Để tiếng cồng chiêng vang mãi

Chủ Nhật, 12/11/2023, 13:37

Cồng chiêng là nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu sinh sống giữa đại ngàn Trường Sơn ở các huyện miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế, và thường được sử dụng trong những lễ hội quan trọng. Để những điệu múa với cồng chiêng không bị thất truyền, những già làng, nghệ nhân ở địa phương đã dành nhiều công sức, thời gian để truyền dạy cho thế hệ sau.

Các lớp học đặc biệt ở A Lưới

Sau một ngày lao động miệt mài trên nương rẫy, khi mặt trời dần lặn xuống dãy núi Trường Sơn cũng là lúc anh Hồ Văn Hiệu (46 tuổi ở thôn 5 xã Hồng Kim, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) cùng vợ nhanh chân trở về nhà để ăn tối và kịp giờ học dân ca, dân vũ. Nhiều năm qua, lớp học được UBND xã Hồng Kim duy trì đều đặn do già làng Hồ Pưn (SN 1948, ở thôn 4) cùng các nghệ nhân của đồng bào Pa Cô truyền dạy. 

congchieng 1.jpg -0
Nghệ nhân Hồ Pưn dạy cách đánh cồng chiêng cho người dân ở xã Hồng Kim.

Dưới ánh đèn điện, anh Hiệu cùng các nam thanh, nữ tú và nhiều em học sinh chăm chú lắng nghe già Hồ Pưn nói về ý nghĩa của từng nhạc cụ, cách sử dụng nhạc cụ trong mỗi bài dân ca, dân vũ. Giới thiệu xong, già Pưn cất cao giọng ca, tay gõ vào chiếc chiêng đeo trước bụng: "Ơi... ơi...ơi! Ỳ a ùn, tới mới a téit a krec đăng pâng coong, o lư pẩy a bung a xing choo pa cong... ơi...a...ùn. Ơi...ơi... tới mới zong déit đăng pậl líh, o lư pẩy âl long, âl le choo pa zein...ơi...a...ùn". Rồi, già Pưn giải thích cho các học trò của mình hiểu rằng, đây là làn điệu dân ca Cha Chấp, một bài hát truyền thống của đồng bào Pa Cô, kể về chuyện tình đôi trai gái yêu nhau thủy chung, son sắt. Cũng như Cha Chấp, phần lớn các điệu dân ca của người Pa Cô không được lưu bằng văn bản, chỉ lưu truyền bằng lời từ thế hệ này sang thế hệ khác nên đang bị mai một dần.

Cùng với già làng Hồ Pưn, nhiều năm qua, các nghệ nhân Hồ Văn Xếp (SN 1943, ở thôn 5) và Lê Văn Yên (ở thôn 3) cùng tham gia truyền dạy cách sử dụng nhạc cụ cồng chiêng, khèn bè, tù và cho bà con dân bản. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Kim cho hay, từ đầu năm 2023 đến nay xã đã phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới mở 3 lớp dạy dân ca, dân vũ và nhạc cụ truyền thống. Bằng niềm đam mê, tình yêu với cồng chiêng và văn hóa truyền thống, các nghệ nhân đã tận tình, tận lực truyền đạt kiến thức và kỹ năng sử dụng cho các thế hệ sau. "Mình phải nỗ lực truyền lại cách sử dụng cồng chiêng, trống, khèn các loại và kể cả lời của các bài dân ca, dân vũ truyền thống. Chứ nếu không, những làn điệu dân ca dân vũ, kể cả tiếng cồng chiêng âm vọng rồi cũng sẽ biến mất mãi mãi…", ông Hồ Pưn trải lòng.

Theo lãnh đạo UBND huyện A Lưới, cuối năm 2021, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành quyết định phê duyệt đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030". Tiếp đó, Huyện ủy A Lưới cũng ban hành Nghị quyết về Bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Vì thế, ngoài xã Hồng Kim, hiện phần lớn các xã ở địa bàn miền núi huyện A Lưới đều tổ chức các lớp dạy dân ca, dân vũ, dạy cách sử dụng, biểu diễn cồng chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Thậm chí UBND xã Hồng Kim và một số xã ở A Lưới cũng đã có phòng trưng bày truyền thống với nhiều nhạc cụ, trong đó có những hiện vật do các nghệ nhân sưu tầm và trao tặng.

Tại xã Hồng Hạ, vào những ngày cuối tuần, người dân ở các thôn bản đều tập trung đến lớp học dân ca, dân vũ, dân nhạc của già làng Pi Hôih Cu Lai. Năm 2019, già làng Pi Hôih Cu Lai được công nhận là nghệ nhân ưu tú và trở thành người truyền dạy các làn điệu dân ca truyền thống cho người dân địa phương. Đến nay có khoảng 200 người dân, học sinh ở các thôn bản của xã Hồng Hạ sử dụng các loại nhạc cụ thành thạo và nhớ hết các làn điệu dân ca, dân vũ, cách đánh cồng chiêng cùng với các điệu múa truyền thống.

Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ Hồ Viết Lương cho biết: "Già làng Pi Hôih Cu Lai không những là người có uy tín trong cộng đồng mà ông còn được người dân địa phương yêu mến bởi tầm hiểu biết về văn hóa dân gian và cách sử dụng các loại nhạc cụ, nhất là cồng chiêng. Ngoài truyền dạy, đào tạo cho đội văn nghệ, ông còn vận động những người có uy tín tại địa phương cùng chung sức, hỗ trợ người dân chung tay bảo tồn các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống".

congchieng 2.jpg -1
Tiếng cồng chiêng hòa cùng điệu múa truyền thống của đồng bào Pa Cô.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện A Lưới cho biết, đến nay các lễ hội lớn tại địa phương như lễ hội Aza Koonh (Tết cổ truyền của đồng bào Pa Cô - Tà Ôi); lễ hội A Riêu car, A Riêu Ping truyền thống… đều có sự tham gia đông đảo của người dân. Họ chính là thành viên của các lớp học dân ca dân vũ sử dụng cồng chiêng, khèn, tù và cùng với những điệu múa truyền thống do các nghệ nhân truyền dạy để làm lễ hội sinh động, hấp dẫn hơn. Đặc biệt, hàng năm huyện A Lưới đều tổ chức Ngày hội vùng cao với các hoạt động mang đậm bản sắc miền sơn cước như tái hiện nghi lễ cúng dâng Dèng của dân tộc Tà Ôi, tái hiện tục đi sim, lễ hội cồng chiêng, trình diễn nhạc cụ truyền thống.

Lưu giữ văn hóa truyền thống

Huyện miền núi Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế) có hơn 46% người dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là người đồng bào dân tộc Cơ Tu. Trong một chuyến công tác đến xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, chúng tôi đã thấy người dân ở đây say sưa học đánh cồng chiêng do nghệ nhân Nguyễn Ngọc Nam (SN 1973) đứng lớp tại nhà văn hóa xã.

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Nam chia sẻ: "Đồng bào Cơ Tu rất quý cồng chiêng bởi đây không chỉ là nhạc cụ truyền thống lâu đời do cha ông để lại mà nó còn là nét đẹp văn hóa và là bản sắc dân tộc. Với người dân Cơ Tu trên đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, cồng chiêng xuất hiện trong đời sống sinh hoạt từ bao đời nay nhưng hiện đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Nguyên nhân bắt nguồn từ những biến đổi trong đời sống vật chất tinh thần của cộng đồng dân cư, sự thay đổi trong phương thức canh tác, mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Vì thế, tôi và các nghệ nhân ở xã đã quyết tâm truyền dạy để có thêm nhiều người biết đánh cồng chiêng".

Toàn xã hiện có hơn 50 học viên được các nghệ nhân chia thành 2 lớp học đan xen vào các chiều tối trong tuần. Các nghệ nhân truyền dạy cách diễn tấu điệu thức cồng chiêng, biểu diễn cồng chiêng kết hợp với trống và một số nhạc cụ, cách đánh cồng chiêng trong mỗi dịp khác nhau như: khi nhà có khách quý, ăn cơm mới, vào nhà mới, đám cưới, đám ma và các lễ quan trọng…

Từ các bài chiêng, trống của người đồng bào dân tộc Cơ Tu kết hợp với các làn điệu đặc sắc như Za Zã, Ba booch, Co Lêng, Cơ Lau đã tạo nên những làn điệu truyền thống hấp dẫn với tiếng cồng chiêng ngân vang sâu thẳm giữa núi rừng bao la.

Anh Khoa
.
.