Đa nghĩa biểu tượng cung tên!

Chủ Nhật, 24/12/2023, 09:33

Xuất hiện từ thời nguyên thủy, cung tên được các nhà khảo cổ học tìm thấy những bằng chứng xưa nhất tại hang Sibudu (Nam Phi). Các đầu mũi tên bằng đá được tìm thấy có niên đại từ 70.000 đến 65.000 năm trước Công nguyên (TCN).

Các dấu tích lâu đời nhất về việc sử dụng cung tên có niên đại khoảng 12.000 năm (TCN) với những mũi tên bằng gỗ thông và đá lửa có ở thung lũng Ahrensburg (Đức). Những chiếc cung cổ có chiều dài từ 150 cm - 170cm còn nguyên vẹn từng được tìm thấy ở vùng Holmegaard (Đan Mạch)…

image001.jpg -0
Cung tên cổ phương Tây!

Qua nghiên cứu hình dáng, lịch sử cung tên, giới nghiên cứu vũ khí khẳng định thời nguyên thủy con người dùng cung tên để săn bắn động vật. Có thể ra đời sau các vật phóng mang tính truy sát như lao, giáo… khi xung đột giữa các bộ tộc xảy ra thì cung tên nhanh chóng được sử dụng cho mục đích chiến trận. Khoảng từ những năm 5.400 (TCN), cung tên là vũ khí chủ yếu trong các cuộc giao tranh. Theo nhiều nghiên cứu quân sự thì những pháo đài trên đỉnh đồi ở nước Anh vẫn còn dấu tích của các cuộc tấn công phối hợp bắn cung.

Thần thoại Hy Lạp-La Mã mượn cái hoang đường, kỳ ảo để triết lý về sự thật cuộc đời. Như là chuyện về thần tình yêu Éros. Thuở hồng hoang ấy còn chưa có ngày và đêm, và các vị thần ở trên đỉnh Ôlanhpơ vẫn mỗi người một công việc. Là đứa trẻ ba tuổi, thần Éros bay trên trời với đôi cánh trắng muốt, dùng cung tên bằng vàng để bắn vào những trái tim đang phập phồng yêu đương. Chàng trai cô gái nào đến tuổi cập kê mà được mũi tên của thần bắn vào tim thì người đó sẽ thổn thức sung sướng vì sẽ được yêu.

Một hôm thần Tình yêu mới chợt nghĩ sao không “xe duyên” vợ chồng cho Thần Mặt trăng dịu dàng với Thần Mặt trời mạnh mẽ. Nghĩ vậy, thần giương cung tên. Mũi tên tình yêu trúng trái tim Thần Mặt trăng. Thần quay lại giương cung hướng về phía Thần Mặt trời. Nhưng vì mới ba tuổi mải ăn mải chơi, mũi tên trúng ngay vào trán. Thần Mặt trời giận dữ, máu trên trán phun ra loang đỏ cả người. Không được đánh thức tình yêu nên Thần Mặt trời nóng nảy bỏ đi. Thần Mặt trăng ngược lại, được yêu nên đuổi theo Thần Mặt trời. Họ cứ đuổi theo nhau mãi mãi mà không bao giờ gặp được nhau nhưng từ đó tạo hóa mới có ngày và đêm. Và cũng từ đó người ta thường tỏ tình dưới ánh trăng êm đềm chứ không thấy ai tỏ tình dưới ánh mặt trời nóng nực. Cũng từ đó những cặp yêu nhau cũng như được “bay” trên trời như vị thần trong trắng của mình vậy…

Cái triết lý quan trọng nhất phải chăng lại là chuyện khác: từ xa xưa người ta đã mong ước lấy vũ khí giết người để làm phương tiện yêu thương con người. Chả thế mà mũi tên trong thần thoại này bắn vào tim không làm người chết mà làm người biết yêu. Tại sao lại bắn vào tim? Vì yêu bằng con tim chân thành (chứ không phải dạ dày chẳng hạn!). Nhưng nhân loại tiến bộ hơn thì hình như cũng độc ác hơn, thế nên trong “Iliat” và “Ôđixê” anh hùng Asin lại chết vì mũi tên độc bắn vào gót chân. Và sau này thì các cuộc chiến tranh thời trung cổ con người luôn dùng cung tên làm vũ khí để tàn sát nhau.

Xin một bổ sung: trong thần thoại Ấn Độ, thần Ái tình (Kâma) là 5 mũi tên biểu trưng cho 5 giác quan. Chắc là muốn nhắn nhủ con người phải yêu nhau trọn vẹn, hết mình (sâu sắc, như tên bắn) bằng cả 5 giác quan (!?). Với sự liên tưởng phong phú, cung tên và hành vi bắn có đầy đủ các hiện tượng, hành vi: sự căng, sự chùng, sự phóng gần gũi với hành vi tính giao nên trong thần thoại Hy Lạp cổ coi mũi tên như một linga (dương vật)…

Theo truyền thuyết Trung Quốc, vợ chồng Hậu Nghệ - Hằng Nga là những vị thần bất tử sống trên thượng giới. Mười người con trai Ngọc Hoàng nghịch ngợm biến thành mười mặt trời, làm cho mặt đất trở nên nóng bỏng. Để cứu trần gian Hậu Nghệ lấy cung bắn hạ chín mặt trời, chỉ để lại một. Ngọc Hoàng tức giận đày Hậu Nghệ và Hằng Nga xuống hạ giới.

Như vậy biểu tượng cung tên vô vàn sự đa nghĩa đã có rất lâu rồi, dân tộc nào cũng có, cuộc chiến tranh nào (cho đến khi chiến tranh hiện đại, tận thế kỷ XIX) cũng sử dụng. Ở nước ta thì có mũi tên đồng (từ cây nỏ) trong truyền thuyết An Dương Vương bắn kẻ xâm lược. Chàng Thạch Sanh hiên ngang trong cổ tích giương cung bắn đại bàng hay loại trừ cái độc ác, cái phản động cứu công chúa cũng là cứu cái đẹp, cái tốt, cái giàu sang, vương giả!

Là loại vũ khí cổ xưa đơn giản mà rất hiệu quả trong việc sát thương đối phương, cấu tạo cung gồm cánh cung, dây cung và mũi tên. Thuở ban đầu cánh cung và mũi tên được làm bằng các vật liệu như tre,gỗ; dây cung được bện bằng da, gân, ruột thú… Châu Á thời trung cổ, theo nhiều sử sách, cây cung thường được làm bằng gỗ cây dâu, mũi tên làm bằng cỏ bồng. Ngày nay vẫn còn thành ngữ cổ “Tang bồng hồ thỉ” thì “tang” là cây dâu; “bồng” là tên một loại cỏ tức cỏ bồng; “hồ” là cây cung và “thỉ” là mũi tên. “Tang hồ bồng thỉ” chỉ cây cung làm bằng cành dâu, mũi tên làm bằng cỏ bồng để nói về chí kẻ làm trai. Ở châu Âu cung tên được làm bằng gỗ thông đỏ, đầu mũi tên bịt sắt, đuôi gắn lông chim để chỉnh đường bay.

image003.jpg -1
Tranh minh họa Kỵ binh Mông Cổ!

Theo lối chiết tự chữ Hán thì chữ “trung” nghĩa là giữa, mang hình tấm bia có mũi tên xuyên vào giữa. Tức cung tên rất được coi trọng, vừa mang nghĩa trung tâm, vừa mang nghĩa tấm lòng. Chữ “hầu” chỉ phẩm tước cao quý (hầu tước) có hình chữ “thỉ” biểu hiện mũi tên hướng về phía chiếc bia. Người phương Đông cổ coi trọng “võ dũng”, trong đó thủ lĩnh dứt khoát phải giỏi bắn cung tên (thiện xạ). Bắt đầu được sử dụng rộng rãi vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, cung tên được xem là binh khí hàng đầu.

Thời nước Ngụy, bắn cung tên được coi trọng đến mức lấy làm căn cứ để xác định thắng thua trong hình luật. Khi hai người tranh chấp đưa nhau ra tòa, quan tòa xử bằng cách đưa đến trường bắn cung thi, người bắn giỏi hơn được coi là bên thắng kiện. Người xưa coi bắn cung vừa là võ thuật vừa là chiến thuật. Trong binh pháp của Trần Hưng Đạo, phần “Phép bố trận tác chiến” ghi lại: Mỗi khi đánh thì cho giáo trường ở trước, ngồi mà không được đứng lên. Thứ đến cung rất mạnh, rồi đến nỏ rất mạnh, quỳ gối để chờ.

Sức lan tỏa của cung tên còn lan sang cả văn hóa đạo đức. Nho gia quan niệm bậc sĩ phu phải tinh thông vì đó là phương pháp tu thân dưỡng tính của người quân tử. Đây là một quá trình suy ngẫm, tích lũy để trưởng thành. Bắn cung thành công hay thất bại nằm ở chỗ có điều chỉnh được thân và tâm của mình hay không. Trong “Lễ ký” còn nói “bắn mà không trúng, tự xét lại mình”. Trong “Luận ngữ”, Khổng Tử nói: “Quân tử vô sở tranh, tất dã xạ hô” (Quân tử không tranh đua với ai, nếu có chỉ nên đua bắn cung).

Như vậy cung tên dùng trong chiến đấu, võ thuật, trong thể thao, trong rèn luyện đạo đức, còn làm phương tiện đối thoại. Các phim cổ trang phương Đông vẫn có hình ảnh ngoài trận tiền, các bên giao chiến dùng cung tên bắn thư cầu hòa hay thách thức. Các chàng công tử dùng cung bắn tên kẹp lá thư tình gửi các cô gái cấm cung trên lầu cao. Hầu như ở mọi nền văn hóa, biểu tượng cung tên được nhấn mạnh hơn ở nghĩa tinh thần. Ở Ấn Độ cổ nó gắn liền với các nghi lễ thụ phong hiệp sĩ. Ở Nhật Bản, ngoài là phương tiện chính để rèn luyện võ thuật, còn là thước đo của phẩm chất võ sĩ.

Cây cung nặng thế nào? Trong “Lịch triều hiến chương loại chí” (phần “Binh chế chí”) Phan Huy Chú mô tả các cuộc thi võ thì giương cung “bằng 55 cân (tức 33,25kg ngày nay), hoặc 45 cân (tức 27,2kg), phải giương đẫy sức... Bắn bộ thì dựng cái đích cách 80 bước (tức 160m)”. Soi vào sử thi “Ôđixê” của Hômerơ thì cung thời cổ đại có vẻ nặng hơn. Trong đoạn Uylitxơ trở về đánh bại 108 kẻ cầu hôn vợ, có chi tiết nhà Uylitxơ loan báo ai giương nổi cây cung và bắn một phát xuyên qua lỗ của 12 chiếc rìu sẽ được lấy Pêlênốp làm vợ. Tất cả số cầu hôn không ai giương nổi. Uylitxơ xuất hiện cầm cung và giương nhẹ nhàng rồi bắn trúng vào đích. Chàng cởi bỏ trang phục giả dạng cùng con trai trừng trị bọn cầu hôn đểu giả…

Tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” tôn xưng ba tướng quân bắn cung giỏi nhất là Hoàng Trung, Triệu Vân, Lữ Bố, trong đó Hoàng Trung đứng đầu với phát bắn trúng vào đỉnh mũ giáp của Quan Vũ khi cả hai đang cưỡi ngựa tốc độ cao. Quả là kỳ tài. Đây là phát bắn cung trả ơn Quan Vũ đã không giết Hoàng Trung trước đó.

Hình như văn minh hôm nay vẫn chưa vượt được thời xưa, sau nhiều cải tiến, vũ khí tên lửa hiện đại lại quay về mô hình mũi tên ngày trước!

Nguyễn Thanh Tú
.
.