Đam Rông tuổi hai mươi
Vượt qua đỉnh Phú Sơn trập trùng mây phủ, chúng tôi đặt chân đến miền đại ngàn Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Cùng một ngọn đèo, nhưng sườn bên này gọi là Phú Mỹ, lác đác vài mái nhà giữa điệp trùng rừng thẳm, khác xa cảnh dân cư đông đúc phía bên kia. Quốc lộ 27 trải dài với những đèo dốc ngoằn ngoèo mê mải gối đầu lên nhau, miên man một màu xanh hun hút.
Từ trên đèo nhìn xuống, hồ nước Phi Liêng tĩnh lặng in bóng mây trời. Đây là hồ nước tưới tiêu của cả vùng. Xung quanh hồ, những triền cà phê, vườn cây trái thoai thoải vây quanh. Xa xa, làng xóm quây quần. Anh Nguyễn Nam Hoàn, cán bộ cổ động trực quan của huyện, đồng thời là tài xế dẫn đường cho tôi biết thêm, do địa hình đồi núi, người dân sống thành cụm, mỗi cụm cách nhau từ 30 đến 60km, hiện chia thành 4 cụm gồm Phi Liêng - Đạ KNàng, Rô Men - Liêng SRônh, Đạ Tông - Đạ Long - Đạ MRông và Đạ KSal.
Đứng tại đâu trên mảnh đất đại ngàn cũng nhìn thấy núi rừng sừng sững. Cũng dễ hiểu bởi Đam Rông nằm dưới chân ba đỉnh núi Langbiang, Bidoup và Chư Yang Sin, khởi nguồn của dòng Krông Nô huyền thoại, không chảy về xuôi mà đổ về phía mặt trời lặn. Krông Nô còn gọi là sông Cha, dãy núi bao quanh là núi Mẹ, đời đời vững chãi chở che cho những đứa con của mình.
Dung mạo tuổi hai mươi
Chiều muộn, ngồi trong văn phòng ủy ban huyện, nhìn ra làn sương mờ ảo bao trùm lên giọt nắng mỏng manh cuối ngày, ông Liêng Hót Ha Hai, Phó chủ tịch UBND huyện nói với chúng tôi:
Đam Rông thành lập từ 20 năm trước, gộp 3 xã nghèo nhất của huyện Lạc Dương và 5 xã nghèo nhất huyện Lâm Hà, thành cái nghèo nhân đôi. Dân số lúc bấy giờ chỉ khoảng 25 ngàn người, trong đó hơn 65% người đồng bào, hộ nghèo chiếm 84%, là một trong những huyện nghèo nhất nước, nằm trong đề án 30a của Chính phủ. 20 năm, quãng thời gian không dài so với sự trường tồn của hình sông thế núi, lại không hề ngắn với những phận đời lo đói lo no, trông chờ vào sự viện trợ của Nhà nước của đồng bào nơi đây.
Sau 20 năm, Đam Rông đã thay da đổi thịt. Tuy chưa thể sánh với các nơi khác nhưng so với vạch xuất phát là cả một thành quả lớn lao. Hiện dân số hơn 58 ngàn người, hộ nghèo chiếm 11,72%, có 6/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Mục tiêu đến hết năm 2025, hai xã còn lại là Đạ Long và Liêng SRônh hoàn thành tiêu chuẩn. Ông Liêng Hót Ha Hai khẳng định, “tuy còn khó khăn, nhưng chúng ta không nhắc đến nữa, bởi cứ nói hoài thì tới khi nào mới hết khó”.
Quả thật vậy, Đam Rông tuổi 20 đang khoác lên mình tấm áo mới, như chàng trai MNông hừng hực sức trẻ. Biết bao đổi thay không sao kể hết. Đó là những nhà tường, nhà ngói khang trang ven Quốc lộ 27; vào sâu buôn làng, những ngôi nhà gỗ của đồng bào cũng tươm tất rộng rãi. Là những vườn cây trái, sầu riêng, chôm chôm, dứa mật, chuối Laba mang thương hiệu Đam Rông trĩu trịt trái vào mùa. Là những nhà kính ứng dụng công nghệ cao trồng hoa màu, rau quả. Là con đường huyết mạch 27 nối Lâm Đồng với Ninh Thuận và Đắk Lắk, đoạn đi qua Đam Rông khi xưa ổ gà ổ voi, nắng bụi mưa lầy, tôi đi một lần hơn 10 năm trước mà ấn tượng mãi, nay mở rộng thênh thang, xe bon bon từ Phi Liêng đến tận nông trường Rơ Mai ở xã Đạ KSal bạt ngàn cây trái. Là những con đường liên xã, đường nội xã, đường thôn xóm tráng nhựa, trải bê tông sạch sẽ, xe vào tận cửa.
Mới ngày nào, người dân “ốc đảo” Đầm Ròn nằm dưới chân núi Langbiang, gồm 3 xã Đạ Long, Đạ Tông, Đạ MRông phải mất một ngày gùi hàng vượt Cổng Trời vào thị trấn Lạc Dương đổi nhu yếu phẩm, rồi mất từng ấy thời gian băng rừng vượt núi trở về. Nay bà con chỉ tốn một giờ để về trung tâm huyện. Tuyến xe buýt Đà Lạt - Đam Rông vừa khánh thành ngày chúng tôi đến, vào sâu trung tâm Bằng Lăng, thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, nông sản. Bên cạnh đó con đường Đông Trường Sơn đang mở, phá thế độc đạo của Quốc lộ 27.
Đoàn chúng tôi vào thăm trại cá tầm Việt Đức ở xã Liêng SRônh, do luật gia Nguyễn Trọng Cử, Việt kiều Đức làm chủ. Ông là người đầu tiên đưa cá tầm về Việt Nam vào năm 1991. Hiện mô hình nuôi loài cá nước lạnh này phổ biến ở nhiều tỉnh thành, mang lại việc làm và thu nhập cho người dân, đồng thời là món ăn đặc sản của du khách khi đến Lâm Đồng. Tại Đam Rông nuôi cá tầm càng thuận lợi vì nằm ở đầu nguồn, các dòng sông con suối trong vắt quanh năm cuộn chảy. Trên đường vào trang trại, tôi thấy những chiếc xe bốc dỡ, vận chuyển cá đi lại tấp nập.
Nhiều năm sống và làm việc ở nước ngoài, ông Nguyễn Trọng Cử vẫn giữ nguyên chất giọng Hà Tĩnh, vui vẻ chuyện trò cùng chúng tôi. Ông cho biết trang trại có diện tích trên 10ha, nuôi cá tầm 3 năm nay, gồm nhiều hồ cá có kích cỡ trọng lượng khác nhau, từ vài ký đến năm bảy chục ký, đang xây dựng thành khu du lịch sinh thái, kết hợp tham quan mô hình nuôi cá tầm với cà phê thưởng cảnh, homestay nghỉ dưỡng, hoạt động vào cuối năm nay.
Ông dẫn chúng tôi men theo con suối róc rách chảy quanh khu đất, hướng mắt về dải đồi xanh mướt bao quanh, ông nói làm gì thì làm cũng phải bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, giữ màu xanh cho đất, cho rừng. Suốt buổi chuyện trò ông không nói gì về mình, chỉ dí dỏm cười đùa, đọc thơ. Khi được hỏi về việc kinh doanh cùng công tác thiện nguyện, ông nói ngắn gọn, “Mình còn sức còn đóng góp cho quê hương, tiền làm ra được thì gửi đi khắp nơi, vậy là vui rồi”.
Rời trại cá tầm, chúng tôi tham quan nơi sản xuất rau của hợp tác xã Phi Liêng. Đón chúng tôi, anh Hoàng Trần Phú Hưng, Phó Chủ tịch xã cho biết, toàn xã hiện có 17ha nhà kính, 13ha nhà lưới, áp dụng công nghệ cao vào canh tác, bên cạnh sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ, trong năm nay đã thí điểm thành công và áp dụng mô hình thiên địch. Không còn cảnh xới đất, tra hạt thuở nào.
Anh Phí Văn Thìn, Chủ nhiệm hợp tác xã kể, lúc đầu anh tự trồng, sau hướng dẫn cho người dân xung quanh, dần dà đứng ra định hướng, chuyển giao kỹ thuật và đảm bảo đầu ra. Hợp tác xã có 6ha, liên kết với 32 hộ dân thêm 10ha nữa, trồng luân phiên ớt chuông và cà chua, một sào nhà kính sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm thu được khoảng 100 triệu đồng. Lúc tham quan vườn ớt chuông, tôi nhìn thấy nụ cười rạng rỡ trên đôi môi của những nông dân làm vườn.
Văn hóa bản địa là đặc sản
Ngoài phát triển kinh tế, huyện còn chú trọng công tác bảo tồn văn hóa của đồng bào bản địa. Trong dịp đến đây, chúng tôi may mắn được thưởng lãm chương trình tái hiện lễ cưới của đồng bào MNông, một dân tộc sinh sống lâu đời trên mảnh đất Tây Nguyên, xem cồng chiêng, múa xoang do câu lạc bộ cồng chiêng thôn Liêng Trang 1, xã Đạ Tông biểu diễn. Đây là câu lạc bộ đầu tiên của huyện nhằm giữ gìn, bảo tồn văn hóa cồng chiêng đang có nguy cơ mai một.
Nghệ nhân Cil Nếu - Chủ nhiệm câu lạc bộ suốt 7 năm miệt mài đi tìm, tập hợp những người có tình yêu, niềm đam mê với cồng chiêng, đào tạo lớp trẻ kế thừa di sản văn hóa dân tộc. Với chủ trương bảo tồn những nghi lễ độc đáo của người Tây Nguyên bản địa, tháng 3 vừa qua, huyện đã phục dựng lễ Cầu mưa (Nhô Đơng) của đồng bào KHo nhánh Cil. Chúng tôi còn len lỏi vào buôn làng xem nghệ thuật đan lát của người MNông, gặp được ông NTơr Ha Bang, lão nghệ nhân tài hoa bậc nhất trong vùng. Nhà ông trưng bày khá nhiều sản phẩm, túi xách, nia, rá, rổ, gùi, bình đựng rượu cần, nơm, rọ bắt cá… với những hoa văn, họa tiết vừa sinh động vừa bí ẩn.
Những ngày ở Đam Rông tôi thích đi bộ dọc con đường trước trụ sở Ủy ban huyện, xanh ngát hàng cao su bên đường, vài trái khô cong rơi rụng sau đêm dài sũng nước, mắt ngước nhìn dãy núi ẩn hiện dưới làn sương bảng lảng, tai lắng nghe giai điệu rộn ràng của đàn chim ríu rít gọi bầy, tại đây tôi mục kích được vài con bướm to hơn bàn tay thong thả đậu trên triền cỏ dại mặc cho cành lá ngả nghiêng theo chiều gió.
Quá đỗi trong trẻo, yên lành. Tôi chợt liên tưởng đến Đà Lạt nhiều năm về trước, vào thời kỳ thành phố đang thành hình, chắc cũng tĩnh tại, thanh bình như thế. Lại nghĩ về Đam Rông, với cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa đặc sắc của mình, cùng sự quan tâm từ Trung ương đến địa phương, cộng thêm sự đồng lòng của người dân, tin chắc tương lai không xa, “chàng thanh niên” Đam Rông, với sức bật mạnh mẽ của tuổi hai mươi, sẽ vươn mình rực rỡ.
Đam Rông, 8/2024