Đắm say với Then

Thứ Năm, 28/12/2023, 23:24

Mảnh đất Hà Giang có nhiều điều đặc biệt mà du khách đang ngày càng ham thích khám phá. Nơi đây không chỉ có cao nguyên đá kỳ vĩ, mà còn có những trầm tích văn hóa với nhiều người con đang tích cực gìn giữ những sắc màu văn hóa truyền thống của dân tộc. Một trong số đó là nghệ nhân hát Then Nguyễn Văn Chự.

Tình yêu của gia đình nghệ nhân

Ngôi nhà sàn của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Chự, người dân tộc Tày ở xã Phương Độ, thành phố Hà Giang (Hà Giang) luôn nhộn nhịp. Không chỉ bởi vợ chồng ông Chự thường tiếp khách tham quan nhà sàn, nghe vợ chồng ông chơi đàn Tính, hát Then, mà còn bởi nơi đây thường diễn ra các buổi tập đàn, hát, nhằm bảo tồn, gìn giữ nghệ thuật Then của người Tày.

a.jpg -0
Vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Chự chia sẻ về nghệ thuật Then.

Sinh ra ở vùng văn hóa Hà Giang, nghệ nhân Nguyễn Văn Chự được cha truyền cho những làn điệu hát Then và ngón đàn Tính. Từ đó ông đã dự phần vào đời sống người dân, giữ gìn và phát huy nghệ thuật Then và đàn Tính như là duyên trời định. Ông Chự đứng ra thành lập, và là Chủ tịch Hội Nghệ nhân dân gian xã Phương Độ, gồm 65 hội viên, trong đó có không ít người trẻ. Vợ và con trai, con dâu ông Chự cũng tích cực tham gia. Nghệ nhân Nguyễn Thị Thuyền, vợ ông Chự, tự hào: “Tôi vui mừng vì cả nhà đều yêu văn hóa quê hương, được bà con trong vùng tin yêu. Cũng nhờ thế, chúng tôi có thêm động lực để giữ gìn di sản của người xưa. Tham gia sinh hoạt với chúng tôi có nhiều bạn trẻ hát hay, đàn giỏi như Trần Thị Thiếp, Hoàng Thị Thế, Nguyễn Thị Vạn, Nguyễn Thị Miền…”.

Trong quá trình hoạt động, Hội Nghệ nhân dân gian xã Phương Độ đã mở lớp dạy hát Then - đàn Tính. Đến nay đã đào tạo được 35 học viên, có thể tham gia biểu diễn các kỳ cuộc lễ hội do tỉnh, thành phố, xã tổ chức, đồng thời biểu diễn cho du khách đến tham quan du lịch tại làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tha, thôn Hạ Thành. Ông Chự tâm sự: “Tôi cũng đã đưa đoàn đi giao lưu ở Tân Trào, Tuyên Quang, Điện Biên, quá trình biểu diễn giao lưu đã được đánh giá cao. Tôi cũng đều đặn thực hiện các nghi lễ Then, không chỉ ở tỉnh Hà Giang mà nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh đó, còn tích cực tham gia biểu diễn tại các liên hoan hát Then, đàn Tính do tỉnh Hà Giang tổ chức”.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Chự, kể rằng, ông đã vinh dự và tự hào khi là người được tham dự trực tiếp Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tối 3/9/2022 tại thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. “Đây là sự kiện có nhiều ý nghĩa đối với những người nghệ nhân chúng tôi, chúng tôi rất tự hào là những người đã giữ được bản sắc văn hóa dân tộc Tày hát Then đến bây giờ” - ông Chự chia sẻ.

Trong không khí dân gian bên cạnh các làn điệu Cọi, Si, Lượn hát Then vẫn được người dân thể hiện theo cách ngẫu hứng hoặc có chủ ý tùy theo thời điểm của các dịp lễ, Tết, hoặc đám cưới... Mỗi mùa xuân đến, người dân Hà Giang lại nô nức tổ chức nghi thức Then lớn nhất trong năm, diễn ra trong dịp lễ hội Lồng Tồng. Chủ lễ là một thầy Then có uy tín sẽ đại diện dân bản dâng lễ vật và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm êm cho dân bản. Nghệ nhân Nguyễn Thị Thuyền, bày tỏ: “Hát Then, đàn Tính mang tính chất lễ và hội, bên cạnh các yếu tố tâm linh, cầu mùa, cầu phúc, giải hạn... hát Then với giai điệu da diết còn là hình thức để giải trí, giãi bày tâm tình, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước”.

Lưu giữ truyền thống

Cũng phải nói rằng, đã có thời gian một số loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật hát Then của người Tày ở Hà Giang đứng trước nguy cơ bị mai một do thế hệ trẻ ít chú ý đến bản sắc văn hóa, trong khi lớp nghệ nhân cao tuổi đang dần mất đi. Từ năm 2008, thấy rõ điều này, nghệ nhân Nguyễn Văn Chự đã cùng vợ và một số người hiểu Then ở địa phương, cùng phối hợp với UBND xã Phương Độ tìm cách khôi phục những điệu Then cổ, tìm cách mở lớp để thêm nhiều người biết đến nghệ thuật Then và đàn. Từ đó mà Hội Nghệ nhân dân gian xã Phương Độ được hình thành, với nhiều người từ hai thôn Hạ Thành, thôn Tha tham gia. Để các lớp học thành công hơn, hoạt động của Hội hiệu quả hơn, ông Chự còn mời thêm nghệ nhân Nguyễn Xuân Hữu từ xã Quang Minh, huyện Bắc Quang về phối hợp truyền dạy.

Vốn am hiểu dân ca, dân vũ truyền thống, ông Chự còn góp sức khôi phục một số làn điệu Then cổ của dân tộc Tày. 5 năm trở lại đây ông đã khôi phục, phổ nhạc gần 20 bài hát dân ca Tày, Nùng cổ, tham gia truyền dạy hàng chục lớp hát dân ca ở trong trường học. Trong đó có làn điệu “khiển không” có nghĩa là mường trời; làn điệu “khảm pé” có nghĩa vượt biển; làn điệu “sôi thuông” nghĩa là vượt sông, theo dòng sông suối xuống. Để có được những làn điệu Then cổ thì việc dịch và biết hát đúng làn điệu là rất cần thiết. Rồi sau đó là truyền dạy cho những thế hệ trẻ biết và hát được điệu Then cổ đó cũng cần phải có thời gian.

l%3fp h%3fc then trong khuôn viên nhà ngh%3f nhân nguy%3fn van ch%3f.jpg -1
Lớp học Then trong khuôn viên nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Chự.

Ngoài ra ông Chự còn sáng tác, đặt lời hàng chục bài then có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước và tình yêu đôi lứa. Trong số này, ông tâm đắc nhất và cũng được nhiều người sử dụng nhất là bài "Chồm hai slip hả" (Ngắm trăng đêm rằm). Việc truyền dạy của ông, trước hết là nhằm thay đổi tư duy của người trẻ, rằng văn hóa nghệ thuật truyền thống không chỉ dành cho người già. “Người trẻ là chủ thể, là thế hệ tạo nên sức sống hôm nay, vậy thì họ phải hiểu về văn hóa dân tộc mình, phải thêm yêu tiếng đàn, câu hát”, ông Chự nhấn mạnh.

Mấy năm trở lại đây nghi lễ thực hành Then ở Hà Giang đang lưu giữ rất tốt. Cũng bởi đã có những người tâm huyết, nghĩ cho lớp trẻ, yêu Then. Ông Chự đã đi nhiều nơi, như Tuyên Quang, Điện Biên, Lạng Sơn, Cao Bằng… và thấy nhiều người tâm huyết, có trách nhiệm cao với quê hương. Họ luôn tâm niệm phải giữ được vẻ đẹp của hát Then, và họ làm rất tốt việc này. Điều đó cũng kích thích, gợi thêm niềm hứng khởi để ông Chự làm việc nhiệt tình hơn.

Song ông cũng bày tỏ một mối quan ngại khác, hiện nay có nhiều loại Then và cũng có nhiều người mê tín dị đoan, không hiểu và nói sai về Then. Vậy nên, mỗi nghệ nhân phải biết sàng lọc thế nào là đúng làn điệu văn hóa Then. Ở tương lai xa, ông nghĩ, làm thế nào để Then, đặc biệt là Then cổ không rơi vào quên lãng theo thời gian sau 10 năm, 20 năm nữa. Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác đang đứng trước nguy cơ bị mai một, nguyên nhân là thế hệ trẻ ít chú ý đến bản sắc văn hóa, “chạy theo thương mại nhiều quá” trong khi lớp nghệ nhân cao tuổi đang dần mất đi… Thời gian qua, ông Chự vận động nhiều người chung tay, mở rộng, đưa hội lẩu Then Bjoóc mạ đến các buổi chợ phiên... Với cách làm như vậy đã trở thành những cầu nối đưa Then đến gần hơn với cộng đồng, góp phần gìn giữ, phục hồi giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện sự đoàn kết cộng đồng.

Nỗ lực truyền lửa cho lớp trẻ, bà con của vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Chự và các thành viên cũng nhận về những mùa quả ngọt. Ông Chự vui mừng khi ngày càng có nhiều người chú ý đến Then, trong đó có cả người già và bạn trẻ. Lớp học đã đông thành viên hơn, các nghi lễ Then thu hút nhiều người xem hơn… Du lịch Hà Giang cũng đang phát triển. Người dân đã biết cách xây dựng các mô hình homestay để đón khách, đưa hát Then và đàn Tính vào hoạt động du lịch. Ngoài thưởng thức những món ăn ngon, du khách còn được tìm hiểu và đắm mình trong điệu hát Then, đàn Tính do chính những chàng trai, cô gái trong thôn biểu diễn… tìm hiểu về những bản sắc văn hóa của người dân tộc, với những ngôi nhà sàn truyền thống, cối giã gạo nước, các sản phẩm dệt truyền thống.

“Ngoài ra, từ đầu năm 2017, xã Phương Độ đã tổ chức khai trương Chợ đêm tối thứ 7 hằng tuần, quy tụ khoảng 100 gian hàng. Điểm nhấn độc đáo, ấn tượng trong chợ đêm thu hút du khách chính là việc kết hợp chương trình biểu diễn văn nghệ dân gian truyền thống do những nghệ nhân của xã biểu diễn”, ông Chự cho biết.

Phú Xuyên
.
.