Chuyện bên Cột cờ Hà Nội

Thứ Năm, 05/01/2023, 09:24

Mới đây có dịp gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Cấy tại Cột cờ Hà Nội tôi được sống lại bao ký ức về Thủ đô ngàn năm văn hiến. Ông là người chụp được bức ảnh Cột cờ vào đúng ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954). Đó là hình ảnh những chiến sĩ quân đội ta chuẩn bị làm lễ kéo cờ Tổ quốc lên Cột cờ Hà Nội chào mừng quân và dân ta trở về sau chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong sáng muôn nơi dồn cả lại

Phải nói nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Cấy là một trong những cây đại thụ hơn nửa thế kỷ cầm máy với hàng trăm bộ ảnh về Hà Nội. Ông là người thuộc từng chi tiết được xây nên kỳ đài cột cờ từ những năm 1812, dưới thời vua Gia Long. Cột cờ được khắc trên đỉnh cột hai chữ "Kỳ đài" và nằm trên phần đất của Hoàng thành Thăng Long.

Nghệ sĩ Hữu Cấy cho biết, Cột cờ được kết cấu nằm trên ba tầng đế hình chóp vuông cụt chồng lên nhau. Riêng chiều dài cạnh chân đế dài 42,5 mét. Trên đế tầng ba là thân cột cờ hình trụ có 8 cạnh thon dần lên cao. Tổng chiều cao kỳ đài chừng hơn 40 mét. Xưa đã có thơ mô tả vẻ đẹp của kỳ đài Thăng Long như biểu tượng của một đế chế nhà Nguyễn hùng mạnh: "Kỳ đài năm thước vút trời cao/ Thông đạt trong tâm có đường vào/ Trong sáng muôn nơi dồn cả lại/ Trung tâm thiên hạ đẹp biết bao". Đọc thơ xong nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Cấy dẫn tôi lên từng bậc thềm vào phía trong để đi lên Cột cờ Hà Nội.

Chuyện bên Cột cờ Hà Nội -0
Cột cờ Hà Nội.

Cột cờ gắn với những câu chuyện lịch sử bi hùng trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta. Giặc Pháp tấn công đánh chiếm thành Thăng Long vào những năm 1873 (lần thứ nhất) và 1882 (lần thứ hai). Khí phách anh hùng Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu sẵn sàng thủ tiết không chịu đầu hàng giặc Pháp đã thể hiện tinh thần bất khuất của dân tộc ta.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Cấy bồi hồi nhớ lại những ký ức khó quên vào những ngày đầu Giải phóng Thủ đô. Hàng ngàn người đứng trong sân vận động Cột cờ với sự phấn chấn tột độ. Họ reo vang và hô to khẩu hiệu sau khi đồng chí Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội, đọc bản "Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô". Giọng đọc của Thiếu tướng Vương Thừa Vũ vang động khắp các cửa ngõ Thủ đô thể hiện sâu sắc từng câu chữ của Bác Hồ. Đó là ánh sáng mới bừng chiếu trên lá cờ Tổ quốc.

Ngắm hình ảnh ngôi sao vàng cuồn cuộn như sóng dưới ánh nắng xuân tươi, tôi bỗng nhớ đến câu thơ của cố thi sĩ Xuân Diệu đã viết trong trường ca "Ngọn Quốc kỳ". Lời thơ thật hào sảng: "Gió bay đi, mà nhạc cũng bay theo/ Đưa tin mới khắp trên trời nước Việt/ Hoa cỏ đón, mà núi sông cũng biết/ Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay". Lá Cờ đỏ sao vàng là linh hồn của dân tộc Việt. Kỳ đài là biểu tượng anh hùng ca Thủ đô bất khuất. Ánh sao lung linh trên sắc đỏ như đang kể lại những câu chuyện chiến đấu kiên cường của quân và dân Thủ đô chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Cột cờ là một nhân chứng lịch sử, chiến đấu và dựng xây Tổ quốc của quân và dân Thủ đô.

Tôi và nghệ sĩ Hữu Cấy dừng chân ở cửa hướng Đông với hai chữ "Nghênh húc" (đón nắng ban mai) được khắc trên cao. Ánh nắng ùa vào trong kỳ đài tạo nên tấm lụa vàng sóng sánh phủ lên những rêu phong xanh thẳm với thời gian. Thật chí tình khi nhà thơ Phan Quế Mai đã viết: "Hà Nội sinh và tự lớn lên trong tôi/ Một cây yêu thương xum xuê vòm lá/ Cây yêu thương tạc hình Cột cờ Hà Nội thổi vào hồn tôi phấp phới hai từ Tổ quốc".

Dưới bóng cờ con tim ngân lên lời ca

Ngay từ đầu hình tượng cờ đỏ sao vàng được sinh thành trong cuộc chiến đấu của phong trào khởi nghĩa Nam Kỳ (1940). Họa sĩ Nguyễn Hữu Tiến đã được xứ ủy phân công cho việc thiết kế mẫu Cờ đỏ sao vàng. Động viên cho các chiến sĩ ông đã viết một bài thơ vừa để giải thích ý nghĩa của lá cờ đồng thời kêu gọi mọi người hăng hái đầu quân khởi nghĩa. Đó là những câu thơ nóng bỏng từ trong máu lửa: "Hỡi những ai máu đỏ da vàng/ Hãy chiến đấu dưới lá cờ Tổ quốc/ Nên cờ thắm màu đào vì nước/ Sao vàng tươi, da của giống nòi/ Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi/ Hỡi sĩ nông công thương binh/ Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh". Tuy cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng lá cờ như một biểu tượng lý tưởng cho công cuộc giải phóng dân tộc.

Ngay sau đó, Cờ đỏ sao vàng đã được hiện diện ở Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, tại Pắc Pó (Cao Bằng) năm 1941. Tới Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Cờ đỏ sao vàng trở thành quốc kỳ chính thức ở nước ta. Hình tượng lá cờ Tổ quốc ngay từ những ngày đầu đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nung nấu trong ý chí cách mạng. Người đã từng viết: "Một canh… hai canh… lại ba canh/ Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành/ Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt/ Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh" (Không ngủ được).

Chuyện bên Cột cờ Hà Nội -0
Biểu tượng cột cờ Hà Nội trên bờ biển Đông (Mũi Cá Mau).

Biểu tượng lá cờ  - Tổ quốc luôn được nêu cao và trở thành hình tượng nghệ thuật. Cũng chính vì thế cột cờ luôn gắn kết với ý nghĩa của lá cờ trên mọi chặng đường lịch sử. Trước đó trong chín năm trường kỳ kháng chiến, nhà thơ Xuân Diệu khi viết trường ca: "Ngọn quốc kỳ". Ông luôn thể hiện cảm xúc khi đề cập tới hình tượng Lá cờ-Tổ quốc trong những câu thơ: "Nơi nào khổ, nơi nào đâu máu ứa/ Cờ đến kêu: "Tổ quốc ở bên ta!". Hình tượng lá cờ luôn xuất hiện trong âm nhạc và hội họa. Trong một cuộc triển lãm ở chiến khu Việt Bắc không ai không nhớ đến bức tranh "Kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ" của họa sĩ Nguyễn Sáng. Dấu ấn lá cờ trở thành linh hồn tác phẩm. Bức tranh nền màu đỏ phía sau làm nổi bật nhưng mảng vàng tạo nên ánh xạ lung linh sắc cờ nơi chiến hào khốc liệt.

Riêng về lĩnh vực âm nhạc, Cờ đỏ sao vàng càng được bừng sáng với những giai điệu sôi động bay bổng. Người nghe luôn nhớ đến bài "Màu cờ tôi yêu" của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ca khúc thu hút người nghe ở nhịp điệu tình ca gắn liền với hình tượng được lặp đi lặp lại ở câu: "Màu cờ đỏ vẫn sáng lòa hồn tôi" hoặc "Màu cờ đỏ vẫn thắm màu lòng tôi" và câu kết chính lại là một lời ru dịu dàng: "Ru tôi trong ánh mặt trời/ Ôi màu cờ ấy là màu tình yêu".

Trong những năm gần đây, nhạc sĩ Tạ Quang Thắng bất ngờ nổi bật với ca khúc "Lá Cờ". Giai điệu mang tính tự sự tâm tình toát lên ý tưởng trong sáng về hình tượng Cờ đỏ sao vàng. Dường như tác giả đang kể một câu chuyện có chiều sâu về cuộc sống luôn được sinh tồn trong ánh sáng của lá cờ cách mạng. Câu chuyện âm nhạc của Tạ Quang Thắng gây xúc động lòng người với lời ca: "Chuyện của cha tôi/ Là những giấc mơ dở dang/ Là xếp bút nghiên chiến đấu/ Vì một màu cờ đỏ tươi thấm máu bao người". Cuối cùng những người con tiếp bước cha ông đã nguyện một lòng: "Để rồi nay bước trên con đường đời/ Dù bao gian khó chông gai đời tôi/ Đứng dưới bóng cờ là con tim ngân lên lời ca/ Đoàn quân Việt Nam đi…".

Cột cờ Hà Nội dậy sóng biển đông

Câu chuyện triền miên về lá cờ còn đang dở dang thì nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Cấy cho biết, mới đây biểu tượng kỳ đài Hà Nội đã vươn ra biển lớn. Tại khu Công viên Văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, họ đã xây một cột cờ theo đúng mẫu Cột cờ Hà Nội. Phạm vi thiết kế rộng tới 1,6ha tạo nên công viên xung quanh luôn xanh tươi. Đây là món quà đầy ý nghĩa do UBND thành phố Hà Nội xây tặng tỉnh Cà Mau (Khánh thành năm 2019).

Nghệ sĩ Hữu Cấy nhấn mạnh, công trình kiến trúc cột cờ là dấu mốc quan trọng với trục đường Hồ Chí Minh nối liền Bắc - Nam. Đặc biệt nơi đây vang dội bản hùng ca lịch sử của dân tộc ta trong sự nghiệp chiến đấu giành độc lập tự do. Đồng thời cột cờ còn là cột mốc đánh dấu chủ quyền độc lập của đất nước ta trên bờ biển đông. Đó chính là hình ảnh Lá cờ - Tổ quốc thân yêu của chúng ta luôn sống dậy với lời ca: "Trong đêm tối lúc mưa sa/ Màu cờ đỏ vẫn sáng lòa hồn tôi" (Màu cờ tôi yêu).

Bình Nguyên
.
.