Con ngựa và chiếc roi

Thứ Năm, 10/03/2022, 12:46

Ở nước ta, công tác phê bình văn nghệ hình như vẫn còn yếu hơn so với sáng tác. Những năm gần đây lại càng bộc lộ rõ điều đó. Trong các loại hình nghệ thuật thì âm nhạc có lẽ là điển hình trầm trọng cho nhận định trên.

Hiện nay, hoạt động âm nhạc trong đời sống xã hội hoàn toàn mang tính tự phát: Cơ quan, đoàn thể, cá nhân nào có điều kiện huy động được nguồn tài trợ, phối hợp được với các đơn vị cần quảng cáo là mặc sức tổ chức sáng tác, biểu diễn, tự "lăng xê". Đồng tiền quả là có sức chi phối và điều khiển những hoạt động âm nhạc dạng này bởi không ai dại gì lại bỏ nhiều tiền mà không yêu cầu thực hiện theo ý mình, chỉ cốt sao cho "ăn khách" với mục đích cuối cùng là quảng bá thương hiệu, bất chấp chất lượng thẩm mỹ, nghệ thuật, giá trị tư tưởng, tình cảm ra sao.

Con ngựa và chiếc roi -0
Hoài Thanh – nhà phê bình văn học lớn và cuốn sách “Thi nhân Việt Nam” nổi tiếng của ông.

Các nhà tài trợ cứ tiếp tục quảng cáo thương hiệu, những người sáng tác, biểu diễn, đạo diễn chương trình cứ tiếp tục tìm mọi cách câu khách. Những nhạc sĩ chân chính tự trọng, có trách nhiệm với công chúng, với sự phát triển đúng đắn của nền âm nhạc dân tộc hoặc là đành im hơi lặng tiếng, chỉ còn biết chép miệng thở dài và bất lực, hoặc là tiếp tục làm nghề thì tác phẩm ra đời không biết phát huy tác dụng ở đâu, làm sao đến được với công chúng đây?

Hội Nhạc sĩ thì vẫn đều đặn hàng năm trao thưởng cho những sáng tác tốt, theo những tiêu chí của nghệ thuật đích thực - tất nhiên là theo quan niệm của những người lãnh đạo Hội - mà chống lại loại âm nhạc "thị trường" rẻ tiền. Nhưng chỉ là việc của nội bộ Hội này, nội bộ các nhạc sĩ với nhau, không phát huy tác dụng, không tác động ra ngoài xã hội, chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống tinh thần của quảng đại công chúng - đối tượng của văn nghệ.

Ấy là chưa kể ngay trong giới nhạc sĩ, những cuộc trao giải thưởng hàng năm này đã không thuyết phục được số đông tác giả, bởi tuy tiêu chí thì rõ ràng, rất "chuẩn" vì đúng là đề cao loại âm nhạc có giá trị nghệ thuật đích thực, nhưng khi xét tặng trao giải thưởng vào những tác phẩm cụ thể thì không khiến số đông nhạc sĩ "tâm phục khẩu phục".

Một bằng chứng rõ nhất cho sự thiếu thuyết phục của việc này là luôn thiếu vắng nhiều nhạc sĩ tài năng, tên tuổi từng được nhiều thế hệ công chúng ưa thích gửi tác phẩm đến dự thưởng hàng năm. Họ vẫn đang còn sức sáng tác sung mãn, vẫn đều đặn có tác phẩm ra đời. Nhìn sang các lĩnh vực văn nghệ khác (sân khấu, điện ảnh, hội hoạ, văn học) cũng có tình trạng tương tự.

Lâu nay, thiếu vắng những cuốn sách, công trình phê bình văn học có tầm cỡ. Hoạt động phê bình chủ yếu chỉ là những bài báo nhưng cũng chỉ thiên về "điểm sách", lại phần nhiều còn cảm tính, khen chê tuỳ thuộc vào mối quan hệ giữa người viết và tác giả mà thiếu sự nhìn nhận khách quan giàu tính thuyết phục về lý luận, về sự tinh tế, sành trong việc thẩm định tác phẩm.

Hiện nay, nước ta có rất nhiều trung tâm sản xuất thành phẩm âm nhạc. Mỗi tháng phải có tới hàng trăm album ra đời - cả tác giả lẫn ca sĩ. Khuynh hướng chung là chỉ chạy theo một tiêu chí duy nhất: Thị trường. Đã vậy dĩ nhiên là không thể tránh được tình trạng kém cỏi, thậm chí rất "bôi bác" về chất lượng thẩm mỹ, chưa nói đến sự tầm phào, dông dài về tình cảm, tư tưởng mà người viết bài này đã có dịp đề cập, "nói có sách, mách có chứng" rất cụ thể những bài hát, tác giả trên báo.

Sáng tác, biểu diễn, phát hành âm nhạc đã vậy, lại thêm một sự lộn xộn nữa là việc giới thiệu, bình luận trên các phương tiện truyền thông nhiều khi khá tuỳ tiện, không chuẩn xác. Những tác phẩm, nghệ sĩ, chương trình thực sự có giá trị thì hoặc bị bỏ qua hoặc được nói đến sơ sài, hời hợt thay vì là sự đề cao quá mức một số giọng hát được coi là "ngôi sao", một vài người sáng tác có gu thẩm mỹ thấp kém.

Trong khi rất nhiều nhạc sĩ tên tuổi, có sự nghiệp sáng tác in đậm dấu ấn sâu sắc trong tâm khảm nhiều thế hệ công chúng còn chưa được nhắc tới thì không ít tờ báo đã dành nhiều diện tích để nói đến những gương mặt sáng tác và ca hát trẻ, đơn giản chỉ vì họ có nhan sắc nổi trội, bắt mắt (nếu là nữ) hoặc có những chuyện thuộc về cuộc sống riêng tư đời thường có thể đánh trúng vào hiếu kỳ của người đọc.

Có tờ báo trong cùng một số nhân kỷ niệm Quốc khánh 2/9 đã giới thiệu một nhạc sỹ gạo cội, có nhiều bài hát viết về quê hương đất nước nổi tiếng. Việc này là cần thiết, có ý nghĩa. Tuy nhiên, ở một trang khác còn viết về một giọng hát trẻ mới xuất hiện, nhiều công chúng chưa biết đến. Điều đáng nói là nếu bài viết về nhạc sỹ kia chỉ có dung lượng 2/3 trang báo thì bài về cô ca sỹ trẻ nọ đã hơn một trang với việc đăng ảnh chân dung cô rất to, lại còn thêm vài ảnh biểu diễn với trang phục thật bắt mắt (!)

Cần nhìn thẳng vào đời sống âm nhạc hiện nay để: Nhìn bên ngoài thì thấy có vẻ phong phú, nhiều hoạt động, lắm chương trình khiến một bộ phận công chúng trẻ tuổi háo hức đổ xô đến thưởng thức, nhưng thực sự là khá lộn xộn, tuỳ tiện, dễ dãi, thiếu tính định hướng. Tất nhiên, chúng ta đang sống ở thời kỳ mở cửa cần sự hội nhập với thế giới và cũng qua rồi thời kỳ bao cấp duy ý chí. Không thể chấp nhận sự giáo điều, cứng nhắc đến nghèo nàn, cằn cỗi về văn nghệ nói chung, trong đó có âm nhạc. Giống như trong vườn hoa, dĩ nhiên là càng nhiều hoa với đủ mọi màu sắc thì càng đẹp. Nhưng người trông vườn vẫn phải tỉa tót trồng thêm loại này, nhổ bớt loại khác, nghĩa là phải định hướng có chủ đích thì vườn hoa ấy mới phát triển đẹp như ý con người được.

Dẫu sao thì thực tế âm nhạc vẫn luôn có khuynh hướng tự phát. Đây là một quy luật tự nhiên, chứng minh sự phát triển tất yếu của xã hội. Song điều đáng nói là cần có sự định hướng, uốn nắn thường xuyên. Công việc hiển nhiên là của cơ quan chức năng. Nhưng công tác lý luận phê bình sẽ như là một công cụ hữu hiệu bậc nhất để đạt được mục đích trên. Rõ ràng hoạt động này lâu nay gần như là tê liệt. Không phải là không có những nhà phê bình âm nhạc tài năng tâm huyết với công việc và vẫn luôn công bố những bài phê bình sắc sảo trên báo chí, nhưng so với yêu cầu đặt ra trước hiện trạng âm nhạc còn nhiều lộn xộn hiện nay như đã nói thì quả là không thấm tháp gì, chỉ như muối bỏ bể.

Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và khuyến khích công tác phê bình nghệ thuật. Hội nghị Văn hoá toàn quốc diễn ra hồi cuối tháng 11/2021 lại thêm một lần nữa khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng về văn hoá, văn nghệ. Vậy thì không có lý do gì lại để cho hoạt động này kéo dài sự yếu kém, ngưng trệ. Hội Nhạc sĩ Việt Nam không thể không có trách nhiệm trong việc này bởi vì Hội có cả một Ban lý luận và trong mọi báo cáo, hội họp đều luôn hô hào gia tăng công tác này. Nhưng nói và làm thường là khoảng cách xa mà chúng ta dễ mắc tình trạng không thể không nói (vì bổn phận) nhưng làm thì rất khó, vì trí tuệ, năng lực còn bất cập.

Để trả lời câu hỏi lớn đặt ra ở trên (vì sao hoạt động phê bình yếu kém?), liệu các cơ quan, tổ chức có chức năng đã lần nào tự trả lời được các câu hỏi cụ thể: Đã khai thác hết các tài năng lý luận phê bình chưa? Đã có những hoạt động cụ thể gì để đẩy mạnh công tác phê bình lý luận, đặc biệt là tìm cách tác động trực tiếp đến sinh hoạt âm nhạc của công chúng? Đã có những đề xuất, kiến nghị gì sắc sảo, khả thi lên các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước, thuyết phục được các cơ quan này kịp thời uốn nắn những lệch lạc trong tất cả các hoạt động sáng tác, biểu diễn, phát hành, tuyên truyền âm nhạc? Và những trang báo dành cho văn nghệ, trong đó có âm nhạc đã làm được gì cho phê bình, thay vì đăng những bài lý luận phê bình đích đáng lại sa đà vào những bài vở dông dài, vô thưởng vô phạt, ít hữu ích cho việc uốn nắn, chấn chỉnh đời sống âm nhạc…?

Sinh thời, cố Tổng Bí thư Trường Chinh từng ví phê bình như chiếc roi, sáng tác, hoạt động văn nghệ như con ngựa. Người cầm roi phải luôn quất mạnh vào con ngựa để nó lồng lên, phi nước đại. Tình hình phê bình văn nghệ ở nước ta hiện nay giống như chiếc roi yếu ớt. Đã vậy lại luôn không được quất mạnh vào con ngựa. Mong rằng "chiếc roi" này không bị vô hiệu mà phát huy hiệu quả mạnh mẽ trước tình hình mới, trước đòi hỏi ngày càng cao của công chúng hôm nay.

Nguyễn Đình San
.
.