Chùa Quỳnh Lâm - Bích động thi xã
Tiếng là đã từng có thời gian đóng quân ở xã Tràng An (huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) nhưng cũng phải đợi những 23 năm tôi mới tới thăm chùa Quỳnh Lâm. Lần ấy là tình cờ nên cuộc thăm thú không nhiều thời gian. Ấn tượng trong tôi ở lần ngắn ngủi ấy là tháp chuông chùa Quỳnh Lâm, một tháp chuông cao hai tầng được xây dựng trên nền cao.
Và rồi cũng phải thêm 25 năm nữa tôi mới thực sự có được cuộc thăm thú dài dài hơn và tìm hiểu được kỹ càng hơn về ngôi chùa được mệnh danh là “Đệ nhất danh lam cổ tích nước Nam”. Như “những người quen cũ” bất ngờ gặp lại nhau tôi thấy bừng trong tâm trí niềm vui khó tả. So với 25 năm trước, chùa Quỳnh Lâm bây giờ đã khang trang hơn nhiều với nhà Tam bảo, nhà Tiền đường và nhà Chính điện mới và to rộng. Nhưng tháp chuông chùa vẫn thế, cao và thanh thoát với quả chuông đồng có tên là “Đại Hồng Chung”, được đúc từ thời Nguyễn.
Nhớ lần ghé thăm trước, chúng tôi đã leo lên những bậc cầu thang gỗ để tới sờ tay và xin phép được “thỉnh” một tiếng chuông. Hôm đó trời đã về chiều, bóng núi, bóng cây đang phủ mầu thấm đẫm, tiếng chuông âm âm như gọi về xa xưa, gợi niềm hoài cổ. Dạo đó chúng tôi chỉ mang máng được nghe rằng chùa Quỳnh Lâm và quả chuông chùa rất linh và cũng rất thiêng. Nghe giới thiệu thế lại nghe tiếng chuông âm âm trong buổi chạng vạng, chúng tôi thấy chút rờn rợn, thấy xa xôi hiện về.
Chuyến đi thăm chùa Quỳnh Lâm này xuất phát từ Trại sáng tác văn học. Chả là các nhà văn tham dự Trại sáng tác văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc. Vì bình yên cuộc sống” được UBND thị xã Đông Triều mời đi thăm Khu di tích Nhà Trần trên địa bàn thị xã. Một cuộc đi thăm tưởng không ăn nhằm gì tới “Trại viết” hóa ra lại bổ ích. Các nhà văn đã được thăm, được hiểu về mảnh đất Đông Triều - Triều đình phía Đông của nhà Trần. Một cuộc đi thăm bổ ích giúp các nhà văn tường thêm về lịch sử và những giá trị văn hóa.
Hướng dẫn cho đoàn chúng tôi vẫn là bà Nguyễn Thị Phương, Phó trưởng Ban quản lý di tích thị xã Đông Triều, mấy bữa trước cũng chính bà Phương là người đã giới thiệu với chúng tôi về Đền An Sinh. Bà Phương cho biết: “Chùa Quỳnh Lâm được khởi dựng từ thời Lý, năm Long Thuỵ Thái Bình thứ 4 (1057) thời vua Lý Thánh Tông”. Nhưng thực ra thì “gốc” của chùa Quỳnh Lâm có từ trước đó nhiều thế kỷ. Nghe đâu như vào cuối thế kỷ thứ 5, đầu thế kỷ thứ 6 thì phải? Và ngôi chùa thuở sơ khai đó đã từng được tu sửa qua các triều Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê. Bà Phương giới thiệu: “Đặc biệt là chùa Quỳnh Lâm được tôn tạo và hoàn chỉnh vào cuối thời Lý, Trần. Trong các thế kỷ 11 - 14, thời kỳ cuối Lê và thế kỷ 17 -18, Quỳnh Lâm là trung tâm Phật giáo lớn nhất của Việt Nam”.
Chùa Quỳnh Lâm chỉ thực sự trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng trong thế kỷ 14 với hoạt động của Pháp Loa, vị tổ thứ hai củaThiền phái Trúc Lâm Yên Tử, sau Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Nhị Tổ Pháp Loa sinh ngày 7 tháng 5 niên hiệu Thiệu Bảo thứ 4, tức năm 1284, quê ở làng Cửu La, huyện Chí Linh, lộ Lạng Giang (nay là huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Người vốn tên thật là Đồng Kiên Cương, sau này đi tu mới đổi pháp hiệu là Pháp Loa.
Sau khi Pháp Loa chính thức được Phật Hoàng Trần Nhân Tông truyền y bát, trở thành Tổ thứ 2 Thiền phái Trúc Lâm, trở thành người lãnh đạo Phật tử trong cả nước, số người xin xuất gia và quy y học đạo rất đông, lên tới hàng vạn. Ông thường xuyên tới chùa Quỳnh Lâm thuyết pháp cho tín đồ. Các vua Trần, cùng các vương hầu, tôn thất, quý tộc nhà Trần đều thường xuyên lui tới, Quỳnh Lâm trở thành chốn “Tùng Lâm” khang trang, nhộn nhịp.
Bà Phương cho biết thêm: “Sang thời Thiệu Trị (1840 - 1847), chùa bị cháy Chính điện và Tiền đường, sau đó được trùng tu lại. Đến năm 1910 hỏa hoạn lại tiếp tục thiêu trụi hết tượng đài, gác chuông, gác trống… Sau hoả hoạn, nhân dân thập phương đã cùng nhau quyên góp tu sửa lại, nhưng chưa được bao lâu thì năm 1947 máy bay giặc Pháp ném bom xuống chùa vì nghi ngờ đây là cơ sở kháng chiến. Lần này chùa bị phá huỷ hoàn toàn. Đến 1995, chùa được xây dựng lại”. Tôi gật gù, thảo nào mà năm 1998 tôi tới chùa thấy còn “hoang vu” và thưa vắng. Hơn hai mươi năm có khác, chùa Quỳnh Lâm đã hiển hiện với sức vóc mới và hoành tráng, xứng với danh xưng “đệ nhất”.
Sáng nay trời rất nắng. Tôi vừa nghe bà Phương giới thiệu vừa ngước mắt nhìn trời, nhìn khắp bốn xung quanh chùa. Đúng là mọi sự đều đã đổi thay ngoài sức tưởng tượng. Ngoài Tháp chuông gọi là “cũ” ra thì chùa Quỳnh Lâm hiện nay khang trang lên rất nhiều. Ngay khoảng sân trước Tháp chuông cũng thế, ngày trước khi tôi tới thì sân này chưa có nên Tháp chuông có vẻ như ẩn khuất rồi vút cao lên giữa bốn bề cây lá tốt tươi. Nay khoảng sân đã cho mắt nhìn Tháp chuông như đứng giữa mênh mông.
Theo bà Phương, qua các đợt tiến hành khảo cổ và phục cổ đã cho thấy đây là ngôi chùa có nhiều giá trị lịch sử và văn hóa. Ở đây hiện còn “vườn tháp cổ” với 11 ngôi tháp, trong đó 7 ngôi tháp với chất liệu bằng đá còn nguyên vẹn, 4 ngôi tháp đã được phục dựng lại trong những năm cuối của thế kỷ 20. Khoảng 20 ngôi tháp đã bị đổ sập hoàn toàn, chỉ còn lại những dấu vết gò mộ mà vị trí đó hiện là nơi trưng bày di tích khảo cổ, giá trị của cổ vật là dấu ấn xây dựng, kiến trúc qua các thời kỳ từ nhà Lý tới nhà Nguyễn.
Đặc biệt, Quỳnh Lâm nổi tiếng với những ngôi tháp như: Tháp Tịch Quang, xây dựng năm 1727, để tưởng niệm vị hòa thượng Tuệ Đăng chính giác Chân Nguyên Thiền sư, người có công lớn trong giới thiền gia bấy giờ. Trong thời gian trụ trì tại chùa Quỳnh Lâm ông đã có công đức tu sửa, đúc chuông, tạc tượng và in nhiều Kinh Phật cho chùa. Đặc biệt vào năm Chính Hòa thứ 5 ông đã cho xây dựng một tòa Cửu Phẩm lớn.
Ngày nay tòa Cửu phẩm tuy không còn nhưng tháp đá vẫn còn nguyên vẹn, tháp gồm 7 tầng có mặt bằng vuông và cao trên 10m. Cạnh đáy tháp dài 2,7m, càng lên cao càng thu nhỏ dần. Tháp có cấu trúc đơn giản, ít trang trí, và điều đáng chú ý là tháp được ghép từ các tảng đá xanh không có kết cấu vôi vữa. Cũng như nhiều tháp đá đương thời, tháp Tịch Quang được bịt kín các tầng, chỉ để tầng 3 làm cửa cuốn, trong lòng rỗng để làm hương khói cho thiền sư. Trang trí trên tháp cũng hết sức đơn giản. Rồng được khắc trên tháp trông dữ tợn và được chạm 4 mặt ở tầng trên cùng, các tầng khác không chạm gì ngoài những chữ Hán lớn. Ngoài ra còn có các tháp nhỏ khác được dựng lên để tưởng niệm các vị sư tăng đã có công trong việc trụ trì như: tháp Tĩnh Minh (1822), tháp Tường Quang (1854), tháp Tuệ Quang (1878), tháp Diệu Quang và tháp có mặt cắt hình lục giác không rõ họ tên, niên đại. Các tháp này đều mang phong cách đơn giản thời Nguyễn.
Bà Phương cho hay: “Chùa Quỳnh Lâm thời Trần không những là trung tâm Phật giáo, nơi tập trung các tăng ni phật tử, mà còn là nơi để các danh nho lui tới”. Theo sử sách còn ghi lại, vào đầu thế kỷ thứ 14, tại chùa Quỳnh Lâm đã có một “Bích Động Thi Xã” do tư đồ Văn Huệ Vương Trần Quang Triều sáng lập, đây là một trong những Hội Thơ sớm nhất của nền thi ca phong kiến Việt Nam. Thi Xã được lập ở Am Bích Động, ngay cạnh chùa Quỳnh Lâm và chính sự xuất hiện của Thi Xã đã khiến Quỳnh Lâm càng nức tiếng xa gần. Bích Động Thi Xã đã hội tụ một số nhà thơ nổi tiếng thời Trần, với những thành viên còn lưu danh đến ngày nay như: Trần Quang Triều, Nguyễn Sưởng, Nguyễn Ức và Nguyễn Trung Ngạn. Sự ra đời của Bích Động Thi Xã là bước tiến quan trọng trên tiến trình lịch sử phát triển văn học nước ta trong giai đoạn đầu thế kỷ 14”.
Theo như tôi được nghe thì ở chùa Quỳnh Lâm này đã từng có nhiều báu vật quý, có giá trị cao. Danh tiếng “Thiên nam tứ đại khí” chính là để chỉ về những báu vật đó. Do nhiều biến động nên “tứ đại khí” chỉ còn lại quả chuông đồng. Nhưng như để bù lại sự mất mát đó, công trình phục dựng chùa Quỳnh Lâm ngoài những di vật khảo cổ đang được trưng bầy công khai, thì bức tượng Phật ngọc cao 2,2 mét, nặng 3,7 tấn là một báu vật mới rất giá trị.