Chuyến đò trên sông Ngàn Phố

Thứ Sáu, 30/12/2022, 21:14

Mùa xuân năm 1974, sau 3 năm chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên tôi được trở ra miền Bắc để dưỡng thương, đây là lần đầu tiên trong đời tôi được tới Hương Sơn, được ngắm nhìn dòng sông Ngàn Phố trong xanh uốn lượn giữa đôi bờ tre xanh êm ả.

C15 đóng quân trong xã Sơn Thịnh, một vùng đất văn vật có tiếng xưa nay. Từ chợ Choi trên quốc lộ 8A (như là một trung tâm thứ hai của Hương Sơn mà chúng tôi hay gọi đùa là Lê nin grat Choi) muốn về Sơn Thịnh phải qua bằng đò. Qua đò Choi do bà Cát chèo rồi thì không thể không ghé vào quán cu đơ bên cạnh bến đò được. Mùi kẹo mật mía trộn lạc cúc và gừng được cặp hai bên hai lá bánh đa mỏng, tròn làm ngây ngất thực khách.

Vào đây, các chàng trai vừa rời chiến trường khói lửa trở về hậu tuyến còn được ngắm nghía các nữ sinh viên trường Cao đẳng 10+3 của Hà Tĩnh đang học tập quanh vùng cũng thường ra tìm của ngọt và tìm… bộ đội. Biết bao bạn bè nhận ra nhau ở nơi này. Biết bao cặp trai hùng gái xinh kết thành đôi lứa bên dòng sông, bãi chợ, chuyến đò ngang hay quán nước chè chát cõng cu đơ này.

chuyen do tren song ngan pho -0

Một chiều nọ, cũng trên con đò của bà Cát đang từ Choi qua Sơn Thịnh thì tôi chợt sững người: Thầy Hóa? Tôi nhìn kỹ thầy mấy lần rồi bối rối: "Thầy… phải thầy Hóa không ạ?". Người đàn ông ấy đang đứng trên đò, tay giữ ghi đông xe đạp, đầu đội cái mũ "Xanh ga po" nhìn tôi. Ông nhìn rồi lắc đầu, rồi lại nhìn tôi từ đầu xuống chân. Trong ánh mắt ấy, tôi nhận ra đúng là thầy Hóa! Tôi tiến đến chìa hai bàn tay ra: "Em đây! Bùi Quang Thanh ở Giếng Vàng đây!".

Thầy tôi òa lên một tiếng reo, rồi nhìn kỹ tôi xanh xao ốm yếu, nhìn bộ quân phục vải tô châu còn mới, thầy biết ngay tôi vừa từ chiến trường ra. Hai thầy trò ôm nhau trên con đò chòng chành vượt sông sang ngang, giữa những cặp mắt tò mò và thú vị của những anh bộ đội, những nữ sinh viên, của các bà bán chè bán mít sang chung chuyến đò ấy.    

Thầy Hóa là chủ nhiệm lớp 3 và lớp 4 của tôi ở trường cấp I. Tôi vào loại thấp bé nhẹ cân trong lớp, học cũng bình thường, tính nhút nhát ít khi xung phong lên làm bài, phát biểu nên những tháng đầu về dạy thầy cũng không mấy quan tâm. Thầy ở trọ sát cổng trường, nhà bà Lơ hàng xóm với nhà tôi. Nhà bà Lơ rất nghèo, ông chồng không có ruộng cày nên ông lên vùng Đá Bạc cách làng tôi mấy giờ đi bộ để lập trại chăn trâu bò thuê cho dân trong vùng.

Bà Lơ có 3 người con đặt tên là Lơ, Bé, Lé. Thằng Lé hơn tôi một tuổi, đen trùi trũi, nghịch ngợm và rất luộm thuộm, quần áo nâu vá loang lổ, nước mũi lúc nào cũng thè lè, hay khóc nhè nhưng đấm đá rất đau. Thầy Hóa về ở trọ trong nhà Lé, thầy đề nghị bà Lơ và nhà trường đổi tên cho nó là Lê. Thật đơn giản, chỉ bỏ một dấu huyền trên chữ Lé là thành cái tên thật sang, thật đẹp: Nguyễn Xuân Lê.

Tuy là ở trong nhà "cậu ấm Lê" của bà Lơ, ăn cơm bà Lơ nấu, uống nước chè bà Lơ ủ và thầy cũng cuốc đất trồng rau, trồng khoai sắn cùng gia đình bà Lơ, vậy nhưng trên lớp thầy rất nghiêm khắc với thằng Lê vì nó lười học. Tôi đã nhiều lần nghe thầy quát thằng Lê vì việc đó và có lẽ thế mà Lê vừa sợ vừa không thích thầy. Tôi cũng ngại gặp thầy mỗi khi sang nhà bà Lơ tìm Lê để chơi, vì sợ…

Kỳ hai năm học lớp Ba, tôi bị một trận ốm thập tử nhất sinh. Tôi lên cơn mê sảng, nói lung tung, người nóng như lửa và bị… ngây. Quê tôi gọi người mất trí hoặc điên là "ngây".

Sau những cố gắng của trạm y tế xã nhưng không thuyên giảm, bụng tôi cứ chướng lên, nói năng linh tinh, khi cười khi khóc đúng như… ma ám, tôi được bỏ vào bồ gánh lên bệnh xá huyện. Những ngày này ai cũng nghĩ là tôi sẽ chết vì người đã như bộ xương, da xanh tái, mắt thao láo, lưỡi thâm đen.

Dì Trí - chị gái mẹ tôi lo lắng bảo mẹ: "Lưỡi đã thâm rồi thì không được mấy ngày nữa mô. Dì gọi dượng về đi". Mẹ tôi nước mắt lưng tròng, bảo anh trai tôi xuống bưu điện gọi điện ra đơn vị cho bố tôi biết để kịp về gặp tôi. Lúc này bố tôi đang đóng quân ở Tây Bắc. Ai cũng tuyệt vọng vì căn bệnh quái ác của tôi. Duy chỉ tôi, nói chuyện, tiếp khách tới thăm là cứ leo lẻo.

Một hôm thầy Hóa dẫn mấy bạn trong lớp đến bệnh xá thăm tôi. Lúc ấy là buổi trưa, tôi đang ngồi nói lảm nhảm trên giường, thầy bước vào phòng chào mẹ tôi và ôm chầm lấy tôi, thầy khóc. Hình như đây là lần thứ hai tôi thấy thầy khóc, thấy những giọt nước mắt lăn ra từ cặp mắt vốn nghiêm nghị của thầy. Lần đầu tiên là khi đang dạy trên lớp, thầy nhận được một bức điện tín do cô văn thư của trường đưa tận tay. Thầy đọc rồi chợt mặt tái lại, ngẩn ngơ trong giây lát rồi hai dòng nước mắt chảy ra. Phút chốc đôi mắt thầy đỏ hoe.

Như chợt nhớ đang đứng trên bục giảng, phía dưới là hơn bốn chục học trò bé nhỏ, thầy lấy khăn mùi soa trong túi quần ra lau vội rồi bảo: các em chờ thầy một lúc. Thầy ra khỏi lớp đi về phòng thầy Đôn Hiệu trưởng. Tôi bé nhỏ, ngồi bàn đầu nên quan sát thầy rất kỹ. Cả lớp xôn xao, mấy bạn gái cũng mắt đỏ hoe dù không biết có chuyện chi mà thầy khóc. Rồi thầy quay về lớp rất nhanh, giọng nghẹn ngào: "Mẹ thầy ốm nặng, thầy xin phép nghỉ về chăm mẹ. Các em sẽ có thầy Quang dạy thay thầy một thời gian". Quê thầy mãi Hương Sơn, một huyện miền núi của tỉnh, nghe đâu giáp nước Lào. Chúng tôi đứng dậy chào thầy rồi cả lớp ùa ra cửa, nhiều đứa dán mắt vào song cửa sổ ngóng theo bóng thầy lúc mặt trời đang xế…

Hôm ấy thầy ôm lấy tôi, vuốt ve mái tóc quăn xù của tôi mà nói những lời lạ lẫm: "Em có trách thầy những lần thầy mắng em không? Em có nhớ các bạn trong lớp không? Cố gắng khỏe để trở về học tiếp nhé! Thầy đã cho mấy bạn nữ chữ đẹp nhất chép vở giúp em rồi…". Tôi cứ tỉnh queo vâng dạ rồi tôi chợt reo lên: "Thầy ơi! Bộ đội kéo pháo đông quá. Pháo to và đẹp quá!". Thầy Hóa và mấy bạn cùng nhìn theo tay tôi chỉ. Thầy bảo: "Có ai kéo pháo đâu. Mấy bụi lá kè bị gió lay đấy chứ". Các bạn tôi cười vì sự "ngây" của tôi, còn thầy và mẹ tôi thì lại rơi nước mắt.

Như có phép thần kỳ, khi các y sĩ, y tá của bệnh xá Cẩm Xuyên cố gắng chuyền nước cầm cự cho tôi, hình như chỉ mong bố tôi kịp về… thì tôi được anh tôi đút cho một bát cháo "thần kỳ". Bát cháo không có thịt, thật nhuyễn, có một số mảnh như da gà đã chiên qua, dai dai mà béo ngậy. Thần kỳ ở chỗ là cả gần tháng trời ốm đau tôi không chịu ăn uống gì mà hôm ấy tôi thèm ăn bát cháo ấy. Tôi đã chén sạch cả bát cháo trước sự mừng rỡ của anh tôi, mẹ tôi. Riêng dì Trí tôi thì khóc. Sau này dì bảo có cảm giác như nó ăn để chết, để khỏi thành ma đói.

Qua đêm ấy thì tôi hết sốt, thèm ăn rồi vịn giường tập đi. Một tuần sau về nhà bằng đôi chân khẳng khiu nhưng đã có phần nhanh nhẹn. Lúc này tôi mới biết bát cháo hôm ấy là cháo trùn khoang cổ do chính tay anh tôi làm theo lời khuyên của một bà o. Hóa ra chẳng phải ma quỷ chi làm mà do tôi trúng thương hàn. Do hôm ấy tôi giang nắng cả trưa xem đám ma, gánh nước về nhà mệt, mồ hôi ra nhiều là tắm ngay, nước giếng mát lạnh nữa nên tôi bị thương hàn. Những cụ trùn đất khoang cổ đã cứu tôi thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Đó là mùa xuân năm 1962.

Tôi trở lại trường trong sự mừng vui của các bạn cùng lớp. Thầy Hóa tỏ ra hết sức chăm sóc tôi, dặn các bạn học giỏi kèm tôi học các bài đã bị bỏ qua trong thời gian đau ốm. Khi đứng trên bục giảng, thầy thường dành ánh mắt cho tôi, một câu thầy hỏi cả lớp nhưng thấy tôi tỏ ra hăng hái là thầy chỉ tôi phát biểu. Tôi tự tin dần lên, chăm chú học bài và không ngại "xung phong" bàn luận như trước nữa.

Học thầy Hóa môn quốc văn, chúng tôi rất thích tác phong giảng dạy của thầy. Tay chân vung lên bày tỏ cảm xúc, ánh mắt vời vợi say mê với bài giảng, thầy như thả hồn vào những bài văn tả cảnh, những câu chuyện về các nhân vật tiêu biểu trong trang sách ấu thơ chúng tôi học. Có bữa đang bay bổng cùng tác phẩm, đột nhiên thầy dừng lại, bao quát cả lớp một "vòng" mắt rồi thầy hỏi: "Thế các bạn có biết vì sao anh Trần Đại Nghĩa làm được như vậy không?" (nghĩa là Anh hùng Trần Đại Nghĩa đã chế ra các loại vũ khí cho bộ đội ta đánh Pháp trong bài tập đọc lớp ba). Thấy dễ ợt, tôi xung phong và được thầy cho phép. "Thưa thầy, vì anh ấy thông minh và chịu khó ạ". "Chưa trúng! Em nào nữa?".

Người thì bảo vì anh ấy yêu nước, đứa thì vì anh ấy quyết tâm, đứa lại bảo anh ấy vâng lời Bác Hồ, đứa thì bảo vì anh ấy căm thù giặc Pháp… Cuối cùng thầy chỉ cô trò học giỏi nhất lớp, chăm chỉ nhất lớp, đó là Bùi Thị Kim Hoa. Kim Hoa đứng dậy tự tin: "Thưa thầy, sở dĩ anh Trần Đại Nghĩa làm được những việc đó là vì anh ấy đã dám nghĩ dám làm". Đang ngồi ở ghế, thầy Hóa tự dưng bật dậy như cái lò xo bị nén: "Đúng quá! Dám nghĩ dám làm! Thầy cho em 10 điểm". Chao ơi, cái bật lò xo và ánh mắt vui sướng của người thầy ấy cứ ám vào tôi mãi mãi mỗi khi nhớ về thầy, nhớ về tuổi thơ đi học.

Tôi bắt đầu thích học, đặc biệt những môn tập đọc, lịch sử và ham đọc sách. Chính sự ham đọc sách thái quá làm tôi bị học lệch một số môn. Thầy vẫn thường khích tôi: Em hơn các bạn một số môn về xã hội nhưng lại kém nhiều bạn về tự nhiên. Thầy nghĩ chỉ tại em chưa chú trọng các môn tự nhiên mới thua kém họ. Em thử cố gắng xem sao? Và tôi cố gắng thật.

Năm lớp 4 (cuối cấp) tôi đạt học sinh tiên tiến, được lên thẳng cấp hai và trong học bạ cuối cấp Một, lời hạ bút cuối cùng của thầy làm tôi phấn chấn: "… có triển vọng về quốc văn!". Tôi mang tinh thần "có triển vọng..." ấy lên cấp hai trường huyện với một tâm hồn phơi phới nhưng nỗi buồn phải xa thầy Hóa làm tôi hẫng hụt một thời gian. Thầy đã chuyển về dạy ở quê nhà Hương Sơn để tiện chăm sóc mẹ già. Hương Sơn nghe đâu xa lắm, mãi sát biên giới Việt - Lào, sát chân dãy núi Giăng Màn mờ tít phía Tây…

Bùi Quang Thanh
.
.