Diện mạo văn hoá

Thứ Năm, 04/01/2024, 17:29

"Làn sóng xanh 2023" đã chính thức khởi động giai đoạn chung kết của mình khi công bố các danh sách đề cử cũng như hội đồng bình chọn. Và đúng như lịch sử của chương trình từng tạo nên bước ngoặt ngoạn mục cho nhạc trẻ Việt Nam giai đoạn thập niên 90 thế kỷ trước, sự rộn ràng đã được thắp lên trong lòng người hâm mộ khi ba tiếng "Làn sóng xanh" trở thành từ khóa trên nhiều trang cá nhân của những nhân vật giải trí nổi tiếng.

Phải nhìn thẳng vào thực tế, ở Việt Nam, số lượng giải thưởng âm nhạc uy tín là hiếm và riêng ở mảng nhạc nhẹ, chỉ có ''Làn sóng xanh'' và ''Giải thưởng Cống hiến'' là được chú ý nhất. ''Làn sóng xanh'' có lịch sử dài hơi hơn, với nhiều tên tuổi ngôi sao trưởng thành và vẫn tồn tại bền bỉ từ đây, mà điển hình là Lam Trường, Mỹ Linh, Thu Phương, Trần Thu Hà, Tuấn Hưng, Bằng Kiều… Song, lịch sử lâu dài ấy đang bị thách thức thực sự bởi cái chất của ''Làn sóng xanh'' đang là câu hỏi lớn. Trong sự dịch chuyển của gu thẩm mỹ âm nhạc đại chúng cũng như làn sóng "xu hướng" mạng xã hội, liệu ''Làn sóng xanh'' có giữ được chất lượng của mình để đủ sức khẳng định đó là một trong những diện mạo văn hóa đại chúng của TP Hồ Chí Minh hay không?

Diện mạo văn hoá -0

Nếu nhìn vào các đề cử, chúng ta thấy rõ rệt sự lấn át hoàn toàn của âm nhạc giải trí. Nếu trong quá khứ, đã từng có nhiều tác phẩm âm nhạc giàu tính nghệ thuật được vang lên trên ''Làn sóng xanh'' thì hiện nay, gần như các ca khúc nghệ thuật đã vắng bóng. Ví dụ như đề cử Album của năm chẳng hạn. Trong 5 album đề cử, thực sự nếu ưu ái thì chỉ có "Vũ trụ cò bay" và "Minh tinh" là còn có chút hơi hướng nghệ thuật. Còn lại đều đậm chất giải trí đơn thuần. Ở các hạng mục khác cũng như vậy. Và nếu chúng ta thử đặt câu hỏi bất ngờ "Có ai còn nhớ bài hits đoạt giải ''Làn sóng xanh'' năm 2018/2019… là gì không?", chắc chắn nhiều khán giả nghe nhạc sẽ không thể nhớ tên, mà buộc phải nhờ Google. Trong khi đó, các bài hits của Làn sóng xanh 20 năm trước lại vẫn đang sống mãnh liệt trong lòng khán giả hôm nay, được ghi âm lại nhiều lần. Đó chính là câu trả lời cho sự khác biệt giữa âm nhạc giải trí và âm nhạc nghệ thuật.

Trong hội đồng bình chọn được ''Làn sóng xanh 2023'' giới thiệu gồm gần 200 người, nhiều người được gắn mác "nhà sản xuất âm nhạc uy tín". Thực tế, những tên tuổi nhà sản xuất lớn như Anh Quân, Võ Thiện Thanh, Đức Trí, Trần Mạnh Hùng… đều không góp mặt. Những người góp mặt trong hội đồng hiện nay có thể rất thời thượng, rất đại trà nhưng chưa chắc họ đã đủ năng lực để được xem là một nhà sản xuất âm nhạc tài năng và uy tín đúng nghĩa. Chỉ cần đưa họ rời vùng tiện lợi, bước vào thể loại âm nhạc khác với thói quen, chắc họ sẽ không thể tạo ra được sản phẩm chứ đừng nói đến sản phẩm chất lượng.

Một diện mạo văn hóa của một cộng đồng luôn được xác định bởi các cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng ấy. Nhiều năm nay, âm nhạc TP Hồ Chí Minh đã có những dấu hiệu bị thị trường hóa quá mức, dễ dãi và nhiều khi còn tạo ra các sản phẩm rác. Vậy thì rất cần ''Làn sóng xanh'' phải lấy lại được sự khắt khe của chính mình, để tạo ra thước đo tiêu chuẩn, định hình lại gu thẩm mỹ của người nghe thay vì chạy theo những gì nhiều lượt xem (views), nhiều chia sẻ (shares), nhiều lượt ưa thích (likes) như những trang bán hàng online thời đại này.

Văn Đoàn
.
.