Đẳng cấp của văn hóa

Thứ Sáu, 02/08/2024, 06:13

Thật ra, chuyện thi thoảng lên mạng lướt qua các sàn thương mại, các trang bán đồ hiệu cũng khá thú vị cả với một người có thu nhập ở mức trung bình. Việc có chốt đơn để sở hữu món đồ đó hay không cũng đâu ảnh hưởng đến cảm xúc của bản thân. Đơn giản, xem để biết sự phong phú, đa dạng của thị trường, để cảm nhận chất lượng sản phẩm qua những thông số. Nhưng, đâu là “cảnh giới” mua sắm để không bị sa đà vào thiên đường mua sắm?

Chuyên gia đào tạo và huấn luyện tài chính Đức Nguyên đã chia sẻ kinh nghiệm, đó là hãy tự trả lời các câu hỏi trước khi ta định mua một món hàng nào: “Nếu như không có ai biết việc tôi mua món đồ này, liệu tôi vẫn mua nó chứ? Nếu tôi không đăng những thứ này lên mạng xã hội, liệu tôi vẫn muốn nó chứ? Nếu món đồ đó bị hỏng, điều này sẽ ảnh hưởng tới tôi như thế nào? Tôi có tin rằng tôi sẽ cảm thấy đủ đầy và hạnh phúc hơn nếu như tôi mua món đồ này?” (theo: Báo Dân trí).

Đẳng cấp của văn hóa -0
Bản sắc văn hóa dân tộc là giá trị được thử thách và khẳng định qua thời gian.

Thực tế cho thấy, trong cuộc đua giữa hiệu quả phấn đấu và phần thưởng cho chính mình liệu có phải lúc nào chúng ta cũng thành công hay đôi khi phải cầu viện đến cả “phép thắng lợi tinh thần”. Hay, nói một cách đơn giản hơn để tạo ra một “giao diện” văn hóa chúng ta đã từng tự lừa dối mình. Mình thật sự đã đạt đến đẳng cấp hay cố bám víu vào đẳng cấp?

Cách đây hơn một thập niên, trong bài viết có nhan đề: “Hàng hiệu có là đẳng cấp?", tác giả Liên Phương đã dẫn lời một bạn trẻ ở Hà Nội: “Bây giờ có mẫu mới ra, nếu mình không mua thì hội cơ quan lại xì xào rằng kinh tế gia đình mình chắc hẳn đang đi xuống” (theo: Báo Điện tử Chính phủ).

Sau chừng ấy năm, những e ngại của bạn từ đó vẫn đúng với nhiều người hôm nay. Trong thời đại mà tưởng như các nút like có quyền lực, các lệnh share có phép màu, AI có thể thay cho sức tưởng tượng của con người thì những tiếng “xì xào” kia vẫn có sức nặng ghê gớm. Chúng ta đã tạo ra thói quen bầy đàn trên không gian mạng kể từ khi sử dụng SMS, blog và đến nay là mạng xã hội. Bởi vậy, đôi khi “xì xào” trở thành “tòa án” dư luận phán xét đúng sai, “xì xào” nghiễm nhiên trở thành chân lý. Và, từ đó, dễ dàng bỏ qua những sai sót, coi đó như một sự thay đổi, cách tân của xu hướng mới. Là sản phẩm của thế hệ mới bất kể đó là sai sót không thể chấp nhận được.

Đẳng cấp của văn hóa -2
Nhiều người trẻ có ý thức giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.

Có lẽ, không cần phải quan sát nhiều bạn vẫn có thể nhận ra muôn vàn cách nói chuyện thời thượng. Ở đó, tiếng Việt được cắt bỏ hay biến tướng trở thành ngôn ngữ riêng của nhóm, của giới, kiểu như: “Bùn” (buồn), “Lun” (luôn), “Ná” (nhá), “mih” (mình), “Xynh” (xinh), “Iu” (yêu), “We” (quê)... Sự “bóp méo” hình vị tiếng Việt dần dà dẫn đến hậu quả là sự sai lệch về âm vị khi thanh điệu, âm bị tổn hại. “Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người” (Lưu Quang Vũ) hóa thành trò đùa lãng xẹt như thế chăng?

Nhưng, chưa dừng ở sự “bóp méo” từ ngữ đó, cách đây chừng một năm, cộng đồng mạng xã hội từng bàn tán về ca từ của một đoạn nhạc chế có có hashtag “chubeloatchoat”. Trong đó, tác giả sáng tạo ra ca từ với những chắp vá, thêm thắt, cắt dán phản cảm và hạ thấp giá trị ca từ, thi ca: “Chú bé loắt choắt, cái xắc xinh xinh, cái chân thoăn thoắt, cái đầu cắt moi. Gió đưa cành trúc thật Prada. Trên mạng đang hot trend gì vậy ta. Họa hổ họa bì gian nan họa cốt. Tiên nhân tri diện đường Nguyễn Tri Phương. Cười người hôm trước hôm sau người cười. Trăm nghe không bằng mắt sáng 10/10. Muốn sang đây được phải bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ phải tốn tiền nhiều” (theo: Bảo Thoa, Minh Hà - Báo Lao động).

Nếu ai đó cho rằng đó chỉ là một trò đùa, xả thư giãn của giới trẻ, tương tự như “lệch lạc thần tượng” cũng chỉ là thú vui nhất thời, sớm nở tối tàn. Người viết cho rằng, như đã từng đề cập trong một bài viết: ngôn ngữ là khó báu lớn nhất. Khi ngôn ngữ dân tộc bị coi thường, bị biến thành trò chơi thì sẽ không còn ý thức bảo vệ sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ. Đẳng cấp của người sành điệu ở đâu khi chính bản thân đang hạ thấp di sản phi vật, làm nghèo đi “vốn liếng” văn hóa của dân tộc mình. Đây là chưa kể đến những lệch chuẩn khác cho thấy một xu thế đáng báo động, đặc biệt ở giới trẻ hiện nay. Đẳng cấp ở đâu, sự tiến bộ ở đâu hay hai chữ “đẳng cấp” đó chỉ là sự lố bịch?

Đẳng cấp của văn hóa -0
Một số từ ngữ lệch chuẩn thường thấy.

Tuy nhiên, bạn đừng vội bi quan bởi sức sống của một nền văn hóa Việt Nam đã được thử thách qua mấy ngàn năm nên có một sức mạnh tự cường, có sức đề kháng riêng, hướng chúng ta đến những giá trị tốt đẹp. Như anh hùng giải phóng dân tộc của Ấn Độ Mahatma Gandhi (1869-1948) từng nói: “Nền văn hóa của một quốc gia nằm trong trái tim và tâm hồn của nhân dân”. Quả đúng như vậy, nếu theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, bạn sẽ cảm thấy ấm lòng bởi bao tấm gương trân trọng giữ gìn bản sắc văn hóa. Chữ Thái, nôm Tày, nôm Dao, những điệu hát, nhạc cụ truyền thống được các nghệ nhân phục dựng, trao truyền. Một lão nông tuổi 80 như cụ Lê Văn Lời (thôn Hà Ân, xã Thạch Mỹ) say mê giữ gìn những vở tuồng cổ. Một cô gái trẻ như Chấu Thị Nung đã nỗ lực hồi sinh cổ phục người Mông. Với họ, bản sắc là niềm tự hào, là giá trị cao cả nhất. Chị Nung tâm sự: “Trang phục truyền thống cho chúng ta biết nhiều điều về bản sắc văn hóa, di sản và sự phát triển của mỗi tộc người Mông khác nhau trên các vùng miền khác nhau ở Việt Nam. Càng khám phá, tôi càng nhận ra sự phức tạp và phong phú trong trang phục của các cộng đồng người Mông khắp Việt Nam” (theo: Trần Khánh An - Báo Nhân dân).

Từ thực tế trong đời sống văn hóa, người viết nhận ra đẳng cấp thật sự đến từ vốn hiểu biết, niềm tự hào dân tộc và nền tảng cơ bản là bản sắc. Bạn sẽ khoác lên mình chiếc áo nào, nói thứ ngôn ngữ gì và đãi đằng khách quý bằng những gì được coi là đặc sắc của nền văn hóa. Và, đương nhiên, khi bạn tự mình đánh mất đi những điều thú vị ấy thì chẳng còn vị thế nào cho bạn cả. Hàng hiệu và xu hướng không còn là chiếc phao cứu sinh được nữa. Bạn phải đối mặt với thách thức ấy.

Như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Đó là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta”. Đẳng cấp thật sự của văn hóa ở trong trái tim tin yêu của mỗi con người với nền văn hóa, với dân tộc của mình...

Thu Trang
.
.