Con quạ bay trong bầu trời văn hóa
Tại sao kết truyện “Tấm Cám” là tiếng kêu của con quạ mà không phải là con khác? Tại sao trong rất nhiều thành ngữ, tục ngữ về chim chóc thì con quạ xuất hiện với tần số cao và thường là biểu hiện cho cái xấu, cái tiêu cực, cái cần phải tránh... Có thể kể ra, “Quạ nào mà chẳng đen đầu” chỉ những kẻ ác thì đều giống nhau, rất khó thay đổi bản chất.
Chê trách kẻ lẳng lơ thì: “Trai thấy gái lạ như quạ thấy gà con”. Nhận xét kẻ thiếu đứng đắn thì “Láo liên như quạ”. Chê bà nào đó hay “to mồm” thì “Quang quác như quạ”. Rồi “Đen như quạ”, “Xấu như quạ”... Lại có câu “Quạ già hót tiếng hoàng anh” gần gũi với câu “Cưa sừng làm nghé”. Hay “Quạ mượn lông công” để chỉ những kẻ mượn cái son phấn đẹp đẽ của người khác che đậy cái xấu xí của mình. Câu chửi chanh chua, cay nghiệt nhất dành cho đối tượng là những loại lăng loàn thì: “Đồ quạ mổ”!
Thành ngữ “Gửi trứng cho ác” có hẳn một câu chuyện đi kèm minh họa: Chim ác là đang ấp ổ trứng bèn gửi cho ác (một tên gọi khác về quạ, trong câu: “Ác tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa) đi kiếm ăn. Được dịp may, quạ ta ăn hết trứng chỉ để lại vỏ. Khi về ác là chỉ còn biết khóc trong tiếng kêu thảm thiết: “Sao nó ác thế, ác ác là!!!”. Từ đó tên chim là “ác là”.
Như vậy trong tâm thức Việt, con quạ biểu tượng cho sự xấu xí, tham lam, độc ác. Người ta ký gửi mọi ác cảm này vào chuyện cổ tích “Công và quạ”. Sau khi quạ trang điểm xong cho công, đến lượt công trang điểm cho quạ thì có bầy chim đến rủ đi ăn. Háu đói, quạ bảo công cầm cả đĩa mực mà đổ vào thân mình cho nhanh. Thế là từ đó quạ ta bị “gông” vào cái “mã” vừa đen đúa về ngoại hình vừa xấu xa về tính cách.
Có thể tạm lý giải điều ấy thế này: Một là, sống ở xứ sở nhiệt đới chan hòa nắng gió, lại là vùng văn minh sông nước nên hình thành ở người Việt tâm thức ưa sự phóng khoáng, rộng rãi, tinh khôi. Họ ưa gam màu trắng sáng của nắng và nước. Đối ngược lại là gam màu tối được coi là màu của tang tóc, đau thương, kém may mắn (số đen)... Thế nên hình tượng con cò trắng mang tính thẩm mỹ cao hơn hẳn con quạ đen!
Hai là, vì làm nghề nông ắt phải chăn nuôi gia cầm, mà quạ là kẻ thù của họ (hay ăn cắp trứng, quắp gà con. Ca dao: “Một con diều tha/ Một con quạ bắt...”) nên quạ bị ghét là điều tất nhiên. Vậy nên tiếng quạ kêu cuối truyện “Tấm Cám” là đích đáng nhất: “Ngon gì mà ngon! Mẹ ăn thịt con! Có còn xin miếng!”. Thật đáng đời cả mẹ con nhà Cám ác độc phải chịu nhận sự trừng phạt xứng đáng!
Nếu cuộc sống sản sinh biểu tượng thì nghệ thuật là nơi nuôi dưỡng biểu tượng. Một cách cắt nghĩa biểu tượng là tìm về cội nguồn cuộc sống, ở phong tục, tập quán, lối sống, tâm lý...
Con quạ ở đâu cũng có. Ở thời nguyên thủy quạ bay lượn nhiều hơn trong bầu trời văn hóa mọi quốc gia. Trong thần thoại Hy Lạp, quạ là sứ giả của thần Âm nhạc. Trong huyền thoại người Maya cổ, quạ là sứ giả của thần linh, không chỉ mang tính tiên báo mà còn xua đuổi vận xấu, báo hiệu điềm lành. Theo sách “Sáng thế”, sau nạn Đại hồng thủy, Thánh Noah sai một con quạ ra ngoài thuyền để xem nước cạn hay chưa. Trong thần thoại Bắc Âu, quạ là thân tín của Odin - vị thần đứng đầu trong thế giới thần thoại. Trong văn hóa Canada cổ xưa quạ rất được yêu quí như một tín ngưỡng vật tổ...
Trong một số sử thi cổ xưa phương Tây, quạ thường bị coi là sứ giả của bóng đêm, của tối tăm địa ngục, của tai ương bất ngờ. Quạ là loài vật báo trước cái chết của các vị anh hùng đến mẹ hoặc vợ của họ. Thời hiện đại, phương Tây vẫn quan niệm quạ là biểu hiện của điềm gở. Trái hẳn với “bồ câu” biểu tượng của hòa bình; quạ đi liền với những ý tưởng về cái ác, cái đáng sợ. Thiên nga biểu trưng cho đẹp đẽ, thanh khiết, vương giả thì quạ là ngược lại. Nếu trong giấc mơ của ai đó có quạ thì đó là điềm báo chẳng lành.
Người Pháp cho rằng quạ là linh hồn của các linh mục chuyên làm điều xấu. Người Đức coi con quạ là hiện thân của những linh hồn bị nguyền rủa. Với người Thụy Điển, tiếng quạ kêu trong đêm báo hiệu linh hồn của người chết không được chăm sóc đầy đủ. Đến thế kỷ XIX trong văn chương phương Tây quạ vẫn được coi là điềm xấu. Bậc thầy của trường phái thơ tượng trưng là Edgar Allan Poe (1809-1849) trong bài thơ “Con quạ” bằng hình thức tương phản đã xây dựng các lớp thế giới đối lập nhau: địa ngục/thiên đường; thiên sứ/quỷ sứ; may mắn/bất hạnh...
Trong văn hóa phương Đông hình tượng này đa nghĩa và phúc tạp hơn. Tâm linh Ấn Độ coi quạ là “sứ giả của Thần Chết”. Với người Lào, quạ uống nước nơi nào, nước nơi ấy thành bẩn nên tuyệt đối không được lấy để hành lễ...Văn hóa Trung Hoa nguyên thủy coi quạ là “con chim của mặt trời” đi cùng với các tính ngữ tôn vinh: “kim ô”, “khẩu ô”, “dương ô”, “tam túc ô” tượng trưng cho thần mặt trời. Đó là con quạ ba chân, từ đời Hán được khắc tạc vào giữa hình ảnh vầng thái dương có trên những pho tượng đá, ở đình, cung đình... bởi nó “truyền sinh khí cho mặt trời”. Ba chân quạ tượng trưng cho ba thời điểm của mặt trời: sáng - mọc; trưa - cao nhất; chiều - lặn… Thế là biểu tượng được nâng cao tầm ý nghĩa, trong văn hóa chính trị được coi như một dấu hiệu thần thánh tái lập, duy trì trật tự xã hội. Trong văn hóa dân gian được coi là biểu tượng của sự hiếu thảo con cái với cha mẹ. Trong “Tây du ký”, con quạ được “thiêng hóa” trong câu chuyện Bồ tát Ô Sào thiền sư tu trên ổ quạ truyền tâm kinh cho Đường Tăng có thêm bản lĩnh vượt khổ nạn đến Tây phương thỉnh kinh.
Hình tượng “tam túc ô” bay ngang sang vùng trời văn hóa Nhật Bản, Triều Tiên. Chịu sự quy chiếu của tâm thức văn hóa bản địa mà huyền thoại mang màu sắc khác. Người Nhật Bản biến thành quạ ba chân Yatagarasu để làm sứ giả của thần linh mang điềm lành đến cho con người. Thần thoại Triều Tiên gọi quạ ba chân là Samjok-o, biểu tượng của mặt trời dẫn lối và đem ánh sáng niềm vui cho nhân gian, đồng thời cũng là biểu tượng của quyền năng.
Con quạ bay vào không gian thơ Đường thì bị khúc xạ bởi nhiều cái nhìn nghệ thuật đa dạng, tinh tế. Trong thơ Trương Kế, ở bài “Phong Kiều dạ bạc” quạ là một thi pháp hình ảnh thật gợi: “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên” (Trăng tà, tiếng quạ, sương đầy trời). Tiếng quạ kêu đặt giữa câu thơ như để đẩy không gian thêm bao la, xa vắng, buồn hơn. Trong thơ Lý Bạch (bài “Ô dạ đề”) tiếng quạ ở giữa hai khoảng hữu hạn và vô hạn của không gian: “Mây vàng chiếc quạ bên thành/ Nó bay tìm ngủ trên cành nó kêu). Trong thơ Đỗ Phủ (bài “Dã vọng”) thì gợi niềm thương cảm trong nỗi sầu thê lương: “Muộn về chim hạc bay xa/ Từng đàn chim quạ đậu đà chín cây”...
Tiếng quạ kêu vọng vào thơ Việt mang một âm hưởng khác. Nhiều bậc nam nhi thuộc lòng câu thơ của Nguyễn Hữu Cầu thể hiện cái chí khí vẫy vùng dọc ngang ngang dọc muốn rời bỏ cái ngột ngạt vươn tới cái tự do sáng lóa: “Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu hán/ Phá vòng vây bạn với kim ô” (“Chim trong lồng”). Năm 1941 Quách Tấn in tập “Mùa cổ điển” có bài “Đêm thu nghe quạ kêu” mang âm hưởng Đường thi cổ xưa nhưng vẫn mở ra cái “hoang mang” của thực tại: “Tình hoang mang gợi tứ hoang mang...”.
Hình tượng “Trên mồ con quạ đứng im hơi” trong bài thơ có tên “Nấm mộ” của Bích Khê sẽ mãi gợi lên sự ám ảnh ở nhiều người. Nhưng có lẽ âm vọng của “Tiếng quạ trên sông Chu” (tên bài thơ) của Yến Lan là lay động hơn cả: “Tiếng quạ kêu - tiếng quạ kêu/ Khô khét, nôn nao một góc trời chiều”. Bài thơ làm trong bối cảnh bom đạn Mỹ ném xuống, tiếng quạ như thách thức với định kiến cổ xưa, cũng là thách thức với hoàn cảnh chiến tranh để vươn lên một ý nghĩa mới, một tâm thế, tâm thức mới lạc quan, khỏe khoắn. Cuối bài âm thanh tiếng quạ khác hẳn, nhất là hương ổi chân quê nồng nàn còn vương vấn mãi: “Tiếng quạ kêu, tiếng quạ kêu rộn rã.../ Mùi ổi thơm quán nhỏ quyến bay theo”.
Đầu thế kỷ XXI nhà thơ Mai Văn Phấn có bài thơ dài “Biến tấu con quạ” mang tính triết lý khá sâu sắc. Vừa kế thừa cổ mẫu, là biểu tượng của cái chết, của tối tăm, của sự băng hoại nhưng vừa đổi mới, cách tân, quạ còn là sự “khai sinh” ra một thế giới mới. Khép lại thi phẩm bật ra một ý nghĩa gợi mở: ngôi nhà đổi mới nào cũng phải dựa trên nền truyền thống. Chỉ có thể phá bỏ cái cũ lỗi thời mới tạo ra cái mới hiện đại. Bốn chữ “Con quạ rực sáng” khái quát cao nhất ý nghĩa “biến tấu” của biểu tượng!