Dấu ấn văn hóa - lịch sử qua những trang viết của một Đại sứ

Thứ Bảy, 08/07/2023, 11:27

Nhà văn, nhà ngoại giao Nguyễn Chiến Thắng được đồng nghiệp, độc giả biết đến với bút danh Thăng Sắc. Ông là người đã dành trọn cuộc đời cho công tác ngoại giao, từng 3 lần vinh dự được Chủ tịch nước bổ nhiệm là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền các nước Pháp, Algeria, Campuchia.

Ông đến với văn chương một cách tự nhiên, từng gây ngạc nhiên với 2 tiểu thuyết được chuyển thể thành phim và đoạt "Giải thưởng Văn học sông Mekong năm 2010". Với tác phẩm "Chuyện kể của một Đại sứ" vừa ra mắt, ông lần đầu xuất hiện với tên thật là Nguyễn Chiến Thắng.

Nhà văn Thăng Sắc - Nguyễn Chiến Thắng đến với văn chương vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước bằng những truyện ngắn đầu tiên đăng trên Báo Người Hà Nội (lúc đó nhà văn Tô Hoài làm Tổng biên tập). Do công việc chuyên môn khá bận rộn, lại hay thay đổi từ nước này qua nước khác theo nhiệm kỳ, nên ông không có thời gian chuyên tâm dành cho việc viết lách, mà chỉ viết nhẩn nha, thong thả về những điều mình thấy, nghĩ, trăn trở.

untitled-1.jpg -1
Nhà văn, nhà ngoại giao Nguyễn Chiến Thắng.

Đến năm 1996, khi tiểu thuyết "Những ngày không em" của ông được NXB Phụ nữ ấn hành, sau đó được chuyển thể thành phim truyền hình "Nụ tầm xuân" do NSND Bạch Diệp làm đạo diễn, đã trở thành dấu mốc trên con đường viết lách của ông. Sau này, ông còn có một tiểu thuyết khác được chuyển thể thành phim truyện nhựa cùng tên là "Chớp mắt cùng số phận" do Lê Ngọc Linh làm đạo diễn, ra mắt khán giả năm 2012. Vào năm 2010, ông từng gây bất ngờ trong giới cầm bút khi đoạt "Giải thưởng Văn học sông Mekong" lần thứ 3 với tiểu thuyết "Chú Tư, con là ai" (NXB Lao động). Cùng đoạt giải thưởng này với nhà văn Thăng Sắc năm đó là nhà văn Phạm Quang Đẩu với tiểu thuyết "Một ngày là mười năm".

Nhà văn Thăng Sắc tâm sự: "Tôi đến với văn chương một cách tự nhiên, không vì mưu sinh hay danh lợi gì mà chỉ đơn thuần là thỏa mãn nhu cầu, niềm yêu thích được viết. Chính vì thế đây thực sự là món quà tinh thần vô giá mà tôi có được trong cuộc đời mình. Những tiểu thuyết được chuyển thể thành phim đã cho tác phẩm của tôi có một đời sống khác đầy thú vị. Đó thực sự là những cơ duyên bất ngờ đối với chính bản thân tôi, để tôi có thêm động lực với công việc viết văn".

Trở thành hội viên Hội Nhà văn năm 2012, ông được đánh giá là một trong số ít những nhà văn khiêm nhường, lặng lẽ, miệt mài lao động một cách nghiêm túc và say mê. Ông tiếp tục đều đặn cho ra đời 3 tiểu thuyết "Đi trong lốc xoáy" (2015), "Ngụ cư" (2017) và "Láng giềng" (2021) đều do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Là một nhà ngoại giao có nhiều năm sống ở nước ngoài, bằng trải nghiệm và óc quan sát tinh tế, kỹ lưỡng, chậm rãi, ông muốn đi sâu tìm hiểu và khám phá về thân phận con người, phản ánh trực diện vào các vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội như: vấn đề đô thị hóa nông thôn, sự tha hóa của con người trước đồng tiền, những cơn "lốc xoáy" dữ dội khiến con người ta mất kiểm soát...

Ở các nước ông từng có thời gian làm công tác đại sứ, ông thường xuyên gặp gỡ Việt kiều, lắng nghe tâm sự của họ, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của họ ở đất nước sở tại. Tại Campuchia - nơi ông có nhiều thời gian gắn bó, ông nhiều lần đến thăm các khu Việt kiều ở ngoại ô, đến thăm vùng Biển Hồ. Sự cảm thông, day dứt trước thân phận người Việt bé nhỏ, nghèo khó tha hương nơi đất khách đã khiến vị đại sứ có nhiều đêm trăn trở viết nên tiểu thuyết "Chú Tư, con là ai". Đây là một tác phẩm nặng ký nhất ông viết về số phận người Việt sống lênh đênh trên Biển hồ Tông Lê Sáp. Tiểu thuyết này đã chinh phục người đọc bởi giọng văn và lối tư duy nhân hậu, ấm áp nhưng cũng giàu chất hài hước sâu cay.

Sau này với tiểu thuyết "Ngụ cư", ông cũng phát huy được những vốn kiến thức sở trường có được từ cuộc đời hoạt động ngoại giao để xây dựng nên tác phẩm về thân phận người Việt ở châu Âu. Nhà văn Thăng Sắc - Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng với những trang viết nhiều trăn trở về thân phận con người luôn có niềm mong mỏi rằng, sự tồn tại của cái tốt, cái lương thiện sẽ làm cho cuộc sống trở nên ấm áp, cân bằng, xoa dịu và chữa lành những vết thương.

2. ra mắt sách.jpg -0
Nhà văn Nguyễn Chiến Thắng và nhà văn Đỗ Bích Thúy trong buổi ra mắt cuốn sách "Chuyện kể của một Đại sứ" tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam.

"Chuyện kể của một Đại sứ" là tác phẩm mới nhất của nhà văn Thăng Sắc được xuất hiện với tên thật của ông Nguyễn Chiến Thắng. Nhà văn giải thích rằng, sở dĩ lần này ông dùng tên thật bởi vì cuốn sách được ông viết về những năm tháng làm ngoại giao của mình với nhiều tình tiết, con người, câu chuyện có thật như: chuyện về những lần gặp gỡ, tiếp xúc với Tổng thống Pháp Jacques Chirac, Quốc vương Shihamoni, Thủ tướng Hun Sen, cựu hoàng Shihanouk; chuyện về Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch; chuyện về bà Hồ Thể Lan - con gái của GS. Hồ Đắc Di và cũng người phát ngôn Bộ Ngoại giao lâu nhất trong lịch sử Bộ Ngoại giao (9 năm); chuyện nhà văn nhà báo người Pháp nổi tiếng Madeleine Riffaud - người được xem là có mối tình trong sáng với nhà thơ Nguyễn Đình Thi hay câu chuyện đau buồn về Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria là ông Bùi Giang Tô bị khủng bố giết hại... Những thông tin phong phú, mang đậm màu sắc văn hóa - lịch sử sẽ giúp chúng ta thấy được phần nào vai trò của một đại sứ - người đại diện cho một quốc gia, dân tộc trên phương diện đối ngoại. Chỉ có điều, vị đại sứ này là nhà văn, cho nên cái nhìn của ông về mọi sự kiện, sự việc, con người có nhiều liên tưởng tinh tế, sâu sắc.

Trong cuốn "Chuyện kể của một đại sứ" có một nhân vật khá đặc biệt được tác giả nhắc đến, đó là Thái tử Bảo Long, con trai cựu hoàng Bảo Đại. 4 lần tác giả gặp Thái tử là 4 câu chuyện, 4 không khí, trước sau dù chỉ xoay quanh việc tìm lại ấn kiếm lưu lạc, nhưng sâu trong đó, đằng sau đó là câu chuyện về lịch sử - văn hóa, đặc biệt là tâm trạng của một người dòng dõi hoàng tộc, cuối đời sống lưu vong, im ắng trong một cảm giác có lẽ là khá muộn phiền.

Có thể thấy, cách quan sát, cảm nhận và ngay cả khi viết về nhân vật này của tác giả khiến người đọc nhận thấy sự tôn trọng, khách quan và hơn cả là sự thấu hiểu, cảm thông mà ông dành cho nhân vật của mình: "Nhiều năm sau, mải mê với công việc tôi không biết có còn ai nhắc chuyện ấn kiếm nữa không. Năm 2007, tình cờ một hôm tôi nghe tin ông Bảo Long đã qua đời. Tôi chợt nhớ đến những lần đã gặp ông khi công tác bên Pháp, nhớ đến ván cờ còn bỏ dở, bỗng tôi có chút động lòng đối với một thân phận vua chúa mà phải chết tha hương, thầm chúc ông được yên nghỉ nơi vĩnh hằng. Chắc nơi ấy không có vua, không có ông hoàng bà chúa, không có gì cả…".

Nhà văn, nhà ngoại giao Nguyễn Chiến Thắng tâm sự: "Tôi đã có 3 lần vinh dự được Chủ tịch nước bổ nhiệm đại sứ: lần thứ nhất tại Algeria kiêm nhiệm Mali và Sahraoui Dân chủ, lần thứ hai tại Pháp kiêm nhiệm Tây Ba Nha và Bồ Đào Nha, lần thứ ba tại Vương quốc Campuchia láng giềng. Nhờ thế, tôi đã 7 lần vinh dự được trình Quốc thư lên các vị nguyên thủ các nước kể trên, mỗi lần đều thấm thía sâu sắc ý nghĩa sứ mệnh phụng sự Tổ quốc của một đại sứ".

Có lẽ chính vì thế, nói như họa sĩ Phạm Hải Hà - người đã vẽ 12 bức minh họa cho cuốn sách như một món quà dành tặng độc giả yêu mến nhà văn - Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng thì: "Chuyện kể của một đại sứ" giống như hai quá trình của một đời đại sứ - nhà văn: Thu thế giới vào mình để rồi lại trút mình vào thế giới. Ở đấy có tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc, nỗi khát khao hòa bình hữu nghị, lòng biết ơn và không phải không có chút day dứt buồn...".

Sau khi đã nghỉ hưu với mong muốn được yên tĩnh và chuyên tâm hơn cho việc viết lách, ông chuyển về quê ở vùng núi Ba Vì sinh sống. Tuy đã ở tuổi "cổ lai hy" (ông sinh năm 1947), nhưng viết lách vẫn là công việc ông yêu thích và vẫn làm cần mẫn mỗi ngày. Việc ông ra mắt nhiều tác phẩm văn học một cách đều đặn trong hàng chục năm qua là minh chứng sinh động về sức sáng tạo bền bỉ và tình yêu văn chương sâu đậm của nhà văn Thăng Sắc - Đại sứ Nguyễn Chiến Thắng.

Nguyệt Hà
.
.