Đặc sắc Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn

Thứ Năm, 25/08/2022, 15:24

“Tháng giêng xem hội chùa Ông/ Mà lòng nhấp nhổm chờ mong hội Bà/ Ai đi buôn bán nơi xa/ Lo về kịp hội quê nhà thường niên”. Hội Bà chính là Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn lưu truyền từ thuở Cảng thị Nước Mặn còn phồn vinh đến giờ.

1. Từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XVIII, Nước Mặn là một cảng thị lớn, quan trọng và sầm uất ở Đàng Trong. Từ giữa thế kỷ XVIII trở về sau, biển lùi ra xa, tàu thuyền lớn không vào được nên cảng thị suy tàn. Do nhiều biến đổi địa chất, vị trí cảng thị Nước Mặn xưa kia bao gồm các thôn An Hòa, Lương Quang (xã Phước Quang) và thôn Kim Xuyên (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) ngày nay.

Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (ở ngôi từ năm 1613 - 1635), việc bang giao, buôn bán với nước ngoài phát triển mạnh nhằm thu hút ngoại lực để xây dựng, phát triển kinh tế. Đây cũng là thời kỳ thương nghiệp thế giới phát triển mạnh, các nước phương Tây như: Bồ Đào Nha, Hà Lan, Ý, Anh và phương Đông như: Trung Hoa, Nhật Bản vượt biển tìm kiếm thị trường Đông Nam Á. Thuyền buôn các nước đã đến các cảng thị nổi tiếng xứ Đàng Trong như: Hội An (Quảng Nam), Thanh Hà (Huế) và Nước Mặn (Bình Định). Do đó, cảng thị Nước Mặn phát triển mạnh vào đầu thế kỷ XVII và trở thành một cảng thị phồn vinh, nổi tiếng cả xứ Đàng Trong.

Đặc sắc Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn -0
Lễ rước các biểu trưng ngư, tiều, canh, mục trong Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn.

Năm 1618, linh mục dòng Tên người Ý là Cristoforo Borri (1583 - 1632) đến Ðàng Trong. Sau đó, phần lớn thời gian ông lưu lại tại Nước Mặn trước khi sang Macao vào năm 1622. Từ năm 1621 - 1622, Cristoforo Borri đã viết tác phẩm “Xứ Đàng Trong năm 1621”. Theo mô tả của Cristoforo Borri trong tác phẩm này, cảng thị Nước Mặn là một khu vực dài khoảng 2 dặm (tương đương 3,2 km) và rộng khoảng một dặm rưỡi (tương đương 2,4 km).

Vùng trung tâm cảng thị có nhiều dãy phố chạy ngang dọc như bàn cờ. Có những dãy phố chuyên bán một loại hàng hóa như vàng bạc và đồ trang sức, phố tiệm thuốc bắc, phố hàng mã, pháo, hàng nhang đèn, hàng tơ lụa, gấm vóc, hàng đồ gốm, hàng mỹ nghệ, hàng đồ đồng, hàng đồ gỗ, hàng sách chữ Hán, đồ thờ cúng. Sầm uất nhất là khu phố chợ. Chợ Nước Mặn họp hằng ngày nhưng tấp nập nhất là vào những ngày chợ phiên.

Thuở phồn thịnh, Nước Mặn trở thành một biểu tượng đẹp về đời sống phồn hoa đô hội của phủ Quy Nhơn xưa và của cả xứ Đàng Trong. Tới ngày chợ phiên, tàu thuyền đậu kín bến, voi chở lâm sản từ miền thượng về, ngựa thồ hàng từ các thị trấn, thị tứ trong vùng tới. Người trong nước, ngoài nước đủ màu da, nhiều tiếng nói đi lại nhộn nhịp trên đường phố. Hàng hóa Đông - Tây đủ màu, đủ kiểu bày trong các cửa hiệu, ngoài quán chợ.

Trong bài viết “Thương cảng Nước Mặn (Quy Nhơn) - Xứ Đàng Trong”, Tiến sĩ khảo cổ học Lê Đình Phụng cũng đã phác dựng lại những điều kiện tự nhiên và xã hội dẫn tới sự hình thành, phát triển của cảng thị Nước Mặn. Tác giả cho rằng, nằm trên địa bàn một phủ giàu có, gần các phủ Phú Yên, Bình Khang, dinh Nha Trang, có nguồn hàng dồi dào từ cao nguyên đổ về, cảng Nước Mặn có vai trò quan trọng trong giao lưu thương mại… Cũng giống như các thương cảng xứ Đàng Trong, cảng Nước Mặn hồi sinh chủ yếu với sự tham gia của các thương nhân người Hoa và thương nhân châu Âu qua lại buôn bán, thu mua hàng hóa, sản vật nhiệt đới.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Nhân (1932 - 2019) trong tác phẩm “Cảng thị Nước Mặn và văn hóa cổ truyền” cho rằng, người Nước Mặn chân thành, nhân hậu, trọng nghĩa tình trong xử thế, thương yêu, đùm bọc nhau trong hoạn nạn, biết giữ phẩm giá của mình và quý trọng người trong giao tiếp. Đặc biệt, người Nước Mặn không kỳ thị dân tộc, sẵn lòng cứu giúp người nước ngoài bị đắm tàu. Họ cởi mở, lịch thiệp, rộng lượng, tạo điều kiện cho người phương xa tới sống hòa hợp với mình.

“Từ tính tình rất trọng khách và cách ăn ở giản dị mà họ rất đoàn kết với nhau, rất hiểu biết nhau, đối xử với nhau rất thành thật, rất trong sáng như thể tất cả đều là anh em với nhau, cùng ăn uống và cùng sống vui trong một nhà, mặc dù trước đó họ chưa bao giờ thấy nhau”, Cristoforo Borri ca ngợi người dân Nước Mặn trong tác phẩm “Xứ Đàng Trong năm 1621” như vậy.

2. Kể từ khi cảng thị Nước Mặn bước vào thời phồn vinh, người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến giong thuyền sang xin Chúa Nguyễn nhập cư mở phố buôn bán cùng người Việt, lập chùa Bà (năm 1626) ở thôn An Hòa để thờ cúng. Chùa Bà là nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, theo truyền thuyết là người có công cứu vớt thuyền bè mắc cạn trên biển. Tục thờ Thiên Hậu là của người Hoa. Tục thờ này khi du nhập vào Đàng Trong thì bắt gặp tục thờ Mẫu truyền thống của người Việt nên được dân tộc ta tiếp nhận.

Đặc sắc Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn -0
Chùa Bà tọa lạc tại xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Từ khi lập chùa Bà, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn cũng ra đời và được tổ chức tại đây. Lễ hội ra đời vừa đánh dấu một cảng thị ở vùng đất biên viễn bước vào thời kỳ phồn vinh, vừa thể hiện tinh thần dung hợp văn hóa Việt - Hoa khi biên giới Đại Việt mới tới núi Đá Bia (thuộc Đèo Cả, tỉnh Phú Yên) và cứ thế duy trì cho đến ngày nay.

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là một trong những lễ hội dân gian truyền thống có quy mô lớn và ra đời sớm ở tỉnh Bình Định. Trải qua bao đời tiếp nối gìn giữ, lễ hội đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, mang tính cộng đồng cao của địa phương. Hằng năm, lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, gồm: ngày cuối tháng giêng và 2 ngày đầu tháng 2 âm lịch. Vào dịp này, người dân địa phương tự nguyện mỗi người mỗi việc tham gia vào các khâu chuẩn bị để tổ chức lễ hội trọn vẹn. Nhiều người ở xa không về được trong dịp Tết Nguyên đán thì lễ hội này họ sắp xếp về nên không khí ở địa phương luôn nhộn nhịp, đông vui.

Hiện nay, nội dung cũng như hình thức Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn được tổ chức phù hợp với công tác giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Trình tự nghi lễ được các nghệ nhân cũng như các bậc cao niên ở địa phương tiến hành theo tâm thức trao truyền.

Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ mang tính đặc trưng vùng cảng thị Nước Mặn xưa như: lễ tế Thiên Hậu Thánh Mẫu, Thần Hoàng làng, bà Thai sinh (bà mụ)… là những vị phù hộ cho người đi biển, buôn bán, che chở cho đời sống tinh thần, vật chất của người dân, bảo hộ cho việc sinh sản mẹ tròn con vuông; lễ rước các biểu trưng ngư, tiều, canh, mục với những hình tượng như: người đốn cây phá rừng ngập mặn, nông dân vỡ ruộng đắp bờ, ngư dân bủa lưới đánh cá, người chăn nuôi gia súc… để tưởng nhớ, suy tôn công lao khai sáng của cha ông đã biến vùng đầm lầy ven biển trở thành một đô thị thương cảng sầm uất.

Ngoài phần lễ, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn còn có phần hội với nhiều trò chơi dân gian, thi đấu thể thao, hát tuồng, đánh bài chòi cổ, biểu diễn võ thuật, múa lân, múa cờ… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Trước đây, một điểm nhấn của lễ hội là những phố đèn lồng được người dân thắp sáng suốt những ngày lễ. Ngày nay, phố đèn lồng không còn hiện hữu trong mỗi gia đình như thuở xưa, thay vào đó là dãy đèn lồng được treo trước cổng đường đi vào chùa Bà.

Trải qua bao biến cố lịch sử, cảng thị Nước Mặn đã trở thành một vùng quê yên tĩnh. Tuy nhiên, Chùa Bà vẫn còn, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn vẫn còn như một hoài niệm về một đô thị thương cảng đã từng là trung tâm thương mại, văn hóa một thời của Bình Định. l

Ngày 4/8/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch Nguyễn Văn Hùng đã ban hành Quyết định số 1839/QĐ-BVHTTDL công nhận Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước đó, năm 2010, Chùa Bà đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Phan Nhuận
.
.