Cuốn sách thứ 95 của nhà văn Hà Minh Đức

Thứ Bảy, 23/03/2024, 15:17

Ở tuổi 90, anh Hà Minh Đức đã là tác giả của 95 đầu sách. Chất lượng nhiều khi cũng cần được biểu hiện bằng số lượng. Như tuổi tác cũng cần để thể hiện sự sống có ích. Anh là cây đại thụ chẽ hai cành hoa trái sum suê. Một người thầy, một nhà văn, một nhà nghiên cứu, một nhà sáng tác.

1.

Sinh năm 1935, sang năm 2024 này vừa tròn 90 tuổi ta, đã lên bậc thượng thọ mà nhà văn Hà Minh Đức vẫn còn minh mẫn, sáng láng lắm. Ngoại trừ một bên mắt sút kém về thị lực, còn nhìn chung thể trạng và sắc diện vẫn tươi tắn và đầm ấm. Và quan trọng hơn, anh vẫn dồi dào năng lực sáng tạo, vẫn có mặt đều đều trong các hoạt động văn hóa văn nghệ cộng đồng.

Cuốn sách thứ 95 của nhà văn Hà Minh Đức -0
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, nhà văn Hà Minh Đức.

Tháng 12/2023 vừa rồi, tham dự Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội, Hà Minh Đức được mời nhân danh một nhà văn lão thành phát biểu ý kiến. Lên diễn đàn, y chang phong cách một nhà giáo lâu năm, anh nói tay vo liên tục gần hai mươi phút.

Xong phần chào mừng, anh nói về thành tựu của Liên hiệp, phân tích rành rẽ nguyên nhân, lại phác thảo chân dung những văn nghệ sĩ tiêu biểu. Liền một hơi, không giấy tờ mà rành rẽ, phân miếng, mà tràn đầy cảm xúc, cuốn hút. Đến mức anh phải ngưng nghỉ ba lần vì cử tọa cùng cả trăm người vỗ tay hưởng ứng rầm rầm.

Trong các nhà văn ta, có một số người viết hay mà nói năng cũng rất tài. Như Nguyễn Đình Thi, Hữu Thỉnh… Hà Minh Đức là một trong số này. Hơi văn của anh, giọng nói của anh, tiếng lòng của anh điềm đạm, chân tình, dung dị ấm áp và có duyên riêng.

2.

Đầu năm 2024 này, nhà văn Hà Minh Đức công bố cuốn sách mới xuất bản. Cuốn hồi ký mang tên "Dòng ký ức ánh sáng", với phụ đề "Chuyện thường nhật". Dày hơn 180 trang, với hơn 20 tiểu mục, gồm hồi ức và các tư liệu quý về tác giả. Lần giở từng trang sách, chỉ cần đọc tên các tiểu mục cũng đủ thấy nội dung phong phú và hấp dẫn của nó: “Làm học trò của các thầy” (Sư phạm văn khoa 1954-1957); “Tôi làm Báo Sinh viên” (1956-1957); “Hà Nội có phong trào nhảy” (sau tháng 10/1954); “Tôi làm tập Hồi ký của 43 nhà báo thế kỷ 20: Thời gian và nhân chứng”; “Thưa mẹ, mẹ đi xa mãi không về”; “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” (Chuyện du lịch kỳ thú); “Ông dắt tôi đi khắp các nẻo đường” (Kỷ niệm về nhà thơ Huy Cận)…

Hiển nhiên rồi, việc tổng kết, thống kê các thành tựu trong cuộc đời sáng tạo của nhà văn Hà Minh Đức không phải là mục đích của cuốn sách này. Giải thường Hồ Chí Minh năm 2012 và các giải thưởng cùng sự tôn vinh khác đã làm việc đó. Nhưng lời hay ý đẹp đánh giá anh cũng đã tràn ngập trong trang sách báo cả hàng chục năm nay rồi. Tuy vậy, với riêng tôi và bạn đọc văn chương quen thuộc, cuốn sách nhỏ mang tên phụ là "Chuyện thường nhật" này, vẫn có ý nghĩa là để mình hiểu thêm tài năng, tâm hồn và nhân cách của một nhà văn mà mình vẫn hằng yêu mến và kính trọng.

Chẳng hạn, đọc mấy chục trang đầu cuốn sách, qua những dòng hồi ức thời còn là sinh viên của anh, sẽ thấy anh là một người tôn sư trọng đạo hết mực và được đào tạo thật cơ bản. Chẳng hạn, đọc những kỷ niệm của anh với nhà thơ Huy Cận, thêm một lần nữa tôi và bạn đọc nhận ra niềm trân trọng chính là cảm hứng cội nguồn khiến anh dồi dào năng lực hoàn thành bộ sách đặc sắc gần chục cuốn chuyên luận về các nhà thơ, nhà văn tiền chiến và tiêu biểu.

Chi tiết nhỏ nói lên cái tổng thể cần biết. Sự kiện giản đơn ánh lên cái cảm xúc toàn thể. Thành ra, riêng tôi, thật sự là đã hơn một lần cảm phục anh khi biết rằng, ròng rã suốt mười năm trời, với tầm nhìn xa trông rộng, với khả năng của một nhà quản lý tầm cỡ, anh đã hoàn thành trách nhiệm chủ biên bộ sách "Thời gian và Nhân chứng" 3 tập, dày cả nghìn trang, tạo nên một sự kiện lịch sử trong làng văn làng báo…

Anh là một nhà khoa học, một nhà văn vừa chịu thương chịu khó, chăm chỉ, gần gụi, mến thương, vừa uyên bác tài tình và sở hữu một đời sống tinh thần tình cảm thật sự là rất phong phú. Một con người yêu văn chương, một tình yêu như định mệnh, và đã đem cả đời mình tận tâm, tận lực hiến dâng toàn bộ cho vẻ đẹp cao quý của nó. Gấp sách lại, đó là hình ảnh Hà Minh Đức in sâu trong tâm khảm tôi.

3.

Ở tuổi 90, anh Hà Minh Đức đã là tác giả của 95 đầu sách. Chất lượng nhiều khi cũng cần được biểu hiện bằng số lượng. Như tuổi tác cũng cần để thể hiện sự sống có ích. Anh là cây đại thụ chẽ hai cành hoa trái sum suê. Một người thầy, một nhà văn, một nhà nghiên cứu, một nhà sáng tác. Cả trong hai nghề, anh là nhà khoa học có tâm có tầm. Một cây bút lý luận chuyên nghiệp sắc sảo. Một hồn thơ tinh tế. Một tâm tình đa đoan, đa sự đa tình trong truyện ngắn và một tác giả bút ký nhạy cảm tài hoa.

Cuốn sách thứ 95 của nhà văn Hà Minh Đức -1
Một số cuốn sách của giáo sư Hà Minh Đức.

Cũng thuộc trang lứa U90 cùng anh, bấy lâu gần anh mà tôi vẫn băn khoăn, chưa kịp hỏi: Sao trước tác của anh lại phong nhiêu đầy đặn thế? Bí quyết nào giúp sức sáng tạo của anh dạt dào vậy? May thay, lời giải đáp trí tò mò và thắc mắc ấy của tôi giờ đã có ở trong cuốn sách này.

“Nhìn lại công việc làm đã nhiều. Tôi say mê với việc nghiên cứu và sáng tác, dường như không để cảm hứng đứt quãng vì những chuyện không vừa ý, chuyện riêng buồn nản. Tôi không nghiện cà phê, thuốc lá, rượu, mà sống giản dị, điều độ, điều độ trong cuộc sống và công việc. Một cuộc sống như thế có thể có người cho là tẻ nhạt. Biết làm sao được khi đã trở thành một nếp sống, một thói quen. Tôi trân trọng và yêu quý những tài năng trong văn nghệ, báo chí và muốn làm người thư ký cho các anh, giúp các anh để lại cho đời những kỷ niệm, những phẩm chất, tài năng. Làm được điều gì có ích tôi không ngại ngùng, vì nói như thầy tôi, trong mỗi công việc mình làm đều học tập được, đừng để cái hay, cái có ích trôi qua".

Đó là mấy dòng tâm sự nhà văn bộc lộ sau khi kể lại quá trình hoạt động văn học của mình trong một bài viết của anh. Thì ra, tất cả đều vô cùng giản dị và rõ ràng. Một tài năng đã biết bỏ qua tất cả những phiền tạp để hướng đến mục tiêu duy nhất là sự có ích cho cuộc đời. Một cách sống có vẻ bề ngoài đơn điệu nhưng thật sự là trong trẻo, hồn hậu, nhưng tự tin, giàu bản lĩnh và kiên cường. Một cốt cách nhà sư phạm mẫu mực, bình đạm, phảng phất vẻ ung dung tự tại, "vô cầu phẩm tự cao". Bếp núc của nghề nghiệp như thế xem ra thì đơn giản mà không phải ai cũng đủ gan góc chuyên tâm. Mạnh mẽ gì bằng một nếp sống, một thói quen đã định hình một cách có ý thức!

4.

Không kể những cuốn giữ cương vị chủ biên, Hồi ký "Dòng ký ức ánh sáng" là cuốn sách thứ 95 của nhà văn Hà Minh Đức. Tuy nhiên, nó không phải là cuốn sách duy nhất được xuất bản năm 2023. Cùng năm này, nhà văn còn cho chào đời 3 cuốn nữa: "Tuyển tập truyện ngắn", "Phố cổ đêm chiến tranh", "Bút ký và Du ký". Chưa kể, một cuốn nữa dự định sẽ “ra lò” vào năm 2024. Một sức viết bùng nổ, một hiện tượng kỳ thú và kinh ngạc ở thời kinh tế thị trường. Để xuất bản một cuốn sách văn học là cả một công việc nhọc nhằn, vì ai cũng biết, trong giới văn nghệ, nhà văn là kẻ ngọ ngằn nhất về tiền bạc.

“Sách của mình bán được!” - đó là câu trả lời ngắn gọn và hay nhất của Hà Minh Đức cho câu hỏi của mọi người và tôi, khiến tôi như vỡ lẽ ra một nhận biết rất hệ trọng gì đó. Tuy nhiên, thấy tôi nheo nheo mắt tỏ ý nghi ngờ, anh liền ghé tai tôi như nói thầm: “À, tất nhiên là cũng có Mạnh Thường Quân nữa!”. Và tôi lập tức thở phào: Ôi! Thế thì tôi hiểu rồi!

27/1/2024

Ma Văn Kháng
.
.