Đêm bình thơ
Ở thập niên 80 thế kỷ trước, cuộc sống kham khổ nhưng dường như điều đó khiến con người ta dựa vào nhau, sống nghĩa tình. Lương cán bộ hàng tháng chi tiêu dè xẻn mới đủ sống. Lương, thu nhập của nhà văn càng khốn đốn với nhiều chuyện cười ra nước mắt…
Có một người bạn thân của nhà thơ Cảnh Nguyên làm quản đốc nhà máy gỗ Thống Nhất (Vinh) liền nghĩ ra một "kế" để giúp bạn cải thiện đời sống. Anh bàn với lãnh đạo nhà máy và dàn xếp một buổi nói chuyện thơ do Cảnh Nguyên đảm nhiệm. Để làm tốt việc này, Cảnh Nguyên phải soạn một đề cương nói cái gì và ngâm bài thơ nào. Phải tìm người ngâm thơ buổi nói chuyện mới hấp dẫn. Thế là nghệ sĩ Hồng Năm được mời đến ngâm thơ minh họa.
Đã đến giờ, chúng tôi kéo nhau đến nhà máy gỗ Thống Nhất. Nhìn vào hội trường chỉ có trẻ em đang vui đùa. Loa, đài cổ động ầm ĩ. Khách đến mà hội trường còn ít người nên loa liên tục mời cán bộ công nhân viên sắp xếp thời gian tới dự. Cảnh Nguyên người cao to, nói to cười to, bỗ bã nhưng trước đám đông lại có phần e dè. Anh trấn tĩnh lấy can đảm bằng cách trịnh trọng đeo mục kỉnh rồi mở đầu cuộc nói chuyện. Để thay đổi không khí bớt khô khan, anh lại nhường cho Hồng Năm ngâm thơ. Chỉ sơ suất không bố trí người vỗ tay để "mồi"! Đêm nói chuyện thơ cũng đến hồi kết thúc, coi như đã thành công. Ban lãnh đạo nhà máy cảm ơn nhà thơ Cảnh Nguyên và trao cho một phong bì.
Về đến phòng, Cảnh Nguyên cầm phong bì thấy hơi nặng, tỏ vẻ mừng thầm: "Để xem nó cho được bao nhiêu?". Anh lắc lắc phong bì rồi dốc ngược đổ xuống bàn thì bất ngờ có mấy đồng xu lăn xuống đất. "Phong bì lại để cả tiền xu nữa à? Cứ trả "nhuận mồm" một bì mùn cưa còn hơn!" - nhà văn cười gượng gạo (ngày đó, mùn cưa thường được tận dụng để nấu nướng thay củi).