Cổ tích những tương đồng biểu tượng

Thứ Sáu, 06/05/2022, 09:55

Cổ tích mãi mãi là những giấc mơ đẹp mà bất cứ ai, nhất là trẻ em đều mong muốn nó thành hiện thực. Những sợi tơ khát vọng đẹp nhất đã dệt thành tấm thảm ngôn từ cổ tích lóng lánh muôn màu sắc đưa con người bay vào bầu trời lộng lẫy của cái lý tưởng, cái đẹp, cái thiện.

Vì cùng là những mẫu số văn hóa chung của nhân loại nên trong cổ tích ở bất kỳ đâu, phương Đông hay phương Tây rất hay có những motip nghệ thuật tương đồng, giống nhau về sự kiện, nhân vật, chi tiết, tất nhiên tên gọi thì khác nhau. Đó cũng là những biểu tượng được bao bọc những lớp mã văn hóa mà có cố bóc cũng thật khó tìm thấy hạt nhân ý nghĩa. Xin một phép so sánh các biểu tượng ở hai truyện “Cô bé Lọ Lem” và “Tấm Cám”.

Người Việt Nam yêu thích truyện “Tấm Cám” thì người châu Âu (nhất là Pháp và Đức) thì say mê truyện “Cô bé Lọ Lem”. Làm một thao tác chồng văn bản sẽ thấy hai truyện giống nhau đến mức gần như trùng khít bốn biểu tượng: về xuất thân; ông bụt/bà tiên; hài; hoàng hậu. Giả sử có rút bốn biểu tượng này để làm bốn cái cột vững chắc nâng đỡ ngôi nhà cổ tích mới thì nó cũng chẳng khác hai ngôi nhà cũ bao nhiêu, vẫn loại nhân vật ấy, tư tưởng chủ đề ấy... Đã có biết bao bài nghiên cứu lý giải sự trùng hợp đến lạ lùng này!

image001.png -0
Tranh Lọ Lem thử hài!

Tên em là Lọ Lem vì suốt ngày phải làm trong bếp, nhóm lò, đốt than, nấu nướng nên mặt mũi như Lọ Lem. Cô Tấm cũng tương tự, phải xay thóc, giã gạo, ra đồng bắt tôm cá cua cáy... Tấm cũng “lọ lem” đến mức Cám nói trên đầu chị có “cứt trâu”, xuống sông mà gội kẻo về mẹ mắng. Mẹ chết sớm, Lọ Lem ở với dì độc ác. Tấm cũng vậy... Cả hai đều là người tốt. Phải chăng cổ tích đã khái quát về một quy luật đời sống: người tốt ở đâu cũng vất vả và ngược lại, người vất vả thường là người tốt (!?). Có thể điều này chưa phải là chân lý nhưng chắc chắn một điều là tác giả dân gian luôn bênh vực, che chở, dồn tụ niềm thương yêu, tự hào về hình tượng người lao động lam lũ, nhọc nhằn. Cổ tích đã truyền một niềm tin: người lao động chân lấm tay bùn sẽ không phải và không thể là người xấu!

Cổ tích dạy ta bài học nhân văn đầu tiên phải biết quý trọng lao động!

Ông Bụt giúp cô Tấm đủ điều kiện đi hội, nào ngựa hồng, nào váy áo, hài... Bà Tiên giúp Lọ Lem cũng thế. Như vậy, Bụt/Tiên đã giúp những người yếu thế, hẩm hiu thành một thân phận khác, thành một người đẹp, sang trọng, quý phái, vương giả. Giả sử bứng những nhân vật này ra khỏi mảnh vườn cổ tích thì sẽ không còn là cổ tích nữa. Vì cổ tích là những giấc mơ, mà những nhân vật ấy mới dệt nên những giấc mơ. Là thế lực siêu nhiên nhưng chỉ giúp người tốt nên họ trở thành điểm tựa tinh thần cho con người: Hãy tin vào những điều tốt đẹp. Hãy tin rằng gieo điều may mắn sẽ gặt hái những điều may mắn!

Tình tiết chiếc hài thật đặc biệt!

Không có nhân vật thần thoại nào đi giày/hài. Vì không có giày bảo vệ nên Asin dũng sĩ huyền thoại mới bị kẻ thù bắn mũi tên độc vào gót chân. Những thần thánh bất tử, tài năng, kể cả thần Dớt trên đỉnh Ôlanhpơ cũng chưa được đi giày dép. Các vị vua thần thoại phương Đông cũng vậy, dù có đội trên đầu cái mũ đính ngọc cực kỳ quý giá và ở tay thì cầm vương trượng bằng vàng, họ vẫn đi chân đất. Chỉ một khi xỏ chân vào đôi giày/dép/hài thì nhân vật mới được phép bước vào địa hạt cổ tích. Phải chăng đây là một bước tiến của nhân loại? Nhưng rất có thể điều ấy có từ quan niệm con người thần thoại là con người vũ trụ. Con người cũng là một “cây vũ trụ” bắt sâu rễ vào đất, còn đầu thiêng liêng ngẩng lên trời cao. Bàn chân người chính là bộ rễ ấy, nên không thể đi giày dép (?!). Do vậy, còn một cách hiểu khác là khi Asin bay lên trời, do không được tiếp thêm sức mạnh từ Đất Mẹ nên chàng dễ dàng bị kẻ thù hạ thủ! Một số tôn giáo cũng quan niệm người tu hành đi chân đất để trao gửi, hòa nhập tối đa với vũ trụ!

Rất nhiều nền văn học dân gian có motip người đàn bà giẫm vào vết chân khổng lồ thì mang thai, tất nhiên sẽ sinh hạ ra thần thánh, phải chăng cũng là cách cắt nghĩa bàn chân vừa là nơi tiếp xúc vừa là cầu nối vũ trụ với con người. Đấy cũng là biểu hiện ban đầu của mã quan niệm bàn chân gắn liền với sự sinh nở, sự phát triển, sự khỏe mạnh. Bộ môn châm cứu y học phương Đông cho rằng vì là cầu nối âm (đất) với dương (người) nên gan bàn chân như “cửa mở” vào cơ thể nên rất được chú ý... Tử vi phương Đông coi bàn chân/chân là một biểu hiện của đời sống tình dục nên giới quan lại phong kiến Trung Hoa từ thế kỷ X (SCN) quan niệm bàn chân phụ nữ phải thật nhỏ nhắn mới đẹp, mới đẻ nhiều. Từ đó sinh ra tục bó chân ghê sợ rất vô nhận đạo!

Tóm lại, khi rời xa tư duy thần thoại để dần dần con người độc lập với vũ trụ, với thần linh thì cái hài (bảo vệ bàn chân) là một mã biểu tượng văn hóa rất cơ bản. Tại sao lại là hài gắn liền với người phụ nữ? Nó chứng minh chế độ mẫu hệ đã khép lại, nhân loại bước vào xã hội giai cấp nên người phụ nữ trở thành hình tượng biểu trưng cho sự phụ thuộc, yếu hèn, vất vả, lam lũ, bị bóc lột... cần được thông cảm, che chở, giúp đỡ. Ngay trong thế giới chèo, tuồng cổ của ta, những vở có tích từ truyện dân gian thì cuộc đời buồn của người phụ nữ là cảm hứng chủ đạo để dân gian xây dựng những hình tượng nhân vật chính là nữ: Thị Kính, Thị Mầu (Quan Âm Thị Kính), Xúy Vân (Kim Nham), Thị Phương (Trương Viên), Đào Huế (Chu Mãi Thần), Châu Long (Lưu Bình Dương Lễ)… Ở tuồng, trong các vở: ''Tam nữ đồ vương'', ''Hồ Nguyệt Cô'', ''Mục Quế Anh''… các nhân vật nữ cũng đều là nhân vật trung tâm.

Còn là yếu tố thẩm mỹ, phụ nữ là biểu trưng cho cái đẹp, tất nhiên cái hài phải nhỏ nhắn, xinh đẹp!

Cả Lọ Lem và cô Tấm đều đánh rơi chiếc hài. Hài của Tấm rơi không rõ lý do nhưng với Lọ Lem là do mải vui gần đến giờ về (12 h đêm bà Tiên sẽ thu phép) mới vội vã ra xe ngựa. Thì ra sự chính xác về giờ giấc của phương Tây duy lý đã có từ thời cổ tích (!?). Ở cả hai truyện chiếc hài đều được hoàng tử nhặt được. Chiếc hài đẹp như thế thì dứt khoát người chủ của nó phải đẹp. Cả hai hoàng tử liền mở hội ướm giày để tìm ý trung nhân. Tất nhiên chẳng ai vừa, trừ Lọ Lem và Tấm!

Trong văn hóa nhân loại chiếc hài/giày là một mẫu gốc!

Rất nhiều xứ sở cổ xưa cả phương Đông và phương Tây, khi xã hội phân chia giai cấp thì giày dép là một biểu tượng của quyền sở hữu, với nghĩa khởi thủy là “đi giày dép mà bước, tức một hành động chiếm lĩnh đất đai”. Ở phương Đông cổ thì bước chân hoặc ném giày dép xuống ruộng là hành động đánh dấu của chủ sở hữu. Càng nhiều ruộng đất, tức càng giàu có nên giày/dép/hài còn là biểu tượng cho sung sướng hạnh phúc. Đôi hài/giày (nhất là hài, trong tiếng Trung Quốc chữ “hài” (giày phụ nữ) đồng âm với “hài” nghĩa là hài hòa, tốt đẹp) tiếp tục trở thành biểu tượng cho tình yêu đôi lứa, được lấy làm quà tặng trong đám cưới.

image003.png -0
Tranh nàng Tấm đi hội!

Người Nga cổ có tục trong tiệc cưới, khăn ăn cô dâu được gấp thành hình con thiên nga, khăn ăn chú rể gấp thành hình chiếc giày với ý nghĩa chúc phúc cho tình yêu họ sẽ đẹp, bay bổng (như thiên nga), bền vững, giàu có (như chiếc giày). Trong đạo Kitô biểu tượng chiếc giày rất đa nghĩa. Cô dâu đặt chiếc giày bằng vải xatanh của mình vào giữa hai bàn tay của tượng Đức Mẹ Đồng Trinh với ý một sự dâng hiến, một sự nài nỉ xin được cứu vớt - tức một sự kêu gọi cầu cứu nhưng cũng đồng thời là một sự thách thức của lòng đam mê (!?)... Như vậy, với nhiều hướng tiếp cận mới, chỉ riêng về biểu tượng giày/dép/hài cũng đủ cơ sở, dữ liệu để làm nhiều luận án khoa học về văn hóa!

Cả Lọ Lem và Tấm đều trở thành hoàng hậu - một ngôi vị cao nhất của người phụ nữ trong xã hội. Chỉ có biểu tượng này dân gian mới thể hiện đầy đủ, tập trung nhất khát vọng của họ. Nếu ngày trước Lọ Lem, Tấm ở dưới đáy xã hội bị đè nén, coi thường, phải vất vả, lam lũ thì nay, phải ngược hẳn lại, trở thành người quyền lực, giàu có, sang trọng. Ước mơ đã được thực hiện một cách trọn vẹn viên mãn nhất!

Tất nhiên, đó chỉ là những giấc mơ. Còn hiện thực thì vẫn cay đắng, phũ phàng. Dân gian đành gửi những giấc mơ ấy vào văn chương. Từ đấy có một mô hình nghệ thuật cổ tích thoát thai từ đời sống nhưng ngược hẳn với đời sống thực tế mà ai đã bước vào thì chẳng muốn ra nữa!

Nguyễn Thanh Tú
.
.