Dấu ấn sáng tạo và tài hoa của Thúy Toàn
Tôi và Thúy Toàn quen thân nhau ngay từ sau những năm 1948 - 1949 của thế kỷ trước. Nghĩa là cách đây đã bảy mươi năm. Hồi đó chúng tôi là các chú “Vệ nhóc” mười hai, mười ba tuổi, được tập trung từ các đơn vị quân đội về học tập, rèn luyện tại Trường Thiếu sinh quân Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng, đóng ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Hai năm sau, Chiến dịch Biên giới thắng lợi, chúng tôi cùng được cử sang học tập tại Quảng Tây, Trung Quốc. Tại đây, sau mấy năm học hết phổ thông cơ sở, tôi theo học ngành sư phạm, còn Thúy Toàn cùng tốp 100 học sinh ưu tú lớp dưới ít tuổi hơn được tuyển chọn đi học tập tại Liên Xô.
Chúng tôi đã chia tay nhau ở sân Khu học xá Nam Ninh. Ít lâu sau, tôi về nước, rồi lên công tác tại tỉnh Lào Cai, còn Thúy Toàn ròng rã suốt sáu bảy năm trời học xong tiếng Nga, lại học tiếp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm mang tên Lênin ở Mátxcơva, chúng tôi xa nhau. Xa nhau hàng vạn kilômét, liên hệ với nhau chỉ bằng đường bưu chính, thư từ bưu phẩm gửi thường mất hai ba tháng, vậy mà chẳng đứt đoạn bao giờ.
Từ Mátxcơva, Thúy Toàn gửi cho tôi liên tục các tác phẩm của Gorky, Turghenev, Pushkin, Lermontov, Esenhin, Korolenko… khi là bản tiếng Nga, lúc là bản tiếng Pháp, trong đó có cả một cuốn sách nhỏ bằng tiếng Pháp nhan đề “Những ngày cuối cùng của Pushkin”, kể lại cuộc đấu súng oan nghiệt của nhà thơ với tên Dantes, sĩ quan Pháp, dẫn đến cái chết của nhà thơ. Thú vị nhất là tôi nhận được những bản dịch thơ Pushkin đầu tay của Thúy Toàn.
Ôi! Pushkin, vầng mặt trời chói lọi của thi ca Nga. Lần đầu tiên tôi được biết nhà thơ qua bản dịch của Thúy Toàn. Thúy Toàn - một tâm hồn Việt thuần hậu, điềm đạm, thủy chung, trong sáng và tràn đầy tình thương mến. Qua thư của Thúy Toàn tôi được biết, Thúy Toàn trong quá trình học ở Đại học Sư phạm Lênin còn theo học một khóa chuyên đề về Pushkin.
Năm 1961, tôi về Hà Nội học Đại học Sư phạm Hà Nội, lúc này Thúy Toàn đã về nước, đang giảng dạy tại Trường Trung cấp Ngoại ngữ Mễ Trì, thế là chúng tôi lại có dịp gần nhau và tôi lại một lần nữa nhờ Thúy Toàn mở mang thêm tầm kiến văn về nền văn học Nga cổ điển vĩ đại và các tác phẩm văn học Nga Xô Viết nổi tiếng đương thời.
Một buổi chiều chúng tôi đang ngồi uống nước trên một quán vỉa hè thì có một người đạp xe tới. Tôi nhớ, đó là một biên tập viên của Nhà xuất bản Văn học. Người này gặp Thúy Toàn thì hớt hải báo tin buồn cho Thúy Toàn biết: Tập bản thảo bản dịch thơ Pushkin của Thúy Toàn từ nguyên bản tiếng Nga định in trong nay mai, buộc ở porte bagage sau xe đạp của anh vừa bị kẻ cắp cắt dây lấy trộm mất rồi.
Tôi thấy Toàn ngồi lặng đi sững sờ, rồi sau đó, khẽ khàng và dứt khoát: “Được rồi, tôi sẽ làm lại”. Còn tôi thì lặng thầm nhìn bạn tôi, lòng tràn đầy ngưỡng mộ. Những cái khởi đầu thường là cái lớn lao, đáng trân trọng! Vậy là Thúy Toàn, một cây bút trẻ bạn tôi đã khởi đầu sự nghiệp dịch thuật của mình rồi anh sẽ đi trọn đời mình. Và phải chăng, thế là định mệnh đã lên tiếng an bài, từ nay Thúy Toàn sẽ đem hết sức mình cống hiến cho việc dịch thuật, giới thiệu Pushkin ở Việt Nam mình.
Năm 2012, trong một ngẫu hứng bất thần, tôi viết một loạt bài tiểu luận về nghề văn in trên Báo Văn nghệ. Bài thứ hai nhan đề “Phút giây huyền diệu”, tôi đề cập đến vấn đề cảm hứng xuất thần của nhà văn và dẫn mấy câu thơ của Pushkin. Ban Biên tập Báo Văn nghệ liền nảy ra sáng kiến đăng trọn bài thơ đó do Thúy Toàn dịch cạnh bài tiểu luận của tôi, một cơ duyên bạn bè hiếm có.
Gửi...
Anh nhớ mãi phút giây huyền diệu
Trước mặt anh em bỗng hiện lên
Như hư ảnh mong manh vụt biến
Như thiên thần sắc đẹp trắng trong
Giữa day dứt sầu đau tuyệt vọng
Giữa ồn ào xáo động buồn lo
Tiếng em nói bên tai anh văng vẳng
Bóng dáng em anh gặp lại trong mơ
Tháng ngày qua. Những cơn gió bụi
Đã xua tan mộng đẹp tuổi thơ
Lãng quên rồi giọng em hiền dịu
Nhòa tan rồi bóng dáng nguy nga
Giữa cô quạnh âm u tù hãm
Dòng đời trôi quằn quại hắt hiu
Chẳng tiên thần, chẳng nguồn cảm xúc
Chẳng đời, chẳng lệ, chẳng tình yêu
Cả hồn anh bỗng bừng tỉnh giấc
Trước mắt anh em lại hiện lên
Như hư ảnh mong manh vụt biến
Như thiên thần sắc đẹp trắng trong
Quả tim lại rộn ràng náo nức
Vì trái tim sống dậy đủ điều
Cả tiên thần, cả nguồn cảm xúc
Cả đời, cả lệ, cả tình yêu
1825
Nói đến Thúy Toàn là nói đến một dịch giả tầm cỡ của nền dịch thuật văn học nước ta. Là nói đến chiếc cầu nối liên thông tuyệt đẹp giữa hai nền văn học Nga - Việt, mối tình sâu đậm trọn đời anh theo đuổi. Là nói đến các công trình lớn về dịch thuật của anh. Đặc biệt là những bản dịch thơ Pushkin, Lermontov, Esenin, Chiutchev, Raxul Gamdatov, Bunhin, Rubtsov…
Những bản dịch công phu, đầy tâm huyết, đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, bằng lao tâm khổ tứ, trong đó đáng kể là sự học tập cần mẫn tháng ngày. Là sự sáng tạo ra một văn bản nghệ thuật với ngôn ngữ khác trên cơ sở một ngôn ngữ gốc. Là các bộ sách tuyển tập văn học Nga đồ sộ vài chục tập do anh chủ biên. Là nói đến người có công lớn trong việc hình thành lịch sử nền dịch thuật của nước nhà.
Là nói đến các giải thưởng lớn mà anh đã giành được. Đặc biệt là Giải thưởng Quốc tế SSOD của Liên hiệp các Hội Hữu nghị Liên Xô về dịch văn thơ Nga năm 1987. Là Huân chương Hữu nghị do đích thân Tổng thống Nga trao cho 12 văn nghệ sĩ thế giới, trong đó có Thúy Toàn, năm 2010. Thúy Toàn cũng đã được tặng thưởng của Hội Nhà văn năm 2005 cho tập thơ “Những ngôi sao băng” và Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho tập ký “Nghĩ về những con đường nước Nga…”.
Nói đến Thúy Toàn là nói đến một công trình có một không hai trên đất nước ta do đích thân anh chủ trì, từ thiết kế thi công đến sưu tầm xây dựng: “Nhà văn học Nga” tọa lạc trên quê hương Phù Lưu, Từ Sơn, Bắc Ninh của anh, vùng địa linh nhân kiệt.
Nói đến Thúy Toàn là nhớ đến những bản dịch mang dấu ấn sáng tạo và tài hoa của anh. Như bản dịch bài thơ “Tôi yêu em” của anh. Một bản dịch tôi cùng đông đảo bạn đọc Việt Nam gần như thuộc lòng:
Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn sóng u hoài
Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.
Nói đến Thúy Toàn là bạn đọc nghĩ đến Pushkin, và bây giờ Pushkin một lần nữa đang hiện diện trên bản dịch, bài viết của anh. Những câu chuyện về nhà thơ lớn của nước Nga đang có trên tay bạn.
Đọc 20 câu chuyện nhỏ viết dưới dạng chuyện kể trong cuốn sách này, bạn đọc có thể hình dung ra được những nét chủ yếu trong cuộc đời vô cùng phong phú, tráng lệ cùng những bi kịch mà Pushkin đã trải qua. Kể từ niềm xúc động kỳ lạ của những người trong gia đình và khách khứa đến dự đêm Noel khi chàng thi sĩ tương lai một tuổi rưỡi trong buổi chào mừng năm mới, năm 1801, năm mở đầu của thế kỷ XIX; đến bài thơ đầu tay của Pushkin, bước đi đầu tiên hướng lên đỉnh Thi Sơn với quan niệm: “Việc phụng thờ nàng thơ không chấp nhận thái độ lăng xăng, hối hả”.
Một bài thơ đầu tay mà đã rất hoàn mỹ, chững chạc ở mức kinh điển, giống như mọi sáng tác sau này của ông. Bạn đọc sẽ hiểu thêm những tình tiết sống động trong cuộc đời của Pushkin, thi sĩ của tình yêu, tình yêu tự do, đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động khỏi mọi thế lực đen tối, lúc đó là chế độ quân chủ nông nô Nga, vì thế mà phải chịu đựng bao cay cực của những năm dài đày ải và lận đận suốt cuộc đời.
Sẽ hiểu thêm xuất xứ bài thơ “Gửi Kern” nổi tiếng của nhà thơ sáng tác năm 1825 khi đang bị an trí tại ấp Mikhailôvkoe. Năm 1819, khi nhà thơ 20 tuổi, lần đầu tiên gặp Anna Kern 19 tuổi, là vợ của tướng quân E.F, Kern, ông già 52 tuổi, tại buổi dạ hội ở tư gia ngài Olenkin, một quý tộc, Chủ tịch Viện Hàn lâm nghệ thuật Nga, ở kinh đô Peterburg. Nàng để lại ấn tượng sâu sắc và choáng ngợp đến mức chàng đã thốt lên với người bên cạnh: Làm sao lại có thể duyên dáng đến nhường ấy kia chứ! Bài thơ đã làm cho Anna Kern bất tử cũng như Laura của Petraka - thi sĩ Italia (1304-1344).
Chắc cũng sẽ rất thú vị khi đọc những câu chuyện này, bạn đọc biết thêm, rằng con gái đầu lòng của Pushkin, Maria Alexsandropna đã được Lev Tostoy làm mẫu để miêu tả hình tượng nhân vật Anna Karenina trong tiểu thuyết cùng tên của ông.
Đặc biệt, bạn đọc sẽ được đọc lá thư cuối cùng Pushkin viết ngày 27 tháng Giêng năm 1837, trước giờ xảy ra cuộc đấu súng để bảo toàn danh dự của mình với tên Dantes, sĩ quan Pháp chạy trốn cách mạng Pháp sang Nga, được sứ thần Hà Lan nhận làm con nuôi. Một lá thư cho thấy bản lĩnh, nhân cách, tâm hồn của “mặt trời thi ca Nga”. Một bảo vật vô cùng quý giá của quốc gia Nga…