Đà Lạt nhìn từ trên cao

Thứ Năm, 15/09/2022, 18:16

Khi bước vào cabin cáp treo từ TP Đà Lạt lên Thiền viện Trúc Lâm tôi mới hay có một cư sĩ đã ngồi trước đó. Mây trắng từ đâu cuộn về tung tỏa. Gió ù ù dội từ trên núi cao. Lúc này câu thơ của Bùi Giáng chợt hiện về trong tôi: "Em về nhanh cho mây trắng buông màn...". Bất ngờ cabin chao mạnh rồi vút lên cao. Hai cô gái ngồi bên rú lên hoảng sợ. Cư sĩ ngồi trước im lặng như một pho tượng.

Ngọn núi Phượng Hoàng

Hình như gió đã ghìm tốc độ của hệ thống cáp treo làm cabin lắc lư đến hoa mắt. Chúng tôi giữ chặt tay vào thanh sắt chắn ngang chỉ sợ cabin lộn nhào. Đường dây ì ạch bò lên cao. Cư sĩ ngồi trước mặt tôi không hề xao động. Hai bàn tay ông chắp trước ngực. Chiếc áo màu ghi nhạt cũng im phắc theo ông. Người cư sĩ hít thở đôi mắt lim dim. Chúng tôi cũng thấy an lòng vì sự bình thản nhiên của ông ngồi bên cạnh. Hai cô gái thấy thế cũng không reo lên mỗi khi có cơn gió táp mạnh. Tôi cũng cố ghì lấy thành sắt nhưng trong lòng vẫn thấp thỏm mỗi khi cabin giật lên qua mối nối. Tôi đá mắt ra phía ngoài sau cửa kính khi có một đám mây bám quanh cabin. Có lẽ chính vì thế mà tốc độ dây cáp treo càng chậm lại.

Đà Lạt nhìn từ trên cao -0
Đà Lạt nhìn từ trên cao.

Hai cô gái vội lấy máy điện thoại chụp vội những cảnh mây bay và rừng thông ngả nghiêng phía dưới. Người cư sĩ ngồi tĩnh lặng trong sự chao đảo của cơn gió rừng. Tôi ngắm ông thiền mà thấy thèm sự tĩnh tại ấy. Thế rồi cabin chậm chạp dừng lại khi tới ga. Chúng tôi vội rảo chân ra nhanh khỏi cabin. Các cô gái cười ríu rít rồi chúi mũi vào chiếc điện thoại. Khi ngước lên bậc đá lên Thiền viện tôi thấy vị cư sĩ với cặp kính trắng đã hiện ra phía trước từ lúc nào đó. Ngỡ ông đi rất chậm mà sao tôi vẫn phải vội bước theo mới kịp.

Mái ngói cong của Thiền viện hiện ra trước mặt. Những sợi mây vẫn còn cuốn lại trên đầu rồng. Đây chính là đỉnh núi Phượng Hoàng. Người ta kể Hòa thượng Thích Thanh Từ khi còn tu ở dưới chân núi luôn mong ước xây một ngôi chùa lớn để tu tập các phật tử. Một đêm ngài nằm mơ khi được con chim Phượng cõng ngài bay lên ngọn núi này. Khi tỉnh giấc vừa buông tay rời khỏi cổ chim Phượng, ngài thấy mình ở trên ngọn núi bên hồ mây xanh ngát rừng thông. Một ngôi chùa lớn hiện lên trong tưởng tượng và ngài đã cất tiếng thét giữa trời cao vì niềm vui. Bởi nơi đây chính là chốn linh thiêng: "Chim vẫn bay quanh từ vạn kỷ/ Gió thật xưa, mây thật già nua".

Thiền viện được xây đúng như ngài tưởng tượng trong giấc mơ. Phượng Hoàng Sơn tĩnh lặng bên hồ Tuyền Lâm xanh trong. Phật tử phải vượt 140 bậc thang từ hồ lên Thiền viện. Một không gian rộng lớn chừng 24 mẫu tạo nên bốn khu tách biệt trong Thiền viện. Kiến trúc cổ và tĩnh lặng bên những vườn hoa và những bài thơ khắc trên đá. Thỉnh thoảng tiếng chuông ngân lên trong nhịp mõ thiền tự thanh tịnh. Giữa chính điện là bức tượng Phật Thích Ca cao 2m. Tay phải ngài cầm cành hoa sen đưa lên như một biểu tượng Phật giáo. Đã có một hòa thượng tới đây khắc ghi câu thơ: "Ta về bên đỉnh gió/ Làm bạn với mây ngàn/ Nghe đất trời mở ngõ/ Hiện giữa lòng thênh thang" (Như Nhiên).

Tôi đang thả hồn bên vườn hoa cúc vàng rợi bỗng sững người khi lại thấy cư sĩ nọ xuất hiện phía bên góc Thiền viện. Thì ra ông lên đây dự một lớp học phật pháp mới mở. Họ tản mát đứng dọc hành lang học viện. Tôi tới gần vị cư sĩ nọ chắp tay chào như đã thân quen từ lâu. Ông mỉm cười rồi chắp tay miệng nói: "A di đà phật". Tôi ngập ngừng hỏi ông như trong mơ vậy: "Bài học hôm nay của thầy là gì?". Ông trả lời thản nhiên: "Vẫn thế thôi!". Tôi mung lung chưa hiểu ý cùa câu trả lời thì ông nói tiếp: "Chúng ta luôn luôn đi tìm mình và tìm câu trả lời rằng mình là gì? Vậy thôi". Tôi càng ú ớ khó hiểu. Bất ngờ ông đọc mấy câu thơ: "Với mây trời du thủ/ Sau một ngày rong chơi/ Kết mây làm gối ngủ/ Buồn, vui…bỏ bên đời". Tiếng chuông ngân nga truyền ngang vách núi ngỡ như không hề dứt âm thanh.

"Mưa nguồn" trong vườn tượng

Câu chuyện của cư sĩ trên Thiền viện ám ảnh tôi cho đến khi về tới nhà sáng tác Đà Lạt. Nhưng không hiểu sao tôi rẽ ngang vào khu vườn tượng của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng ngay bên đường Yên Thế. Đúng là cuộc du ngoạn vô định. Nhưng có lẽ những câu thơ của Bùi Giáng (1926-1998) đã dẫn dụ tôi thì đúng hơn.

Bởi lẽ nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã tạc tượng nhà thơ Bùi Giáng, một người đã từng theo chùa ở Thiền viện Vạn Hạnh tại Sài Gòn xưa (750 Nguyễn Kiệm - Phú Nhuận). Vườn tượng văn nhân của Phạm Văn Hạng ở TP Đà Lạt có một không hai ở nước ta. Ông tạc hàng chục văn nghệ sĩ nổi tiếng và từng là bạn kết giao từ hàng chục năm trước. Đặc biệt là tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhà thơ Bùi Giáng nổi bật trong khu vườn hàng trăm mét vuông. Cả hai thiên tài này đều là phật tử từ khi còn trẻ và gắn bó sự nghiệp sáng tác của mình với Phật pháp.

Dường như lần nào tới Đà Lạt tôi cũng tới đây chiêm ngưỡng lại những bức tượng về tình yêu và triết lý nhân sinh. Đúng như cư sĩ tôi vừa gặp tại Thiền viện Trúc Lâm. Ông nói cái lẽ hành trình tu tập thiền tịnh chính là đi tìm lại mình. Cuối cùng để trả lời câu hỏi: Cái gì là thật mình? Và đó chính là hành trình ngộ đạo. Những câu thơ của Bùi Giáng thấm đẫm thiền tự trong "Mưa nguồn" mà nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng muốn thể hiện trên đồi cao.

Đà Lạt nhìn từ trên cao -0
Góc Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt

Quả nhiên ngắm bức tượng Bùi Giáng của Phạm Văn Hạng mà người ta thấy đạo trong thơ được soi sáng: "Ùn lên ngọn nước bốn mùa/ Núi phơ phất tuyết cổng chùa tịch liêu/ Hai hàng phượng đỏ dấn liều/ Từng cơn quạnh quẽ nắng chiều rỉ hoen" (Mưa nguồn). Bởi lẽ nhà thơ từng nói đạo Phật là một bài thơ. Ông đã viết: "Nửa đời bỏ lạc thâu canh/ Nửa linh hồn bỏ nước xanh lên bờ/ Khổ đau về chẳng hẹn giờ/ Hoang liêu phố rộng bước hờ hững đi" (Mưa nguồn).

Hạnh phúc đối với Bùi Giáng cũng được thể hiện mơ màng, huyễn mộng qua đôi mắt ông. Ánh sáng từ đá đã bừng lên: "Chiều bên lá lung lay vàng cửa khép/ Bóng trời sa trùm phủ tiếng em cười". Bức tượng của Phạm Văn Hạng mang yếu tố thiền là vì vậy. Nét thần thái cùng phong vị thâm sâu trong thơ thiền của Bùi Giáng ẩn sâu trong bố cục chân dung tượng đá. Kể cả khi ông bị rối loạn tâm thần thơ vẫn được chiếu rọi qua ánh sáng Phật pháp: "Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt/ Tôi đui mù cho thỏa dạ yêu em". Cũng từ đó ông sống độc thân và thỉnh thoảng lên cơn điên. Bùi Giáng sống trọn đời với thiên nhiên, thơ và rượu: "Sương với bóng bay về trên cỏ nội/ Bủa mịt mờ ảo mộng lạnh bốn bên" (Mưa nguồn).

Flycam

Có lần tôi đã theo một Youtuber theo dõi Flycam từ trên cao ngắm nhìn cánh rừng thông và dòng suối Cam Ly. Ngày nào anh ta cũng quay một góc nào đó của Đà Lạt để cho mọi người xem. Anh say sưa kể cho tôi nghe về những cánh rừng thông điệp trùng hiện ra trước mắt nhà thám hiểm, bác sĩ Yersin vào năm 1893. Bản tình ca "Thương về miền đất lạnh" (Minh Kỳ) bao giờ cũng là nền nhạc cho mọi video của anh. Flycam quay cận cây thông cô đơn hiện ra giữa ngã ba tình yêu thì cùng lúc đó lời ca vang lên: "Cam Ly vô tư lên tiếng than muôn đời/ Thông reo vi vu than thở như ngậm ngùi/ Lữ khách bâng khuâng, thương nhớ vô vàn/ Cuộc tình duyên nàng trinh nữ".

Trước mặt chúng tôi lấp lánh ánh bạc của dòng thác Cam Ly. Anh chàng Youtuber nói dòng suối Cam Ly xuất phát từ cao nguyên Lâm Viên là nguồn cội tạo nên TP Đà Lạt. Cam Ly đã tạo nên gương mặt của Đà Lạt bắt đầu từ hồ thủy điện Đan Kia (chân núi Lang Biang) tới thác Cam Ly. Sau đó là Hồ Xuân Hương và Hồ Than Thở. Bất chợt Flycam dừng hình lại một dẫy hoa Mimoza vàng rực một cung đèo. Giai điệu bài ca "Mimoza" (sáng tác Trần Kiết Tường) bất ngờ vang lên thật dịu dàng: "Mi-mô-za! Từ đâu em tới? Mi mô za! Vì sao em tới đất này? Đà Lạt đồi núi chập chùng/ Đà lạt trời mây nước mênh mông". Tôi mụ mị với cảnh sắc huyền ảo bao la ngỡ mình cũng đang bay trên cao ngắm Đà Lạt vàng ươm trong sắc hoa Mimoza.

Vương Tâm
.
.