Có một Ngô Đức Hành trong mênh mang mạch chữ

Thứ Bảy, 17/05/2025, 08:18

Đọc thơ Ngô Đức Hành, nhận ra dòng chủ lưu của miền câu chữ ấy là cái mạch quê, mạch đời, mạch người sinh tự bốn mùa sỏi đá miền Trung.

Nhận diện từ những mảnh rời

Đã nhiều lần bên những cuộc vui, chúng tôi thường đùa nhau rằng để mấy mươi ngàn nhà thơ, nhà báo làm gì? Trong khi cả 3 miền của đất nước này chỉ cần có chục ông cỡ như Ngô Đức Hành là đủ. Thì như Tây Nguyên có ông Văn Công Hùng, Quảng Trị mấy năm nay bổ sung ông Nguyễn Hữu Quý… Còn ngoài Bắc, nếu một mình ông Hành e là mỏng, nhưng thêm vào độ dăm bảy ông Ngô Đức Hành nữa cho miền Bắc là dứt khoát thừa ngay! Vui mồm thế để nói cái nhanh nhẹn và cả cái ham đọc, ham viết, viết nhanh của nhà báo, nhà thơ Ngô Đức Hành trên truyền thông là rất đáng kể vậy.

Có một Ngô Đức Hành  trong  mênh  mang  mạch  chữ -0
Nhà thơ Ngô Đức Hành.

Quả thực, cái cách viết, cái sức viết, sức đọc, cách đọc của Ngô Đức Hành dứt khoát là bởi cái thiên tư, cái đam mê, chứ tuyệt nhiên không thể là cái “cần cù, chịu khó” trong lao động văn chương được! Ngạc nhiên nhất là cách viết giới thiệu sách viết cảm nhận thơ của ông. Có khi vừa nhận sách tặng buổi sáng, thì tối ấy ngài Hành đã gõ xong một ngàn bảy trăm chữ zin đét!

Vốn nhiều kinh nghiệm trong nghề báo, nên “ngài” cứ viết bài nào là ăn chắc bài ấy, không lo “phạm húy”, “phạm tự” đáng kể nào cả! Về tài viết báo nhanh của Ngô Đức Hành, thì đến cẩn trọng như cụ Vũ Quần Phương còn phải thốt lên: “Chịu tay Hành, nó làm báo giỏi thật”.

Rất khó để minh định về Ngô Đức Hành trong “căn nhà” nào giữa nhà báo, nhà thơ, hay lý luận phê bình. Thôi thì kệ nhân gian nhận diện, hình bóng, dáng dấp của anh qua tác phẩm. Nghề văn chương khó nói trước lắm, chỉ biết rằng ngoài đời Ngô Đức Hành vẫn đang thong dong câu chữ đi khắp nẻo, bạn bầu với muôn phương cùng những nụ hoan hỷ trong cõi nhân gian này!

Lọc trong những trang đêm

Bụng bảo dạ phải viết một bài cho ra gì về thơ Ngô Đức Hành, nhưng cứ gõ vào phím thấy hiện lên một Ngô Đức Hành báo, một Ngô Đức Hành bạn, một Ngô Đức Hành phiêu du… chả biết nhấn vào đâu cho ra cái đặc trưng thơ của anh. Thế là vào lần lại chữ nghĩa của anh qua các tập thơ, như: "Con đường rạ rơm"; "Câu hát tìm anh" rồi lần cả vào "Mai ngày"; "Balad đêm"; "Balad khác"… thì mới nhận diện đầy đủ cái “ngữ diện” tàng trong căn chữ của thơ Ngô Đức Hành.

Nào, giờ thì lên chuyến xe thơ truyền thống của ông họ Ngô sông Nghèn, theo "Con đường rơm rạ", mà về Nghệ tung tẩy một phen:

"Chưa về Hà Tĩnh đã say/ Áo tơi em cởi gói ngày hanh hao/ Hà Tĩnh giòn cả lời chào/ Cu đơ cầu Phủ vênh vao quê nhà…/ Cúc đơm ngực áo trắng ngần/ gió Lào tháng Bảy trời vần vũ ghen/ Chưa về Hà Tĩnh quê em/ nhớ thương câu Ví mà đêm võng chùng" (Hà Tĩnh).

Đọc lên thấy tuyền những quen thuộc cả, nhưng nói về xứ Nghệ mà không có gió Lào, không Cu đơ, không có làn da con gái Nghệ… là dễ lẫn lắm. Thì thôi, cũ vẹt một chút, nhưng còn may có cái định danh của vùng miền vậy:

"Anh theo em về với Vinh không/ Ngày chạm ngõ gió Lào bê mâm quả/ Cam Xã Đoài thổn thức khuy áo lạ/ Nắng gió vô tình nổi đóa ghen tuông" (Nắng Vinh).

Vinh quá, Nghệ quá, đặc Nghệ dọc hai bên "Con đường rơm rạ" của họ Ngô, thì tạm rời cung rơm rạ nhớ thương chuốt những sợi vàng ấy, để nhập vào một cung "Ballad đêm". Nào, xem một cung yêu rượt đuổi trong mạch chữ, mạch đời thời @:

"Người đàn bà hóa vào trang giấy/ Những đường cong gọi con chữ xếp hàng… Bài thơ em không gửi anh/ Nét chữ  nõn hương rừng ngầy ngậy/ du dương cuộn mình như ký tự @/ mặt đất giao mùa kẽ chân lông căng mọng…" (Người đàn bà & Trang thơ).

Có chỗ, chữ của ngài Hành trong đêm Ballad còn căng thĩm lên, gợi mở hơn nữa:

"Say đi em/ bóng đêm/ nhung lụa huyền vĩnh cửu/ mềm bóng mây ngả nào địa đạo/ (…) cơn say hóa (…) tín đồ" (Say đi em).

Có một Ngô Đức Hành  trong  mênh  mang  mạch  chữ -1
Tác giả Nguyễn Thế Kiên và nhà thơ Ngô Đức Hành.

Nhưng lạy giời “ngài” Đức Hành chỉ thể nghiệm, thử nghiệm và điểm xuyết vài bông chữ ấy thôi, còn chiếm dung lượng lớn trong thơ “ngài” là những cung Ballad đích thực với chất đồng quê & dân ca đưa đẩy và lay gợi.

"Có một khoảng trời xanh tuổi thơ anh/ có một con đê chân trời rợn cỏ/ có một dòng sông mải mê thuyền, vó/ có một cánh diều no gió vi vu/ Có con sông nghèo đắm đuối tuổi thơ/ lối qua nhà em bạt ngàn xấu hổ/ đêm thèn thẹn đong đầy thương nhớ/ bóng một thời trôi dạt lơ ngơ…" (Khoảng trời có em).

Đây có lẽ mới là chất trong thơ của họ Ngô, một lãng tử mang sông Nghèn, mang Hà Tĩnh thong dong đi bốn phương người, những câu chữ của anh khi trở về đúng chất, nó chợt đằm, chợt hiện, chợt đầy lên từ ruột chữ:

"Có dải miền Trung cõng đồi nắng lửa/ nghe bước chân trần ước chạm đôi môi/ Có những phút xa như sợi chỉ mảnh/ có những phút gần cách nhau thế kỷ/ …/ Có những ước mơ trong đời rất thật/ có đời sống thật như đá mồ côi" (Đồng dao cho em).

Ngô Đức Hành với chất người ấy, báo ấy, thơ ấy, sức viết cuồn cuộn ấy, dĩ nhiên phải có một miền yêu đa chiều, đa diện và mang rất nhiều cung bậc. Yêu chứ, viết thế, sống thế, không yêu thì phí phạm một đời lãng tử, phí phạm một kiếp chữ lắm. Có lãng tử lắm thì mới nhận diện được mình trong câu chữ như thế này:

"Em là mảnh vỡ/ thiên di nghìn năm/ anh là hóa thạch/ đã thành trời xanh/ Rơi vào đầu anh/ mảnh nào bão tố/ nâng niu sướng khổ/ vết thương đau - lành" (Em).

Lãng tử Ngô Đức Hành cứ vô tư tung tẩy quăng chữ vào cõi yêu, có hôm trên trang phây-búc của “ngài” dồn dập ba bốn bài, bạn bè cứ mắt tròn mắt dẹt mà bấm like (like) trong nghi hoặc. Có đận, mấy nhà văn nữ như Phan Mai Hương, Đỗ Thu Hằng, Giang Đăng, Thúy Nga… phải nhược nhào vì “lai” vì “còm” thơ tình của ngài. “Lai” xong còn nhớn nhác nhắn vào nhóm Zalo chung: "Bác Hành hôm nay tình móm hay sao, mà thơ lên ác quá, sáng giờ vật tới ba bốn bài rồi! Hay là ông ấy làm sao ạ?...".

Giờ đây, ngồi đọc liền cả sáu bảy tập thơ của ông, mới vỡ ra đấy là cái căn thơ của Ngô Đức Hành. Có điều, “ngài” Hành trên Facebook vô cùng non nớt trước “ngài” Hành đằm trầm, tinh tế trong cửa chữ của những ấn phẩm thơ đã xuất bản:

"Em về nhón gót chân son/ Người xưa Lạc Việt hỏi còn ở đây/ Hỡi em má đỏ hây hây/ bước từ cổ tích heo may gối mùa/ dãi dầu Ngàn Hống nắng mưa/ Vân Chàng lửa đỏ gió lùa ái ân/ Tựa vào Ngàn Hống mà xanh/ Theo câu Ví Giặm tìm anh, em về" (Câu hát tìm anh).

Có thể nói, trong những ấn phẩm thơ đã xuất bản của Ngô Đức Hành, mạch tư tưởng thơ mà ông hướng tới gây ấn tượng trong cả 7 tập thơ đã xuất bản là hình bóng miền Trung quê anh với rất nhiều lát cắt. Ngô Đức Hành nhập chữ của mình vào hồn vía quê hương bằng vốn sống, vốn yêu, vốn đi, vốn viết của một kiếp người xê dịch trong kiếp chữ:

"Tôi hạt cát miền Trung/ gió Lào ghim tôi vào chiều Hà Nội/ hạt sém gió/ lang thang trên con đường mềm mại một ngày xa" (Tôi).

Thơ ca từ cảm xúc đến cấu tứ và tư tưởng thơ ngỡ gần ngay đấy, mà có người cả đời thơ, câu chữ không vượt qua nổi cánh cửa cảm xúc để hướng tới sự tương tác chia sẻ và giải tỏa theo nguồn theo mạch. Ngô Đức Hành sau những dấu chân hồ hải, những chan trải gió sương, những nhẫn nhịn an nhiên, những hòa đồng khắp chốn mới đủ tỉnh thức để nhận ra hồn vía quê hương mình hiển hiện giữa đô thành như thế nào. Phép nhận diện ấy thuộc về miền thức ngộ của một tri thức:

"Có một phần Hà Tĩnh xa quê/ có một phần gừng cay muối mặn/ có một phần sông La ngàn Hống/ chảy suốt chiều dài Thăng Long - Thủ đô/ Em trao anh câu đợi câu chờ/ võng mẹ ru xóm Hạ Hồi giữa phố/ Hà Tĩnh mình thương Hồ Tây vò võ/ trời Can Lộc quê nhà làm Hà Nội xanh hơn" (Có một phần Hà Tĩnh).

Thì thầm bên một mạch chữ!

Đọc thơ Ngô Đức Hành, nhận ra dòng chủ lưu của miền câu chữ ấy là cái mạch quê, mạch đời, mạch người sinh tự bốn mùa sỏi đá miền Trung. Viết đến đây, nhớ hôm nào đó, bên cốc bia chiều nắng ọp ẹp trong xứ Lĩnh Nam, ông bảo: “Anh là một gã nhà báo, cầm thơ nhập vào cuộc chơi vậy thôi, chú ạ”. Có thể lắm, ông đã tiếp cận hàng ngàn văn nhân trong cả nước, viết về thơ của rất nhiều nhà thơ, nhưng hình như ông lại chưa/không bắt ra mạch cho thơ mình? Mà cũng có thể vì tôi vốn chậm chữ, nên sau khi đọc cả ngàn bài thơ của ông, mới nhận ra cái mạch chữ chủ lưu đã đưa những dấu chân Ngô Đức Hành lãng tử phiêu du trong cõi nhân sinh này?

Thôi thì kệ, bởi trong mạch chữ mênh mang và hồ hải ấy, Ngô Đức Hành chả nóng giận cùng ai. Thơ ấy, người ấy cứ như mầm hạt của miền Trung, gieo vào đâu là phủ xanh nơi ấy!

Hà Nội, 05/2025

Nguyễn Thế Kiên
.
.