Chuyện đời, chuyện phố Khâm Thiên

Thứ Ba, 28/03/2023, 10:47

Tên phố được đặt từ trạm "Khâm Thiên Giám" ở đầu ngõ chợ Khâm Thiên ngày nay. Đã mấy trăm năm, đài thiên văn cổ này dựng lên để đo đạc mây mưa, bức xạ mặt trời và làm lịch. Con đường đi qua mươi làng ngày ấy lổn nhổn đá sỏi và bé vừa đủ một chiếc xe bò kéo cổ lỗ sĩ. Mãi tới năm 1915, đường mới được trổ thêm rộng và dài hơn một cây số. Hàng quán lập lên phố xá. Đèn dầu lập lòe như sao xa. 

Những duyên ngộ đẫm lệ 

Khâm Thiên (Đống Đa) là phố có nhiều ngõ nhất Hà Nội. Đường vào các thôn làng hoặc rẽ ngang các kênh rạch, cống rãnh thì có tới 32 ngõ cả thảy. Nổi tiếng nhất là ngõ Cống Trắng thải nước từ các nơi chảy về hồ ao và ruộng rau muống phía sau làng Trung Phụng và Lệnh Cư. Ai cũng nhớ ở bên đầm ao rau ngõ Cống Trắng có gia đình nhà thơ Trần Huyền Trân (1913-1989) cất lều ở. Vào thập niên 30 thế kỷ trước, phố Khâm Thiên bắt đầu hoạt náo bởi hàng quán hát cô đầu mọc lên. Hàng trăm cô đào hát và đào rượu sinh sống tại các ngõ phố.

anh 1.jpg -0
Tượng đài tưởng nhớ những người đã tử nạn và hy sinh trong trận chiến đấu chống B-52 Mỹ (26/12/1972).

Nhà thơ Trần Huyền Trân khi đó còn là một chàng thi sĩ trẻ. Tên cúng cơm của chàng thi sĩ là Trần Đình Kim sinh trưởng tại Hà Nội. Một lần chàng đang cùng mẹ cất vó bên hồ trong đêm mưa gió thì có tiếng động mạnh. Chàng vội chạy tới mới hay đó là một cô gái bụng mang dạ chửa bị ngã vì đói lạnh. Hai mẹ con chàng đưa cô gái vào lều sưởi ấm. Từ đó, cô gái nằm chờ đẻ ở tại nhà chàng. Đó là một ả đào được một ông chủ lấy về làm vợ rồi hắt hủi đuổi đi khi có thai. Hai mẹ con chàng chăm nuôi cô đào cho đến khi mẹ tròn con vuông.

Cô đã nhờ thi sĩ đặt tên cho con gái bởi chàng tự nhận đứng tên cha đỡ đầu để làm giấy khai sinh cho đứa bé. Khi hỏi kỹ mới biết tên người mẹ là Trần Nguyệt Hiền chàng thi sĩ bỗng chợt thoáng một âm thanh vang lên trong đầu. Bởi cô cùng họ Trần với chàng nên đặt tên cho đứa trẻ là Trần Huyền Trân. Không ngờ đó lại là một cái tên hay chàng bèn lấy làm bút danh của mình. Cái tên Trần Huyền Trân nổi lên từ đó trong làng thơ. Để chia sẻ với nỗi đau tha phương và thân phận của đứa trẻ ra đời nhà thơ đã viết: "Rồi lớn lên con! Mở mắt nhìn/ Khóc cùng bách tính sống như đêm/ Nhưng, không đừng khóc! Thân gân cốt/ Ta bậc thang đời/ Con giẫm lên" (Cái thai hoang - 1942). Hoặc, trong nỗi "Sầu chung II" nhà thơ đã nhỏ lệ thương phận má hồng: "Nhớ người nhớ phố Khâm Thiên/ Ả đào một kiếp thành tên bẽ bàng".

Khâm Thiên phố còn là nhân chứng cho một cuộc tình khác bên vườn hoa làng Thổ Quan. Nơi đó có chàng nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh (1922-1976). Khi mới 15 tuổi, chàng đã thầm yêu cô gái kế nhà bên vườn hoa nhà chàng. Cả hai ở tuổi vị thành niên nên gia đình cô gái phản đối quyết liệt. Tình yêu tuổi trẻ tuy xốc nổi nhưng lại vô cùng tha thiết. Họ quấn quýt bên nhau. Rồi một ngày bất ngờ cha cô gái được bổ nhiệm lên Thái Nguyên làm việc. Từ đó, chàng nhạc sĩ luôn bỏ nhà lên miền rừng núi hẹn hò với cô bạn. Chàng đã thề thốt với người yêu bằng một giai điệu mê hồn: "Nỗi lòng" (1938). Bài hát ấy lập tức nổi tiếng khi Nguyễn Văn Khánh tự đàn và hát trên đài phát thanh ca nhạc. Ngày đó nam thanh nữ tú đều thuộc lời ca da diết của bản tình khúc: "Yêu ai, yêu cả một đời/ Tình những quá khắt khe khiến cho đời ta/ Đau tủi cả lòng vì yêu ai mà lòng hằng nhớ…".

Nhưng rồi công việc bận rộn dậy đàn kiếm sống, Nguyễn Văn Khánh có tuần không thể lên thăm người yêu. Mấy tuần sau trở lại Thái Nguyên, nhạc sĩ không thể hẹn gặp được bạn tình. Hỏi dò, nhạc sĩ mới hay nàng đã bị bệnh lao và chết sớm. Chàng đã tìm tới mộ nàng khóc than suốt đêm. Người nhà của cô gái an ủi mãi, sáng hôm sau chàng mới chịu ôm hận trở về. Bên gốc liễu ngày nào hai người cùng hẹn hò, chàng nhạc sĩ trẻ đã bày tỏ sự đau đớn của mình qua tình ca: "Chiều vàng" (1939). Cho đến nay hai tác phẩm của Nguyễn Văn Khánh luôn được coi thuộc hàng những tình khúc hay mở đầu cho dòng nhạc tiền chiến.

Đường phố anh hùng

Đã từ lâu người ta thường nói đến phố Khâm Thiên là xóm cô đầu nhưng đâu hẳn thế. Thực ra khoảng 50 nhà hát cô đầu chỉ kéo dài từ ngõ Đền Tương Thuận đến ngõ Liên Hoa (chừng 500 mét). Phần đường phố còn lại chủ yếu là hiệu may và dệt vải. Khâm Thiên còn là nơi hội tụ những thợ lành nghề từ khắp nơi về mở cửa hàng. Rải rác đó đây còn có lò thủy tinh thổi bóng đèn và xưởng nấu xà phòng hiệu "Con Dê" nổi tiếng ngày đó. Hơn nữa còn nhiều xóm cô đầu ở những đường phố khác như chợ Mơ, Ngã Tư Sở, Bạch Mai… Riêng dãy nhà hát cô đầu ở Khâm Thiên bề thế hơn cả vì luôn tiếp đón những quan viên là công chức lắm tiền. Các đào nương ca trù cũng sang trọng và còn thanh cao nữa. Họ đều am hiểu thơ phú và có giọng hát được khổ luyện từ bé. Những biến tướng phía sau những canh hát nảy sinh là từ khi có mặt các đào rượu mà thôi. Khâm Thiên trở nên sầm uất, nhộn nhịp hơn nhiều nơi trên khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm).

anh 2.jpg -0
Những cô đầu trên phố Khâm Thiên khoảng năm 1940.

Đặc biệt, Khâm Thiên là phố duy nhất gặp những biến cố chiến tranh khủng khiếp nhất Hà Nội. Vào ngày 26/12/1972, cả phố bị giặc Mỹ rải bom B-52. Bom đã phá hủy 17 tổ dân phố theo chiều dài con đường, phá sập 534 căn nhà và làm 1.200 ngôi nhà khác hư hỏng nặng, kèm theo đó 287 người đã chết và 290 người bị thương. Không ít chiến sĩ tự vệ đã hy sinh anh dũng trong cuộc phố hợp với quân đội chiến đấu bắn máy bay giặc. Trong trận "Điện Biên phủ trên không" ấy, quân và dân Thủ đô đã dũng cảm chiến đấu, hạ gục pháo đài bay B-52. Sau này quân và dân phường Khâm Thiên được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng (2010). Hiện nay, phố đã dựng đài tưởng niệm để ghi nhớ những người đã mất trong những ngày tháng đó. Đây cũng là tượng đài đánh dấu trận đánh kiên cường và hào hùng nhất của quân và dân Thủ đô. 

Phố "Văn"

Dấu ấn phố Khâm Thiên được coi là cái nôi văn hóa đậm sắc văn hóa cổ truyền với thể loại ca trù (hát ả đào). Trên sàn hát cô đầu ngày ấy luôn vang lên những bản đàn bất hủ như "Vịnh Tỳ bà hành", "Chí làm trai", "Đi thi tự vịnh" của Nguyễn Công Trứ. Nhà chí sĩ này còn đó nhưng bản ca trù lừng danh cùng với nhiều người khác. Thật khó quên những tác giả: Dương Khuê, Tản Đà, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thượng Hiền, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương… Những người đến thưởng thức (quan viên) đều thạo cầm chầu tham gia canh hát thâu đêm. Họ rất say mê giọng hát ma mị của đào nương với những lời ca: "Hồng hồng tuyết tuyết/ Mới ngày nao chưa biết cái chi chi/ Mười lăm năm thấm thoát có xa gì/ Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu..." (Dương Khuê). Những ai đã từng đến đây đều phải học qua để biết cách cầm chầu. Họ đều thuộc lời ca trù của Nguyễn Công Trứ đầy khí phách với những câu thơ: "Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc/ Nợ tang bồng vay trả trả vay/ Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể" (Chí làm trai).

Những mối tình thơ giữa các nhà văn với các cô đầu nổi tiếng ở đây đã nảy sinh mà ai cũng nhớ. Đó là tri âm tri kỷ giữa nhà báo Hoàng Tích Chu với cô Đốc Sao và cuộc tình kéo dài của nhà văn Nguyễn Tuân với đào nương Chu Thị Năm. Có thể nói, hầu hết các nhà văn, nhà thơ thời đó đều đến xóm cô đầu Khâm Thiên. Họ khai thác được nhiều hiện thực sống động và khổ đau của tầng lớp đào hát để sáng tác. Tác phẩm của họ về đề tài này đều có giá trị thậm chí còn xuất sắc như "Chùa Đàn", "Chiếc lư đồng mắt cua" (Nguyễn Tuân), hoặc "Đứa con của người cô đầu" (Kim Lân), hay "Giai thoại một chầu hát không tiền khoáng hậu" (Thạch Lam) và còn đó những bài thơ đầy xót xa về thân phận ả đào của Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Đinh Hùng… Không ai có thể quên những câu thơ đầy cảm xúc của Trần Huyền Trân, khi ông viết tặng Quách Thị Hồ: "Thôi khóc chi ai sống đọa đầy/ Tỳ bà tâm sự rót nhau say/ Thơ tôi gửi tặng người ngâm nhé/ Cho vút giọng sầu tan bóng mây" (Sầu chung I).

Vương Tâm
.
.