Để là chính mình
Vừa qua, cùng với những từ khóa xuất hiện nhiều nhất như: mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở thì khái niệm “phông bạt” cũng xuất hiện với một tần suất nhiều không kém trên mạng xã hội. Con số đó không nói lên việc những người kinh doanh dịch vụ cho thuê phông bạt, nhà rạp đám cưới đang đắt khách mà đó là thứ “phông bạt” chỉ tồn tại trên mạng xã hội. Chẳng biết nó đến từ đâu, do ai đặt ra nhưng ít nhiều cũng phản ánh một thực trạng đáng lo ngại.
Xin bắt đầu câu chuyện bằng một sự so sánh thế này. Liệu việc GenZ hôm nay coi trọng influencer (người có tầm ảnh hưởng) cũng tương tự như các thế hệ trước từng coi trọng idol? Câu trả lời là giống mà... không giống. Thế hệ 6X, 7X từng thần tượng Deanov (do diễn viên Stefan Danailov thủ vai) trong một bộ phim truyền hình Bulgaria có tên “Trên từng cây số”; thần tượng diễn viên Trà Giang (thủ vai Dịu) trong bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Gần hơn nữa là các thần tượng như: Jang Dong Gun, Han Jae Suk, Lee Jung Jae, Kim Hye Soo... của điện ảnh xứ Kim chi. Hay, trong làng giải trí Việt thì Đan Trường, Lam Trường, Ưng Hoàng Phúc, Quang Vinh, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm... cũng từng là những tên tuổi khắc ghi trong tâm trí nhiều người.
Điểm tương đồng thì hẳn chúng ta đều rõ, nhưng điểm khác biệt là các thần tượng thời ấy dường như ít dính líu đến những hoạt động ngoài nghệ thuật như quảng cáo sản phẩm hay vận động tài trợ. Nói cách khác, giữa thần tượng và đời thực vẫn còn một khoảng cách. Đó là khoảng cách vừa đủ để tạo ra sức hút từ sự lung linh. Các fan trẻ chỉ tập trung tìm hiểu tóc ca sĩ kiểu này, sưu tầm ảnh của diễn viên kia.
Bước sang thập niên thứ ba của thế kỉ XXI, cùng với sự lan tỏa của mạng xã hội, giữa người hâm mộ và những influencer đã có thêm nhiều cánh cửa để nắm bắt thông tin của nhau. Cũng vì thế mà mọi hành động, việc làm của các nhân vật có ảnh hưởng này luôn được theo dõi chi tiết và kĩ lưỡng. Khi chiếc smartphone có camera độ nét cao, khi trên Facebook có chế độ livestream, TikTok và YouTube hào hứng đón các thành viên mới đăng kí, nút vàng, nút bạc, nút kim cương, nút ruby... khiến chúng ta lóa mắt thì nhiều người bỗng dưng muốn phấn đấu nhanh chóng trở thành influencers.
Vậy, đâu là nguyên nhân để những người này muốn đạt đến mục tiêu đó? Hãy bắt đầu từ những điều tưởng như rất... vu vơ, chẳng liên quan gì đến văn hóa. Hằng ngày, những gợi ý từ influencer đã khiến xu thế tiêu dùng của một bộ phận giới trẻ có sự thay đổi.
Nhận xét về điều này, tác giả Huyền Trân trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo có viết: “Vì những sản phẩm trước khi đến được tay người tiêu dùng thì sản phẩm đó phải được kiểm chứng để nâng cao độ tin cậy. Nhưng, ai sẽ giúp cho người tiêu dùng biết được và quyết định mua hay không? Đó chính là những người họ tin tưởng trên mạng xã hội. Khách hàng không cần dùng thử chỉ cần thấy idol của mình dùng và có những lời khen ngọt ngào, đó chính là động lực giúp họ sẵn sàng chi ngay tiền để có được. Giới trẻ hiện đại thường có xu hướng đặt trọn niềm tin vào các “idol mạng xã hội" hơn là “một ngôi sao truyền hình".
Nó vừa là cơ hội, vừa là thách thức khi bạn chọn lựa một influencer cho sản phẩm của mình. Ánh hào quang của các influencer cũng chính là con đường tương lai sản phẩm của chính công ty bạn” (Sức mạnh của influencer lên tâm lý người tiêu dùng).
Liệu có phải, “ánh hào quang của các influencer” đôi lúc lại không đồng nhất với giá trị thật để sinh ra một thuật ngữ “phông bạt” mới toanh? Như hoàng đế La Mã Marcus Aurelius Antoninus (121-180) từng nói: “Giá trị của con người không lớn hơn giá trị tham vọng của anh ta”, điều khó khăn nhất của mỗi người trong đời là nhận diện ra giá trị ấy thay vì chỉ cốt đạt được tham vọng ấp ủ từ lâu? Giá trị sống, giá trị văn hóa luôn đứng trước nguy cơ bị lấn át bởi giá trị kinh tế.
Gác lại lập luận đó, người viết xin kể những câu chuyện có thật: 27 thầy, cô giáo ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Bản Mù (xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, Yên Bái) đã lặng lẽ đến các thôn Giàng La Pán, Háng Chi Mua, Tà Ghênh (xã Bản Mù) để vận động các em tới lớp. Khi nước suối tràn qua đường, các thầy cô đã cõng các em qua suối. Họ mang đến cho các em nhỏ những tấm lưng vững chắc chứ không chỉ có các bài giảng, bài văn, bài toán. Đó là bài học đầu tiên gieo ấm áp vào lòng trẻ nhỏ.
Ông Giàng A Hênh, trưởng thôn Giàng La Pán chia sẻ: “Các cháu nhỏ được ba mẹ chở đến khu vực suối Háng Là, cách thôn khoảng 5 km. Nơi đây nước còn dâng cao nên xe máy không thể đi qua, thầy cô nhận nhiệm vụ cõng học sinh sang bờ bên kia để đi bộ tiếp đến trường" (theo: Phan Diệp-Báo Thanh niên).
Các thầy cô không “khoe khoang” bản thân, không cần những giá trị ảo để “hắt sáng”cho diện mạo, họ chỉ làm một việc mà có lẽ từ nhiều thập niên trước các thế hệ giáo viên đã làm để mang con chữ đến đổi thay bản làng. Các thầy cô không cần làm theo một influencer cứ thế cõng các em qua khó khăn, dắt các em qua đoạn đường gian nan để nuôi ước mơ cho tương lai của đất nước.
Một câu chuyện khác, vào lúc 14h, ngày 30/9, tại km7 tỉnh lộ 177 thuộc địa phận huyện Xín Mần (Hà Giang), khi thấy dòng nước đang ào ào trút xuống từ trên cao như muốn cuốn mọi người xuống vực thẳm, anh Linh Văn Toản (Bắc Quang, Hà Giang) đã dừng chiếc xe tải đang lái để che cho những người lái xe máy đi qua an toàn. Sau đó anh Toản chia sẻ: “Nghe những người lái xe máy nhờ chắn nước để họ qua, tôi biết nguy hiểm nhưng không thể không giúp. Nếu không có sự hỗ trợ của chúng tôi, xe máy chỉ biết đứng nhìn do áp lực nước rất lớn" (theo: Tuệ Minh-Báo Dân trí). Trước hình ảnh này, không ít người đã bày tỏ sự lo ngại nước lũ sẽ cuốn, đá sẽ rơi...
Hành động dũng cảm của anh Toản đáng biểu dương và sự lo ngại của nhiều độc giả cũng không hề thừa. Chỉ có điều, nó nói lên bản chất của sự việc: lòng dũng cảm, tinh thần tương thân, tương ái của người thật, việc thật chứ không hề làm màu, dàn dựng. Dù sống ở thời đại công nghệ nào, làm công việc gì, vẫn có những người đầy tinh thần trách nhiệm và cống hiến. Họ không làm để livestream, không cố tình dềnh dàng review để đánh bóng bản thân, quan trọng hóa vấn đề, họ làm vì sự thôi thúc của lương tâm.
Một người từng nói với tôi: “Người trẻ sống có phong cách chứ không đều đều như chúng ta”. Ngẫm ra: lowkey, overthinking, loud budgeting, hay fomo... đều là sự lựa chọn, cảnh huống của mỗi người. Điều quan trọng là bạn hãy sống trung thực với chính mình. Hãy để những hành động, việc làm nói lên con người bạn thay vì phải luôn xây dựng hình ảnh giả tạo rồi cố gắng thanh minh cho sự thiếu trung thực ấy.
Trong một môi trường sống có sự tương tác cao, ngay cả một việc đơn giản: để là chính mình cũng không dễ dàng. Bạn sẽ phải nghe ngóng xem những thành viên khác đang ăn, mặc, ở thế nào, họ tán dương ai, đâu là phương án bị bài xích để tránh né? Sẽ rất dễ sống nếu bạn chỉ cần hòa mình vào trend và thật bản lĩnh mới có thể thoát ra để tự nhận diện các giá trị. Nhưng, bao giờ cũng thế, vượt lên tất cả là sự ngay thẳng, trung thực và điều bạn nhận về là hạnh phúc và thanh thản...