Có một Quảng Trị trong thơ và nhạc

Thứ Năm, 04/08/2022, 16:21

Hàng năm, cứ gần đến ngày 27/7, trong lòng mỗi chúng ta lại trào dâng những xúc động khôn nguôi về bao thế hệ cha anh đã đổ xương máu cho nền độc lập tự do của dân tộc. Mỗi tấc đất quê hương, mỗi ngọn núi con sông đều in dấu những chiến công, in dấu cả những vinh quang và những đắng cay mất mát.

Và chúng ta không bao giờ quên Quảng Trị, mảnh đất anh hùng bất khuất và cũng đầy sâu nặng nghĩa tình đã cùng bao mảnh đất quê hương khác băng mình qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của thế kỷ 20. Quảng Trị cũng đã trở thành một nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều tác phẩm thơ và nhạc của người Việt từ nửa cuối thế kỷ trước cho tới tận ngày hôm nay.

Ngay từ năm 1948, mảnh đất Quảng Trị đã đi vào những lời ca hào hùng trong bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương: “Đồng bào ơi cùng Bình Trị Thiên đứng lên. Đứng lên ta nguyện giết loài lang sói. Căm thù đây phải trút hết. Loài hung tàn phải quét hết. Ta tiến lên giữ lấy nương đồng. Đây Cự Nẫm kia Câu Nhi đây Ba Lòng kia Khe Sanh, đây bao nơi chôn thây quân thù. Bình Trị Thiên đây lò tranh đấu. Chiến công muôn đời lòng đất nước ghi sâu” (Bình Trị Thiên khói lửa). Cái tên Bình Trị Thiên được dùng suốt từ thời kháng chiến chống Pháp cho tới tận năm 1989, Bình Trị Thiên mới được tách ra làm ba tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế như hiện nay.

các chiến sĩ chiến đấu trong thành cổ quảng trị.jpg -0
Các chiến sĩ chiến đấu trong thành cổ Quảng Trị.

Sau hiệp định Giơnevơ 1954, cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải thuộc thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị được chọn làm giới tuyến phân chia hai miền Nam Bắc dọc theo vĩ tuyến 17. Đôi bờ sông Hiền Lương trở thành nhân chứng lịch sử trên 20 năm, mang trong mình nỗi đau chia cắt đất nước.

Biết bao tác phẩm thơ nhạc đã ra đời bên dòng sông Hiền Lương, mang theo khát vọng thống nhất đoàn tụ hai miền: “Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về. Mắt đượm tình quê đôi mắt đượm tình quê. Xa xa đoàn thuyền nan, buồm căng theo gió xuôi dòng. Bỗng trong sương mờ không gian trầm lắng nghe câu hò (…) Ơi câu hò chiều nay sao mang nặng tình ai? Hay là em bên ấy trong phút giây nhớ nhung trào sôi. Gửi lời tim cho gió qua mấy câu thiết tha hò ơi!” (Câu hò bên bờ Hiền Lương, Hoàng Hiệp - Đằng Giao, 1956).

Nỗi niềm nhớ thương hướng về miền Nam tiếp tục cất lên da diết khắc khoải trong bài hát “Xa khơi” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: “Nắng tỏa chiều nay, thuyền về mái đọng chiều nay, nhìn phương Nam con nước vơi đầy thương nhớ, nhớ thương anh ơi. Ơi mênh mông sóng xô du thuyền ta xa bờ. Âm vang tiếng hò nhịp chèo ta mong chờ. Thuyền ra xa khơi đưa nhịp chèo nối liền. Đường đi muôn khơi mái chèo chung đôi miền. Ơ mênh mông biển khơi câu hò thương nhớ. Vang về miền Nam quê ta”. 

Nhà thơ Tế Hanh có bài thơ độc đáo “Trò chuyện với sông Hiền Lương” với cấu trúc hai đoạn, đoạn của nhà thơ nói và đoạn của dòng sông cất lời. Sông Hiền Lương đã thốt lên những lời gan ruột, như nói hộ cho nỗi lòng của muôn triệu người Việt: “Tôi chảy ngày đêm không nghỉ/ Hai bờ Nam Bắc nhìn đau/ Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời mây núi có chia đâu”. Tự trong thẳm sâu lòng người và trên cao vời một màu xanh xứ sở, tất cả vẫn là một không gian biển trời duy nhất không gì cách ngăn, đó cũng là khát vọng mãnh liệt của bao con người đang ngày đêm trông ngóng. Những câu thơ của Tế Hanh đã nằm trong hành trang đi vào chiến trường của biết bao chiến sĩ giải phóng.

Cho đến Chiến dịch Thành cổ kéo dài 81 ngày đêm, từ 28/6 đến 16/9/1972 thì Quảng Trị đã trở thành điểm nóng nhất trên toàn bộ chiến trường. Báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 9/8/1972 đã viết: “Mỗi mét vuông đất tại thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có một đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn vài người sống sót”.

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha sau 1975 đã viết trong trường ca “Màu Quảng Trị” những câu thơ xót xa thấm thía: “Đo trên bản đồ hơn một cây số vuông/ Tôi gặp ở đây tan tành bao miền đất/ Nhưng nơi nào đau nhất/ Để suốt đời tôi không gặp lại Cổ Thành/ Để suốt đời không gặp lại các anh/ Một mùa hè nung nấu/ Mùa hè ấy gạch chảy ra như máu/ Máu dựng lên che chở những con người”.

Hàng chục ngàn người lính của cả hai bên đã hy sinh trong trận chiến này. Và báo chí Mỹ phải lấy làm kinh ngạc bởi không thể giải thích nổi tại sao những chiến sĩ giải phóng lại có thể sống và chiến đấu dưới làn mưa bom bão đạn B52, có sức công phá gấp 7 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945.

đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong thành cổ quảng trị.jpg -0
Đài tưởng niệm các Anh hùng - Liệt sĩ trong thành cổ Quảng Trị.

Trong sự khốc liệt tột cùng của chiến tranh, những bài thơ vẫn tuôn trào trên trang giấy như nguồn cổ vũ tinh thần mạnh mẽ cho những người lính. “Bài hát ru giữa trận B52” của nhà thơ Bằng Việt là một trong những bài thơ độc đáo như thế, tìm ra sự bình yên ngay cả trong những gì khắc nghiệt nhất, đó là một giấc ngủ nhẹ nhàng của người nữ giao liên giữa điệp trùng bom đạn: “Ba hồi bom trút cuồng điên/ Bốn lăm phút nữa lại thêm ba hồi/ Tóc em, đất lấm như vùi/ Cứu thương, ánh mắt trong ngời vẫn em/…Ngủ đi em, ngủ ngon lành/ Sức em trẻ lắm còn dành ngày mai/ Trận bom gần sáng xa rồi/ Ngủ đi em, có anh ngồi thức ru…”.

Cũng trong thơ Bằng Việt, từ những người lính chiến đấu trực tiếp giữa chiến trường, cho đến những người dân đang sinh sống trong vùng đất lửa, họ đều đối diện với chiến tranh bom đạn bằng cái nhìn thật bình thản, coi bom đạn như một phần của đời sống thường ngày. Phẩm chất anh hùng và sức sống mãnh liệt từ đó bật lên qua những câu thơ giản dị mà lẫm liệt: “Bọ già ngoài sáu mươi/ Chiếc quần đùi, dây thép gai xé rách/ Đứng giạng trên sân chà từng lượm lúa/ Bằng hai bàn chân sần chai/ Hạt lúa đầu mùa nóng hổi vàng tươi/ Giành giật với B52 và pháo kích…”. (Ghi từ một vùng đất lửa). Sức khái quát của bài thơ tiếp tục bật ra trong những câu cuối cùng: “Đất trụi trần ngang dọc hầm hào/ Hơi thở con người chắc nặng/ Đất cay cực, giành đi giật lại/ Tôi biết đất này từ nay của tôi/ Tôi đi thẳng vào lòng đất mở/ Đất khai sinh cạnh đất đã chôn vùi”.

Sau 1975, Quảng Trị vẫn tiếp tục trở thành đề tài cho nhiều tác phẩm thơ với những suy tư sâu lắng. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý bày tỏ những khát vọng về hòa hợp và hòa giải dân tộc: “Rêu cũng đỏ như đã từng là máu/ Cỏ xanh hơn nơi vạn chiến binh nằm/ Ù…ù…gió hay hồn lính trận / Thổi trăm năm không qua được mùa hè/ Hương khói thơm trên từng viên gạch vỡ/ Chảy âm thầm trong đất tuổi hai mươi/ Đài chứng tích - nấm mộ chung liệt sĩ/ Nhưng khói hương này xin thắp cả đôi bên/ Ai thấu hết nỗi đau của Mẹ / Để dựng tượng đài Nước mắt Việt Nam?/ Thành Cổ ơi, đã qua thời máu lửa/ Xin để hoa tươi được hát cho mình!” (Thắp cho Thành Cổ).

Những người lính trở về sau cuộc chiến không bao giờ quên bao đồng đội đã nằm xuống. Trong một lần trở lại chiến trường xưa, cựu binh Lê Bá Dương đã viết bài thơ “Lời gọi bên sông”, chỉ bốn câu mà lay động trái tim muôn vạn người. Bài thơ đã được khắc trang trọng lên bia đá bên dòng Thạch Hãn: “Đò lên Thạch Hãn ơi, chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Chỉ với một chữ nhẹ, mỗi người đọc cảm nhận được rằng, những người lính tuổi đôi mươi ấy không bao giờ chết, họ chỉ đang nằm ngủ một giấc nhẹ nhàng dưới lòng sông. Và xin hãy để yên cho họ ngủ. Máu xương những người lính ấy đã hòa cùng đất đai sông nước của Tổ quốc, tiếp tục bảo vệ giữ gìn cho quê hương xứ sở này.

Những lớp trẻ ngày nay được sinh ra và lớn lên trong một kỷ nguyên hòa bình, khi đất nước đã không còn tiếng súng. Nếu một ngày được bước chân vào Thành Cổ, sẽ thấy bạt ngàn những sắc cỏ xanh, xin hãy nhớ rằng dưới lớp lớp cỏ xanh ấy là bao xương máu cha ông đã đổ xuống.

Nhạc sĩ Tân Huyền qua ca khúc “Cỏ non Thành Cổ” đã nói giúp muôn triệu người Việt Nam về lòng biết ơn thiêng liêng sâu nặng ấy: “Cỏ non thành cổ một màu xanh non tơ/ Bình minh thành cổ, cỏ mềm theo gió đung đưa/ Cỏ non thành cổ một màu xanh non tơ/ Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ/ Người vợ nào người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về/ Cho tôi hôm nay vào thành cổ/ Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ/ Cỏ xanh non tơ cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình/ Với người hy sinh trên mảnh đất quê mình”.

Đỗ Anh Vũ
.
.