Đi ở Paris

Thứ Bảy, 28/08/2021, 19:36

Lần đầu tiên tôi đi tàu điện ngầm (metro) là khi đặt chân đến Paris. Sát khách sạn tôi ở có hai trạm metro. Một trạm chính với vô số tuyến và dày đặc đường đi. Xếp hàng mua hai vé, một đi và một về. Mà xếp hàng ở ga metro Paris vào cuối tuần thì khỏi phải nói, đông vô kể. Nhưng thú vị là, người Paris khá kiên nhẫn. Họ bình thản, vui vẻ và đủng đỉnh, vài người cuối hàng còn tranh thủ thời gian lôi sách báo ra đọc.

Tôi vơ vẩn nghĩ, người Việt mình có thể lê la hàng giờ trong các quán café hay quán nhậu vào cả cuối tuần, Lễ Tết lẫn “giờ hành chính”, trong khi cố chen lấn, huých nhau để giành giật vài chục giây, thậm chí vài giây ở ngã ba, ngã tư có đèn tín hiệu giao thông, để làm gì nhỉ?

Lỉnh kỉnh balô trên vai với chiếc áo len nhét trong đó, hộ chiếu, nước uống, tay trái là chiếc mũ len trùm đầu, tay phải là tấm bản đồ Paris. Tôi cầm hai chiếc vé metro với điểm đến là địa chỉ Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam đã được search trên Google, trực chỉ. Vào trong được một đoạn, tôi mới tá hoả! Đường đến Rue Boileau đi lối nào giữa tâm của “cái mạng nhện” này?

untitled-11.jpg -0

 Bên trong ga tàu điện ngầm sáng Chủ nhật.

Người đi bộ thẳng, kẻ đi thang máy lên, người chạy cầu thang thường xuống, giữa một lô một lốc các tuyến metro đánh cả số lẫn chữ. Tôi vội vàng leo lên chiếc thang cuốn gần nhất đang đi lên và nhìn quanh. Áng chừng một chú đứng gần là người Á châu, tôi giở bản đồ ra hỏi. May quá, chú ta biết tiếng Anh và bảo là đường đến Boileau trên tuyến metro số 4 và hướng đi là từ thang máy này lên.

Lên được tàu rồi, lại lo tìm nơi đến là ĐSQ Việt Nam trên đường Boileau cả ở bản đồ cầm tay và sơ đồ được vẽ trên tất cả các cửa ra vào của metro. Đây rồi, yên tâm ngồi xuống nhìn ra hai bên đường ngắm cảnh. Metro của Paris chạy trong lòng đất nhưng thi thoảng đôi chỗ vẫn có đoạn “trồi lên” đường phố, thậm chí leo lên trên vắt vẻo như skyway vậy. Ánh sáng trong toa đủ để tôi ngắm nghía bên trong. Vài người có vẻ là công chức đang mải mê đọc báo buổi sáng. Một nhóm thanh niên da màu ăn mặc kiểu hip hop với tóc tết và dây đeo xủng xoẻng, có người còn xài cả iPod nhún nhảy nghe nhạc qua headphone. Chắc họ gốc Phi vì Paris và Pháp vốn là “thiên đường” của những người nhập cư từ Thế giới thứ ba mà, đặc biệt là những vùng thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi. Một vài đôi trai gái rặt kiểu Pháp quốc hoặc đứng hoặc ngồi hoặc tựa cột sắt trong toa tàu ôm hôn, âu yếm nhau tình tứ…

Yên vị rồi, tôi trở nên hơi phấn khích, mồm lẩm nhẩm bài “I have a dream” của ban nhạc huyền thoại ABBA yêu thích. Chắc là nội dung bài hát chẳng ăn nhập gì với giấc mơ đang lướt qua trong đầu tôi. Một giấc mơ có lẽ thực tế hơn nhiều: Tôi mơ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ở Việt Nam có được hệ thống tàu điện ngầm như thế này để giảm bớt hoặc hết cảnh tắc đường, kẹt xe. Tôi và mọi người sẽ không còn phải chen lấn, xô đẩy và sẽ không còn những đám đông hỗn loạn với khói bụi và những tiếng lầm bầm chửi thề cùng những gương mặt hoặc mệt mỏi, hoặc cau có, hoặc ngán ngẩm ở những “nút cổ chai” giờ tan tầm.

Lẩm nhẩm hát xong bài hát có cái tên là câu nói nổi tiếng của mục sư Martin Luther King, nhìn lên sơ đồ metro vẽ ở cửa và cảm giác bất an chợt ùa tới. Sao trạm metro mà tôi muốn đến cứ lùi dần ra xa thế nhỉ? Nhìn thấy một anh chàng đi một mình, trông khá đẹp trai với bộ râu cạo nhẵn chỉ còn lại những vệt xanh mờ, tôi tiến lại hỏi. Rất thân thiện và sẵn sàng, nhưng anh ta không hiểu tôi đang hỏi gì!

Vâng, người Pháp mà, họ tự cho ngôn ngữ của họ là thứ ngôn ngữ đẹp đẽ, quý phái và “véo von” nhất trên thế giới nên không muốn học thứ tiếng của người hàng xóm chỉ cách nhau “một bức vách” – eo biển Manche bên kia, mặc dù thứ tiếng đó quá phổ dụng đi chăng nữa. “Múa may” một hồi với cái vốn tiếng Pháp “còm cõi” còn “sống sót lại” qua 3 năm học phổ thông trung học và sau 5 năm Đại học cộng với 6 năm kiếm sống không hề đụng đến nó, cuối cùng tôi cũng hiểu được là, tuyến metro này đang đi xuống trong khi muốn đến đường Boileau, tôi phải đi tuyến đi lên. Hai tuyến song song nhau nhưng ngược chiều!

untitled-12.jpg -0

 Hoa Tử đằng trên một con phố ở Thủ đô Pasri.

Cái quái gì vậy? Thôi được rồi, theo chỉ dẫn của chàng trai nước Pháp dễ mến, tôi bước xuống điểm mà tàu vừa đỗ lại, tạm biệt “tuyến số 4 đi xuống”, đi vòng qua bên đối diện và chờ “tuyến số 4 đi lên” để tới đường Boileau. Đúng là các cụ nhà ta dạy cấm có sai câu nào, ăn cháo còn phải học nữa là, huống chi đi một phương tiện giao thông công cộng hiện đại như metro. Tặc lưỡi, mình vẫn còn thông minh chán, chỉ thiếu mỗi trải nghiệm thôi.

Đến khi đã khá thông thạo với metro ở Paris rồi, tôi vẫn còn nhớ chuyến đi bằng metro với T. hồi mới qua Tết Nguyên đán được mấy ngày và tôi sắp kết thúc giai đoạn một của khoá học để về Việt Nam. T. là một người bạn của bạn tôi. Cô đang sống ở Paris này. T. đã hướng dẫn tôi khá nhiều thứ: Đi metro tuyến nào đến đâu thì tiện, dẫn tôi xuống China Town mua card điện thoại giá rẻ để gọi về nhà nhân dịp năm mới, chỉ cho tôi những quán ăn Tàu và những quán ăn Việt Nam, kể cho tôi nghe những chuyện liên quan đến đồng bào mình ở bên này…

Gần tới ngày tôi bay về, kết thúc giai đoạn một của khoá học. T. xuống nơi tôi ở chơi và kết hợp gửi ít đồ về cho gia đình ở Việt Nam. Cô dẫn tôi vào một khu chợ để mua mấy thứ làm quà cho gia đình. Xong xuôi, hai anh em tay xách nách mang ra bến metro để về. Sợ tôi bị lạc nên T. đi cùng đường sau đó mới rẽ về nhà. Khi chúng tôi xuống đến bến metro thì đông khủng khiếp. Lý do đầu tiên là vì Chủ nhật, lý do thứ 2, Công đoàn Đường sắt kêu gọi đình công nên hơn phân nửa tuyến metro ở Paris ngừng hoạt động.

Mãi rồi hai anh em cũng lên được tuyến cần đi, nhưng khi chúng tôi vừa đặt đồ đạc xuống sàn và bám được vào dây tay cầm thì cũng là lúc người ta ào ào tràn lên. T. chỉ cao hơn vai tôi một chút, bé nhỏ với màu da bánh mật cùng chiếc áo manteau với váy xoè đeo tất đen trùm kín chân trông rất Pháp. Nhưng chỉ một lát sau T. đã bị chìm nghỉm giữa những người Tây Âu cao to với những chiếc áo mùa đông to sụ, mà chuyến metro vẫn chưa chạy, người vẫn đổ lên. Tôi đành cố rướn lên phía trước thay vì đứng song song như ban nãy để che bớt cho T. nếu không tôi sợ cô bé sẽ bị bẹp rúm mất.

Nhận ra tôi và hành động cố gắng vừa rồi, lúc đó T. mới hào hển nói: “Anh cầm đồ lên và cố giơ ra để tạo một chút khoảng trống, không thì họ càng chen vào, em bẹp mất!”. Khó khăn lắm tôi mới theo được thì lại nghe em tiếp: “Đến bến xuống anh báo em nhé, em chẳng nhìn thấy gì cả đâu!”. Đến khi ra được khỏi đoàn tàu, hai anh em mới thở phào, mệt mỏi nhìn nhau cười méo mó. Hoá ra Pháp quốc cũng có những lúc chen chúc nghẹt thở như ở Việt Nam mình!

Từ bến gần nơi tôi ở mà chúng tôi vừa xuống đến tuyến metro mới mà T. sẽ lên và đi về nhà cách nhau một đoạn khá xa. Tôi cảm thấy như các bến metro ở Paris này, nếu như bạn chọn một nơi để đến, ví dụ Bảo tàng Louvre chẳng hạn, đến khi bạn trồi lên mặt đất rồi, dù chưa một lần đến Louvre mà chỉ xem qua ảnh và sách báo để thấy hình dáng của viện bảo tàng lớn nhất thế giới này thôi, thì bạn cũng sẽ chắc mẩm 100% rằng đây là nó rồi, không thể nào khác được vì bạn đang thấy đặc trưng của toàn vùng nơi mình muốn đến.

Tôi vẫn ấn tượng mãi lần rời khỏi metro và đi lên bằng cầu thang bộ dẫn đến Nhà thờ Saint Germain de Pres. Vừa lên tới nơi, ánh sáng mặt trời ùa vào và đập vào mắt tôi là những bức tường bằng đá, một phần của ga metro này, phủ đầy dây thường xuân xanh rì ken dày bám trên những bờ đá mang vẻ cổ kính và vô cùng lãng mạn.

Chia tay T., cô bé cảm ơn về gói quà mà tôi đem về hộ, chúc tôi về nhà vui vẻ rồi rảo bước xuống trạm metro cần lên để về nhà. Bóng cô gái nhỏ nhắn và sẫm màu trong chiếc manteau đen và chiếc váy xám một mình bước đi rồi khuất hẳn trong buổi chiều Paris trên nền đá lạnh. Trời gần sập tối, từng cơn gió buốt giá thổi xao xác trong một ngày xa nhà hoang hoải vừa qua đi…

Lê Hồng Lam
.
.