Cốt cách một nhà thơ Xứ Nghệ

Thứ Ba, 15/08/2023, 14:17

Trong các nhà thơ xứ Nghệ mà tôi quen biết, tôi thích cái thẳng thắn, rạch ròi mà sâu xa của nhà thơ Võ Thanh An.

Sinh thời Võ Thanh An hay đến gõ cửa phòng làm việc của tôi tại tòa soạn Báo Tiền Phong số 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội để bảo tôi đi uống rượu hay đọc cho tôi nghe bài thơ ông vừa sáng tác.

Dạo đó, ông làm biên tập ở Báo Văn nghệ, cũng gần với tòa soạn Báo Tiền Phong. Võ Thanh An thường đi bộ qua chỗ tôi. Có hôm tôi đang họp, ông vẫn đi vào và nói khá to: “Nghe thơ, nghe thơ... Họp hành gì lắm thế!”. Tôi tạm dừng cuộc họp, mọi người nghỉ giải lao và mời ông vào phòng làm việc của tôi. Tôi lấy chai rượu ngoại trong tủ đựng tài liệu định rót một chén mời ông, ông xua tay: “Nghe thơ... nghe thơ... rượu chè để sau”.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là bài thơ “Sấp, ngửa”:

Mở mắt ra
Gặp toàn những người khôn!
Nhắm mắt lại
Chao ôi, bao người dại!
Ngửa bàn tay lên,
Lật bàn tay lại,
Mặt trắng, mặt đen, hai phía cũng tay mình

Tôi khen: “Hay, hay”.

Võ Thanh An không nói gì nhưng, gương mặt ông rạng rỡ niềm vui...

Cốt cách một nhà thơ Xứ Nghệ -1
Nhà thơ Võ Thanh An.

Tôi quen Võ Thanh An từ dạo ông còn làm việc ở Bộ Điện Than (tên cũ). Vì tôi có nhiều năm làm Trưởng ban công nghiệp Báo Tiền Phong nên thường qua lại bộ này. Võ Thanh An học hai năm tiếng Nga trong nước rồi làm phiên dịch cho các chuyên gia của ngành điện. Sau đó Võ Thanh An làm ở ban thi đua của bộ trước khi chuyển về Báo Văn nghệ. Tôi thích cái cốt cách xứ Nghệ của Võ Thanh An. Cựu Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng là người xứ Nghệ có những nhận xét về Võ Thanh An theo tôi là khá chuẩn: “...Anh là một con người xứ Nghệ nguyên chất; nguyên chất từ con người đến tên gọi (Xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương; tỉnh Nghệ An). Anh giữ trọn phong cách lối sống xứ Nghệ giữa Thủ đô... Là người mà quyền lực và tiền, vàng không bao giờ chi phối được dù chỉ là vài lời xã giao...”.

Võ Thanh An tên thật là Trần Quang Vinh, quê gốc ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Nghe nói cái tên Võ Thanh An là do nhà thơ Phạm Tiến Duật đặt cho ông. Sinh thời, ông cũng chưa tặng tôi tập thơ nào, tôi chỉ đọc thơ Võ Thanh An trên báo, hay ông đọc cho tôi nghe. Gần đây con trai ông, nhà thơ Trần Vũ Long có gửi cho tôi tập thơ của ông “Hoa trăm miền” (NXB Hội Nhà văn, 2020). Đọc “Hoa trăm miền” mới biết thơ Võ Thanh An phong phú, nhiều đề tài, nhiều ý tưởng...

Làm việc ở Bộ  và Điện Than (trước đây) nhiều năm nên Võ Thanh An có nhiều bài thơ về đề tài này. Nhưng, không hề gượng gạo, khô khan mà nhiều bài giàu chất thơ. Hình ảnh người thợ đốt lò trong thơ ông sinh động và không dừng lại ở đó:

Cửa lò hé mở
Than rơi, than rơi
Lửa chồng lên lửa
Áo cũng lên hơi
Ngỡ làn khói mỏng
Cháy từ mồ hôi...
...Anh thợ lò ơi
Cửa lò anh đứng
Như cửa mặt trời
Bóng anh trải rộng
Như đám mây trôi...

                                (Anh thợ đốt lò).

"...Nâng hòn than trên tay/ Ôi hòn than mầu mỡ/ Nghe như còn hơi thở/ Triệu năm dưới đêm dày" (Ý nghĩ về than). Là thơ đấy! Cảm, nhận, gợi, mở nhiều ý tưởng cho người đọc...

Mảng thơ của Võ Thanh An viết về thế thái nhân tình được nhiều người, trong đó có tôi thích, nhiều bài thơ của ông đến nay tôi vẫn thuộc lòng.

Thơ Võ Thanh An nhiều triết luận, triết lý nhân sinh. Nhưng là triết lý dân gian dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hiểu mà sâu xa, thâm trầm. Khác với thứ triết lý mơ hồ, vụn vặt mà ngày nay nhiều người làm thơ đang theo đuổi. Bài thơ “Thằng Bờm” là một ví dụ điển hình:

Thằng Bờm với cái quạt mo
Sống trong thiên hạ vô lo trọn đời
Trọn đời không nợ nần ai
Không quyền chức để gọi ngài xưng ông
Không sang trọng, chẳng bần cùng
Không mưu mánh, đừng ai mong phỉnh phờ
Bờm rằng không ruộng chẳng bò
Màng chi trâu nái với đồ gỗ lim
Bờm rằng: Chẳng dễ gì tin
Cả đến vật quý như chim đồi mồi
Bờm rằng đứt bữa, hụt hơi
Lắc đầu chê hết, thấy xôi Bờm cười
Bờm rằng: Bờm đã ngán rồi
Những câu ngon ngọt loại người phú ông
Nói như cho núi, cho sông
Mà mảnh mo quạt thì ông cố giành...

                                (Thằng Bờm)

Thằng Bờm là hình tượng tuyệt vời mà dân ta đã xây dựng lên đã sống cả ngàn năm nay và sống mãi với thời gian. Bao nhiêu triết lý sâu xa trong hình tượng thằng Bờm: “Soi trong thế thái nhân tình/ Con người lạ nhất là anh chàng Bờm/ Gọi thẳng là để yêu hơn/ Chứ con người ấy sống ngàn năm nay... Sống cùng tiếng hát dân gian/ Mặc ai chê dại trách gàn mặc ai...” (Thằng Bờm). Hình tượng thằng Bờm được soi chiếu qua bài thơ của nhà thơ Võ Thanh An càng giàu triết luận sâu xa hơn! Thơ là người! Đọc thơ để thấy người. Con người giầu cốt cách xứ Nghệ Võ Thanh An hiện lên sinh động qua nhiều bài thơ, nhiều câu thơ ông viết:

Đã quen ngồi giữa bạn bè
Đêm nay lặng lẽ một be, một mình
Bốn bề thin thít lặng thinh
Vui buồn thế thái nhân tình đều suông...
...Một mình rót, một mình khà
Một mình nhấm nháp bao la chuyện buồn
Bao nhiêu là dại với khôn
Bay theo hương rượu đời còn vỏ chai
Này là đúng, này là sai
Nhìn xuống đáy chén có ai ngoài mình

(Uống rượu một mình)

...Chén vui miệng run rẩy
Chén buồn bước liêu xiêu
Nhầm đường rồi lạc ngõ
Thân xác đến tiêu điều...
...Tung chén cho trời say
Giọt cuối cùng để lại
Nào bạn ơi đứng dậy
Đủ rồi, men đắng cay

(Với người bạn say)

Cốt cách một nhà thơ Xứ Nghệ -0
Bìa cuốn “Hoa trăm miền” của nhà thơ Võ Thanh An.

Theo cựu Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: Thời trẻ Võ Thanh An “nghiện” ba thứ: trà đặc, rượu mạnh và đi nhiều nhưng khi về già thì: cơm rau, nước lọc và ngồi thiền! Có lần Võ Thanh An đến chỗ tôi, tôi rót rượu mời, Võ Thanh An cầm chén rượu lên lại đặt xuống, ngồi bần thần, tôi gạn hỏi ông mới nói: vợ ông bị bệnh thận. Chắc mọi người đều biết gia đình nào có người nhà phải chạy thận đều rất tốn kém và mệt mỏi lắm! Tôi đến thăm, thấy vợ ông nằm trên giường bệnh có vẻ khá nặng, tôi đưa ông cái phong bì ông xua tay không nhận. Khi Võ Thanh An đi ra ngoài phòng tôi mới quay lại đặt cái phong bì đầu giường vợ ông nằm!

Võ Thanh An sinh năm 1942, hơn tôi 4 tuổi, nhưng chúng tôi coi nhau bằng vai phải lứa, tôi ít khi gọi tên ông, chỉ chào NHÀ THƠ, còn ông gọi thẳng tên tôi mỗi lần gặp nhau: “Kỳ Anh... Dương Kỳ Anh...”. Ông là người nhìn bề ngoài cỏ vẻ “gàn” nhưng thực ra là người sống tình cảm, nhân ái, biết quan tâm đến người khác. Đọc thơ ông càng thấy rõ điều này:

... Đã có câu “sống gửi thác về”
Tôi vẫn không nguôi nỗi buồn nhớ bạn
Biết rõ kiếp người chỉ là hữu hạn
Mấy ai tới được cõi vô biên.
Trót làm thi nhân lắm nỗi ưu phiền
Danh lợi bạc tiền đã coi vô nghĩa
Còn chút si mê, cũng là trần thế
Nghiệp chúng mình còn duyên nợ bạn ơi
Sao bạn nỡ đi bỏ lại chúng tôi...

                                (Viếng bạn thơ)

... Giận mình rậm tiếng, ham lời
Vui trào nước mắt buồn thời đậm mi
Như trời đất chẳng nói gì
Bốn mùa cây lá đến thì vẫn hoa

                                 (Động và tĩnh).

Võ Thanh An đam mê thơ: “không phải chỉ là yêu mà trên cả yêu, là cõi THỜ” (trích bài viết đăng trên Báo Văn nghệ). Ông cha mình coi thơ như ngôi đền thiêng, bây giờ hình như người ta coi thơ như quảng trường, nhiều khi khá nhộn nhạo! Tôi xin trích đăng nguyên bài thơ “Chờ trăng” để thấy sinh thời nhà thơ Võ Thanh An đam mê thơ như thế nào:

Ngã lưng xuống bãi cỏ xanh
Có đàn châu chấu đành hanh đến đòi
Ngửa mặt lên ngắm sao trời
Gặp mây lờ lững biết nơi nào dừng
Tuần này trời chậm mọc trăng
Đam mê quên cả sương đầm sang canh.

Nhà thơ Võ Thanh An đã ra đi, đi về cõi vĩnh hằng (ông mất năm 2017- hưởng dương 75 tuổi), nhưng thơ ông ở lại với người đọc, với thời gian... Tôi đã đưa nhiều câu thơ của ông vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (NXB Giáo dục Việt Nam, 2013).

Viết tại nhà vườn Sóc Sơn

Dương Kỳ Anh
.
.