Đề tài lịch sử: Sự dấn thân đầy thách thức

Thứ Bảy, 23/11/2024, 14:39

Lịch sử luôn là một đề tài lớn, nguồn cảm hứng bất tận cho người nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, cũng là "lò bát quái" thử cái "dũng", "nhẫn", "tài" của người cầm bút. Bởi lẽ viết về đề tài này quả thật chưa bao giờ là dễ dàng với các nhà văn dù ở bất kì thời đại nào, bất kì độ tuổi nào.

Văn học Việt Nam đương đại ghi nhận sự hồi sinh mạnh mẽ của thể tài lịch sử với nhiều tác giả và tác phẩm giá trị. Đáng mừng hơn nữa là có sự tiếp nối thế hệ ở đề tài này, đó là sự hiện diện của các tác giả trẻ với sự khởi đầu hết sức mới mẻ.

Phóng viên Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam để cùng nhận diện thành tựu bước đầu của các tác giả trẻ cũng như những thách thức mà các nhà văn trẻ đương đại phải vượt qua khi tiếp cận đề tài này.

img_9830.jpg -0
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam.

- Những cây bút trẻ hiện nay quan tâm đến đề tài lịch sử và thể hiện qua tiểu thuyết, truyện ngắn khá rõ nét. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam có thể điểm diện các tác giả trẻ nổi bật?

+ Nếu chúng ta có một cái nhìn bao quát và bình tĩnh thì có thể nói rằng đề tài lịch sử viết về quá khứ luôn luôn là một mảnh đất màu mỡ và hấp dẫn đối với các nhà văn Việt Nam nói chung và giai đoạn nào cũng thế, cũng có những nhà văn thành danh viết về đề tài lịch sử. Bên cạnh đó giống như một sự nối tiếp và bước cùng nhịp là các nhà văn trẻ, các tác giả trẻ thì thời điểm nào cũng viết về đề tài lịch sử

Tôi nghĩ rằng không hề có một cách quãng nào trong quãng thời gian vừa qua trong nền văn học chúng ta, bao giờ cũng có một số tác giả dồn toàn bộ tâm lực vào đề tài này. Trong khoảng 10 năm trở lại đây thì có thể gọi tên một số tác giả tiêu biểu như Nguyễn Thị Kim Hòa với tập "Con chim phụng cuối cùng", Nguyễn Anh Vũ với truyện "Cửa Bắc" và "Ngủ giữa hoa sen", hay là Nguyễn Hữu Nam với truyện "Gốm", Đinh Phương với "Nắng thổ tang". Qua những gương mặt vừa nhắc tới thì chứng tỏ rằng, đề tài lịch sử luôn hấp dẫn người viết trẻ.

- Tại sao đề tài lịch sử lại có sức hấp dẫn đối với người viết trẻ?

+ Đây có thể xem là sự hấp dẫn chung đối với người viết trong đó có người viết trẻ và tôi nghĩ có hai lý do, thứ nhất là cái thôi thúc khám phá nói chung đối với những người cầm bút viết văn và lịch sử là những gì đã qua, không bao giờ trở lại nữa. Và khi viết về nó thì người ở thời điểm hiện tại là người ta phải quay trở lại với thời đại đã chết và làm sống lại nó. Người ta tha hồ tưởng tượng và điều đó khiến người viết đam mê. Bằng năng lực hư cấu, tưởng tượng của mình, nhà văn phải làm sống lại giai đoạn lịch sử ấy theo cách của họ.

Thứ hai là, trong những thời điểm bước ngoặt sự phát triển của một dân tộc, đến một thời điểm nào đấy mà phải đứng trước sự lựa chọn thì lúc ấy xuất hiện nhu cầu nội tại của cả dân tộc, trong đó có đội ngũ nhà văn, họ muốn nhận chân họ là ai để tìm lại nguồn gốc dân tộc, tìm lại sức mạnh nội sinh. Với hai lý do ấy thì người ta tìm đến lịch sử.

Cách tiếp cận đề tài lịch sử, khuynh hướng sáng tác của các tác giả trẻ có gì đặc biệt, có gì khác so với các thế hệ đi trước?

+  Tôi nghĩ các thế hệ đi trước, những thế hệ đầu tiên của dòng tiểu thuyết lịch sử tiếp cận đề tài này với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và thế hệ trẻ thì có khác hơn, mở rộng và đa chiều hơn. Người ta cũng sử dụng tư liệu như các bậc tiền bối nhưng cách đọc các tư liệu ấy đã khác đi, có thể không đọc bằng quan điểm chính thống nữa mà là đọc bằng quan điểm cá nhân, nó nằm dưới bề mặt của sự công khai cho phép. Thứ hai là cách viết cũng khác hơn, có thể có sự phối trộn giữa quá khứ và hiện tại, mượn nhân vật lịch sử nhưng không đặt họ trong bối cảnh mà họ sống, mà đặt họ vào hoàn cảnh hôm nay, chẳng hạn thế. Vì thế mà hấp dẫn, mang đặc thù cá nhân và cái nhìn cũng đa chiều hơn.

- Tiểu thuyết "Nắng thổ tang" của Đinh Phương đã có những diễn giải lịch sử khác biệt, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam có thể nói rõ hơn ý đồ của nhà văn?

+ Tôi đã từng có một tiểu luận về cuốn này của Đinh Phương với tên gọi "Viết lịch sử trường hợp Đinh Phương", tôi coi đây là một trường hợp đặc biệt, lịch sử mà Đinh Phương tiếp cận là lịch sử gần, đó là khoảng thời gian mà chúng ta vừa bước qua. Đinh Phương đã tiếp cận quãng thời gian những năm 1930 và anh chọn những sự kiện rất đặc biệt mà trước đó, chưa ai nhắc đến. Cách viết của Đinh Phương thực sự ám ảnh, tôi gọi đó là sự đặc biệt.

- Thể nghiệm lối viết hiện đại trong không gian sáng tạo mới có phải là thế mạnh của họ?

+ Khảo sát những sáng tác về mảng đề tài này của các tác giả trẻ, chúng ta dễ dàng nhận thấy có sự dao động trên đường biên trung tâm - ngoại vi. Khi một thế giới không còn khép kín tự tại, chuyển động này mang ý nghĩa như một sự giải phóng bản thân, thách thức tâm linh của người sáng tạo và ngưỡng tiếp nhận của độc giả. Những kiểu sáng tạo huyền ảo, hậu hiện đại cùng những đề tài, chủ đề nhục cảm, chấn thương, đồng tính, võ hiệp… vốn trước đây bị coi là bên lề, nay bỗng tiệm tiến về phía trung tâm. Trong nguồn mạch chung mang khát vọng đổi mới, "vượt thoát" đó, văn xuôi hư cấu lịch sử của các nhà văn trẻ hiện hữu như một dòng riêng độc đáo, mới lạ.

Các tác giả đã có những thể nghiệm táo bạo khi kết hợp hai đề tài, hai sinh thái văn học tưởng chừng như không thể dung hòa trong văn xuôi hư cấu lịch sử: đề tài lịch sử và đề tài đồng tính "Bí mật hậu cung" - Bùi Anh Tấn, thể loại văn học lịch sử và thể loại võ hiệp "Bức huyết thư" và "Bí mật hậu cung" - Bùi Anh Tấn, "Giao Long truyền kì" - Hoàng Tùng, "Kiếm sắc và hoa đào" - Uông Triều, tiểu thuyết đan xen kịch "Sương mù tháng Giêng" - Uông Triều. Việc đưa yếu tố đồng tính, võ hiệp vào trong văn xuôi hư cấu lịch sử, Bùi Anh Tấn, Hoàng Tùng hay Uông Triều đã thực thi sứ mệnh của người cầm bút một cách lôi cuốn. Bằng các câu chuyện lịch sử, các tác giả vẽ nên bức tranh thời đại, nhằm khơi gợi tinh thần dân tộc, niềm tự hào và ngưỡng vọng đối với lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông, đồng thời khám phá, luận giải những góc tối, "khoảng trắng" của lịch sử và con người.

- Đây vẫn là đề tài khó để có thể viết lâu dài, để viết những tác phẩm dài hơi, có chiều sâu lịch sử thì họ cần trang bị những gì?

+ Tôi đã từng hỏi cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đúng câu hỏi này thì ông trả lời rằng, ông đã đọc lịch sử rất nhiều và cả dân tộc học, xã hội học, văn hóa phong tục… và tóm lại là tri thức, trang bị thật kỹ về mặt kiến thức. Sau đó là câu chuyện mang tính chất kỹ thuật như là cách xây dựng cấu trúc, định hướng câu chuyện theo hướng nào, theo cách nào, định viết như thế nào, thể hiện nó theo bút pháp gì vv..

- Là một nhà nghiên cứu phê bình, anh có những nhận định thế nào về chặng đường phía trước mà các cây bút trẻ đang dấn thân về đề tài này?

+ Đó là chặng đường mà họ phải vượt qua thôi và chắc chắn là phải vượt qua bằng chính đam mê của mình. Có lẽ đam mê là cái tạo nên sức mạnh để khiến họ có thể vượt qua những khó khăn. Làm chủ nó, phân tích nó theo mục đích của mình và có một điều nữa, theo tôi, đó là tài năng trời cho. Điều này quả thực là hết sức cần thiết và then chốt nhất.

- Từ những tác phẩm và khuynh hướng sáng tác mà chúng ta thấy thì chúng ta tin vào một thế hệ cầm bút mới về đề tài lịch sử đã, đang và sẽ tiếp tục dấn thân, anh có cùng quan điểm này không?

+ Tôi rất tin, bởi vì những người viết trẻ họ có tài năng và đam mê, và những gì mà chúng ta đọc, cảm nhận và theo dõi họ, chúng ta có cơ sở để tin và mong chờ. Tôi tin vào sự trưởng thành hơn của các cây bút trẻ, họ sẽ viết nhiều tác phẩm hay hơn nữa về đề tài này.

- Trân trọng cảm ơn nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam!

Vân Khánh (thực hiện)
.
.