Có lòng thì tìm về Yên Thế

Thứ Năm, 11/05/2023, 13:49

Tiết nhuận tháng hai kéo dài làm hương xuân đơm nụ đào mai muộn. Thị trấn Cầu Gồ (Yên Thế - Bắc Giang) bồng bềnh trong tiếng chim líu lo trên những vòm cây và mái nhà ngói mới. Tôi đứng bên những lỗ châu mai thành Phồn Xương nhìn về phố huyện. Không gian trầm lặng với những câu thơ của Nguyên Hồng (1918-1982) vọng về: “Yên Thế ơi! Bất tử/ Đất nước ngọt sao như sữa/ Đất nước êm sao như hát/ Bao canh khuya nghe kể chuyện Hoàng Hoa…” (Hoàng Hoa Thám quê xưa - 1959).

Đá vùng Yên Thế chênh vênh chẳng mòn

Tôi đi chậm rãi trong hương hoa dọc phố Cầu Gỗ chợt nhớ tới những dặm đường dài kháng chiến mà nhà văn Nguyên Hồng đã từng xuyên rừng vượt núi. Gia đình ông sống ở thị trấn Nhã Nam nhưng lại gắn bó với thành quách Phồn Xương bao năm qua. Bộ tiểu thuyết Hoàng Hoa Thám của nhà văn bắt đầu từ khu vực Cầu Gồ. Những dòng chữ đẫm nước mắt của Nguyên Hồng được khởi thảo trên bờ thành đất này.

Đã bao lần ông đi dạo quanh thành và trò chuyện với linh hồn Hoàng Hoa Thám. Cuộc đối thoại trong cõi mộng du của hai kẻ ngang tàng một cõi. Họ cùng nói chuyện và cười vang trên cánh rừng Yên Thế. Sau đó, ông trở về đồi văn của mình ở Cầu Đen nhả chữ như con tằm ươm tơ vậy. Một cuộc đời ngang dọc “bụi đời” viết về người anh hùng cái thế như một mãnh hổ Phồn Xương (Hùm thiêng Yên Thế). Vậy mà người anh hùng Hoàng Hoa Thám (1836-1913) đã ra đi vào mùa xuân Quý Sửu, tính đến nay vừa tròn 110 năm.

3-lễ dâng hương tượng đài anh hùng dân tộc hoàng hoa thám.jpg -0
Lễ dâng hương tượng đài anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám.

Thị trấn Cầu Gồ thường tổ chức lễ hội vào giữa tháng Ba để tế vọng hương hồn người anh hùng áo vải đổ máu trên vùng quê Yên Thế. Hội luôn thể hiện nét hùng tráng bằng lễ Mã kiệu được rước từ đình Hà (Nhã Nam) lên Phồn Xương. Mạnh mẽ nhất biểu tượng cho Yên Thế là kịch bản Tế cờ Hoàng Hoa. Đó là những lễ linh thiêng mở đầu cho hội “Trai cầu vồng Yên Thế gặp gái Nội Duệ - Cầu Lim”. Trai thanh gái lịch vùng Kinh Bắc đổ dồn về đây cùng hòa chung niềm vui mùa xuân.

Hơn bốn mươi năm trước nhà văn Nguyên Hồng không bao giờ vắng mặt ở lễ hội Nhã Nam - Cầu Gồ. Mỗi lần trở lại thành quách đẫm máu trên Phồn Xương ông lại khóc và vái lạy người anh hùng của rừng thiêng Yên Thế. Nỗi niềm như sấm dậy gầm vang: “Hồn về cõi xa xăm bi tráng/ Đầu ta rơi vì kẻ đớn hèn/ Máu nhuộm đỏ sa cơ thất thế/ Ngạo nghễ cười lộng gió Phồn Xương”.

Lúc này đây con sông Thương chảy qua Yên Thế chở đầy hoa và cam Bố Hạ đưa lên thị trấn Cầu Gồ. Những chàng trai cô gái dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan, Dao Hoa, luôn có những điệu múa của riêng mình trên núi Đền Thề. Tiếng đàn Tính của các cô gái Tày ngày nào đã từng dạo khúc vui tươi bên gốc liễu tường thành. Hình bóng xù xì gai góc của Hoàng Hoa Thám luôn hiện về bên thành cổ.

Ông lắng nghe từng nhịp điệu mùa xuân rộn ràng gần ba mươi năm trường kháng chiến chống Pháp (1885-1913). Những chiến binh ngày đó cùng vào hội hàng năm và đồng thanh hát vang bên lá cờ đào. Lời ca kháng chiến nơi rừng thiêng hòa trong những bản hùng tráng từ thuở “Phú Xương Giang” của Lê Tử Tấn (1378-1457) cùng vua Lê Lợi kháng chiến.

Trước mắt tôi, hình ảnh những bước chân của nhà văn Nguyên Hồng chậm rãi với âm hưởng lịch sử tráng lệ: “Ba mươi năm khắp núi rừng/ Danh ông Đề Thám vang lừng núi sông”. Dân Yên Thế luôn truyền tụng những câu ca trong dân gian về cuộc kháng chiến vang dội của Hoàng Hoa Thám. Họ hát rằng: “Cỏ vùng Bãi Sậy còn xanh. Đá vùng Yên Thế chênh vênh chẳng mòn”. Cùng với không khí động viên ra nhập nghĩa binh, một thời dân chúng quanh vùng còn nhớ: “Có lòng thì tìm về Yên Thế/ Không có lòng thì Đèo Khế - Thái Nguyên”.

Em là con gái Bắc Giang

Vùng đất trấn Cầu Gỗ - Bố Hạ này thật ám ảnh cho bất kỳ ai tới đây. Nhà văn Nguyên Hồng đã sống ở Yên Thế nửa thế kỷ nên nơi đây trở thành quê hương thứ hai của ông. Gia đình nhà văn sống trên đồi ấp Cầu Đen suốt 9 năm kháng chiến. Sau hòa bình ông trở lại khai phá làm kinh tế cho tới khi tạ thế. Nguyên Hồng trở về sống mảnh đất này như định mệnh hà khắc với số phận riêng mình. Nhà văn ghi chép tỉ mỉ từng con đường lịch sử mà nghĩa quân Hoàng Hoa Thám đã hoạt động.

Quê hương Nhã Nam - Yên Thế đã trở thành máu thịt của ông: “Bát ngát Nhã Nam đôi mùa lúa chín/ Bố Hạ cam vàng chiu chít/ Đường xa mở hội sim mua” (Hoàng Hoa Thám quê xưa). Vùng đất Yên Thế kéo dài mở rộng tới tận vùng ATK Thái Nguyên. Nhã Nam thực ra chính là đất Yên Thế Hạ bởi thành Phồn Xương cách đó không bao xa. Do vậy đồi Văn hóa ấp Cầu Đen đã trở thành di sản văn hóa Bắc Giang.

Đội ngũ văn nghệ sĩ ở trên đồi ấp Cầu Đen hoạt động kháng chiến suốt từ 1947 tới 1954. Hàng trăm tác phẩm văn thơ và âm nhạc cùng hội họa kháng chiến đã ra đời trên đồi cao này. Đặc biệt, nói đến bài thơ “Phá đường” của cố nhà thơ Tố Hữu ai cũng nhớ tới hình ảnh: “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế/ Gió qua rừng đèo Khế gió sang/ Em là con gái Bắc Giang/ Rét thì mặc rét nước làng em lo”. Đây là hình ảnh những cô gái Bắc Giang ở các vùng Hiệp Hòa, Yên Thế và Tân Yên đã cùng đồng đội tham gia phá đường ngăn quân Pháp đánh lên ATK kháng chiến. Đèo Khế ở đây thuộc về Đồng Hỷ qua Khe Mo sang Bắc Giang. Nhà thơ mô tả đúng gió mùa Đông Bắc qua đèo Khế thổi về Yên Thế là như vậy.

4--khẩu pháo của nghĩa sĩ yên thế.jpg -0
Khẩu pháo của nghĩa sĩ Yên Thế.

Dòng sông Thương luôn vang vọng lời hịch của Nguyễn Trãi chống quân xâm lược nhà Minh trên thành Xương Giang (hiện nằm trong nội thành phố Bắc Giang). Dòng sông tiếp nguồn từ Yên Thế trôi vào thành phố luôn cuồn cuộn con sóng lịch sử hùng tráng với ý chí quật cường của nghĩa quân Lê Lợi ngày nào: “Đánh một trận, sạch không kình ngạc/ Đánh hai trận tan tác chim muông”.

Hạ thành Xương Giang là nghệ thuật chiến đấu tiêu biểu của quân và dân ta và cũng là dấu ấn đặc sắc trên đất Bắc Giang vào năm 1427. Một chiến thắng có ý nghĩa quyết định của nghĩa quân Lê Lợi mở đầu cho công cuộc giành lại độc lập cho non sông đất nước Đại Việt. Ngày nay, dòng sông Thương còn ghi dấu những ký ức sống động trên các con thuyền đưa thanh niên Yên Thế lên đường nhập ngũ với tâm thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Họ đóng góp sức chiến đấu kiên cường trên các mặt trận miền Nam cho đến ngày thống nhất đất nước năm 1975.

Sau chiến thắng trở về lực lượng vũ trang của huyện Yên Thế và xã Tam Tiến được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cùng với đó Yên Thế còn được vinh danh 59 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 3 Anh hùng lực lượng vũ trang. Sinh thời nhà thơ Tạ Hữu Yên từng về đây và đã viết: “Nơi đây sáng chói lòng dân/ Lửa từ thời ấy âm thầm vẫn nhen/ Đường về Yên Thế đường quen/ Vẳng nghe trống trận người chen chân người” (Đường về Yên Thế).

Ta lại cùng nhau tung còn hát ví

Yên Thế là huyện vùng núi cao của Bắc Giang. Mỗi năm mùa lễ hội tại thị trấn Cầu Gồ là một lần những chàng trai cô gái các dân tộc trở về mừng vui ca múa. Đội văn nghệ bản Ven luôn hồ hởi xúng xính với những túi trà ngát hương cốm thơm thảo tình quê. Nhớ có lần tôi được gặp ông Quán ở ngã ba chợ Xuân Lương cách bản Ven chừng vài cây số. Xuân Lương là bản giáp ranh với Thái Nguyên và có dân tộc Cao Lan sinh sống. Ngã ba đường chợ là nơi hội ngộ của những cặp đôi trang lứa hẹn hò. Họ trao gửi tâm tình bằng những làn điệu ngọt ngào trên quê chè Kinh Bắc.

Khi đó ông Quán hát và dịch lời hát của người Cao Lan cho tôi nghe: “Gặp em không biết em có người tình hay chưa/ Nếu đã có người tình rồi thì chúc em đẹp duyên đôi lứa/ Nếu chưa có người tình thì đừng có trách anh…”. Ông say sưa thể hiện với ký ức của một thời quá vãng mộng mơ. Vừa hát ông Quán vừa rót chén trà cho tôi tràn cả ra ngoài mà không hay biết. Tôi đỡ tay ông trong tiếng trống vang dội bản Ven. Hương trà thơm ngào ngạt tỏa lan khắp ngã ba đường rừng. Ai đó hát vọng từ thác nguồn trên núi dội về: “Bình rượu núi soi nghiêng chếnh choáng/ Mắt em quăng lưới biển hồ đầy/ Tiếng đàn then nấc nghẹn tình say…”. Tôi chìm đắm trong nhịp điệu Cao Lan và nghe trên núi cao chim ríu rít hòa trong lời ca dào dạt bên rừng xanh bao la.

Vương Tâm
.
.