Đi vào thơ - tự mình lưu đày cùng chữ nghĩa

Thứ Năm, 03/07/2025, 18:25

Hẳn rồi, tôi biết mình là ai, không dám nghĩ sẽ viết nên cái gì lớn lao trên cánh đồng thi ca bát ngát. Nhưng trót bị “trời đày” dan díu với thơ thành ra cứ đau đáu, vọng về miền thẳm sâu của tâm hồn, nơi tôi gọi lòng để nghe con chữ - những thân phận thầm thì. Liệu rằng, đi vào thơ là tự mình lưu đày cùng chữ nghĩa?

Tôi mạo muội nghĩ về thơ rằng, thơ là tiếng lòng. Mà tiếng lòng thì đa thanh đa nhịp, nên không có mẫu số chung nào cho thơ, càng rối rắm để xác quyết thơ hay. Theo tôi, thơ hay là do người đọc bình chọn, tùy theo trường mĩ cảm và tri kiến về thơ của họ, tất nhiên không bị chi phối bởi hiệu ứng đám đông.

hoa-sen-1719038586853283352385.jpg -0

Thơ là một thể loại khó. Nên chi, có những văn bản “siêng năng” xuống dòng khoác lên hình thức thơ chứ không phải thơ. Nó chỉ là cái gì đó na ná thơ. Chỉ khi nào người viết có ý thức thơ thì mới có thể sáng tạo thơ, đó là con đường duy nhất để thơ ca ra đời.

Ở khía cạnh nào đó, thơ thôi miên người đọc chìm vào nhịp điệu hoặc lớp nghĩa ẩn tàng đằng sau con chữ và biểu cảm của các dấu câu. Hay nói cách khác, thơ tác động đến thị giác và tri giác của người đọc.

Cần rạch ròi rằng, thơ có thể có vần điệu hoặc không, nhưng ngôn ngữ vần điệu và ngôn ngữ thơ là hoàn toàn khác nhau. Riêng tôi, không chú trọng lắm đến vần điệu mà ưa chuộng nhịp điệu thơ hơn.

Trong một số trường hợp, thơ cần phải đọc bằng mắt, vì đặc tính vốn dĩ để phân biệt với các thể loại văn học khác là sự ngắt dòng. Nhờ sự ngắt dòng mà mỗi câu thơ có thể xem là một chỉnh thể độc lập. Thực tế, có những câu thơ tồn tại vượt thời gian mà người đọc nhiều thế hệ không cần biết nó nằm trong đoạn thơ nào, trong bài thơ nào, của tác giả nào…

Sự ngắt dòng trong thơ là nghệ thuật, là huyệt đạo trong sáng tạo mà đôi khi, ngay chính ngôn từ cũng không cáng đáng nổi. Phải chăng, đó là sự vi tế của thi ca.

Nên, khi chưa thấu tỏ thủ pháp nghệ thuật ngắt dòng mà sử dụng nó bừa bãi, tác phẩm sẽ thành một văn bản “nhiệt liệt” xuống dòng, đứt gãy loạn xạ. Bởi thế, tôi lại thêm lần nữa khẳng định, thơ là một thể loại khó. Chỉ cần nhìn cách ngắt dòng cũng đủ để thẩm định “chất thơ” của tác giả.

Sự ngắt dòng trong thơ là điều dễ nhận thấy nhất, đập vào mắt người đọc trước khi các ký tự lên tiếng. Dù rằng sự ngắt dòng không có ngôn ngữ nhưng nó chuyên chở giá trị biểu cảm, giá trị nghệ thuật khá lớn. Vì đặc điểm của thơ là vậy.

Vượt thoát khỏi ngữ ngôn, với tôi, thơ là một tín ngưỡng thuộc về cái đẹp, nên nếu bạn không có niềm tin thì có thể chỉ nhìn thấy những con chữ trụi trần ưỡn ẹo làm duyên.

Ở góc nhìn nào đó, tôi đinh ninh thơ là ngoại ngữ, nên người cảm thơ chính là người dịch ngoại ngữ đó bằng tiếng lòng mình vậy.

Sau hơn 20 năm va đập với thơ, tôi tin rằng, chạm đến thơ là bước chân vào chốn lưu đày, đích thị là cuộc lưu đày chữ nghĩa. Nghiệp đoạn trường này vận vào ai thì coi như không thể nào dứt ra được, bởi con chữ cũng có linh hồn, là bùa mê không thuốc giải. Vậy nên khi thi nhân nằm xuống, con chữ của họ vẫn tiếp tục sống cuộc đời của nó, trong lòng bạn đọc, miên mật nhiều thế hệ.

Mỗi ngày, việc tôi yêu thích và thực hành thường xuyên nhất sau các nhu cầu thiết yếu của bản thân là đọc thơ và viết ra những rung cảm, những suy nghĩ có ý niệm thơ. Vậy nên, tôi nghiệm ra rằng thơ ca, suy cho cùng đều khao khát tự do, vươn đến tự do, chuyên chở tự do. Do đó, tôi mạnh dạn nói lên cảm nhận của mình ngay khoảnh khắc đọc thơ, ngay khoảnh khắc nó chạm đến trái tim tôi và ngân rung thống khoái.

Làm thơ là một trải nghiệm tận cùng cô đơn và tột cùng kiêu hãnh. Cô đơn đến bấy lòng. Kiêu hãnh trong sự đơn độc chống chọi với hỗn độn cảm xúc bủa vây.

Tôi thường bị cuốn bởi những giọng thơ giống khi lội sình vậy, càng lún sâu càng chạm thấu. Tôi cũng tin rằng chữ có từ trường, lặng thầm kết nối những tâm hồn đồng điệu. Và thơ là cội nguồn, là bản nguyên của chữ.

Liệu có ai đồng ý với tôi, thơ là những nốt trầm của cuộc sống nhưng lại có độ vang siêu âm để thoát ra hết thảy xô bồ?

Bằng trải nghiệm của mình, tôi nhận thấy, dấn thân vào thơ là đồng ý ký tên vào văn bản phận số, mà dường như con chữ nào cũng hun hút chông chênh. Thơ là dao nhọn bóc tách từng lớp vỏ tâm hồn, bởi thế thi nhân luôn vời vợi nỗi đau người, nỗi đau đời, như là định mệnh. Vậy nên, trong thơ luôn có sự song hành nghiệt ngã: máu và hoa!

Có lẽ đã hơi dông dài, nhưng cũng liều lĩnh nói nốt vài ý nghĩ vụn nữa…

Những phát ngôn tư tưởng trong thi ca sẽ có giá trị với người bắt nhịp với tần số đó. Ngược lại, đi theo những định hướng tư tưởng trong thi ca dễ biến ngòi bút của mình thành xác chữ, người sáng tạo đích thực sẽ không bao giờ ngây thơ vướng lụy nó.

Sự đa thanh trong thơ mở ra cho người đọc nhiều trường liên tưởng, con chữ nén lại tối đa để bật nẩy khi chạm đến cảm xúc, chạm đến tư duy nghệ thuật của đối tượng tiếp nhận, tạo ra độ vang cho tác phẩm.

Còn tính phức điệu là con đường kéo tác giả - tác phẩm - người đọc lại gần nhau để tạo ra quá trình đồng sáng tạo cho thơ. Khiến cho bài thơ có thêm nhiều đời sống, nhiều cuộc đời hơn cái bản nguyên vốn có.

Thơ ca là một loại hình siêu ngôn ngữ, tiếng nói của nhà thơ khi đã thành hình trên văn bản và được công bố rộng rãi là khởi đầu quá trình đối thoại với độc giả, tranh luận với các nhà phê bình dựa trên cảm quan thẩm mỹ, tần số cảm xúc.

Có thể nói, thơ ca là sự khái quát tột cùng của ngôn ngữ, không một thể loại văn học nào có thể tiếm ngôi dù đời sống văn chương có biến động đến đâu. Bởi đây là đặc thù của thơ.

Thơ mang tính tự sự nhưng đồng thời cũng mang tính cộng hưởng. Sự cộng hưởng về cảm xúc, tư tưởng thông qua việc đối thoại ngay chính trên tác phẩm. Bởi thế mà thơ ca luôn ẩn chứa những bí mật chờ người đọc khám phá, thậm chí tự thân tác phẩm sẽ khai mở cho người tạo ra nó - tác giả, những giá trị khi đối thoại với người đọc.

Trong thơ rất cần khoảng trống, những khoảng trống mở ra diễn đàn để người đọc đối thoại với tác phẩm. Lúc này, nhà thơ không cần biện giải, không có quyền biện giải về tác phẩm bởi nó đã có một đời sống mới, độc lập với quá trình sáng tạo của tác giả.

Do vậy, quá trình người đọc tự chất vấn để kiến giải những gì nằm phía sau câu chữ khiến thơ ca có một sức hấp dẫn diệu kỳ, đủ để họ tự mình lưu đày cùng chữ nghĩa.

Lê Hải Kỳ
.
.