Cồng chiêng - Những âm vọng đối thoại!

Thứ Sáu, 03/06/2022, 14:41

Dưới ánh sáng của lý thuyết đối thoại văn hóa hiện đại, nhân loại như bừng tỉnh một nguyên lý đơn giản: nghệ thuật âm thanh từ cổ xưa chính là sự đáp ứng, là sự thỏa mãn nhu cầu đối thoại. Mà không có đối thoại thì không có con người, không có văn hóa, xã hội...

Ở nước ta, một năm có hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ, có lễ hội nào vắng tiếng trống đâu. Rồi tiếng trống chèo, trống tuồng, trống ma chay... Thành ngữ "Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ" đến nay vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa. Ngày trước chưa có đồng hồ, mỗi hoàng hôn về thường có tiếng chiêng báo hiệu một ngày tàn (Mặt trời gác núi, chiêng đà thu không - "Kiều") từng làm xao xuyến bao tâm hồn thơ ca... Tiếng trống tiếng chiêng ấy trở thành một biểu tượng, một mã văn hóa, nếu mở ra, lắng sâu vào trong có thể tìm thấy những ý nghĩa về tâm hồn, tính cách người Việt, làng Việt.

image001.jpg -0
Cồng chiêng Tây Nguyên.

Tất nhiên không chỉ nghiên cứu thuần túy âm thanh mà còn nghiên cứu về ngôn từ biểu hiện. Ví như thành ngữ "Lệnh ông không bằng cồng bà" vẫn hiểu là quyền của ông không bằng của bà. "Lệnh" có hai cách hiểu, là nhạc khí gõ bằng kim loại đồng, không có núm, giống chiêng, nhỏ hơn cồng (Lệnh làng nào làng ấy đánh). Là "lệnh" bằng ngôn từ phát ra từ một người nào đó.

Có hai nguồn bối cảnh ra đời, một là câu chuyện Bà Triệu Thị Trinh dùng tiếng cồng tập hợp được nhiều quân lính hơn người anh Triệu Quốc Đạt dùng "lệnh" chiêu binh. Hai là phong tục ngày trước nhà trai đến xin dâu bằng "lệnh", nếu đồng ý nhà gái sẽ có tiếng cồng đáp lại. Có cho dâu hay không là do quyền nhà gái. Thì ra âm thanh cồng chiêng gắn bó mật thiết với lịch sử văn hóa.

Đến bây giờ vẫn thế, mùa lễ hội, lễ tết, âm thanh cồng chiêng vang vọng hai vùng văn hóa đặc sắc Tây Nguyên và Hòa Bình vừa như giục giã, vừa như trao gởi, vừa như tâm tình... Nếu không có âm thanh cồng chiêng, văn hóa Tây Nguyên hay văn hóa Mường (Hòa Bình) sẽ nghèo đi rất nhiều. Vì văn hóa cồng chiêng là thành tố cơ bản, là linh hồn làm nên nét đặc sắc Tây Nguyên, đặc sắc Mường. Không chỉ là nhạc cụ truyền thống, còn là "sứ giả" cho các phường xắc bùa (ở Hòa Bình) đi chúc tụng các gia đình vào đầu năm mới, mừng nhà mới. Ngày xưa, vào mùa đi săn, khắp núi rừng vang tiếng cồng chiêng... Cồng chiêng là tài sản quý giá về cả vật chất và tinh thần. Người sở hữu nhiều cồng chiêng được coi là người giàu sang, có uy tín và nắm giữ cả sức mạnh tâm linh.

Ở Tây Nguyên, lễ "Thổi tai" của đứa trẻ rất ý nghĩa. Người ta sẽ đánh cồng chiêng để nó nghe, không thể giải thích theo khoa học vì không có căn cứ lý tính, nhưng nhìn từ tâm linh thì thật đặc sắc. Vì theo quan niệm, đằng sau mỗi âm thanh cồng chiêng là có vị thần bảo trợ. Cồng chiêng càng cổ càng quý vì vị thần "cư ngụ" trong đó càng thiêng, càng có nhiều bùa phép. Thế nên có cái chiêng giá trị bằng hàng chục, hàng trăm con trâu, thậm chí vô giá. Đứa trẻ được "thổi tai" tức được thần bảo trợ. Thần "đi" vào nó theo con đường "thiêng" là lỗ tai sẽ giúp nó cứng cáp, khỏe mạnh, sẽ giàu có, hùng mạnh, và không thể thiếu năng khiếu thẩm âm - một tiền đề của tâm hồn nghệ sĩ. Phải chăng nhờ thế mà mảnh đất Tây Nguyên có nhiều những nghệ sĩ âm nhạc tài danh...

Nhưng chắc chắn, với người Tây Nguyên thì cồng chiêng không chỉ là tài sản vật chất, cao hơn là giá trị tinh thần, tâm linh. Với họ âm vang cồng chiêng biểu hiện sức mạnh, khí thế cộng đồng có thể chinh phục được cả tự nhiên: "Hãy đánh những chiêng có âm thanh hay nhất, những chiêng kêu trầm nhất. Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất, đánh cho tiếng chiêng vang xa khắp xứ. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua nhà, vòng lên trời. Đánh cho ma quỷ mê mải nghe đến quên làm hại con người. Đánh cho chuột, sóc quên đào hang, cho rắn nằm ngay đơ, cho thỏ phải giật mình, cho hươu nai đứng nghe quên ăn cỏ…" (Trường ca Đam San). Phổ theo quan niệm của văn hóa học hiện đại coi nghệ thuật âm thanh cũng là một ngôn ngữ thì tiếng cồng chiêng chính là tiếng của lòng người. Đó là thứ ngôn ngữ để giao tiếp với trời đất, tổ tiên, thánh thần, ma quỷ, với người đã khuất, gọi chung là tiếng nói đối thoại với thần linh.

image003.jpg -0
Cồng chiêng Mường Hòa Bình.

Trong dàn chiêng thì chiêng mẹ (chiêng cái) là quan trọng nhất. Nó là biểu tượng của mô hình một gia đình/bộ tộc thời kỳ mẫu hệ người phụ nữ có tiếng nói quyết định, chi phối các thành viên khác. Thế nên trong các buổi tế lễ âm thanh chiêng cái tham gia với tần số, cường độ nào, mạnh mẽ, hối hả... ra sao là một "thước đo" tính chất buổi lễ. Khi âm vang cồng chiêng nổi lên thì con người mới có thể đến được với thế giới thần linh. Như đám ma của miền đồng bằng, khi tiếng trống cái nổi lên thì đám tang mới chính thức bắt đầu chuẩn bị đưa người khuất núi về với tổ tiên, thì với vùng văn hóa cồng chiêng cũng tương tự.

Nhìn từ tâm linh, âm thanh cồng chiêng có 3 chức năng cơ bản: một là, báo vọng với thế giới tổ tiên chuẩn bị đón thêm "công dân" mới; hai là, mời thần linh về chứng giám hoặc đón rước; ba là, xua đuổi tà ma, quỷ dữ để cuộc "về" được hanh thông. Với các nghi lễ cầu vọng thì chức năng chủ yếu là nói về một thực trạng không như ý và nêu lên khát vọng của con người muốn được nhờ thần linh giúp đỡ. Điều này hầu như trở thành một mô thức chung cho mọi tín ngưỡng trên thế giới. Ví như lễ cầu mưa thì sau khi "trình bày" về thực tế cây cối héo úa, đất đai khô cằn, con người đói khát, trên cơ sở đó đưa ra mong muốn lớn lao là nhờ thần linh giúp có mưa...

Tiếng nói chủ yếu nữa của cồng chiêng là kết nối cộng đồng. Ngay ở thành ngữ vừa dẫn "Lệnh ông không bằng cồng bà" cũng cho thấy cha ông ta ngày trước để tập hợp lực lượng thì phương thức chủ yếu là nhờ con đường âm vọng cồng chiêng. Cơ bản hơn, nó thẩm thấu vào mỗi tâm hồn, như là cơm ăn nước uống, như là hơi thở nuôi dưỡng mỗi cá nhân gắn bó sâu nặng, ân tình, sống chết với cộng đồng mình. Ngày xưa, ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ, tiếng trống lễ hội, tiếng trống đêm chèo từng làm thổn thức, mê đắm bao trái tim.

Với người Tây Nguyên, người Mường Hòa Bình, âm vọng cồng chiêng cũng như vậy. Không chỉ là nghệ thuật âm thanh còn là điểm tựa văn hóa, là sứ giả gắn kết những người con của quê hương bản quán. Do vậy có lẽ hiểu rộng hơn âm vọng cồng chiêng không chỉ là tiếng nói đối thoại cộng đồng mà còn là tiếng nói đối thoại với chính lòng mình. Nó gợi một kỷ niệm, gợi một nỗi nhớ, tái hiện một không gian, nhắc nhở mỗi cá nhân hãy hướng về lòng mình, hướng về tổ tiên, nguồn cội... Nó làm con người ta lớn lên!

Ngày xưa, có một vị tướng phương Bắc tên là Trần Phu mang quân xâm lược nước Việt bé nhỏ nhưng bị đánh cho thảm hại, phải rút bại binh về nước. Sau này mỗi khi nhớ lại âm thanh của tiếng trống đồng mà sợ hãi đến mức tóc bạc thêm, ông ta ghi lại tâm trạng ấy bằng thơ: "Bóng lòe gươm sắt lòng thêm đắng/ Rộn tiếng trống đồng tóc đốm hoa". Có thể viên bại tướng này không phân biệt được các loại thanh âm nhưng sử sách Việt còn ghi lại trong những trận chiến đuổi giặc cha ông ta không chỉ dùng gươm giáo, còn dùng âm thanh, không chỉ trống đồng mà còn là cồng chiêng, thanh la, tù và, chũm chọe... Đến thời đuổi Pháp đuổi Mỹ người Tây Bắc, Tây Nguyên đem âm thanh cồng chiêng cùng bộ đội vào trận đánh...

Nét riêng của văn hóa cồng chiêng, nhất là cồng chiêng Tây Nguyên là đa âm, đa thanh để "đa thoại" tức tạo ra nhiều "tiếng nói". Nó thực sự kỳ vĩ, không chỉ gắn liền với văn hóa mà ở ngay cấu trúc tự thân: nhiều loại hình, đa dạng tiết tấu, phong phú giai điệu... Như một bản hợp xướng tổng phổ hòa âm trong không gian núi rừng nên tự nhiên tạo ra âm hưởng trầm hùng vang vọng đậm tính sử thi. Người bên này sườn núi nghe âm vọng cồng chiêng bên kia núi, thậm chí xa hơn sẽ biết ngay tính chất lễ hội và có quyết định tham gia hay không. Mỗi dân tộc cũng ký thác vào âm thanh cồng chiêng một mã văn hóa riêng, vang vọng hay dữ dội, mãnh liệt; âm thầm sâu lắng hay rộn rã, sôi động...

Chịu sự quy định của không gian địa lý núi rừng có độ dốc lớn, nhiều sông suối, địa hình chia cắt, tập quán mẫu hệ kéo dài, sinh hoạt văn hóa thu hẹp vào các "phường bùa" nên cồng chiêng Mường Hòa Bình chủ yếu do phụ nữ làm chủ. Mang đậm một đặc trưng riêng cồng chiêng Hòa Bình rất xứng đáng được xếp vào Di sản văn hóa nhân loại!

Nguyễn Thanh
.
.