Chuyện về một bà già đi nhặt đào

Thứ Sáu, 03/02/2023, 14:27

Đã rất nhiều năm, cứ sau Tết ít ngày, tôi lại thấy bà đi gom những cành đào người ta vứt chỏng chơ nơi những bãi rác, có khi lề đường hoặc bất cứ nơi nào có thể vứt. Việc làm có vẻ bất thường đó đã khiến tôi không thể không chú ý và trỗi dậy nhu cầu muốn tò mò hỏi bà:

- Xin lỗi bà. Đào người ta đã vứt đi, bà còn nhặt về làm chi?

Bà nhìn tôi với vẻ mặt thản nhiên pha chút lãnh đạm, không tỏ sự khó chịu, cũng chẳng nhiệt tình, hào hứng. Bà chỉ nhìn phớt qua tôi như một phản xạ tự nhiên khi có người cất tiếng hỏi rồi trả lời:

- Có việc anh ạ.

- Việc gì, thưa bà?

- Cũng không có gì đáng nói. Vì tôi thấy tiếc thì cầm về thôi.

ba.jpg -0
Bà cụ lưng còng.

Cách trả lời có phần lấp lửng, uể oải của người đàn bà đã già nua càng khiến tôi không thể bỏ qua. Quan sát và tiếp xúc với bà, tôi có cảm giác đó là một con người đang chứa đựng điều gì bí ẩn. Tôi quyết định làm quen, thuyết phục để bà nói chuyện nhiệt tình hơn:

- Chả là thế này bà ạ. Tôi cũng là người rất thích đào. Điều này thì chắc nhiều người cũng vậy. Nhưng điều đáng nói là mỗi khi Tết qua, tôi thấy đào bị vứt đi thật phí hoài, bởi rất nhiều cành có nụ, còn chơi được lâu. Nhưng tôi chẳng thể nhặt về vì nhà quá chật, không biết để ở đâu. Nay thấy bà làm việc này, tôi lấy làm thú vị, mới mạnh dạn hỏi bà. Có gì không phải, mong bà miễn thứ...

Hình như thấy tôi chân thành và được người đàn ông trẻ hơn mình tôn trọng, bà đã có phần cởi mở hơn:

- Rất nhiều người thấy tôi lượm đào ở bãi rác thế này đều tò mò hỏi tôi như anh. Họ nghĩ rằng tôi già nua lẩm cẩm, làm việc kỳ cục nên có người đã nói thẳng với tôi chẳng chút nể nang:

- Mẹ già lẩm cẩm ơi, đừng có bới tung cái đống rác ấy ra nữa. Nhặt những cành đào ấy làm gì? Tết qua rồi, người ta đã vứt đi, còn dùng làm sao được nữa.

Tôi thấy người đàn bà trước mắt mình thật tội nghiệp. Bà có nụ cười như mếu làm méo xệch cả cái khuôn mặt vốn lúc nào cũng rầu rĩ, héo tàn. Tôi đoán bà chừng ngoài 70 tuổi nhưng trông phải già tới 80: Người gầy đét, lưng hơi còng, mái tóc còn rất ít sợi đen và đã rụng nhiều. Da mặt nhăn nheo, dúm dó. Duy chỉ đôi mắt là tôi thấy vẫn tỏ ra tinh tường, không có vẻ lờ đờ.

- Người ta hỏi vậy, bà nói sao?

- Mặc kệ họ chứ anh. Việc mình, mình làm, chẳng động chạm, ảnh hưởng đến ai. Trả lời họ làm gì cho mệt. Làm sao họ hiểu được mình.

- Vậy hẳn là bà nhặt đào về không chỉ vì yêu quý và tiếc, còn vì một lý do nào khác nữa?

- Vâng. Khi nào có dịp mời anh đến nhà chơi, sẽ hiểu.

Thế là tôi đã trở nên quen biết bà, còn được bà nói rõ địa chỉ, mời đến chơi. Không bỏ lỡ dịp, để thoả máu nghề nghiệp, tôi đã đến thăm bà. Đó là dịp rằm tháng giêng năm ngoái. Tôi đến vào buổi sớm vì muốn tránh đụng bữa cỗ của gia đình. Tôi mua một túi cam vàng au đến biếu bà. Gặp tôi, bà có vẻ mừng và cảm động. Tôi lại chứng kiến nụ cười méo mó kèm thêm một câu mà không nghĩ một người như bà lại có thể nói:

- Cảm ơn anh đã đến thăm. Anh đi một mình hay còn ai? Anh cho nhiều cam quá. Tôi chỉ xin một quả lấy may năm mới.

Dĩ nhiên là tôi không thể đồng tình với ý định quá khiêm nhường của bà. Liền đó, tôi thấy bà chuyển những trái cam lên bàn thờ vốn đã có đầy hương hoa rồi châm 3 nén nhang cắm vào bát, đoạn chắp tay vái hình người trên bàn thờ. Có 2 tấm ảnh: Tấm trên to hơn, nước ảnh mờ hơn và tấm dưới nhỏ hơn, nước ảnh rõ và nét hơn. Tôi đoán chừng đó là chồng và con trai bà. Tôi cũng xin phép bà được làm việc đó. Bà cảm động lắm, tay run run rút nhang rồi châm lửa, trao cho tôi. Đợi tôi tưởng niệm xong, bà nói:

- Đó là chồng và con trai tôi. Ông ấy chết khi tôi vừa sinh thằng con trai. Nó mồ côi cha khi vừa 3 tháng tuổi.

Vừa nói, bà vừa lấy khăn lau nước mắt, sụt sịt:

- Nhà tôi lúc ấy nghèo lắm, quanh năm ngày tháng chỉ trông vào vườn đào. Một lần, ông chồng tôi bị cảm, vẫn cố ra chăm sóc đào. Tôi gàn thế nào cũng không được. Người nóng hầm hập mà ông ấy không chịu ở trong nhà. Nể tôi quá, ông đành bỏ vào nhưng đúng lúc thằng bé khóc, tôi bận thay tã cho nó thì ông đã lén ra vườn tiếp tục công việc. Thế là trúng gió. Ông nằm quay lơ dưới một gốc đào. Hàng xóm nhìn thấy chạy đến giúp tôi đưa đi cấp cứu thì ông ấy đã nhắm mắt, tắt thở, chân tay đã lạnh cứng...

hoa-dao-tet-3a.jpg -0
Những chậu đào.

Bà chỉ kể vắn tắt như vậy. Thấy tôi ngoái lên nhìn kỹ vào tấm ảnh người con trai, hiểu ý, bà kể tiếp:

- Thằng con tôi vừa nhập ngũ thì vào chiến trường ngay. Nó hy sinh ngay trong ngày 30/4/1975 trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn. Số nó thật hẩm hiu, chỉ mấy tiếng đồng hồ nữa là quân ta toàn thắng. Vậy mà nó không kịp đợi. Ông trời đã không cho nó trở về với tôi.

- Vậy anh ấy là liệt sĩ? Bà có được hưởng các chế độ của gia đình liệt sĩ không?

- Đầy đủ cả anh ạ. Chẳng có gì khiến tôi phải trách. Tết năm nào lãnh đạo phường, quận cũng đến thăm và tặng quà.

Bây giờ thì bà rất cởi mở với tôi, không như cái phút tôi mới làm quen. Bà kể rất nhiều về người con trai. Nhưng tôi vẫn chưa thấy có gì liên quan đến đào nên hỏi:

- Thưa bà, chắc anh ấy cũng rất yêu đào?

- Vâng. Lúc nó đang đi học, chưa nhập ngũ, Tết năm nào cũng đích thân ra vườn chặt đào tặng các thầy, cô giáo và những bạn thân. Riêng có một cây nó dành để tặng đứa bạn nữ thân nhất trong lớp thì tôi đã vô ý chặt tặng một bà bạn cũ. Thế là nó về cứ khóc mãi. Nó là con trai mà yếu đuối, không dám rầy la tôi, chỉ khóc. Đó là cái Tết cuối cùng nó có mặt ở nhà vì năm sau đi bộ đội, vào chiến trường.

- Xin phép hỏi bà. Sau đó, bà cứ ở vậy và anh ấy là đứa con độc nhất của bà?

- Không. Tôi còn một đứa con gái đầu nữa.

Kể đến đây, giọng bà như nghẹn lại. Hình như có điều gì đó khiến bà buồn.

- Chắc chị ấy sống ở nhà chồng? Có thường xuyên về thăm bà không?

- Nó đã theo chồng sang Mỹ. Chồng nó là người Mỹ. Trước khi lấy chồng, nó nằng nặc đòi tôi bán nhà, đất ở trên Tây Hồ. Chỉ còn một mình nó, tôi đành nghe theo. Rồi nó mua cho tôi chỗ ở này, và đưa thêm một khoản tiền đủ để tôi sống đến hết đời. Sau đó, vợ chồng nó sang Mỹ.

Vậy là tôi đã hiểu. Cả một cơ ngơi lẫn vườn đào từ đó đã không còn nữa. Nơi ấy sau này mọc lên một khách sạn lớn. Bà dẫn tôi ra phía sau nhà. Tôi thấy có đến mấy chục chiếc chậu lớn toàn trồng đào, ngoài ra không có bất cứ thứ cây gì.

- Đó toàn là những cành đào tôi lượm ở ngoài đường về trồng lại, sau khi người ta vứt đi đấy.

Quả là bà có nghề trồng đào. Trồng cây nào cũng tươi tốt, có nhiều cành còn nở thêm hoa rất đẹp. Bà nói rằng sau khi buộc phải nghe theo đứa con gái, bán nhà, không còn vườn đào, bà tiếc ngẩn ngơ như người mất hồn suốt một thời gian dài.

- Tôi nhớ đào tưởng phát ốm. Nó gắn với ông nhà tôi và thằng con liệt sĩ. Nhờ có những chậu đào này mà tôi cảm thấy bớt cô đơn vì lúc nào cũng nhớ đến chồng, con, lại luôn tay chăm sóc đào, không rảnh rỗi.

- Nhưng bà nhặt về trồng lại thì chậu đâu ra cho đủ?

Bà nói là hàng xóm, người quen, ai thích thì bà sẵn sàng tặng, chỉ cần kiếm cho bà cái chậu khác để tiếp tục trồng. Đã có nhiều người đến Tết chơi đào của bà mà không phải mua. Ngôi nhà của bà bé nhỏ thu mình trong một ngõ hẹp. Bà đã sống một mình cô quạnh trong nhiều năm nay, dồn thời gian chăm sóc những cây đào suýt nữa chúng đã bị vứt đi. Bà cũng nói là rất tiếc những cành đào to không thể mang về vì không trồng được ở trong chậu.

Lần đến thăm đó, bà đã giữ tôi ở lại ăn cơm. Bà nói đã bao nhiêu cái Tết, những ngày rằm, chỉ có một mình bà vò võ. Cũng có họ hàng, người quen đến thăm nhưng chỉ chớp nhoáng rồi lại đi ngay. Đã lâu lắm, bà không ăn cơm cùng ai. Đứa con gái duy nhất thì ở xứ người, từ khi theo chồng sang Mỹ chưa có dịp về, chỉ thỉnh thoảng gọi điện và gửi tiền. Bà bảo với tôi rằng điện thoại nó mua cho trước khi đi Mỹ, bà chẳng dùng vào việc gì ngoài nghe điện thoại của nó gọi về. Nhưng có khi cả tháng nó cũng chẳng gọi, vì còn bận buôn bán, kinh doanh. Còn tiền thì bà cũng chẳng hề tiêu, cứ gửi vào ngân hàng, vì tiền bán nhà đứa con gái gửi ngân hàng cho mẹ hàng tháng lấy lãi cũng đã quá đủ. Bà chỉ thiếu tình cảm, tinh thần, thì có những chậu đào kia. Bà nói với tôi một câu thật tình cờ, ngẫu nhiên mà tôi cứ phải suy nghĩ mãi sau khi từ biệt bà ra về:

- Trước Tết thì ai cũng vồ vập, đua nhau đi sắm đào, khoe với thiên hạ về những cành đào đắt tiền, đưa cả lên bàn thờ trưng bày. Chỉ vài ngày sau, qua Tết lại quẳng đi, vứt lung tung, chẳng hề nghĩ nó vừa làm đẹp, làm sang cho nhà mình. Người ta vứt thì tôi nhặt, kéo dài cuộc sống cho nó, thêm ngày nào hay ngày nấy.

Nguyễn Đình San
.
.