai hình ảnh: con chào mào và nhân vật Tôi. Nhân vật Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ/ sợ chim bay đi, con người với quan niệm là vật linh trưởng có thể sở hữu mọi thứ, chiếc lồng và ý nghĩ cũng là một biểu hiện sự chiếm đoạt tự nhiên.

Tuy nhiên ý nghĩ chiếm đoạt, sở hữu của con người hoàn toàn đối lập với bản năng tự do của loài chào mào. Nhân vật Tôi ngay lập tức vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ nhưng thật trớ trêu vừa vẽ xong nó cất cánh, đó là sự cảnh báo con người trước những suy nghĩ nông cạn, thiển cận, cần phải tôn trọng tự nhiên. Kết thúc bài thơ nhân vật Tôi ngộ ra chân lý: "Chẳng cần chim lại bay về/ Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ". Tiếng chim ấy đang làm đẹp cho đời, cho cuộc sống chúng ta hãy nâng niu trân trọng tự nhiên, thông điệp bài thơ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Đánh thức lương tri

Nguyễn Quang Thiều là một trong những nhà thơ đương đại tiêu biểu có nhiều diễn ngôn sinh thái cả trong văn xuôi và thơ, ông có nhiều tác phẩm tiêu biểu cho diễn ngôn sinh thái như: "Có một kẻ rời bỏ thành phố", tiểu luận, 2010, "Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng", tạp văn, 2016; "Mùi ký ức", tùy bút, 2017; "Nhịp điệu châu thổ mới", 1997; "Bài ca những con chim đêm", 1999;  "Châu thổ", 2010; "Dưới ánh trăng và một bậc cửa", 2020…

Trong các trang viết của mình, Nguyễn Quang Thiều đã khắc họa những bức tranh về làng  quê với bến sông, vạt hoa cải, cánh đồng, cây cỏ… cùng những kí ức về làng quê một thời chưa xa cũng như những tiếc nuối những cảnh quan yên bình trước sự xâm lấn của quá trình đô thị hóa, trước sự tác động của con người vào tự nhiên.

Nguyễn Quang Thiều sinh ra và lớn lên ở một làng quê bên bờ sông Đáy, như một lẽ tự nhiên sông Đáy đã chảy vào cuộc đời nhà thơ với dòng nước ngọt mát, với những kí ức thẳm sâu trong lồng ngực để từ đó ngân vang những giai điệu trữ tình lắng sâu. Sông Đáy là quê hương, là nguồn cội, là những gì bình dị mà lớn lao trong sinh cảnh làng quê để khi xa quê nhà thơ dâng trào nỗi nhớ: "Sông Đáy chảy vào đời tôi/ Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả/ Tôi dụi mặt vào lưng người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm/ Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt/ Cơn mơ vang lên tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc"…  (Sông Đáy).

Trong bài thơ “Tiếng vọng”, sự vô tâm của nhân vật trữ tình đã dẫn đến cái chết của một con chim sẻ nhỏ khi bão đến, cái chết ấy trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi. Cái chết của chim sẻ khiến con người giật mình thức tỉnh lương tri, con người cần bảo vệ tự nhiên, cần sống hài hòa với tự nhiên chỉ có như thế tự nhiên mới đem lại cho con người niềm vui, sự bình an. Việc trả giá cho sự vô tâm của con người trong mỗi đêm bằng tiếng đập cửa, bằng những quả trứng lăn vào giấc mơ như đá lở trên ngàn phải chăng là sự phản tỉnh của con người trước những biến đổi của môi trường tự nhiên do chính con người tác động vào:

Đêm đêm tôi vừa chợp mắt
Cánh cửa lại rung lên tiếng đập cánh
Những quả trứng lại lăn vào giấc ngủ
Tiếng lăn như đá lở trên ngàn.

                              (Tiếng vọng)

Những khám phá riêng trong mạch chung

Lê Đình Tiến là tác giả trẻ nhưng có duyên với thể thơ lục bát truyền thống, anh quan sát những gì đang diễn ra ở làng quê trong quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa với sự phá vỡ cảnh quan truyền thống như hàng cau, ao ngõ, chợ búa… để thay vào đó những gì của văn minh đô thị.

Nhiều câu thơ Lê Đình Tiến viết về những thay đổi của làng xưa quê cũ mà không khỏi bâng khuâng, ngậm ngùi: "Làng tôi mất một lối mòn/ Không còn tường cũ, không còn hàng cau"; "Cây cau cũng chặt bao giờ/ Những đêm trăng phải thơm nhờ nhà bên". Bên cạnh những câu thơ viết về lối sống mới của làng quê: "Chợ làng cạnh gốc cây si/ U tôi vẫn đạp con mini tàu/ Gái quê học thói sang giàu/ Xài iPhone với nhuộm đầu cũng xinh"; "Trẻ con lên mạng xem trâu/ Tiếng gà xáo xác thi nhau thở dài".

Cảnh quan sinh thái làng quê thay đổi theo quá trình đô thị hóa trong thơ Lê Đình Tiến xuất hiện qua rất nhiều bài thơ, đoạn thơ với điệu trữ tình riêng vừa ngậm ngùi, tiếc nuối vừa xót xa, chua chát. Sự xuất hiện nhiều cái mới của nhịp sống đô thị nơi làng quê khiến chủ thể trữ tình không khỏi băn khoăn, lo lắng:

Về quê thăm bụi cúc tần
Người xưa bỏ ngõ lở dần tường bao
Về quê thăm lại cầu ao
Cây xoan đã chặt chênh chao cánh chuồn...

                                      (Về quê)

Có thể nói diễn ngôn sinh thái trong thơ Việt Nam đương đại được thể hiện khá phong phú với nhiều cung bậc, giọng điệu, mỗi nhà thơ có một cách khám phá và thể hiện riêng trong mạch chung của văn học sinh thái. Nhà thơ Đặng Bá Tiến không khỏi xót xa, tiếc nuối trước những cánh rừng già nơi đại ngàn Tây Nguyên bị con người tàn phá không thương tiếc: "Còn đâu điệu múa xòe của những bầy công/ cánh rừng bên sông chỉ còn đất trống/ lau phơ phất một màu tang trắng/ hồn cẩm, hương… cũng hết gốc nương nhờ/ Nơi đàn voi quần tụ dưới trăng mơ/ giơ những đống xương khô tàn lạnh/ mùa săn voi chỉ còn ảo ảnh/ trong hoài niệm hằng đêm lại vỗ cánh bay về".

Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên sau những nhọc nhằn mưu sinh nơi phố thị lại về nhận diện "Mặt quê" khi quê đang đổi thay nhanh chóng, những giá trị xưa cũ, bao kỷ niệm buồn vui một thời chỉ còn trong hoài niệm.

Mở lòng ra điểm mặt quê
Đèn khuya lành lạnh lối về nửa quen...
Ruộng vườn đổi mốt như em
Cáy cua cổ tích đã đem đi rồi
Con trâu ngóng thẳng lên trời
Mảng lưng đen bóng chỗ ngồi tuổi thơ.

Trên đây chỉ là một vài cảm nhận bước đầu về một vấn đề khá mới trong đời sống văn học đương đại, còn rất nhiều diễn ngôn sinh thái của các nhà thơ đương đại mà chúng tôi chưa có điều kiện khảo sát, tìm hiểu. Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều đề tài nghiên cứu, các hội thảo, chuyên luận về mảng văn học này để có những định hướng trong sáng tác và tiếp nhận văn học cũng như thay đổi nhận thức của con người.

Nguyễn Quỳnh Anh
.
.