"Cõi nhân gian", một trường thiên tiểu thuyết đầy “tham vọng”

Thứ Năm, 17/03/2022, 16:09

Cá nhân tôi, với tư cách là người có cơ duyên được đọc “Cõi nhân gian” từng tập một, ngay trong quá trình tác giả viết – một cơn cuồng nộ viết kéo dài liên tục sáu tháng cuối năm 2021 cho bảy tập sau, còn tập một đã xuất bản lần đầu năm 1994, và ngay lập tức gây tiếng vang – thì đây là một trường thiên tiểu thuyết đầy tham vọng.

Khá nhiều người tỏ ý đồng thuận khi nhận định về một đặc điểm của thời đại mà chúng ta đang sống đây: Sự thiếu thời gian cho việc đọc, nhất là đọc văn chương, của con người nói chung. Điều này dẫn đến một hệ quả trực tiếp và mang tính phổ biến: Người viết, cả thơ lẫn văn xuôi, nếu còn quan tâm đến người đọc, phần lớn sẽ tránh viết những tác phẩm có kết cấu đồ sộ, có dung lượng số trang số chữ lớn.

Và đây chính là một trong những lý do cho sự lên ngôi của các thể loại văn chương mang hình thức nhỏ, ngắn, như thơ trữ tình, bút ký, tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết ngắn (khoảng trên một trăm trang in). Nói chung, bây giờ không còn là thời của những trường ca lớn hoặc những bộ tiểu thuyết “đại cà sa” như của Balzac, Stendhal, Tolstoi, Dostoievsky v.v... ở thế kỷ XIX thong dong nhàn rỗi. Người đọc đương đại nếu không hụt hơi thì cũng sẽ chết buồn trong những đại dương chữ nghĩa kiểu ấy.

Tuy thế, vẫn có những trường hợp đặc biệt, nằm ngoài dòng chảy chung. Chỉ nói ở thể loại tiểu thuyết: năm 2020, tác giả Đặng Đình Loan đã công bố trọn bộ tiểu thuyết về cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam, có tên “Đường thời đại”, 21 tập, khoảng mười nghìn trang in. Còn trong những ngày đầu năm 2022 này, đến lượt nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành với bộ tiểu thuyết “Cõi nhân gian”, tám tập, in thành bốn quyển,  khoảng 1.800 trang khổ 16cm x 24cm. Cá nhân tôi, với tư cách là người có cơ duyên được đọc “Cõi nhân gian” từng tập một, ngay trong quá trình tác giả viết – một cơn cuồng nộ viết kéo dài liên tục sáu tháng cuối năm 2021 cho bảy tập sau, còn tập một đã xuất bản lần đầu năm 1994, và ngay lập tức gây tiếng vang – thì đây là một trường thiên tiểu thuyết đầy tham vọng.

1bd50f8de83f041b9f1b1adc473a80ee.jpg -0
Bìa cuốn tiểu thuyết “Cõi nhân gian” của Nguyễn Phúc Lộc Thành.

Không phải tham vọng trở thành “thư ký trung thành của thời đại” để rồi dựng lên một “Hài kịch nhân gian” vĩ đại kiểu Balzac. “Hài kịch nhân gian”, tức “Tấn trò đời”, là cả một triển lãm mênh mông rợn ngợp các chân dung/ số phận cuộc đời đại diện cho các hạng người trong xã hội nước Pháp nửa đầu thế kỷ XIX, mỗi chân dung/ số phận cuộc đời lại tương ứng với một tác phẩm độc lập. Còn “Cõi nhân gian” của Nguyễn Phúc Lộc Thành thì chỉ có một chân dung/ số phận cuộc đời đáng kể - đáng để kể lại – mà thôi.

Đó là nhân vật người kể chuyện xưng Tôi, tên Nguyễn Thiện Hương, xuất thân con nhà giáo, Đảng viên, Phó tiến sĩ từ Liên Xô về, làm xích lô, làm cửu vạn, làm thủ túc cho bố già xã hội đen, làm báo, làm thơ, làm anh buôn bao tải rách, làm ông quản lý khách sạn, rồi quản lý doanh nghiệp cỡ tập đoàn, kiêm làm cán bộ cấp sở thuộc thành phố lớn.

Tất cả những hoạt động “làm” ấy của Nguyễn Thiện Hương – đóng các vai xã hội - cùng lúc hoặc cái nọ nối/ gối tiếp cái kia, kéo dài suốt hơn ¼ thế kỷ, chính là lịch sử “vào đời” của nhân vật, trùng với lịch sử đất nước chuyển mình từ đêm trước bao cấp đến hết thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, thời đổi mới. Cái lịch sử cá nhân bộn bề phong nhiêu ấy, mỗi dịch chuyển của nó lại mở ra một vùng hiện thực nhân gian, và đến chót cùng, tổng hợp lại, thì đó là một “cõi nhân gian” đầy những vật lộn giằng xé bão dông.

Bởi vậy, nói đến tham vọng của Nguyễn Phúc Lộc Thành ở bộ tiểu thuyết này, tôi muốn nghĩ đến Vũ Trọng Phụng với tiểu thuyết “Số đỏ”, hay nhà văn người Sec Jaroslav Hasek với tiểu thuyết “Vận mệnh người lính tốt Svejk trong đại chiến thế giới”, nghĩa là tham vọng chỉ từ một nhân vật làm trục mà dựng lên cả một panorama (toàn cảnh) rộng lớn, một “Lò cừ nung nấu sự đời/ Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”.

Nguyễn Phúc Lộc Thành đã thực hiện được tham vọng ấy của mình bằng một nghệ thuật tự sự khá “truyền thống”, nghĩa là kể chuyện theo trật tự biên niên sử. Cuộc “vào đời” của nhân vật Nguyễn Thiện Hương là một đường thẳng, không cần đến ngoái lại, hồi tưởng hay nhảy cóc, cướp thời gian. Ánh sáng và bóng tối, ấm và lạnh, ngọt và đắng, mặt đất và địa ngục, con người và quỷ sứ, nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành đã để cho nhân vật Nguyễn Thiện Hương trầm mình trong mọi không gian xã hội, cọ xát với mọi loại người và trải nghiệm đến tận độ mọi trạng huống nhân sinh, mọi cảm giác về cái sống ở đời.

Mặt khác, người đọc cũng có dịp để thử sống cùng với nhân vật trong những tình thế kịch phát nhất: Bi thương đến mức đứa con gái mười tuổi phải ra đường đón khách về cho mẹ bán dâm, ê chề đến mức thằng tráng niên cun cút bám váy bà hàng thịt để được ăn thịt lợn và được thỏa nỗi khát tình, ghê tởm đến mức cháu nhốt cô ruột suốt nhiều năm làm vật thí nghiệm cho nghiên cứu khoa học, tàn bạo đến mức chồng, cha phóng hỏa đốt nhà giết vợ con để xóa dấu vết phạm tội, tráo trở mặt dày đến mức có thể dựng đứng một tập đoàn quốc doanh nát bét để lừa đảo cướp trắng tiền bạc của những doanh nhân làm ăn đàng hoàng v.v...

Và từ tất cả những điều ấy, nhà văn giúp ta nhận thấy ở tiểu thuyết “Cõi nhân gian” một đồng dạng với hình dạng đất nước suốt mấy chục năm trở mình vật vã để thoát đói nghèo lạc hậu mà tiến đến no đủ, hiện đại, công bằng, dân chủ, văn minh. Quá trình ấy chưa xong, mọi thứ vẫn đang dang dở và còn quá nhiều bừa bộn cần phải được dọn dẹp, sắp xếp, kiến tạo lại.

Nhưng có lẽ, theo tôi, dựng lên một toàn cảnh xã hội cũng chỉ là một phần tham vọng của Nguyễn Phúc Lộc Thành trong tiểu thuyết “Cõi nhân gian” mà thôi. Phần khác, quan trọng không kém, là làm một cuộc điều tra về nhân tính trong cái thời mà ta đang sống. Và tiếng kêu thương đã cất lên suốt “Cõi nhân gian” về nỗi nhân tính đang trên đà suy sụp, đổ nát, tan biến. Vì sao? Vì lửa tam muội Tham, Sân, Si vẫn thường hằng âm ỉ trong nhân sinh, không sao dập tắt nổi. Vì cái vi khí hậu văn hóa mạt thế lại thêm gió, thốc cho nó bùng lên, đe dọa thiêu trụi tất cả “của tin còn một chút này”.

Không ít lần nhân vật Nguyễn Thiện Hương, trong những lúc tự đối thoại, tự thú, tự tra vấn, giằng xé và ăn thịt chính mình, đã dùng triết lý nhà Phật để lý giải các thảm cảnh nhân tính mà mình chứng kiến hay can dự, như một nạn nhân hoặc như một thủ phạm. Những “xen” tự đối thoại, tự tra vấn ấy làm thành một kiểu trữ tình ngoại đề, như một đặc trưng trong “Cõi nhân gian”.

Nhưng với tôi, điều thú vị hơn, cảm nhận về sự sụp đổ tan nát của nhân tính chính là cái lý – một thứ “lý” rất khó cắt nghĩa – để nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành dựng lên một kiểu nhân vật ứng với “grotesque” - phạm trù mỹ học về cái thô kệch, quái gở - rất ấn tượng, cho dẫu có khi chỉ là nhân vật phụ, chiếm rất ít dung lượng kể/ tả. Người đàn ông có bộ mặt đẹp như mặt Phật nhưng lại đang tâm lấy chiếc xe của Nguyễn Thiện Hương khi anh đang mải cứu người bị nạn, chẳng hạn. Hay chị San, người đàn bà đẹp, sắc sảo, quỷ quyệt, hấp dẫn, với con mắt thủy tinh từ hốc mắt lăn lông lốc trên sàn nhà, là một ví dụ khác.

Và các chi tiết cũng vậy. Nhiều chi tiết, hình ảnh trong “Cõi nhân gian”, bởi sự thái quá cố ý của chúng, có lẽ sẽ trở thành những biểu trưng đầy tinh thần hài hước trong văn chương đương đại, như chiếc phong bì: huyết mạch/ chất bôi trơn/ hơi thở của sự vận hành đời sống, như cái ghế đệm trong phòng làm việc của chị Thụy An: vương quốc của lạc thú xác thịt trong giờ hành chính, hội trường để những lợi ích vật chất được điều đình thỏa đáng, như ba món “gia bảo” của Nguyễn Thiện Hương: tấm thẻ Đảng, bằng Phó tiến sỹ Liên Xô và thẻ giáo viên của cha mẹ, những thứ mà anh cất kỹ và luôn lấy ra lau cho thật sạch mỗi khi tự thấy tâm hồn vấy bẩn v.v...

Nhưng nguy hiểm nhất trong cái sự Tham của các nhân vật trong “Cõi nhân gian” mà Nguyễn Phúc Lộc Thành đã chú ý nhấn mạnh, là tham ái, tham dục. Cả một trời dục tình vần vũ cuồng loạn với đủ các trạng thái và sắc điệu, éo le thay, đều từ Nguyễn Thiện Hương mà ra. Nhà văn đã cấp cho nhân vật của mình một phong độ kiểu Tây Môn Khánh bất tự giác, nghĩa là không chủ động tìm kiếm mà để mặc bản năng dẫn dắt, khi hội đủ điều kiện thì cứ thế lặn ngụp trong hoan lạc, mặc kệ cho lương năng và lý trí biện biệt đang cất tiếng nói “Không”. Và chính cái “phẩm chất trội” này của nhân vật đã góp vào, khiến cõi nhân gian thêm phần mù mịt.

Tuy nhiên sự tuyệt vọng không phải là chủ âm của “Cõi nhân gian”, cũng như sự giễu cợt không đẩy giọng điệu của nhà văn đến hằn học với người, với đời. Vẫn có ở cái cõi này niềm tin tưởng vào sự tử tế, thiện lương, vào hơi thở ấm trong nhân sinh, vào điều tốt đẹp trong hiện tại và đang chờ ở mai hậu. Có lẽ, bằng niềm tin tưởng ấy, và bằng sự quyết liệt dấn thân chữ nghĩa mà Nguyễn Phúc Lộc Thành mới nối được mạch tự sự từ tiểu thuyết “Cõi nhân gian” của năm 1994 đến bộ trường thiên tiểu thuyết “Cõi nhân gian” của năm 2022. Với cá nhân tôi, chính điều này, chứ không phải quy mô đồ sộ của tác phẩm, mới thực là điều đáng trân trọng.

Hoài Nam
.
.